Ca khúc thiếu nhi: Đâu rồi thời hoàng kim

25/09/2015

The Voice Kid 2015 đang đi đến chặng cuối cùng. Bên cạnh nhiều lời khen chê, cảm giác gây “ức chế” nhiều nhất với khán giả vẫn là họ thường phải thót tim khi nhìn các bé “đánh vật” với những ca khúc của người lớn. Sự thiếu vắng ca khúc thiếu nhi không chỉ trong một game show mà có thể nói là rất phổ biến.


Khánh Linh biểu diễn ca khúc “Để gió cuốn đi” trên sân khấu The Voice Kid 2015.
Ảnh: Quốc Hùng.

Gồng mình hát bài người lớn

Ngay từ vòng Giấu mặt, nghĩa là khi chưa có “bàn tay phù thủy” của các huấn luyện viên (HLV), nhiều thí sinh đã tự lựa chọn cho mình những bài hát khó để khoe giọng. Ví dụ, cô bé Phạm Nhật Lan Vy thuyết phục ban giám khảo bằng cách thể hiện “Đất nước, lời ru” - một ca khúc rất khó.

Tương tự, cô bé Khánh Linh cũng già dặn hơn hẳn lứa tuổi của mình khi thể hiện ca khúc nhạc Trịnh “Để gió cuốn đi”… Bên cạnh đó, nhiều thí sinh lại chọn bài hát tiếng Anh vì có thêm “đất” để thể hiện vũ đạo.

Tiếp sau đó, vào vòng Đối đầu rồi đến Liveshow, mặc dù các HLV đã luôn ý thức tìm những ca khúc phù hợp nhất với lứa tuổi thí sinh, như các bài hát về cha, mẹ, tình cảm gia đình, tuy nhiên, nhìn tổng thể, phần lớn các ca khúc được trình diễn trong 2 vòng sau vẫn là những ca khúc của người lớn như Mẹ tôi, Huyền thoại mẹ, Đất nước, Làng quan họ quê tôi… Đồng thời, những bài hát tiếng Anh vẫn tiếp tục được chuộng với các ca khúc đình đám trong làng nhạc quốc tế như “Bad Blood”, một sáng tác của Taylor Swift, ca khúc “Colour of the wind” của Stephen Schwartz và Alan Menken…

Nhiều khán giả bình luận, họ luôn có cảm giác lo lắng, bất an đến mức “thót tim” khi nghe các ca sĩ nhí thể hiện các nốt cao. Thực tế, nhiều thí sinh đã rất “chới với”, thậm chí lạc giọng khi thể hiện những nốt này. Vẫn biết không thể lấy tiêu chuẩn người lớn để đánh giá các thí sinh nhỏ tuổi nhưng rõ ràng, cảm xúc của khán giả khi thưởng thức tiết mục của các em đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thậm chí, nhiều khán giả đã bày tỏ sự xót xa khi chứng kiến các em phải gắng sức quá trong lúc thể hiện phần thi của mình. Trong khi các em đang cố gắng dồn hết tâm sức vào việc khoe giọng, thể hiện sao cho đúng nốt, cho tròn vành rõ chữ thì phần cảm xúc của chính các em cũng đã bị nhạt nhòa mất, và thực sự, nó không thể “chạm tới trái tim khán giả” như những lời khen tặng hào phóng của các HLV. Đó là chưa kể rất nhiều tác phẩm mà các em còn chưa đủ trình độ, chưa đủ trải nghiệm để hiểu và để cảm sự sâu sắc của ca từ, giai điệu.

Thiếu ca khúc hay

Các HLV đều phàn nàn chọn ca khúc phù hợp lứa tuổi các em là rất khó vì các ca khúc thiếu nhi mới không có nhiều, các ca khúc hay, có thể giúp các em khoe được giọng thì càng hiếm hơn. Khán giả thế hệ 6X, 7X chắc hẳn không thể quên được những bài hát thiếu nhi đã gắn bó suốt tuổi thơ của mình, như “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác” của Hoàng Long, “Từ Radolip đến Pắc Bó” của Phan Long, “Em đi giữa biển vàng” của Bùi Đình Thảo, “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của Hàn Ngọc Bích…

Nhìn lại thời hoàng kim của ca khúc thiếu nhi cách đây vài chục năm, có thể thấy, rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc của người lớn vẫn giành nhiều tâm huyết mảng ca khúc thiếu nhi, ví dụ như nhạc sĩ Văn Chung, trong bộn bề sáng tác của mình, ông vẫn có những ca khúc tuyệt hay cho thiếu nhi như: Lượn tròn lượn khéo, Đếm sao, Lỳ và Sáo… Còn nhạc sĩ Xuân Giao vẫn có những ca khúc được thiếu nhi yêu thích như: Em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà, Múa cho mẹ xem.

Theo nhạc sĩ Vũ Trọng Tường, những bài hát cũ đó không chỉ phù hợp với tâm tư, tình cảm của lứa tuổi thiếu nhi mà nó còn hoàn toàn đủ “đất” để các thí sinh nhí khoe giọng trong các cuộc thi hát dành cho lứa tuổi này, bởi cao độ, trường độ, tiết tấu rất phong phú. Đây cũng chính là cái thiếu của thị trường ca khúc thiếu nhi hiện nay.

Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường cho rằng, việc sáng tác làm sao để các em thiếu nhi ngày nay tiếp nhận và yêu thích là một thách thức với các tác giả vì âm nhạc bây giờ khác, ca từ cũng khác. Tuy nhiên, cái khác đó là gì để sáng tác cho đúng thì dường như các nhạc sĩ thời nay chưa thực sự đầu tư để tìm tòi.

Nhà báo Vũ Quang Vinh, một người rất tâm huyết trong việc phát động các nhạc sĩ sáng tác ca khúc mới cho thiếu nhi cũng nhận xét, thiếu nhi Việt Nam đã nhiều nét khác biệt so với trước đây, nên các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi bây giờ cũng phải khác.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lại cho rằng: “Chúng tôi cũng đã sáng tác rất nhiều nhưng thực tế, những ca khúc mới rất ít được chọn trình diễn trong các chương trình. Điều này khiến chúng tôi thực sự băn khoăn. Có thể chúng tôi đã lỗi thời so với nhu cầu của thiếu nhi hiện nay hay đó chỉ là do dàn dựng của người lớn?”. Dù thế nào, sự thiếu vắng ca khúc thiếu nhi giai đoạn hiện nay cũng vẫn đang là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm của các nhạc sĩ đương thời.

(Nguồn: http://daidoanket.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...