Bruckner và Shostakovich: Những thiên tài khiêm nhường

13/08/2018

Nhạc trưởng Latvia Andris Nelsons - người mới được bổ nhiệm vào vị trí nhạc trưởng dàn nhạc Leipzig Gewandhaus và giám đốc âm nhạc của dàn nhạc Boston Symphony, đã trao đổi với tạp chí Gramophone về hai nhà soạn nhạc xuất sắc Bruckner và Shostakovich.

Nhạc trưởng Andris Nelsons chỉ huy dàn nhạc Boston Symphony. Nguồn: New York Arts.

Hai chùm chương trình giao hưởng của Shostakovich và Bruckner lần lượt diễn ra ở Boston và Leipzig. Anh làm thế nào để dàn nhạc có thể trình diễn tốt tác phẩm của nhà soạn nhạc, trong khi ví dụ như Leipzig dường như không mạnh về Bruckner?

Khi nghe Leipzig chơi Bruckner, tôi nhận thấy một cách rõ ràng ảnh hưởng của âm nhạc thời kỳ đầu, đặc biệt là của Bach và sự rành mạch trong tư duy âm nhạc của ông. Họ tiếp cận Bruckner bằng truyền thống đó và có thể thấy là rất nhiều khoảnh khắc trong âm nhạc Bruckner nghe gần giống như âm nhạc Phục hưng. Tôi cảm thấy có những khoảnh khắc âm nhạc của ông phản ánh tinh thần sùng đạo, thuần khiết, thậm chí ngây thơ - ông viết âm lượng ppp (rất nhẹ) – đến mức ta có cảm giác như nghe âm nhạc từ những thế kỉ trước. Và khả năng chơi thứ nhạc này của Gewandhaus rất đặc biệt, họ có rất nhiều điều để nói về Bruckner: có một sự nhạy cảm và gần gũi mà tôi rất thích.

Tôi cũng đang cố gắng nhìn sâu vào trái tim Bruckner, cố gắng thể hiện con người Bruckner cùng mọi nỗi hoài nghi, ám ảnh..., con người Bruckner sùng đạo và sống theo những nguyên tắc khắc nghiệt cũng như những xung đột trong âm nhạc của ông. Dĩ nhiên, trong lối chơi của Gewandhaus cũng có chút ảnh hưởng từ Mendelssohn, nó nhẹ nhõm, gần như gợi cảm. Nếu đem khía cạnh đó vào cả Bruckner, người ta sẽ cảm nhận được cả sự tươi tắn.

Nhưng cũng có cả truyền thống Shostakovich ở Leipzig...

Đúng vậy, về mặt lịch sử và mặt chính trị vì Đông Đức bị ảnh hưởng rất nhiều từ Liên Xô. Và dĩ nhiên Kurt Masur đã thực hiện rất xuất sắc một chùm chương trình kết hợp tác phẩm của Beethoven với Shostakovich. Với Boston, điều này thật thú vị vì khi là giám đốc âm nhạc [1924-1949] ở đây, Koussevitzky đã đem đến rất nhiều nhạc Slavs và nhạc Nga, tuy nhiên ông cũng giới thiệu rất nhiều nhà soạn nhạc. Nhưng có một số bản giao hưởng của Shostakovich mà dàn nhạc chưa bao giờ chơi - như bản số 11 mà chúng tôi vừa thu âm. Ý tưởng làm một chùm giao hưởng xuất hiện vì cũng không có nhiều giám đốc âm nhạc ở Boston chơi nhiều Shostakovich ngoại trừ bản số 5 và số 10. (Jimmy Levine không chơi bất kỳ bản nào trong đó, và Seiji chỉ chơi bản số 10).

Khi nghĩ về Boston, người ta nghĩ về kịch mục Pháp ở đây...

Truyền thống Pháp ở đây rất mạnh. Nhưng khi chúng tôi biểu diễn bản số 10 của Shostakovich, tôi chưa bao giờ thấy âm nhạc của ông được chơi với độ chính xác, sự mãnh liệt và có chiều sâu âm thanh đến vậy, đó là âm nhạc của lòng can đảm. Với Shostakovich, cần tạo cho âm nhạc của ông sức mạnh và sự tập trung của âm thanh. Đó là thách thức về mặt kỹ thuật. Với Boston, có điều gì đó rất đặc biệt, họ bắt được tinh thần của Shostakovich rất tốt. Và Boston cũng có truyền thống Mahler mạnh mẽ, và chúng ta biết rằng Shostakovich quan tâm và chịu ảnh hưởng của Mahler.

Trong số những nhà soạn nhạc vĩ đại của thế kỷ 20, âm nhạc của Shostakovich có tác động đáng kinh ngạc vì nó sử dụng một ngôn ngữ mà chúng ta từng quen dùng, phần lớn từ phim ảnh và truyền hình…

Có thứ gì đó trong âm nhạc của ông đã tạo ra hiệu ứng cho khán giả. Khi kết hợp Shostakovich và Gubaidulina1, chúng tôi nghĩ “đó là một chương trình khó nghe” nhưng khán giả lại yêu thích dù chưa từng nghe các tác phẩm đó của họ trước đây. Âm nhạc của Shostakovich đến với từng khán giả bởi chất Nga của nó, quan điểm chính trị phương Đông, hay đơn giản là vì thế giới âm thanh của nó. Tất nhiên, Shostakovich phải đương đầu với một cuộc sống đầy thử thách như bị cáo buộc theo chủ nghĩa hình thức sau khi ra mắt vở opera Lady Macbeth. Ông là một trong những nhà soạn nhạc tiến bộ nhất thời đại mình nhưng chỉ trong tích tắc lại là “kẻ thù” lớn nhất của âm nhạc Xô viết. Ông hẳn sống sót qua cú sốc khủng khiếp này để tiếp tục viết nhạc. Vì vậy, ông đã sống một cuộc đời nhiều gấp đôi hoặc gấp ba lần, bằng rất nhiều cách để “đánh lừa” nhà chức trách. Có rất nhiều tầng lớp trong âm nhạc của ông, có thể tìm thấy cái mỉa mai, cái kệch cỡm, cái trớ trêu, cái hài hước, cái kịch tính, cái cường điệu..., luôn có hai hoặc ba nghĩa cùng lúc.

Hai nhà soạn nhạc Bruckner (trên) và Shostakovich.

Có bất kỳ điểm tương đồng nào giữa Bruckner và Shostakovich không?

Khi biểu diễn âm nhạc của Bruckner và Shostakovich thì với tôi có vẻ như cả hai đều khiêm nhường, không có chuyện đặt cái tôi ở trung tâm. Tôi cũng nghĩ rằng tính cách của Bruckner và Shostakovich tương tự nhau: cả hai đều rất nhút nhát, đều bất an và dễ bị kích động… Khi nghe Shostakovich nói chuyện, có lẽ bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng đây là nhà soạn nhạc đã viết bản giao hưởng số 4.

Anh có sự kết nối kỳ lạ với Shostakovich khi đã “thụ giáo” Mariss Jansons và Neeme Järvi, cả hai nhạc trưởng này cũng từng học tại Nhạc viện Leningrad với Mravinsky. Vì vậy, có thể anh không quá xa lạ với Shostakovich...

Phải. Tôi đã rất may mắn vì chính Liên Xô là nơi tôi bắt đầu học tập, sau đó là ba năm ở St Petersburg để học chỉ huy, dĩ nhiên Mariss cùng các giáo viên khác từ thời đó đều biết Shostakovich. Và không chỉ các giáo viên dạy chỉ huy. Tôi nhớ một giáo viên đàn dây của tôi vốn là cựu concertmaster (trưởng bè violon 1) trong dàn nhạc của Mravinsky đã chỉ bảo tôi mọi điều về kĩ thuật chạy vĩ và những gì Mravinskly đã làm. Điều đó thật thú vị. Và truyền thống có vẻ rất gần gũi do ảnh hưởng lịch sử. Shostakovich đã được chơi rất nhiều trong những năm học của tôi ở Latvia.

Với Bruckner, sự bất an tạo ra những phức tạp không thể tin nổi với nhiều phiên bản của nhiều bản giao hưởng 2. Anh có quy tắc chung về việc lựa chọn các phiên bản này? Hay là có một cách tiếp cận kiểu Leipzig.

Nói chung đó là một câu hỏi thường xuyên ở trong tôi. Cách tiếp cận đúng đắn phải là gì? Tôi không có câu trả lời chính xác. Nói chung, chúng tôi đang lựa chọn phiên bản Novak3, vì vậy hầu hết các phiên bản đã được thiết lập. Có rất nhiều câu chuyện về việc học trò của ông dùng những giao hưởng Bruckner để phô diễn và chứng tỏ chúng nên được thực hiện thế nào! Sau khi đọc một số điều từ những người “biên soạn” các giao hưởng của Bruckner, thật khó để biểu diễn các phiên bản của họ. Tôi biết Bruckner chấp thuận chúng bởi vì ông rất bất an và đang vật lộn với tác phẩm mà không chắc chắn lắm cách giải quyết vấn đề của mình. Đôi khi tôi thấy thật thú vị khi được quay trở lại phiên bản gốc và rồi nhớ lại thời kỳ còn chơi trumpet, tôi chưa bao giờ muốn buổi biểu diễn đầu tiên được thu âm, vì thế chúng tôi vẫn chọn phiên bản của Novak, có lẽ là một con đường trung dung và uy tín.

Và có phương pháp nào cho trình tự anh chọn các bản giao hưởng cho biểu diễn và thu âm không? Với Bruckner, anh đã thực hiện các bản số 3, 4 và 7 – anh có “để dành” những thách thức lớn cho sau này không?

Tất nhiên, chúng tôi muốn bắt đầu bằng tác phẩm không được biểu diễn thường xuyên nhưng đã rất có chất Bruckner, và tôi rất đồng cảm với bản số 3. Nó rất tiêu biểu cho phong cách Bruckner. Sau đó, chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục bằng hai trong số các bản nổi tiếng nhất là bản số 4 và số 7, nó cũng rất hợp lý vì buổi hòa nhạc ra mắt của tôi bao gồm bản số 7 mà dàn nhạc Gewandhaus công diễn lần đầu. Chúng tôi cố gắng kết hợp các tác phẩm nổi tiếng với những tác phẩm ít được biểu diễn hơn. Và chúng tôi đang ghép nối gần như tất cả chúng với Wagner bởi tôi yêu cả âm nhạc của Wagner và Bruckner. Mà Wagner cũng sinh ra tại Leipzig! Ngoài ra Wagner cũng có ảnh hưởng lớn tới âm nhạc Bruckner mặc dù chúng nghe rất khác biệt. Bạn không bao giờ có thể nói rằng Bruckner ở trong cái bóng của Wagner, hay sao chép Wagner. Bruckner khiêm nhường và ngưỡng mộ với rất nhiều nhà soạn nhạc, bao gồm cả Wagner...

... người có một tính cách hoàn toàn trái ngược!

Phải, Wagner đã nói những điều khủng khiếp về các giao hưởng của Bruckner. Về cơ bản, Wagner nghĩ Bruckner là kẻ khá mờ nhạt, nhưng dựa trên những gì tôi đã đọc và những gì trực giác mách bảo tôi - và những gì âm nhạc nói với tôi, cùng mối liên hệ tình cảm của riêng tôi với âm nhạc... thì tôi đồng cảm với ông.

Về cơ bản đó chính là vai trò của anh ở cương vị nhạc trưởng?

Không nhạc trưởng nào có thể khẳng định là thật sự chắc chắn - bạn không bao giờ có thể biết chính xác 100% Bruckner đã cảm thấy thế nào. Dĩ nhiên bạn có thể đọc, nhưng cuối cùng điều đó vẫn mang tính chủ quan. Nếu Bruckner viết ppp và bạn có quan điểm “hãy chơi nó chỉ với âm lượng một p và molto espressivo (rất biểu cảm)” bởi vì bạn nghĩ nó nghe có vẻ hay hơn thì đó không phải là diễn dịch...

... mà là áp đặt.

Nhưng nếu bạn nhìn vào tổng phổ và cố gắng làm nó sống động qua phản ứng cảm xúc của bạn - trái tim và tầm nhìn của bạn – thì đó là cách nên làm.

Và dĩ nhiên, âm nhạc cổ điển sẽ chết nếu chỉ có một tiêu chuẩn để biểu diễn mọi tác phẩm và các màn biểu diễn của dàn nhạc sẽ giống hệt nhau. Nhưng Bruckner của anh nghe có vẻ rất khác với Bruckner của nhạc trưởng X - và đó là thứ giữ cho nhạc cổ điển vẫn sống…

Và đôi khi mọi người hỏi tại sao lại thu âm Bruckner khi đã có sẵn rất nhiều bản thu âm tốt. Tôi không bao giờ cho rằng phải thực hiện một bản thu âm xuất sắc hay sau cùng của Bruckner mà chỉ muốn cùng dàn nhạc Gewandhaus biểu diễn, thu âm và chia sẻ quan điểm của mình về nhà soạn nhạc thiên tài này và chỉ ra cho thế hệ mới thấy phần con người đích thực của ông. Dĩ nhiên điều đó là chủ quan nhưng tôi nghĩ rằng sau mười, hai mươi năm nữa nên có một bản thu âm khác và mọi người sẽ thấy nó từ một góc nhìn khác. Nó cũng giống với trường hợp  Beethoven. Không phải vì chúng ta đang nói “Giờ đây, ai đó cuối cùng cũng có bản số 5!” Không nên có một cảm giác cạnh tranh bởi điều đó là không thể - chúng ta không ở đây để đánh bại Karajan hay Bernstein! Và với Shostakovich, bất cứ điều gì đang xảy ra trên thế giới dường như đều được phản ánh trong âm nhạc. Bạn gần như có thể được chữa lành khi nghe thứ nhạc đó, còn với Bruckner, điều đó có thể còn mạnh hơn nữa. Đây là một con người luôn đấu tranh nội tâm và đầy hoài nghi. Thật thú vị khi thể hiện ông như một con người đã chọn cách này. Âm nhạc không giống như một món đồ trong bảo tàng, với tôi nó vẫn là hiện tại. Suốt những năm về sau sẽ có những người nói với chúng ta như thế.

Xin cảm ơn ông!.

Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/feature/interview-andris-nelsons-on-bruckne...
——
1. Sofia Asgatovna Gubaidulina (1931-): nhà soạn nhạc nữ người Nga-Tatar.
2. Những bản giao hưởng của Bruckner có rất nhiều phiên bản khác nhau bởi ông cho phép các đồng nghiệp được quyền sửa chữa, thêm bớt, cắt xén sau khi phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích của họ. Nhiều “lời khuyên” đã làm gia tăng sự căng thẳng trong con người Bruckner.
3. Leopold Nowak (1904 –1991): nhà âm nhạc học nổi tiếng chủ yếu nhờ việc chỉnh sửa các tác phẩm của Anton Bruckner cho Hiệp hội Bruckner quốc tế.

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...