Ca khúc “Hát về mẹ Việt Nam Anh Hùng” của nhạc sỹ An Thuyên tròn 20 tuổi (1994 - 2014)

24/10/2014

Một sáng thu Hà Nội, giữa cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, nhạc sỹ An Thuyên, tôi hỏi: “Trong số những ca khúc rất thành công của anh, duy nhất có một ca khúc mà tôi vẫn nhớ năm ra đời, đó là ca khúc “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng”, được sáng tác vào năm 1994. Năm 2014, ca khúc này vừa tròn 20 tuổi. Thưa anh, đúng vậy không?”. Sau một thoáng ngỡ ngàng như để nhớ lại, nhạc sỹ An Thuyên mỉm cười xác nhận.

 Sau 20 năm, ca khúc “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sỹ (NS) An Thuyên vẫn được công chúng yêu mến và trân trọng. Tôi đến gặp anh, chính là muốn được hỏi chuyện về thời điểm ca khúc này được ra đời.

Với tôi, còn có một điều không cắt nghĩa nổi là cứ mỗi lần nghe giai điệu bài hát vang lên, lắng nghe từng lời ca từ, tôi lại xúc động không kìm nổi nước mắt. Cuối năm 2008, với trách nhiệm của một nhà báo, tôi tới dự một sự kiện của Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) TP Hà Nội tổ chức tại Hội trường Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Ban tổ chức có mời 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) tới dự. Hôm đó tôi được xem tiết mục “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” do tốp ca nữ cựu TNXP trình bày. Các chị vừa hát vừa bước xuống hàng ghế đầu, tặng những bó hoa tươi thắm cho các Bà mẹ VNAH. Khi nghe tới câu “Chúng con như ùa vào lòng mẹ…” nước mắt tôi cứ thế tuôn trào, tôi phải mấy lần đưa tay lên lau nước mắt. Trong giai điệu thiết tha, tự hào đang ngân vang, cả người tặng hoa lẫn người nhận hoa cùng nhiều đại biểu đều rưng rưng nước mắt.

Đã tròn 20 năm, đến thời điểm này, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam cũng có một số ca khúc thể hiện chủ đề ca ngợi Bà mẹ VNAH và mỗi tác phẩm đều có những giá trị, thành công khác nhau. Nhưng nếu để chọn một ca khúc nhanh chóng đi vào lòng người, dễ phổ cập, dễ trình bày với hình thức hát tập thể, nội dung ngợi ca và tri ân sự hy sinh vô giá của người mẹ Việt Nam nhưng không nặng bi thương, thì ca khúc “Hát về mẹ VNAH” của NS An Thuyên vẫn là tác phẩm số một có được các giá trị ấy. “Trong cuộc đời sáng tác của mình, tôi rất nhớ có ba tác phẩm mà tôi đã viết ra trong nước mắt, đó là “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hát về mẹ VNAH” và “Neo đậu bến quê ””, NS An Thuyên tâm sự.

NS An Thuyên cho biết: “Thời điểm tôi sáng tác ca khúc “Hát về Mẹ VNAH” chính xác là năm 1994, sau khi Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào ngày 10/9/1994. Trước đó, ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ngay sau khi Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh, Chính phủ ban hành Nghị định, các địa phương, các ngành trong cả nước đã khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện”.

NS An Thuyên kể tiếp: Tôi được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, khi đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trực tiếp giao nhiệm vụ, gợi ý, động viên sáng tác ca khúc nhằm tri ân sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ VNAH, cùng với những ý kiến chỉ đạo rất nhân văn: các mẹ đã chịu đựng những mát mát quá đau thương, dễ xúc động khi nhắc tới các con mình đã hy sinh, nên làm sao bài hát mang âm hưởng thể hiện sự biết ơn của cả dân tộc đối với các mẹ nhưng không sa vào bi lụy.

Đêm hôm đó, ngồi một mình trong không gian vắng lặng, tôi hình dung hình ảnh những bà mẹ của mọi miền quê rất tảo tần, bình dị, chịu đựng gian khổ, nhưng khi Tổ quốc cần, hàng vạn người mẹ Việt Nam đã tiễn đưa chồng, con của mình lên đường chiến đấu. Rất nhiều người chồng, người con của các mẹ đã hy sinh anh dũng. Rất nhiều bà mẹ đã không được đón chồng, con trở về trong niềm vui chiến thắng của dân tộc. Tôi rưng rưng khi nhớ đến hình ảnh những người mẹ cô đơn, run rẩy và khóc một mình khi chỉ được ôm vào lòng những tấm “Giấy báo tử”. Còn nhiều bà mẹ, cứ đến bữa cơm lại bày trên mâm đủ số bát đũa cho những người con đã hy sinh, để rồi mẹ một mình ngồi thẫn thờ nhìn vào mâm cơm. Hình ảnh ấy khiến nước mắt tự nhiên cứ ứa ra, hòa trong niềm cảm xúc khó tả dâng trào trong tôi. “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng. Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”. Giai điệu bài hát nối tiếp nhau ra đời và tôi hoàn thành chỉ sau hai tiếng đồng hồ.

Hôm sau, tôi mang bài hát sang xin gặp NS Trần Hoàn, khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, với mong muốn được ông nghe và góp ý kiến. Sau khi nghe tôi hát, NS Trần Hoàn có những nhận xét chân tình và động viên tôi rất nhiều. Anh nhắc tôi, cứ cẩn thận xem lại, chỉnh sửa sao cho giai điệu cũng như như ca từ phải trở thành nguồn động viên chân thành, chia sẻ nỗi mất mát, hy sinh vô cùng lớn lao của những bà mẹ Việt Nam. Cố gắng hết mức rồi cho anh em tập, dàn dựng ngay cho kịp phục vụ buổi lễ đặc biệt sắp tới. Sau đó, tôi trực tiếp chọn 4 nam ca sĩ của Trường Nghệ thuật Quân đội cho tập, dàn dựng nghiêm túc.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam- Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày 19/12/1994, tại Phủ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ tuyên dương danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” lần đầu tiên cho 60 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, đại diện cho gần 2 vạn bà mẹ được phong tặng đợt đầu.

Đã 20 năm, nhưng tôi không thể nào quên không khí vô cùng xúc động của buổi lễ đặc biệt này. Trong chương trình nghệ thuật phục vụ buổi lễ, lần đầu tiên, giai điệu “Hát về mẹ VNAH” đã vang lên, ngợi ca và tri ân những người mẹ phúc hậu, quả cảm đã hiến dâng những người con thân yêu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lúc đó, đứng bên góc hội trường, tôi xúc động ngắm nhìn những gương mặt già nua, khắc khổ của các mẹ, có nhiều mẹ đưa vạt áo lên lau nước mắt, nước mắt tôi cũng trào ra.

Sự kiện đặc biệt ấy cứ ngỡ như mới đây thôi, vậy mà đã tròn 20 năm. Như trong phần ca từ tôi đã viết “Núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền”, tôi luôn tâm niệm, dù lời ngợi ca nào hay biết mấy cũng không thể xứng với sự hy sinh vĩ đại của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

(Nguồn: http://cand.com.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.