Bésame Mucho
Có lẽ rất nhiều người đã nghe ca khúc Bésame Mucho, một nhạc phẩm mà năm 1999 được xếp hạng là ca khúc Mễ Tây Cơ được hát và thu âm nhiều nhất trên thế giới.
Và có lẽ ít ai nghĩ tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng này là một phụ nữ.
Nhiều người trên thế giới, chỉ biết nó là ca khúc tiếng Tây Ban Nha chứ không rõ của nước nào. Nhiều người Mễ biết nó là bài hát của nước mình nhưng không rõ tác giả là ai và tất nhiên cũng không biết do một phụ nữ sáng tác. Có lẽ đấy cũng là tâm lý chung, thích ca khúc nào đấy và biết những ca sĩ nào hát bài ấy hay nhất nhưng lại ít để ý đến người sáng tác là ai.
Bésame Mucho ra đời từ hồi năm 1940, trong thể điệu bolero với giai điệu nồng nàn và lời ca cháy bỏng. Ngay cái tựa bài hát không thôi cũng đủ nói lên điều đó: hãy hôn em thật nhiều! Chữ Mucho (trong bài hát) nghĩa là nhiều theo kiểu liên tục không dứt, nói khác đi, đấy là một nụ hôn đắm đuối kiểu Pháp. Thực sự không rõ người Pháp có thường hôn như thế không nhưng trong tiếng Anh gọi là French Kiss. Phải nói hơi kỹ về chuyện hôn như thế vì chính tác giả khi viết bài này, đã 24 tuổi, chưa hề được hôn! Chính xác là chưa dám hôn ai vì văn hóa Mễ Tây Cơ thời ấy xem hôn (môi) là tội lỗi. Ở Việt Nam thời đấy cũng thế; các nhạc sĩ không dám viết lời lộ liễu như bây giờ. Tả nụ hôn cũng nói xa xa, như Văn Cao trong Buồn Tàn Thu chỉ “kề má say sưa”! Có lẽ nhờ sự ức chế do mâu thuẫn giữa bản năng và văn hóa đã khiến một thiếu nữ ở lứa tuổi sung mãn của tình yêu viết ra được một ca khúc vượt thời gian và không gian như thế! Dĩ nhiên một phần lớn cũng nhờ tài năng âm nhạc của cô nữa.
Thiếu nữ lãng mạn ấy được giới mộ điệu thời ấy biết đến với cái tên Consuelito Velázquez, dù tên thật của cô là Consuelo Velázquez. Cô là một dương cầm thủ nổi tiếng thời bấy giờ. Cô sinh năm 1916 nhưng nhiều tài liệu âm nhạc lại ghi năm sinh là 1924, giúp cô trẻ hơn 8 tuổi. Nếu đúng là được sinh năm 1924 thì hóa ra Consuelo viết bản Bésame Mucho khi mới 16 tuổi. Chừng đó tuổi mà đã viết được những câu quá táo bạo: “Besame mucho, que tengo miedo a perderte después”. Cứ hôn em nữa đi kẻo mai đây em sẽ mất anh! Ở Việt Nam giai đoạn ấy cũng có một chàng thiếu niên trạc tuổi này dám viết những câu thơ nồng nàn không kém:
Ta cùng nàng nhìn nhau không tiếng nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối
Đôi linh hồn chìm đắm bể u sầu
Chàng trai ấy tên Phan Ngọc Hoan sinh năm 1920, được biết đến với bút hiệu Chế Lan Viên khi cho phổ biến những câu thơ này vào năm 1937. So sánh như thế để thấy con trai Việt Nam thời ấy cũng lãng mạn không kém gì con gái Mễ Tây Cơ! Từ đó để thấy rõ âm nhạc không có biên giới, trong khi thi ca “vượt biên” không phải dễ dàng gì. Có mấy ai trên thế giới biết đến bài Đêm Tàn ấy cho dù giá trị nội dung lẫn nghệ thuật vượt xa lời ca của Bésame Mucho? Bài hát này được mọi người khắp thế giới yêu mến gần tám chục năm nay chắc chắn là nhờ giai điệu quá quyến rũ của nó. Bài này hát cũng hay, chơi độc tấu trên hầu hết nhạc cụ nào cũng hay, nghe hòa tấu càng hay hơn nữa! Thậm chí, không biết tiếng Mễ, vẫn khoái nghe ca bài này theo bản gốc. Giai điệu nghe như vừa van lơn, vừa nũng nịu. Lời hát lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hôn em đi, hôn nhiều nữa đi anh! Bésame, bésame mucho!”. Nốt nhạc ngay chỗ chữ MU được luyến dài lên xuống rất gợi cảm. Dầu sao, bản dịch tiếng Việt nghe cũng tạm, chứ không diễn tả hết cái hồn của bài hát:
Yêu nhau đi, đời ta có nghĩa chi
Yêu nhau đi ta lo chi cho đôi mi thêm phai úa màu..
Yêu nhau đi… cớ sao anh âu sầu?
Phút giây này có bao giờ đến với đời ta hai lần đâu…
Bên nhau đêm nay ta cùng vui ta say sưa trong niềm hoan ca hòa ngàn câu ân ái
Vui lên đi anh trong triền miên vui bao la trong hồn nhiên say trong đắm đuối ngất ngây…
Yêu nhau đi, mình không nên tiếc chi
Yêu nhau, trao nhau muôn môi hôn và đam mê trong phút này
Ta yêu nhau… có trăng sao trên trời
Chiếu muôn ngàn ánh soi tình
Chúng ta bừng muôn sắc hồng…
Bản dịch này của Trường Kỳ với tựa đề là Yêu Nhau Đi. Còn một bản dịch khác với tựa đề Đời Là Giấc Mơ của Y Vân cũng là “chế” thêm ít nhiều chứ lời không đúng y như nguyên bản.
Consuelo Velázquez qua đời năm 2005 tại thủ đô của Mễ Tây Cơ. Bà cũng để lại nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác nhưng không được “bất tử” như Bésame Mucho. Nằm thưởng thức ca khúc này, nghĩ đến giai điệu và lời ca được viết ra từ trái tim đang khao khát yêu đương của một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, thì quả đúng đời là giấc mơ như ý của nhạc sĩ Y Vân.
Tác giả: Nguyên Tâm