Ca Huế trong mắt ai

03/12/2014

Một thể loại âm nhạc xuất thân từ chốn cung đình mà không hoàn toàn là nhạc cung đình; Một thể loại âm nhạc được dân chúng thương yêu, gìn giữ, phát triển, lưu truyền mà không hoàn toàn là nhạc dân gian; Một thể loại âm nhạc đặc biệt có tên gọi gắn liền với địa danh sinh ra nó. Đó chính là Ca Huế. Trên 200 năm tồn tại và phát triển, cho đến nay, Ca Huế đã trở thành một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc đặc trưng của Việt Nam nói chung và của vùng Bình Trị Thiên nói riêng.

Trong nhiều điểm thú vị, đặc sắc của nghệ thuật Ca Huế, chúng tôi muốn thử đề cập đến các mối quan hệ giữa con người với nghệ thuật Ca Huế. Từ đó chỉ ra những nét đặc trưng trong văn hóa ứng xử của nghệ thuật độc đáo này.

Mối quan hệ nghệ thuật giữa những người trong nhóm Ca Huế thính phòng

Trong thời kỳ hình thành (thế kỷ XVIII-XIX), sinh hoạt Ca Huế không phân chia thành người sáng tác, người biểu diễn và người thưởng thức như thường thấy ở các loại hình văn nghệ khác. Mỗi thành viên trong nhóm Ca Huế thính phòng có thể vừa là người sáng tác, vừa là người biểu diễn. Bạn bè trong nhóm cũng chính là khán thính giả của nhau. Họ thưởng thức tài năng nghệ thuật của nhau một cách trân trọng.

Những người tham gia sinh hoạt trong nhóm Ca Huế thính phòng bấy giờ thường là các quí tộc, quan lại trong cung, các văn nhân, nho sĩ. Họ đều có trình độ, kiến thức văn chương uyên thâm, có thể viết nên những lời ca bay bổng, sâu sắc. Đồng thời họ cũng có thể dễ dàng thưởng thức một cách thấu hiểu những lời ca, ý nhạc của bạn sáng tác và bạn diễn. Sự đồng đều về trình độ tri thức, sự tương đồng về đẳng cấp xã hội giữa những người trong nhóm Ca Huế đã giúp cho mối tương giao giữa họ trở nên khăng khít hơn, đồng điệu hơn.

Tính giá trị ở đây được đánh giá qua sự hòa hợp, hiểu ý lẫn nhau. Mọi người vui vẻ, thỏa mãn vì được ngồi lại với nhau, đàn ca cùng nhau, nắm bắt và tiếp nối được câu hát, tiếng đàn của nhau là xem như buổi sinh hoạt Ca Huế thành công. Hơn nữa, nghệ thuật diễn tấu, ca xướng của người này chính là nguồn động lực tạo sự hứng khởi sáng tác, đàn hát cho người kia. Các đặc điểm đó tạo nên mối quan hệ đồng đẳng giữa những thành viên trong nhóm Ca Huế. Mối quan hệ đồng đẳng này thể hiện rõ nét trong hình thức hòa tấu hơn là trong hình thức đơn ca với nhóm nhạc đệm. Khi hòa tấu các bài bản Ca Huế, người ta không thấy có sự phân chia chính phụ rõ nét ở các bè nhạc cụ. Các nghệ nhân thường nghe nhau, hiểu ý nhau để sáng tạo tức thì, ứng đối tức thì những câu nhạc, câu ca ăn ý, phối hợp nhuần nhuyễn với nhau. Họ đắc ý, thích thú do những chỗ phối hợp nhịp nhàng đó chứ không phải do sự nổi trội của một cá nhân nào trong nhóm.

Ở thời kỳ khởi đầu và giai đoạn hoàng kim trong quá trình phát triển nghệ thuật Ca Huế, những người sáng tác Ca Huế thường là những người chơi đàn trong nhóm nhạc. Vì vậy họ rất chủ động trong cả khi hòa tấu và khi đệm cho giọng hát. Trong khi đó, giọng hát tuy là âm sắc quan trọng trong nhóm Ca Huế, nhưng lời ca lại phụ thuộc sự dẫn dắt của giai điệu đàn. Đặc điểm này khiến cho sự phân chia chính phụ trở nên không rõ rệt trong các tiết mục ca có nhóm nhạc đệm.

Quan hệ đồng đẳng còn thể hiện ở giai đoạn sáng tác các bài bản Ca Huế. Theo nghệ sĩ Đăng Ninh [1], các nghệ nhân Ca Huế không chỉ sáng tác đơn lẻ; Một số bài bản Ca Huế có thể là sáng tác tập thể của một nhóm bạn. Khi họ tụ họp nhau, cứ theo đà giai điệu đàn ca mà mỗi người ứng tác góp vào thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Quan hệ đồng đẳng của Ca Huế cũng được nghệ thuật ca nhạc Tài Tử Nam bộ kế thừa và phát triển. Đây chính là một trong những nét khác biệt giữa Ca Trù và Ca Huế. Trong nghệ thuật Ca Trù miền Bắc, không có sự đồng đẳng trong nhóm diễn như Ca Huế. Đào nương (người hát) đóng vai trò người diễn chính, người đàn đáy đóng vai trò đệm nhạc, còn người đánh trống chầu vừa là người giữ nhịp, vừa là khán thính giả, khen hoặc chê đào nương hát qua tiếng trống của mình.

Cho đến nay, quan hệ đồng đẳng trong sinh hoạt Ca Huế vẫn còn tồn tại ở hình thức sinh hoạt Ca Huế tại các tư gia. Còn khi ra đến sân khấu biểu diễn hoặc hình thức Ca Huế phục vụ khách trên đò sông Hương thì tính chất sinh hoạt Ca Huế đã khác đi.

Trong hình thức biểu diễn Ca Huế trên sân khấu hiện nay, không gian biểu diễn là bục sân khấu, phông màn, đèn chiếu và các hàng ghế khán giả. Diễn viên Ca Huế có một khoảng cách nhất định với khán giả nên khó có sự giao lưu qua lại mật thiết giữa các thành viên tham gia buổi diễn (người biểu diễn và người thưởng thức) như hình thức sinh hoạt Ca Huế thính phòng. Trên sân khấu diễn hiện nay, thông thường người dàn dựng chương trình và khán giả chỉ chú trọng người hát chứ ít chú ý đến nhóm nhạc cụ phụ hoạ. Vì thế quan hệ đồng đẳng trong biểu diễn không còn như trong hình thức Ca Huế thính phòng.

Hình thức biểu diễn Ca Huế trên đò sông Hương hiện nay, ngoài tính nghệ thuật, còn mang tính kinh doanh. Du khách trả tiền để xem biểu diễn Ca Huế. Diễn viên phải biểu diễn phục vụ cho nhiều loại khán thính giả khác nhau mà ít khi là khách tri âm. Vì thế gần như sự giao lưu chỉ diễn ra có một chiều: diễn viên đàn, hát, khán giả ngồi nghe.

Như vậy chúng ta thấy đặc điểm trong mối quan hệ giữa các thành viên Ca Huế thính phòng là sự đồng đẳng. Sự đồng đẳng được tạo ra do trình độ giữa các thành viên gần như ngang nhau, vai trò của các thành viên cũng ngang nhau trong lúc hòa đàn, hòa ca; họ cùng có thể là người sáng tác, biểu diễn và thưởng thức như nhau. Sự đồng đẳng còn được tạo nên do phong cách chơi đàn và ca trong nghệ thuật Ca Huế. Người diễn tấu ngồi quây quần đối mặt với nhau, không bố trí chỗ ngồi theo vị trí trước sau. Các bè nhạc cụ đóng vai trò ngang nhau, không phân chia chính phụ. Lời ca phụ thuộc vào giai điệu đàn. Các nghệ nhân coi trọng sự hoà nhịp, hoà giai điệu nhuần nhuyễn với nhau.

Quan hệ này chỉ tồn tại trong hình thức sinh hoạt Ca Huế thính phòng và nó hầu như bị mất đi khi Ca Huế chuyển sang hình thức biểu diễn sân khấu và biểu diễn phục vụ du khách trên đò sông Hương.


Ca Huế trên sông Hương

Công chúng Việt Nam với Ca Huế

Sinh ra từ chốn cung đình, Ca Huế vốn mang nét phong lưu, quí phái. Những người yêu Ca Huế và đến với Ca Huế đa số là những quí tộc, quan lại, nho sĩ. Các bài bản Ca Huế phần lớn là do các quí tộc, nho sĩ đặt lời ca dựa theo các làn điệu cổ. Những người hiểu được Ca Huế, biết thưởng thức Ca Huế bấy giờ được xem là người tao nhã, lịch thiệp, trí thức. Vì thế, trong thời phong kiến nhà Nguyễn, từ khi nghệ thuật Ca Huế bắt đầu được phổ biến ra công chúng, các nhà quan lại và nhà giàu có đã có thói quen mời các cô đầu Ca Huế về nhà trình diễn như một biểu hiện của sự cao sang, vinh hiển. Cứ mỗi dịp lễ lạc như tiệc năm mới, mừng thăng quan tiến chức, mừng khai trương... người ta lại nghe thấy giọng ca Huế thánh thót trỗi lên trong cuộc lễ. Về điểm này, Ca Huế rất giống với loại hình nghệ thuật tiền thân của nó là Ca Trù (hay hát Ả đào). Sách Việt Nam ca trù biên khảo[2] có đoạn: “Cuối đời nhà Lê, có Nguyễn Hữu Chỉnh là môn khách của quận công Hoàng Ngũ Phúc... Trong nhà nuôi hơn 10 người ả đào để tiếp đãi tân khách. Ông đặt ra những bài hát mới rồi phổ vào đàn cho ả đào múa hát, hào hoa phong nhã thứ nhất ở kinh kỳ”

Cũng sách này lại có đoạn: “Ca Trù hay ả đào đời nhà Lê ở trong cung gọi là Nữ nhạc hay là Hát cửa quyền, có quan Thái thường dạy cung bậc, dùng vào các dịp khánh tiết. Ở dân gian gọi là Hát ả đào, có Quản giáp các giáo phường dạy bảo, dùng khi các đền tế lễ hoặc tư gia mừng thọ, khao vọng đám cưới”.

Vậy chúng ta thấy vào thời nhà hậu Lê, hát Ả đào cũng có vị trí trong xã hội gần giống như Ca Huế thời nhà Nguyễn. Các nho sĩ cũng tham gia sáng tác bài hát cho nghệ thuật hát Ả đào. Trong các dịp lễ lạc, dân chúng cũng có thói quen mời nhóm Ả đào đến hát.

Tuy có nhiều điểm giống, nhưng bản thân thể loại hát Ả đào có một điểm khác biệt khá rõ so với Ca Huế. Đó là hát Ả đào được chia làm hai nhánh là hát cửa quyền (trong cung vua) và hát Ả đào ở Giáo phường (ngoài dân gian). Hát cửa quyền thì nhẹ nhàng, khoan thai, điệu bộ nghiêm trang hơn hát Ả đào ở Giáo phường. Trong khi đó Ca Huế chỉ có một loại, không phân chia.

Sở dĩ Ca Huế có thể được sử dụng trong dân gian ở xứ Huế với hình thức hầu như không có gì khác biệt so với Ca Huế trong cung là do cách sống và quan niệm thẩm mỹ của dân người Huế. Ngày xưa, khi các chúa Nguyễn chọn vùng Phú Xuân (Huế ngày nay) làm kinh đô, họ đã cho tập hợp về chốn kinh kỳ này những gia đình giàu có trong dân gian để tạo nét phồn thịnh, phát đạt cho kinh đô. Các gia đình dân chúng ở Huế cũng có quan niệm phải mô phỏng lối sống trong cung vua mới chứng tỏ được sự cao sang của mình. Từ đó mà những nhà vườn Huế được lập khắp nơi, mô phỏng theo hoa viên, thượng uyển trong cung. Con cái các nhà giàu cũng học phong cách đi đứng, nói cười từ tốn, tao nhã. Nghệ thuật âm nhạc thính phòng trong cung được ngoài dân gian tiếp nhận như một sinh hoạt mang đầy vẻ cung đình, quí phái. Ưa thích nét cung đình, quí phái đó nên dân chúng Huế không hề có ý định sửa đổi lại phong cách tao nhã, đỉnh đạt của thể loại ca Huế.

Sau đó, xuất hiện hình thức Ca Huế trên đò sông Hương. Theo ông Văn Thanh[3], giai đoạn Ca Huế phổ biến mạnh nhất là từ đầu thế kỷ XX đến trước chiến tranh thế giới thứ 2. Những gia đình giàu có ở Huế mua riêng hoặc thuê tháng một con đò để tổ chức Ca Huế thường xuyên trên sông Hương. Ca Huế trên đò sông Hương là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân xứ Huế. Hình ảnh cô đầu Ca Huế trên đò sông Hương đã trở thành một trong những biểu tượng cho xứ Huế. Tuy nhiên, cũng trong hình thức sinh hoạt này, đã nảy sinh một tệ nạn khiến hình ảnh nên thơ đó nhuốm chút hoen ố qua một thời gian dài. Bên cạnh một số cô đầu phục vụ khách bằng nghệ thuật Ca Huế nghiêm túc, cũng có rất nhiều cô đầu vì tiền mà đã vừa hành nghề Ca Huế, vừa kiêm nghề gái làm tiền. Khách xuống nghe Ca Huế ở đò sông Hương đa số là nam giới, ít khi có nữ giới. Có ông thực sự muốn nghe ca Huế thuần túy; nhưng nhiều ông vừa nghe ca, vừa đi tìm thú vui nhục dục. Vì thế các cô đầu Ca Huế trên sông Hương dần bị coi khinh, kéo theo sự coi khinh nghệ thuật Ca Huế. Tình trạng này kéo dài một thời gian. Do đó, đến năm 1983, khi nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, vận động các nghệ sĩ Ca Huế xuống thuyền sông Hương phục vụ khách du lịch, rất nhiều nghệ sĩ đã không ủng hộ ông. Những ý niệm không tốt về hình ảnh cô đầu Ca Huế trên đò sông Hương vẫn còn dai dẳng trong tâm trí nhiều người.

Cho đến nay, chính quyền phong kiến không còn, quan niệm thưởng thức Ca Huế để chứng tỏ sự cao sang, quí phái cũng không tồn tại nữa. Tư tưởng khinh thị nghề Ca Huế trên đò sông Hương cũng theo thời gian mà phai nhạt. Thay vào đó, tình yêu Ca Huế gắn liền với một khái niệm khác là yêu quê hương, yêu nghệ thuật dân tộc. Nhiều người dân Huế xa quê hương, nhớ về quê hương với câu Ca Huế văng vẳng. Giọng Ca Huế trên sông với nhiều người là kỷ niệm đẹp của những thời đã qua. Ca Huế đã gắn liền với cảnh sông Hương, núi Ngự, trở thành hồn quê hương, đất nước. Người ta đến với nghệ thuật Ca Huế bởi nhiều lý do: gợi nhớ dĩ vãng, thưởng thức thú vui thanh nhàn, tìm hiểu một trong những nghệ thuật dân tộc đặc trưng của người Việt...

Hiện nay, nhiều nhận định cho rằng Ca huế đang trên bước đường phục hồi. Có nhiều người tỏ rõ tâm huyết với nghệ thuật Ca Huế, muốn góp phần khôi phục và phổ biến loại hình nghệ thuật này. Có những khách trên đò sông Hương vẫn muốn xem nghệ thuật Ca Huế đích thực, kinh điển, muốn hưởng thụ cảm giác yên tĩnh, mộng mơ trên dòng Hương, thả hồn theo câu ca Huế xưa dịu ngọt, sâu lắng, xa xôi. Đó là thú vui tao nhã dễ hấp dẫn lòng người.

Tuy nhiên, đa số công chúng ngày nay thường chỉ tôn trọng chứ chưa thật sự yêu thích Ca Huế. Ít ai hiểu được thật sâu sắc nét đẹp đằm thắm của Ca Huế. Mọi người thường chỉ xem Ca Huế như cổ vật quốc gia cần bảo tồn chứ chưa yêu thích thưởng thức nó một cách phổ biến như các thể loại âm nhạc đương đại khác. Một thực tế là Ca Huế chỉ thịnh hành ở Huế, những vùng lân cận và trong các nhóm đồng hương người Huế ở các tỉnh, các nước khác.

Sở dĩ Ca Huế cho đến nay còn có đất sống ở Huế là do có khung cảnh thiên nhiên thích hợp, có khán giả là những khách du lịch đến Huế, có truyền thống Ca Huế lâu đời và còn những nghệ nhân Ca Huế thời kỳ trước làm ngọn lửa nhen nhóm tình yêu Ca Huế cho thế hệ sau. Giới trẻ ở Huế có một số người đã hưởng ứng việc học Ca Huế và sinh hoạt Ca Huế. Tại đây còn có câu lạc bộ sinh hoạt ca Huế dành cho thanh thiếu niên, sinh viên.

Một trong những tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật Ca Huế là cho đến nay vẫn còn những cộng đồng dân chúng yêu Ca Huế và sinh hoạt Ca Huế theo một truyền thống lâu đời ở địa phương. Điển hình là cộng đồng dân cư làng Quảng Xá, tỉnh Quảng Bình, đã có truyền thống Ca Huế từ thế kỷ XVIII, truyền đến nay là 6 đời. Cho đến nay, sinh hoạt Ca Huế tại đây vẫn rất sôi nổi. “...Ở Quảng Xá có chuyện độc nhất, lạ lắm mà e chỉ ở Quảng Xá mới có. Đó là chuyện rút thăm để đi diễn văn nghệ. Đó là chuyện cả nhà say hát không ai chịu nhường ai, chẳng ai ở nhà lo cơm nước. Quảng Xá độ tuổi nào cũng có hội hát, chiếu hát”[4].

Ngoài thành phố Huế và các vùng lân cận Huế ra, đa số khán thính giả trong cả nước thường chỉ được thưởng thức nghệ thuật Ca Huế qua đài phát thanh và đài truyền hình. Qua những phương tiện này, sự hấp dẫn của Ca Huế đã mất đi rất nhiều. Cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi đa số công chúng không mặn mà mấy với các tiết mục Ca Huế trên các kênh truyền hình và các đài phát thanh.

Chính quyền nhà nước với Ca Huế qua các thời kỳ

Ca Huế xuất thân từ chốn cung đình. Từ khi ra đời nó đã được vua chúa và các quan triều đình nhà Nguyễn yêu mến. Chính các vị vua chúa, thân vương trong hoàng tộc cũng tham gia sáng tác các bản đàn, ca của thể loại nhạc thính phòng này. Các nghệ nhân Ca Huế quí tộc điển hình có: ông hoàng Nam Sách, Tuy Lý Vương Miên Trinh, ông hoàng Trấn Biên, Lãng Biên, các công chúa Huệ Phố, Ngọc Am, Lại Đức... Như vậy chúng ta thấy trong thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn, Ca Huế là thể loại được chính quyền phong kiến ưu ái và khuyến khích phát triển. Tuy nhiên chính quyền thời này không hề có ý chủ động phổ biến Ca Huế rộng rãi ra ngoài dân chúng. Họ chỉ xem Ca Huế như một sinh hoạt nghệ thuật mang tính nội bộ, đóng khung trong các thính phòng của cung đình và các nhà quan.

Từ cuối thế kỷ XIX đến giai đoạn trước năm 1975, đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và trải qua nhiều biến cố lịch sử. Về phía chính quyền, Ca Huế hầu như là một lĩnh vực bị bỏ ngõ. Trong giới hạn những tư liệu thu thập được, chúng tôi chưa tìm thấy chứng liệu nào ghi nhận phía chính quyền có động thái khuyến khích hay hạn chế nào đối với nghệ thuật Ca Huế. Nghệ thuật này được nuôi dưỡng và sống còn chủ yếu dựa vào nhiệt huyết yêu nghề của chính bản thân các nghệ nhân Ca Huế và những người yêu nghệ thuật Ca Huế nói chung.

Sau năm 1975, chính quyền mới tỏ rõ sự quan tâm đến các bộ môn nghệ thuật dân tộc nói chung và bộ môn Ca Huế nói riêng. Đại hội Ca nhạc Huế lần thứ nhất được tổ chức năm 1977 là sự kiện đầu tiên minh chứng cho sự quan tâm này. Nhạc hội đã hâm nóng lại hoạt động đào tạo và trình diễn Ca Huế.

Sự quan tâm của nhà nước đến việc bảo tồn và phát triển thể loại Ca Huế thể hiện trên các mặt: đào tạo, biểu diễn, quảng bá và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ Ca Huế. Trên lĩnh vực đào tạo, các trường chính qui của nhà nước như Học viện âm nhạc Huế, trường Văn hoá nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa Ca Huế vào thành một bộ môn được giảng dạy chính thức tại trường. Ngoài hai nơi này, còn có những cơ sở khác có tổ chức đào tạo Ca Huế như: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, các câu lạc bộ ca Huế. Nhờ đó mà lực lượng nghệ sĩ, giảng viên và những người hoạt động trong lĩnh vực Ca Huế nói chung ngày càng tăng.


Một lớp học ca trù tại nhà số 9 Phạm Ngũ Lão, Huế

Về biểu diễn và quảng bá Ca Huế, các đài truyền hình, đài phát thanh, hãng băng đĩa của nhà nước và tư nhân đã phát sóng và phát hành nhiều chương trình Ca Huế kinh điển, ca kịch Huế, Ca Huế cải biên lời ca. Nhà nước cũng tạo điều kiện cho các nhóm Ca Huế, câu lạc bộ Ca Huế đi biểu diễn ở nước ngoài, giới thiệu nghệ thuật Ca Huế Việt Nam đến với bà con Việt kiều và bạn bè trên thế giới.

Gần đây, sau khi Nhã nhạc cung đình được Ủy ban Văn hóa thế giới công nhận là “Kiệt tác văn hóa phi vật thể” của thế giới vào năm 2003, Ca Huế cũng nhận được sự quan tâm, chú ý nhiều hơn của các giới, các ngành và các cấp chính quyền.

Trong lĩnh vực quản lý nghệ thuật, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế tỏ rõ sự quan tâm đến hoạt động Ca Huế, nhất là Ca Huế trên sông Hương. Ngày 1 tháng 4 năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Sau đó, Trung tâm Quản lý tổ chức biểu diễn Ca Huế cũng ra đời với các nhiệm vụ chính là quản lý các hoạt động dịch vụ về tổ chức biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó phạm vi, địa bàn hoạt động chủ yếu là trên sông Hương[5]. Hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đều tổ chức rà soát, thẩm định, phân loại chất lượng diễn viên, nhạc công nhằm quản lý và chấn chỉnh hoạt động Ca Huế.

Coi trọng nghệ thuật âm nhạc dân tộc nói chung và Ca Huế nói riêng, nhà nước đánh giá cao những cống hiến của các nghệ nhân Ca Huế đã có công giữ gìn và góp phần phục hồi nghệ thuật Ca Huế. Trong Festival nghề truyền thống Huế tổ chức vào ngày 11 tháng 6 năm 2009, có 5 nghệ nhân văn hóa cổ truyền được tôn vinh, trong đó đã có 2 người là nghệ nhân Ca Huế; Đó là các nghệ nhân Minh Mẫn và Thanh Hương.


Nghệ nhân Thanh Hương và Minh Mẫn biểu diễn Ca Huế trong lễ tôn vinh

Nét đẹp của nghệ thuật Ca Huế đã được khẳng định bằng sức sống mấy trăm năm trong lòng người dân Việt ở nhiều tầng lớp khác nhau. Đây là thể loại âm nhạc vừa mang giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nó thể hiện một góc đáng yêu, đáng quí của tâm hồn người dân miền Trung: trữ tình, thơ mộng, đằm thắm. Qua biết bao biến cố lịch sử, cho đến nay Ca Huế đã được nhìn nhận là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống quí giá của Việt Nam, cần được bảo tồn và phát triển.

______________________________________

[1] Đã từng là nghệ sĩ chính trong nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, hiện nay phụ trách dàn dựng Ca Huế tại Trung tâm văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, số 97 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, Trung tâm văn hoá Hoà Bình, quận 10 tại thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1962), Việt Nam ca trù biên khảo, Saigon, trang 37, dẫn theo Hoàng Lê nhất thống chí trang 27.

[3] Văn Thanh (1989), Tìm hiểu Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, Sở Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên, Huế, trang 98.

[4] Theo bài Nghe Ca Huế ở làng nhạc sĩ Quảng Bình của P.P.T.

[5] Theo bài Thông tin liên lạc và chức năng, nhiệm vụ Trung tâm Quản lý, tổ chức biểu diễn ca Huế

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...