Bùi Công Duy - Âm nhạc giúp tôi vượt qua nhiều bất mãn

09/08/2013

Có điều gì đó ở Bùi Công Duy khiến bạn liên tưởng đến một mẫu người an phận. Thậm chí người ta còn cho rằng, sự chấp nhận điều đó giống như một cái kết an toàn cho một tài năng âm nhạc.


(Ảnh: Dzung Art)

Vượt thoát khỏi tính khắc kỉ cố hữu, Duy nằm trong lứa đầu nghệ sĩ trẻ biết chấp nhận thực tại không mấy dễ chịu khi tính giải trí thống trị thị trường, và điều quan trọng là phải tìm ra hướng đi cho loại hình nghệ thuật mình theo đuổi. Nhưng có lẽ, sự lịch lãm và thông minh, tài hoa cộng chút gì đó của phong cách mẫu đàn ông phương Đông những năm 60 đã luôn giữ anh thăng bằng giữa cuộc đời nghệ thuật vốn không dễ đơn giản ở xứ này.

TÔI BIẾT TÔI ĐANG ĐỨNG ĐẦU

Hình dung về anh hồi nhỏ thế nào nhỉ?

Đáng yêu, bụ bẫm, luôn cố gắng trốn việc học đàn và khi không trốn được thì xoay ra mặc cả bố phải mua đồ chơi. Rồi mỗi ngày trôi qua, mỗi năm tháng qua mới thấy cây đàn là một phần thuộc về mình.

Còn bây giờ?

Vẫn bụ bẫm, nhưng trưởng thành, dạy ở Nhạc viện, biểu diễn, lại thêm cái thú vui trải nghiệm điều mới mẻ như tổ chức biểu diễn, đóng phim… chẳng hạn. Âm nhạc giúp tôi vượt qua nhiều bất mãn trong cuộc sống, giúp mình thêm lạc quan, tươi sáng. Michael Jackson, Celion Dion… tôi thần tượng họ.

Pop? Thật không thể tin nổi. Vậy nên dù học trong môi trường cổ điển già cỗi của Nga, tiếng đàn của anh vẫn trẻ trung?

Đã có thời tôi tuyền nghe nhạc Pop để lấy cảm hứng bước ra sân khấu cuộc thi. Có lẽ khi mình trẻ, chỉ liều doping Pop mới đủ mạnh. Đó là tính cách tôi tự tìm tới những gì phù hợp. Với dân violon, có một cây đàn cổ cũng như sở hữu bức tranh quý. Đàn từ gỗ tốt cộng với nghệ thuật làm đàn đỉnh cao, mấy trăm năm tuổi tiếng càng bong ra, rất đẹp. Khi còn bé, tôi may mắn được dung chung cây đàn với bố và nhờ nó mà thắng được nhiều cuộc thi quan trọng. Bây giờ, tôi chọn cho riêng mình cây đàn mới được sản xuất một năm bởi sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, ổn định mà tiếng đàn mang lại.

Thứ mà anh cho là may mắn ấy, thực ra phải đánh đổi bằng sự hy sinh của quá nhiều người. Vậy may mắn có còn nguyên ý nghĩa nữa hay không?

Cuộc đời này là một chuỗi những vặn xoắn kỳ lạ, mà đôi khi may mắn với không may mắn đã nhòa vào nhau tới không còn ranh giới. Tôi gặp nhiều may mắn trong cuộc đời, và cũng phải cố gắng không ngừng để giữ may mắn nằm yên trong lòng bàn tay mình. Thú thực là điều này chẳng dễ chịu chút nào.


(Ảnh: Dzung Art)

Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, nên 10 tuổi đã đặt chân tới Nga. Không may, đúng năm 1991 đó, Liên Xô cũ sụp đổ, cuộc sống trở nên quá đỗi khó khăn. Để mua bánh mỳ, tôi phải xếp hàng hơn tiếng đồng hồ dưới trời lạnh cóng, mà nếu đến muộn sẽ không có gì ăn. Đồ hộp, khoai tây là thứ duy nhất có thể có, đến nỗi nhiều bạn phải gửi gạo sang cho gia đình tôi. Lại may mắn vì bố tôi ngoài việc dạy học đã không ngại dậy sớm từ 5 giờ sáng dưới cái lạnh âm hàng chục độ để lái taxi kiếm thêm tiền nuôi tôi ăn học.

Sự hy sinh không chỉ của bố mẹ mà cả gia đình, mà thành công trong bất cứ điều gì thì phải có nhiều yếu tố. Nhìn thấy hình ảnh mọi người như thế, tôi không thể làm gì khác ngoài việc tự nhủ bản thân: “cố lên”. Phải nói đó là áp lực rất lớn với một cậu bé, có lúc tôi thực sự mệt mỏi, chỉ muốn nhắm mắt lại và đừng nghĩ gì nữa. Nhưng tôi cám ơn áp lực đó, cứ cái nọ kéo cái kia, từng bước, từng bước một, cuộc đời đẩy tôi đứng ở nấc thang như bây giờ.

Anh từng nói: “Đó là một môi trường lý tưởng để người nghệ sĩ có thể biết đích xác mình đang ở vị trí nào trong các bảng xếp hạng của công chúng, để tiếp tục hoàn thiện mình”. Có khi nào anh nghĩ, nếu ở lại Nga, nấc thang của anh sẽ cao hơn bây giờ?

Âm nhạc là một nhu cầu tất yếu, như ăn, thở đối với công dân xứ tuyết. Nhiều người Nga thà nhịn ăn để dành tiền mua vé vào xem hòa nhạc cổ điển. Ngay từ nhỏ trẻ em đã được sống trong môi trường tràn ngập vẻ đẹp của âm nhạc. Nếu ở Nga, tôi sẽ có cơ hội tiếp cận thông tin với thời đại nhanh hơn. Tuy nhiên bây giờ công nghệ thông tin phát triển rất mạnh, không chỉ đưa cho tôi mọi kiến thức cần mà còn vẫn giữ được quan hệ thường xuyên với bạn bè, thầy cô ở Nga. Tôi biết vị trí của mình đang ở đâu.

Là đứng trên đỉnh và cô đơn nhìn ra xung quanh?

Tôi không thấy mình cô đơn, cũng như tôi chỉ là lứa đầu trong những người cố gắng khai phá đường đi cho nhạc cổ điển ra với đông đảo công chúng. Sự thực là không phải ai cũng có điều kiện đi học nước ngoài như mình, thế mà nhìn vào những gì họ cố gắng đạt được dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn ấy, tôi buộc phải nể phục. Người Việt mình rất giỏi và thông minh. Hơn nữa, tôi hướng tới xu thế toàn cầu hóa, cố đọ sức những nghệ sĩ biểu diễn ở nước ngoài, chứ không chỉ nhìn quanh rồi “ta phục ta quá”. Tôi vẫn giữ các buổi biểu diễn ở nước ngoài, cứ hai năm lại sang gặp thầy cô một lần để tiếp tục học hỏi và trao đổi kiến thức.

LUÔN CÓ ĐIỀU TỐT ĐẸP Ở NGOÀI KIA

Phải chăng anh đã lựa chọn “nếu không có cái mình yêu thì yêu cái mình có”?

Cũng là lựa chọn nhưng không cảm tính như thế mà rất sáng suốt. Quyết định trở về của tôi tương đối độc lập, đơn giản tôi thấy mình cần phải có một bước đi táo bạo cho bản thân. Thời gian làm nghiên cứu sinh và có cơ hội giảng dạy ở Nga, đi qua lại về nước nhiều, tôi thấy ở Việt Nam để chuyên sâu về mặt biểu diễn thì không tốt, nhưng lại nhiều cơ hội, cũng như hoạt động trong môi trường đa dạng, đa màu sắc hơn, giống hệt khí hậu nhiệt đới gió mùa nơi đây vậy. Nơi này khiến tôi trở thành người hoàn thiện hơn. Thêm một lý do nhỏ nữa: Tôi là fan hâm mộ của đồ ăn Việt.

Anh lấy niềm tin ở đâu để chiến đấu với sự thực mà quá nhiều dân cổ điển ca thán: không mấy khán giả chờ đón mình, càng ít hơn người am tường thứ nghệ thuật mà mình đang theo đuổi?

Khoa học đã từng có sự thử nghiệm về nhạc với một bộ lạc ăn thịt người, sống ngoài đảo giữa đại dương, chỉ biết ăn thịt lẫn nhau, chưa bao giờ được tiếp xúc với âm nhạc. Ban đầu họ bật rock, nhóm người bắt đầu bị kích động mạnh, hưng phấn quá đà, nhảy dựng lên, và bắt đầu có biểu hiện hiếu chiến, điên loạn. Thế rồi nhạc cổ điển được mở, nhóm người yên lặng hơn, ngồi xuống, trở lên thân thiện, và có những tác động muốn liên kết với nhau. Như thế đủ thấy nhạc cổ điển có sức mạnh khổng lồ, với giá trị và chỗ đứng không bao giờ thay thế được. Âm nhạc hay nghệ thuật là cái đẹp, làm mình hiểu thế nào là đẹp. Nhưng nguyên nghĩa nhất, âm nhạc giúp con người giải tỏa và thư giãn.


(Ảnh: Dzung Art)

Bị tác động bởi nhiều yếu tố, giới trẻ ngày càng có xu hướng chọn những gì nhanh, dễ dàng hơn, trong khi nhạc cổ điển lại đòi hỏi thời gian và phải biết cách diễn giải mới yêu thích được, nên với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam, việc hiếm khán giả cho lĩnh vực này là điều dễ hiểu. Nhưng, nếu nhìn rõ hai mặt của vấn đề, tôi phải tự đặt ra cho mình câu hỏi: Tại sao những chương trình hòa nhạc lớn vẫn đông và cháy vé. Tại sao? Vậy không có khách cũng là lỗi của người làm nhạc, vì chẳng ai muốn bỏ tiền mua vé thêm lần nữa nếu họ đã có một kỷ niệm tồi tệ. Khán giả Việt Nam rất tinh, nhạy bén và khó tính khi đánh giá cái gì hay, rất hay hoặc không hay lắm.

Thời buổi hiện nay để chương trình thành công khó hơn nhiều, vừa phải giữ được giá trị kinh điển, vừa phải có những bài dễ nghe, dễ đi vào trái tim để hút khán giả. Đó là một bài toán khó. Nhiệm vụ đặt ra ở đây là cần phải có tiền, dù nguồn ở đâu, nhà nước, tư nhân, hay tài trợ, để tiến tới xây dựng đội ngũ, đào tạo nhân lực và chuyên nghiệp hơn trong khâu tổ chức.

Còn điều quan trọng hơn nữa là thời gian. Anh có sợ càng đau đáu với nhạc nhiều, anh càng ít thời gian hơn cho riêng mình?

Sẽ không thể có chuyện này, vì dù tôi rất yêu nhạc, nhưng cuồng tín thì tùy. Khi đang chuẩn bị làm gì đó, như thi, biểu diễn, hoặc xác lập nhiệm vụ rõ ràng, trong đầu tôi chỉ còn âm nhạc. Nhạc ẩn vào cả giấc ngủ, bữa ăn của tôi, nhưng xong việc là hết. 365 ngày mà đều cuồng tín cả thì phát điên mất.

Âm nhạc đã nói gì khi là tác nhân khiến anh và vợ anh gặp nhau?

Lần đầu thì chưa ấn tượng gì, chỉ là tình cờ gặp nhau ở hành lang khi cùng đi đến nhà người quen với bố mẹ. Không có chút sét đánh lãng mạn nào như trong cổ tích nhé. Mãi tới một năm sau khi học cùng trường, cùng hòa tấu với nhau, thân hơn, rồi chuyện gì đến cũng đến. Trên cả mặt đồng cảm với nhau về âm nhạc, vẻ duyên dáng cuốn hút, vốn hiểu biết phong phú, tôi yêu sự nhạy cảm trong cuộc sống của Hương.

Âm nhạc nói với tôi rằng tình yêu có thể ở mọi nơi, và tình yêu mỗi năm cũng một thay đổi. Tình yêu phải có lên có xuống thì mới hiểu rõ giá trị của tình yêu. Chúng tôi càng gắn bó với nhau lâu thì tình yêu sẽ biến thành tình bạn. Hai thứ này phải song song với nhau, vợ chồng phải là hai người bạn hiểu nhau nhất, có thể chia sẻ với nhau nhiều nhất. Nhưng cũng đừng quá mức nặng nề điều gì.

Và cùng nhau gìn giữ một nền nếp cũ, một lối sống Hà Nội cổ cho gia đình mình?

Sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Nga, nhưng tôi mang khá nhiều tính cách điển hình của mẫu đàn ông Hà Nội cổ, bởi cả gia đình đều là gốc Bắc. Chúng tôi có giữ gìn truyền thống nhưng không quá phong kiến, và Âu hóa để chia sẻ với nhau mọi thứ. Lãng mạn, hào hoa, yêu sự yên ấm thì có đấy, nhưng muốn khẳng định cái tôi ở từng ngóc ngách nhỏ nhất của cuộc sống lại không. Ban đầu tôi khá sợ tính cách nề nếp nguoi Bắc, đôi khi quá cầu kì, khắt khe cả những điều nhỏ nhặt. Tôi đơn giản, mở hơn, như tính cách của một Sài Gòn tự do, sôi động, trẻ trung.

Một cuộc sống bình thường với các công việc thường ngày; một gia đình nhỏ, sau những giây phút miệt mài lại trở về tổ ấm. Nhìn lại mọi thứ đã qua, anh cho rằng điều gì đã tạo ra giá trị anh và với những gì đã nhận được? Có khi nào anh muốn nổi loạn để tìm một sự mới mẻ không?

Thú thực, điều tôi cần nhất bây giờ là bình yên. Giới showbiz đã có đủ khốn nạn rồi, không cần thêm một sự nổi loạn thừa thãi từ tôi nữa. Tôi không muốn phải khoác cái áo “người nổi tiếng” trên vai. Tôi giữ cho mình một tình yêu không hào nhoáng, một gia đình giản dị. Tôi cũng bình thường như bất cứ ai, khác chăng là kéo violon giỏi và có chuyên môn cao. Tôi bằng lòng với những gì mình có, cứ bước thong thả, không quá chậm, không quá nhanh để có thể đi lâu dài hơn. Cổ điển là một con đường dài, chứ không chỉ gói gọn trong vài buổi biểu diễn. Đó chính là điều định danh cho giá trị của tôi.


(Ảnh: Dzung Art)

Anh có thấy cuộc sống hỗn độn ngoài kia mà giới giải trí chỉ là một thế giới thu nhỏ của nó không, khi ngay cả Hà Nội giờ cũng chẳng còn thanh lịch nữa rồi?

Không chỉ riêng Hà Nội, đó là xu hướng chung của xã hội, khi văn hóa đi xuống, những gì dễ dãi, hời hợt lên ngôi, thật giả trà trộn. Cứ ra đường là thấy chẳng còn ai muốn nhường nhịn ai, cứ lao lên, xông tới, cốt sao được việc mình, sự chịu đựng giảm đi, dễ nổi nóng hơn. Giờ tôi tập được cho bản thân tính bớt để ý những cái xung quanh, thời gian đó dành cho gia đình, người thân yêu, và tìm tới những cộng đồng giống mình, dù nhỏ thôi cũng tốt lắm rồi. Tuy nhiên, bạn thấy đấy, trong hoàn cảnh nào thì cũng còn người tốt. Không phải riêng mình tôi lạc quan đâu, Việt Nam xếp nhì thế giới về lạc quan tính đấy.

Anh đang muốn nói rằng luôn có điều gì đó tốt đẹp ở ngoài kia, miễn là mình chưa thôi hy vọng như trong truyện “Cánh buồm đỏ thắm”?

Đó là một cái kết đẹp.

TÌNH YÊU SÀI GÒN

 Âm nhạc đích thực chỉ đem tới những điều tốt đẹp. Rằng khi giai điệu đẹp đẽ luôn ngân nga trong đầu bạn thì cũng chỉ có điều tốt đẹp đọng lại. Trong ký ức của Bùi Công Duy chỉ đọng lại con đường nhiều bóng cây ở khu quận 1 mà hàng ngày cậu bé vẫn tự đi tới trường, những hàng cây cao, to, với tán lá rì rào trong gió, thả từng chiếc lá vàng xoay nhẹ xuống đất. Ánh nắng nếu có hẳn cũng vàng ươm và lấp lánh, và một sự tĩnh tại yên lành bao bọc trái tim rộng mở của Duy.

Sài Gòn khó khăn, Sài Gòn thời hậu tem phiếu lại bận rộn bởi phong trào học nhạc, thi đua, biểu diễn, từ chính những đứa trẻ nhỏ theo bố mẹ là nghệ sĩ, nhạc sĩ, giảng viên từ Bắc vào đây sống. Sài Gòn chỉ còn xôn xao trong trí nhớ khi Duy sang Nga, tìm thấy cho tiếng đàn của mình một cá tính, một chiều sâu, rồi rơi thẳng vào lòng Hà Nội với khí hậu khắc nghiệt, nóng, lạnh thất thường. Hà Nội mang lại cho anh nhiều cảm xúc phức tạp, nhưng nỗi nhớ Sài Gòn vẫn da diết, như nhớ về một mảnh đất tốt lành đã gieo vào trong tâm hồn non trẻ ấy từng âm, từng nốt nhạc, để rồi một ngày nào đó nhìn thẳng vào cuộc sống đục ngầu mà vẫn nhận ra những điều tốt đẹp.

(Nguồnhttp://www.thegioinguoinoitieng.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...