Bế mạc Liên hoan Âm nhạc 2018 (đợt I)

08/10/2018

Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - Khu vực phía Bắc, diễn ra từ ngày 3 đến 5 tháng 10 năm 2018, tại Hà Nội do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, đã thành công tốt đẹp.

Các nhạc sĩ chụp ảnh lưu niệm tại Lễ Bế mạc liên hoan

Qua hai đêm diễn, 42 tác phẩm âm nhạc gồm nhiều thế loại: nhạc nhẹ, dân gian dân tộc, trong đó có 3 tác phẩm khí nhạc, đã được hơn 100 các ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công từ các đơn vị nghệ thuật lớn như: Đoàn Văn công bộ đội Biên Phòng; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Đoàn Văn công quân khu 1; Đoàn Văn công quân khu 2; Đoàn Văn công Phòng không – Không quân; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội; Nhà hát ca múa nhạc Quân đội; Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam; Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc… và các ca sĩ nổi tiếng tham gia biểu diễn đã góp phần vào thành công của Liên hoan.

Các đại biểu tại Lễ Bế mạc

Sáng ngày 5 tháng 10, tại Hội trường khách sạn Kim Liên đã diễn ra Lễ bế mạc và trao giải thưởng. Ban tổ chức đã trao bằng chứng nhận và giải thưởng cho 13 tiết mục đạt giải A, 29 tiết mục đạt giải B, và Bằng khen cho Dàn nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã đạt thành tích xuất sắc trong Liên hoan.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam có phát biểu nhận xét tại lễ Bế mạc:

“Chúng ta đã trải qua những giây phút xúc động, tự hào khi các nhạc sĩ của chúng ta đã được Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan đánh giá và đã trao những phần thưởng xứng đáng. Đây là công sức lao động của các nhạc sĩ và cũng là công sức đồng sáng tạo của các nghệ sĩ trong những tháng ngày vừa qua, để có được những kết quả rất là mỹ mãn, công bằng, chuyên nghiệp, chúng ta có thêm được những động lực mới trong sáng tạo cá nhân, sự liên kết phối hợp của các chi hội, các đồng nghiệp, các đơn vị nghệ thuật trong toàn quốc, để tiếp bước những thành công trong lĩnh vực âm nhạc. Đây chính là thành công lớn nhất của Liên hoan âm nhạc toàn quốc lần thứ nhất, chúng ta thực hiện được ước mơ của giới nhạc sĩ, của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong rất nhiều năm qua là: đưa được các tác phẩm mới sáng tác của các nhạc sĩ ở các vùng miền lên sân khấu ca nhạc với một hình thức nghệ thuật cao, với chất lượng nghệ thuật tương đối hoàn hảo và hơn nữa là những tác phẩm đã được sống dậy bằng những giọng ca, những bản phối âm, phối khí một cách rất chuyên nghiệp và hoàn chỉnh.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu

42 tác phẩm được trình diễn qua 2 đêm, thực sự là những bông hoa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao và đó cũng là mục tiêu của Hội Nhạc sĩ chúng ta phấn đấu phát triển hài hòa nền âm nhạc có tính chuyên nghiệp hàn lâm và có tính xã hội, là những sản phẩm được thể hiện một cách sinh động và có chất lượng nghệ thuật cao, đúng nguyện vọng và ước mơ của chúng ta là những tác phẩm âm nhạc luôn luôn được cất cánh và được trình bày dưới hình thức trang trọng nhất. Đây cũng là hình thức mà Hội chúng ta đã tiên phong trong cả chặng đường dài qua 32 đợt Liên hoan khu vực, và đến nay lần đầu tiên tổ chức Liên hoan toàn quốc, đây là một thành tích và là một bước đột phá trong hoạt động chuyên nghiệp của Hội. Trong 42 tác phẩm chỉ có 3 tác phẩm khí nhạc, đây là mảng chưa khởi sắc, còn thiếu lực lượng sáng tạo. Đây là một câu hỏi trong hoạt động tương lai, vì như chúng ta biết những thế hệ nhạc sĩ lão thành đã ở tuổi cao hạn chế về sức khỏe, cần các lớp trẻ hơn, vì vậy chúng tôi rất hơn nghênh những tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ trẻ đã gửi tới Liên hoan.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến nay có hơn 1.500 hội viên, gồm 4 thế hệ nhạc sĩ nối tiếp nhau, và những nhạc sĩ đã tham gia với những tác phẩm được trình diễn trên sân khấu và những đoàn nhạc sĩ có những thành viên có tác phẩm gửi đến Liên hoan, nhưng vì những điều kiện khách quan nên chưa được biểu diễn trên sân khấu, thì đó vẫn là những kết quả của sự lao động dồi dào sáng tạo, đó là kết quả của sự luôn luôn tìm kiếm và luôn luôn đặt đúng vị trí của những người nhạc sĩ sáng tác, đó là những người phát hiện, kết tinh những giá trị nghệ thuật trong đời sống và nguyện vọng của nhân dân, và tự thân các nhạc sĩ đã sáng tạo không ngừng trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc…

Có một bước chuyển biến rất mới, đó là toàn bộ tác phẩm của các nhạc sĩ đã gửi đến Liên hoan lần này đều hướng tới đề tài lớn của xã hội và chúng ta đã đưa ra một chủ đề là hát về biển đảo quê hương, đặc biệt lần này khi đã qua một thời gian, đã qua những chặng đường lịch sử thì những tác phẩm hôm nay rõ ràng có những điểm nhìn mới, một cách tiếp cận mới hơn, sâu hơn về chủ quyền, về tình yêu đất nước, đồng thời đó cũng là những góc nhìn của từng cá nhân các nhạc sĩ. Trong đêm thứ nhất, chúng tôi đã chủ ý xây dựng chương trình theo một mạch là những bài hát về quê hương, về biển đảo Việt Nam, và từ đó chúng ta so sánh được chất lượng giữa các tác phẩm với nhau. 

Trong 13 giải A, thì Hội đồng Nghệ thuật cùng với Ban chỉ đạo cũng đã tính toán rất chi tiết và nghiêng nhiều về khía cạnh học thuật, tính sáng tạo và hơn nữa là sự khai thác những đề tài cũ bằng ngôn ngữ mới, phát hiện mới, vì vậy không phải vô tình mà Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra 13 tác phẩm trong đó có 12 tác phẩm thể loại ca khúc và 1 tác phẩm thuộc thể loại khí nhạc, và một giải quan trọng giành cho các nhạc sĩ có công biên soạn chuyển soạn hòa thanh làm phần đệm cho những ca khúc, nâng được những giai điệu, những ca từ của ca khúc lên, là tốp nhạc sĩ hàng đầu về dàn dựng và phối khí hòa âm để cho chương trình hoàn mỹ với những giải A đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Rất lâu rồi chúng ta mới có những tác phẩm sống động biểu diễn trên sân khâu hoàn chỉnh thuyết phục, truyền cảm với sự có mặt của chính tác giả. Đây là phần thưởng vô cùng lớn đối với nhà sáng tạo khi tác phẩm được chính tác giả nghe trong không gian chất lượng nghệ thuật cao. Và 29 giải B, đây là những tác phẩm cũng rất sinh động, nhiều màu sắc, rất phong phú, tuy rằng mới có 31 chi hội trong khu vực phía Bắc, cho thấy sự cố gắng của nhạc sĩ.

Giải A

Liên hoan đã đi đúng mục đích và gặt hái được những kết quả đáng tự hào, qua đây chúng ta thấy rằng yêu cầu nâng cao tính chuyên nghiệp ở lĩnh vực ca khúc với cách trình diễn mới, cách nghe tác phẩm của đồng nghiệp, các nhạc sĩ cần chú ý hơn để phát hiện những góc mới, ngôn ngữ mới, giai điệu, tiết tấu mới, và để tránh những đường mòn... Tuy nhiên, âm nhạc truyền thống vẫn là chính thống, nhưng để có được nét nổi bật thì Hội là một tổ chức nghề nghiệp, trước tiên là những người làm nghề thấy rằng nhu cầu về đổi mới trong hình thức ca khúc là quan trọng, nếu chúng ta chỉ lặp lại trong một khuôn mẫu, cần đổi mới hơn và phong phú hơn về thể loại và đề tài. Các nhạc sĩ ở khu vực miền núi phía Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… có thế mạnh là kho tàng về dân ca, về giai điệu, tiết tấu sẽ bao trùm lên tư duy sáng tạo cũng đã hướng tới âm nhạc gần gũi hơn, vì vậy đã có 2 giải A cho nhạc sĩ Mạnh Cường và nhạc sĩ Trần Đức, cho thấy rằng có nhiều con đường đi tới sự sáng tạo trong nghệ thuật viết ca khúc.

Giải B

Liên hoan thực sự là cuộc trao đổi, là lớp tập huấn rất sâu về âm nhạc, thông qua những tác phẩm, thông qua những giai điệu, bài hát của các đồng nghiệp, là kinh nghiệm rất bổ ích không chỉ đối với các nhạc sĩ mà còn đối với Hội đồng nghệ thuật, Ban Chấp hành Hội cũng rút ra được những bài học quan trọng”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng có các ý kiến:

“Cuộc Liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực phía Bắc, có thể nói đây là một cuộc Liên hoan đổi mới toàn diện. Chúng tôi đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các nhạc sĩ hiện diện trực tiếp trong khán phòng để nghe tác phẩm của mình do một dàn nhạc có thể nói đầy tài năng và thể hiện trách nhiệm thật sự đã truyền lửa cho Liên hoan, đã chắp cánh cho những tác phẩm mới của các nhạc sĩ - một diện mạo mới về phối khí, hòa âm; các ca sĩ rất tài năng, biểu diễn hết mình để nâng cao tính chuyên nghiệp của cuộc Liên hoan lần này.

Chúng tôi cũng khẳng định và khâm phục các nhạc sĩ đã sáng tạo các tác phẩm đã thể hiện tư duy và học thuật trong ngôn ngữ âm nhạc, nhiều tìm tòi sáng tạo phong phú.

Đây là cuộc Liên hoan thành công trong nhiệm kỳ này, chúng ta có quyền tự hào, Liên hoan là cần thiết, suy cho cùng hoạt động nghệ thuật dù cao siêu đến mấy cũng từ thực tế cuộc sống mà ra, từ cơ sở phát triển lên, cho nên Liên hoan lần này, bản thân tôi rất quen thuộc với ngôn ngữ âm nhạc miền Nam nhưng khi thưởng thức các tác phẩm cũng đã học tập được nhiều kinh nghiệm ở các nhạc sĩ miền Bắc, có nhiều sáng tạo mới, ngôn ngữ mới, rất đáng trân trọng, các nhạc sĩ ở các vùng miền khu vực phía Bắc đã có nhiều sáng tạo và đến với Liên hoan với tinh thần trách nhiệm làm sao mỗi người góp phần của mình để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Chúng tôi tin tưởng vào Liên hoan đợt 2, tại khu vực phía Nam, Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh rất nhiệt tình ủng hộ, hưởng ứng chủ trương của Hội về Liên hoan âm nhạc toàn quốc các khu vực của cả nước, bản thân tôi bằng tình cảm của mình mạnh dạn đề xuất đăng cai Liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam năm 2019, thiết thực chào mừng 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ tại thành phố mang tên Bác, với chủ đề “50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ” sẽ đón nhận những tác phẩm mới, hay – Nội dung chân thực, hình thức vui tươi (theo lời dạy của Bác), hy vọng và tin tưởng Liên hoan đợt 2 khu vực phía Nam sẽ gặt hái được thành công tốt đẹp, và sẽ bắt đầu khởi động từ đây”.

*

*      *

Trong khuôn khổ của Liên hoan, ngày 4 tháng 9, Ban tổ chức đã có chuyến đi dã ngoại cho tất cả các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Liên hoan tham quan Khu Di tích K9, Đá Chông, Ba Vì. Địa điểm này vào năm 1957 trong một lần thăm sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K9 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969.

Tại đây, Đoàn đã làm Lễ báo công với Bác Hồ nhân dịp Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Bắc năm 2018, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã thay mặt Đoàn lên đọc Lời báo công với anh linh Bác:

“Kính thưa anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh,

Hôm nay, ngày mồng 4 tháng 10 năm 2018 (nhằm ngày 25 tháng 8 năm Mậu Tuất). Trong dịp tổ chức Liên hoan âm nhạc toàn quốc, Đoàn đại biểu các nhạc sĩ, nghệ sĩ, gồm hơn 120 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến từ 31 Chi hội các tỉnh, thành phía Bắc từ Thừa Thiên – Huế trở ra, thành kính dâng hương tưởng nhớ công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng Dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc Lễ báo công với anh linh Bác Hồ

Hơn 60 năm qua, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đã luôn song hành cùng dân tộc qua các chặng đường của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong những năm tháng xây dựng hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như các văn nghệ sĩ toàn quốc luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, việc đó đã được thể hiện qua 3 đợt sáng tác với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và kết quả đã thu được nhiều tác phẩm có giá trị tốt về nội dung và nghệ thuật trong các thể loại trường ca, ca khúc, hợp xướng, cho đến các bản nhạc không lời… các hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong 4 chuyên ngành: Sáng tác, Biểu diễn, Lý luận phê bình và Đào tạo luôn nỗ lực thi đua đoàn kết, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn và cùng nhau khuyến khích sáng tác đi sâu vào những đề tài của cuộc sống và của Đất nước như: chủ đề về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, về phong trào xây dựng nông thôn mới, về đưa văn hóa tới vùng sâu vùng xa, về đời sống và học tập của thanh niên, sinh viên hiện nay trong các trường đại học…

Toàn thể hơn 1.500 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày hôm nay là những thế hệ tiếp bước truyền thống của cha anh các thế hệ nhạc sĩ đi trước, các thế hệ văn nghệ sĩ đã đặt những nền tảng về văn hóa – những cột mốc về âm thanh trong quá trình đồng hành cùng dân tộc. Toàn thể hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin nguyện tiếp tục phấn đấu sáng tạo không ngừng, đổi mới về phong cách, về thể loại, đoàn kết nhất trí nâng cao trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành để tạo ra nhiều tác phẩm âm nhạc, nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị và tư tưởng nghệ thuật cao để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta.

Xin kính báo và kính dâng lên Bác!”.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...