Beethoven, Brahms, Wagner... Tất cả họ đều “cóp” nhạc của nhau?

28/05/2017

Thoạt xem tiêu đề, chắc có người cho là một sự xúc phạm đến phẩm giá của các bậc vĩ nhân này. Thế nhưng đó lại là sự thật. Dẫn chứng ư? Có thể đưa ra hàng trăm! Nhưng so sánh với toàn bộ sự nghiệp của mỗi vị, những đoạn "sao chép" này đáng giá là bao thì tùy ta ngẫm nghĩ.

Đúng! Họ đều có "cóp" của người khác và cũng bị người khác "cóp" lại, sao họ lại không thể làm điều đó chứ! Chúng ta hiểu một điều: không có thế hệ nào tiên thiên sinh ra, trong âm nhạc cũng như trong mọi lĩnh vực khác. Suốt chiều dài của lịch sử, ta khám phá thấy có điều gì đó vô-định-thức, không ngừng vang vọng, một điều gì như bản thân cuộc sống - chuyển tiếp từ tác phẩm trước sang tác phẩm sau, tác phẩm này kế thừa đôi nét của tác phẩm kia một cái nhìn, một dung dáng...

Giả sử có người nói rằng chủ đề mở đầu bản giao hưởng số 3 của Beethoven không phải là của ông, chắc hẳn ta sẽ cho họ là kẻ dối trá. Chủ đề đó thật là đẹp đẽ, đầy cao thượng và đầy sức mạnh, nó biểu đạt một cách tuyệt vời tư tưởng tự do của Beethoven vào năm 1803 khi ông còn tin chắc rằng cái tên Bonaparte là đồng nghĩa với "cách mạng". Nhưng than ôi! 35 năm trước đó, một cậu bé 12 tuổi, theo yêu cầu của một vị bác sĩ - đã sáng tác một vở opera được mở đầu chính xác cũng bằng chủ đề đó. Tai hại hơn nữa là cả công năng đệm của nó cũng y hệt! Vở opera này là Bastien và Bastienne, tác giả là Wolfgang Mozart! Sự trùng hợp lạ lùng, phải không?

Giao hưởng Đồng quê - bản tụng ca thiên nhiên mà bệnh điếc đã không cho ông được nghe - Beethoven sáng tác năm 1807, ông đã hình dung ra trong chương 4 một cơn bão ác liệt được lắng dần đi trong khúc hát của người chăn cừu; giai điệu giản dị được diễn tấu bằng kèn clarinette tiếp nối bằng kèn cor. 50 năm sau, Wagner rất nhạy bén, cũng muốn đưa một khúc hát người chăn cừu vào âm nhạc của mình. Mở đầu màn 3 vở opera Tristan, Wagner đã giao một giai điệu "khác thường" cho kèn cor anglais trong 10 nhịp nhạc hoàn toàn "trung thành" với Beethoven.

Đó, với hai dẫn chứng trên, bạn có thể hiểu được ra nhiều điều, và chúng ta có thể lập nên một công thức cho đến nay chưa ai biết tới: Những người "cóp" nhạc người khác cũng không tránh khỏi bị người khác "cóp" nhạc của mình. Beethoven "cóp" Mozart ư? Thì Wagner lại "cóp" của Beethoven! Bạn vẫn còn hoài nghi chăng? Nếu vậy, chúng ta hãy xem xét thêm những tác phẩm khác.

Bản giao hưởng số 4 của Brahms được biểu diễn nhiều nhất, được mở đầu bằng một chủ đề có hình thức rất độc đáo, như một lời kêu gọi, sử dụng thủ pháp các quãng nhảy trong một mạch nhịp tiết tấu sâu sắc. Chủ đề tuyệt đẹp này chắc hẳn sẽ là độc nhất vô nhị nếu như Beethoven 70 năm về trước đã không nảy sinh ra ý định đáng buồn là sáng tác ra chính nó. Bạn sẽ tìm thấy chủ đề này trong chương Adagio bản Sonate số 29 op.106, tác phẩm nổi tiếng "Hammerklavier". Cũng cách sử dụng quãng 3, quãng 6, cùng một cách nhấn giọng.

Và bây giờ ta lại xem sự phản hồi của vũ khí boomerang: trong chương cuối của bản giao hưởng số 2, Brahms đã sáng tác một câu nhạc rất huyền bí, bâng khuâng bằng những quãng 4 đi xuống trong sắc thái rất nhỏ (pp). Hiệu quả thật xúc động. Gustave Mahler nhận thấy nó rất hợp với khẩu vị của mình, ta hãy nghe bản giao hưởng thứ nhất của ông: khuôn mẫu của Brahms đã được lập lại hoàn toàn nguyên dạng. Khoảng cách 10 năm giữa hai tác phẩm. Mahler là người quá học vấn để có thể nói là mình không biết gì về sáng tác của bậc tiền bối của ông!

Giờ thì chúng ta có thể thống nhất được rằng dẫn chứng không thiếu gì, nhưng các vị đó có thể phản bác lại - nếu như họ còn sống - rằng đó chỉ là những chi tiết lố lăng, nó chẳng thêm bớt được gì hết đối với sự lớn lao trong những tác phẩm của họ. Các vị đó nói có lý, hoặc gần như vậy. Bởi lẽ những chi tiết này có một ý nghĩa mà có lẽ các vị đã không lưu tâm tới. Các bạn có biết vì sao chúng ta ngày nay lại quá ngạc nhiên khi phát hiện ra những sự giống nhau trong các tác phẩm của các vị đó? Đó chính là vì ta đã kế thừa được tư tưởng của các vị, ta chờ đợi một nhà sáng tạo, sáng tác ra được những tác phẩm thật sự của họ, độc đáo, duy nhất. Chính các vị muốn như vậy.

Nền văn hóa nhân loại không thể thoái thác những đòi hỏi của sự tiến bộ. Nó yêu cầu phải loại trừ tất cả những gì quay lại phía sau, tất cả những gì lặp lại. Nó coi sự sáng tạo cái mới là cao hơn hết thẩy, mọi dấu hiệu dù nhỏ nhất của sự bắt chước đều làm phương hại đến sự thuần khiết của tiến hóa nghệ thuật - là một quá trình luôn khát khao cái mới. Chủ đề của bản giao hưởng Anh hùng dường như đã bị giảm bớt vẻ đẹp khi ta biết rằng nó không thuộc về sự sáng tạo của Beethoven.

Các bạn có để ý là trong tất cả những dẫn chứng vừa nêu ở trên, không có dẫn chứng nào thuộc về trước đầu thế kỷ XIX - đó chẳng phải là sự quên lãng. Nếu như chúng ta khai thác ở những thế kỷ trước, thì sẽ không phải chỉ có hàng chục dẫn chứng, mà là hàng nghìn, và có thể gọi là những sự sao chép đúng nguyên văn.

Vậy có điều gì xảy ra để sự việc này trở thành ngoại lệ?

Xin đợi câu trả lời ở bài sau.

Theo tài liệu báo chí âm nhạc Pháp

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...