Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
Có lẽ người Việt Nam ta thời cận-hiện đại đã “phát minh” ra một kiểu hát riêng đó là “Sến”. Chắc là độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu trên thế giới.
Nó khởi thuỷ từ những ca khúc tiền chiến, như của Phạm Duy, Văn Cao, Đặng Thế Phong… mà trước kia ta gọi là “Nhạc vàng”.
Ngày nay chiến tranh qua rồi, không ai cấm nhạc Vàng nữa, không ai cấm uỷ mị, không ai cấm sướt mướt, cấm não nề, cấm nhẽo nhớt… nữa.
Chọn “Rẻ tiền” cũng là quyền tự do cá nhân của mỗi con người.
Nhưng sự uỷ mị, sướt mướt, nhẽo nhớt… nó vẫn là nó, không phải vì cấm nó hay cho phép nó mà nó thay đổi thành cái gì đó khác. Nó vẫn như cái góc tối ẩm ướt, ẩm mốc rất thích hợp cho các loài…thích bóng tối.
Mà cái văn hoá “nhẽo nhớt” này càng ngày càng lan toả, càng ngày càng lên ngôi, trong cái xã hội dân trí càng ngày càng đi xuống với sự trợ giúp đắc lực của báo chí, nhất là báo mạng, của truyền hình, của truyền thông, của in-tơ-nét.
Hương Lan – Tuấn Vũ
Nào là “Đêm nhạc Chế Linh”. “Vinh Sử”. “Hương Lan – Tuấn Vũ”. Rồi những “đêm nhạc” của các nhạc sỹ ca khúc bình dân đời mới cũng bị hút theo vào cái dòng “Nhẽo nhớt” này. Tất nhiên độ đậm đặc của “nhẽo nhớt” có giảm chút ít và có biến tướng chút ít, có sôi động hơn bởi trống Jazz... như kiểu hát của Mr Đàm, Ánh Tuyết, Phi Nhung, Quang Lê vv... cũng là kế thừa và phát triển của dòng “Nhẽo nhớt” này...
Mr Đàm |
Nó đang là món hàng bán chạy nhất của Nhạc thị trường hiện nay (Một đôi vé của loại nhạc “Nhẽo nhớt” đã lên tới 15 triệu đồng ở TT Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình!!!)
“Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!” Câu thơ của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) trong “Cung oán ngâm” đã trên 200 năm, nay lại thấy rất đúng khi nói về văn hoá Việt Nam từ ngày “Mây nhởn nhơ bay, hôm nay ngày đẹp lắm. Mây của ta, trời thắm của ta” (Tố Hữu) đến nay.
“Của ta”, ta thích làm gì thì làm. Đừng ai can thiệp vào công việc nội bộ “của ta” nhé!
Tuy nhiên “Tay không” ở đây không có nghĩa là không có gì hết, mà ngược lại, ta có rất, rất nhiều, chất đầy nhà, không còn chỗ mà di chuyển nữa, nhưng toàn đồ tầm tầm, nhảm nhí, rác rưởi trí tuệ.
“Tay không” ở đây muốn nói rằng chẳng có cái gì thực giá trị, cho ra hồn.
Nếu là rác thì thà không có còn hơn, và trước hết, để có chỗ cho những điều tốt đẹp, quý giá sẽ đến, hãy chung tay dẹp rác rưởi, như các loại “nhẽo nhớt” đi cho không gian thoáng đãng!
Nhưng để loại được sự tồn tại của một loài nào đó, đôi khi ta không cần phải động đến nó mà chỉ cần thay đổi môi trường sống của nó. Cái này thực sự khó, khó đến nan giải.
Và nó cần phải có “Trời đất nổi cơn gió bụi “ mới thay đổi được tận gốc vấn đề !