Bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế, vốn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại
Cách đây 14 năm, ngày 7/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO, ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố Nhã nhạc Huế được ghi tên là 1/28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, Pháp. Đây cũng là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này.
Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) có từ thế kỷ thức 13, nhưng chỉ đạt đến độ mức điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Các vị vua Nguyễn đã dành sự ưu đãi khi ban cho Nhã nhạc một địa vị đặc biệt là âm nhạc chính thức của cung đình, bằng cách đó đã chính thức hóa nó như là biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại mình.
Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã Nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương.
Ngoài ra nó còn phục vụ như là một phương tiện cho việc truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam.
Trong ý nghĩa bao quát nhất của nó, thuật ngữ Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc cung đình dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả sự trình diễn thực tế, nó được đặc trưng bởi sự đa dạng của các loại nhạc cụ, và chỉ được biểu diễn vào những dịp nào đó, với các ca công và vũ công riêng.
Trống đóng vai trò chủ đạo trong các dàn nhạc cung đình vốn bao gồm một số lượng lớn các nhạc công và mỗi người trong số họ yêu cầu phải có sự tập trung cao để theo được mạch tất cả giai đoạn lễ nghi kéo dài.
Những biến cố xảy ra ở Việt Nam trong thế kỷ 20, đặc biệt là sự sụp đổ của Vương triều Nguyễn và những thập kỷ chiến tranh liên miên, đã đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của Nhã nhạc.
Bị mất đi ngữ cảnh cung đình, truyền thống âm nhạc này đã mất đi một phần chức năng xã hội nguyên thủy của nó. Với sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng địa phương, một vài nhạc công xưa của cung đình còn sống đang cố gắng làm sống lại truyền thống này và truyền đạt những kỹ năng của họ cho thế hệ trẻ.
Một số hình thức Nhã nhạc nào đó còn sót lại trong các tế lễ và lễ hội dân gian vẫn là một nguồn cảm hứng cho âm nhạc Việt Nam đương đại.
Sau khi được tôn vinh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, theo khuyến nghị của UNESCO, Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức lớp lập huấn giới thiệu những nghệ nhân là "báu vật nhân văn sống" của Huế, tiến tới thiết lập một hệ thống "báu vật nhân văn sống" của Việt Nam.
Sự đóng góp của những nghệ nhân ấy thời gian qua đã góp phần làm giàu giá trị di sản văn hoá Huế.
Đặc điểm của Nhã nhạc Huế (hay còn gọi là Nhã nhạc cung đình Huế) là truyền nghề, trong khi những "Báu vật nhân văn sống" ở đây đã lớn tuổi, Thừa Thiên - Huế đã có những bước đi cần thiết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế. Để chạy đua với thời gian, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho mời anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử (lúc bấy giờ là năm 2010, người anh 92 tuổi và người em 86 tuổi - nay đã mất) hai người cuối cùng tham gia trong đội nhạc Hòa Thanh của triều Nguyễn để phục dựng lại vốn âm nhạc cung đình (theo trí nhớ).
Ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố Nhã nhạc Huế được ghi tên là 1/28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại
Bấy giờ, đội nhạc Hoà Thanh trong cung đình (còn gọi là tiểu nhạc) có 10 người, gồm những người chơi nhạc cự phách, Lê Văn Hoà đánh trống bảng, Đinh Đó đàn tỳ, Trần Lư đàn tam, Nguyễn Thiện đàn nguyệt, Đinh Khai đàn nhị... nhưng phần lớn họ đã mất, chỉ còn hai anh em nhà cụ Thi và cụ Cử.
Khác với người anh đứng tên trong đội nhạc Hoà Thanh từ rất sớm, cụ Cử đến với đội nhạc như một cơ duyên. Năm 14 tuổi, cụ tham gia Lễ khánh thành Hội Phật học tại Đà Nẵng, có lúc đăng đàn thổi một mình.
Cụ chơi được nhiều loại nhạc cụ như: kèn, sáo (địch), đàn nhị... Năm 17 tuổi, trong một lần đến chơi phục vụ nội thân nhà vua ở cung An Định, tiếng đàn, tiếng sáo của ông qua các vỡ Tam Quốc, Lưu Bình Dương Lễ...đã thu phục được lòng người, đồng thời chính thức đưa ông đến với đội nhạc Hoà Thanh, và gắn bó với đội nhạc cung đình cho đến ngày Bảo Đại thoái vị.
Đội nhạc Hoà Thanh gồm các nhạc cụ dân tộc như đàn tỳ, tam, nguyệt, nhị, kèn, sáo, và các bộ gõ như trống, bảng..., chỉ phục vụ nhà vua trong các dịp đăng quang, vạn thọ, triệu miếu, chúc tuổi đức từ cung (mẹ vua Bảo Đại)... Cụ Cử là người đa tài, vì thế dưới thời Bảo Đại, khi văn hoá phương Tây bắt đầu xâm nhập vào nước ta, cụ là người thổi được kèn Tây (Sexsophone, Clarinet, Sáo bạc Flute) nên được triều đình rất trọng dụng.
Đối với cụ Lữ Hữu Thi thì nổi bật và tài ba với cây đàn nhị và chiếc kèn bóp; tiếng đàn khi réo rắt, ai oán, có lúc lại xập xoà, lúc bay bổng, nghe như bướm lượn trong các ca đoạn Nam ai, Nam Bình, trong Đăng Đàn cung.
Gia đình cụ còn có mấy đời tự làm lấy các nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, kèn bóp, tiếng vang mà dịu; không như bây giờ các loại nhạc cụ thường không đạt được chuẩn, tiếng to mà xẵng, như lời cụ tâm sự.
Trước khi mất, trong mấy năm qua, nhất là sau khi Nhã nhạc Huế (Nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, những người nhạc công cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn lại bận rộn hơn bao giờ hết trong công việc giúp nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống của loại âm nhạc cung đình.
Cụ Cử hơi nặng tai, nên việc truyền dạy nghề có phần hạn chế; riêng cụ Thi, mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng tuần vào các ngày chẵn vẫn nhờ con cháu chở vào nhà hát truyền nghề cho các diễn viên, nhạc công của Nhà hát Duyệt Thị Đường, thuộc Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế.
Cụ Lữ Hữu Thi còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình. Bấy giờ nếu gặp cụ Thi, sau khi nghe cụ đàn ca, mới thấy hết ngọn lửa đam mê vẫn còn âm ỉ cháy trong tâm hồn người nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn này.
Nhà cụ nghèo lắm, ở bên con sông Bạch Yến, khi chúng tôi đến thăm còn thiếu chỗ ngồi, nhưng khi hỏi đến suy nghĩ của mình, cụ chỉ ước muốn Nhà hát tạo điều kiện để cụ sớm truyền lại bài "Ngũ lôi nữ nhạc", đây là bài ứng tiếp mà triều đình thường dùng khi có khách quí, để dù có nhắm mắt, cụ cũng được mãn nguyện. Cụ lý giải "Đã mang lấy kiếp cầm ca thì mấy ai màng đến sang hèn" - có lẽ, cái khí phách ấy đã giúp cụ sống thanh thản, trường thọ ở đời.
Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) có từ thế kỷ thức 13
Ông Trương Tuấn Hải, Đạo diễn sân khấu, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế (nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội - Huế) cho biết, cụ Cử, cụ Thi vừa góp công bảo tồn và phục dựng thành công các bài "thài" như Trầm Hương (An thần) một trong 8 bài nhạc lễ trong lễ tế đàn Nam Giao, trong đó có đoạn ca từ sang trọng và rất khó như: Long nghi cáo bị/Nhạc chương đại thần/Tư văn dĩ phước/Minh đức duy hinh...
Hiện nay, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế đã xây dựng được đội ngũ gồm 90 diễn viên và nhạc công, tổ chức biểu diễn liên tục mỗi ngày 4 suất phục vụ khách tham quan, du lịch. Kết quả đó, có sự đóng góp rất lớn của hai người nhạc công cuối cùng trong đội nhạc cung đình triều Nguyễn hiện còn lại trên đất Cố đô..
Đối với nghệ nhân Trần Kích (vừa qua đời, thọ 96 tuổi, có hơn 70 năm tuổi nghề) thì ông đến với nghề này từ rất sớm, lúc vừa mới 20 tuổi. Ông đã đam mê loại nhạc này, một phần do ảnh hưởng rất lớn từ cụ thân sinh ông và điều đặc biệt đến khi đi học, tiếng đàn, sáo của cụ Ưng Thiều, một đốc học của trường làng lúc bấy giờ đã cuốn hút ông, rồi như một định mệnh, để tiếng đàn, tiếng sáo ấy theo ông cho đến tận bây giờ.
Những năm đầu, học nhạc đối với ông là thú vui để chơi, sau là một nghề để mưu sinh. Những gia đình khá giả quanh vùng đã thuê ông về dạy cho con cái trong nhà. Lúc thì ông đi dạy ở Hà Trừ (Phú Vang), lúc về dạy ở Truồi (Phú Lộc).
Sau này, ông từng tham gia đội nhạc cung đình Huế, vào biểu diễn Nhã nhạc trong Đại Nội phục vụ cung đình. Nghệ nhân Trần Kích chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, gồm Nhị, Nguyệt, Tỳ, Bầu, Sáo...Với ông âm thanh réo rắt của cây đàn Huế có sức thu hút mãnh liệt, chuyển tải được cái sâu lắng của giai điệu nhạc Huế.
Ông tham gia chơi nhạc cho cả đại nhạc, tiểu nhạc, nhạc tuồng Huế, nhạc Phật, nhạc múa cung đình, nhạc đệm cho ca Huế. Ông còn tự làm những cây kèn, cây đàn nhị độc đáo của Huế, để sử dụng và cung cấp cho học trò. Cây đàn Nhị ở Huế khác với các nơi khác ở chỗ lấy cung bậc mang âm sắc riêng biệt. Ngón đàn của ông, nhất là đàn Nhị, đàn Bầu và hơi kèn trau chuốt, sang trọng đã mê hoặc bao người.
Ngay từ năm 1962, khi Trường nhạc Huế được thành lập, nghệ nhân Trần Kích đã có tên trong danh sách những người dạy nhạc cho trường, qua 2 chế độ, liên tục cho đến năm 1988, tức 13 năm sau ngày giải phóng ông mới xin nghỉ hưu, và bây giờ vẫn tiếp tục dạy theo hợp đồng cho trường.
Những thế hệ học trò từng được ông truyền dạy nghề nay thành danh không kể hết. Nhiều người trong số họ trở thành các nhà quản lý các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, như các anh Đại Dũng, Tiến Dũng ở Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế; hay Trọng Nghĩa, Hữu Lai ở các đoàn ca kịch Đà Lạt, Quy Nhơn bây chừ.
Nhã nhạc với yếu tố truyền khẩu là chủ yếu, muốn lưu giữ được phải thu hút người theo vừa học, vừa chỉnh đốn, vừa truyền nghề. Ông đã nghiên cứu cách ký âm và ứng dụng vào việc ghi chép các bài bản ca nhạc cung đình Huế.
Đến nay, ông đã ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc. Ông là một trong những nghệ nhân rất ít còn lại của bộ môn này hiện nay ở Huế, nhưng khác với các nghệ nhân cùng trang lứa, ông không chỉ dạy học trò bằng cách truyền ngón nghề, kỹ thuật nhấn nhá, rung, vỗ, luyến láy, mà đã sử dụng bài bản ký âm để bảo tồn, lưu giữ, và dạy nhạc truyền thống Huế.
Hiện, người con trai duy nhất của ông là nhạc sĩ Trần Thảo, hơn 50 tuổi đã nối nghiệp cha chơi được các loại Sáo, Kèn, Nguyệt, Nhị, Bầu, Trống...và trở thành giảng viên của Trường Đại học Nghệ thuật Huế.
Nhã nhạc Huế, ngoài yếu tố nội lực còn được "tiếp sức" trong một dự án "Bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc Huế (Nhạc Cung đình Việt Nam)".
Theo đó, UNESCO thông qua Quỹ uỷ thác Nhật Bản đã tài trợ nguồn kinh phí 154.900 USD cùng với nguồn đối ứng từ chính phủ Việt Nam là 190.000 USD để bảo tồn và phát huy những giá trị của Nhã nhạc như: tổ chức tập huấn nhằm nâng cao phương pháp luận về nghiên cứu, lưu trữ cho 10 cán bộ dự án; tuyển sinh và truyền dạy nghề theo kiểu truyền thống cho 20 nhạc công Nhã nhạc (trong đó có 18 nhạc công được tuyển vào làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế).
Dự án còn tập trung nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu, như Thái Bình cổ nhạc, các bản ca Thài trong lễ tế Nam Giao; chuyển biên các bài bản Nhã nhạc; lập hồ sơ các nghệ nhân tiêu biểu là những "báu vật nhân văn sống".
Đặc biệt, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế còn phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục chế trang phục Nhã nhạc Huế gồm: 15 áo mão Đại nhạc, 15 áo mão Tiểu nhạc, 64 áo Giao lĩnh Bát dật Văn, 64 Trấn thủ Bát dật Võ...
Âm nhạc cung đình Huế càng có giá trị hơn khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Cũng trong hơn mười mấy năm qua, Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và tết Nguyên Đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự.
Nhiều tiết mục đã được Nhà hát Duyệt Thị Đường dàn dựng và biểu diễn như: Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá.
Giám đốc Nhà hát Duyệt Thị Đường, đạo diễn sân khấu Trương Tuấn Hải cho biết, có 15 điệu múa cung đình đã được biên soạn; đồng thời phục hồi được một số điệu múa khác như: Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi, Song phụng, Long hổ hội. Nhà hát còn dàn dựng được 13 điệu múa nâng cao như: Huyện Trân, Lộng Điệp, Xẩm Huế, Phách nhịp du xuân.
Nhã nhạc Huế có bề dày hàng trăm năm, nhưng cùng với thời gian đã bị mai một dần. Cùng với phục hồi Nhà hát Duyệt Thị Đường (được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn), thời đó, đây là nơi biểu diễn nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cung đình cho nội cung.
Hiện, nhà hát đã quy tụ được hơn 170 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để tiếp tục sứ mệnh vốn có của mình.
Tuy mới được trùng tu đưa vào sử dụng nhưng đã kế thừa lịch sử, tiếp tục khai thác, phục hồi những tác phẩm tiêu biểu có khả năng bị thất truyền, nhất là tuồng Huế, Nhạc lễ cung đình Huế đang để đưa Nhã nhạc Huế, một loại hình âm nhạc chốn cung đình đến rộng rãi với công chúng.
Những thành quả vừa nêu có một phần đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân vốn là "Những báu vật nhân văn" nói trên, những người góp phần giữ "hồn" cho Nhã nhạc Huế.../.
(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn)