Bảo tồn nghệ thuật hát Then trong trường phổ thông

31/05/2013

Thế hệ trẻ tiếp nối nghệ thuật hát Then - đàn Tính của cha ông. (Nguồn: vietgle)

Đưa hát Then vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường là hình thức được các trường phổ thông xứ Lạng áp dụng trong những năm học qua cho thấy hiệu quả và sức lan tỏa của cách làm này, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của loại hình văn hóa độc đáo của địa phương.

Lạng Sơn, mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc được biết đến với nhiều nét văn hóa độc đáo và phong phú trong đó có những làn điệu Then. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Then, trong những năm học gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đưa hát Then vào môi trường học đường.

Các nhà trường từ bậc tiểu học đến Trung học phổ thông ở Lạng Sơn đã gắn việc gìn giữ hát Then với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực,” hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng.

Khi đưa hát Then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát Then trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay.

Tại trường Trung học phổ thông Lương Văn Tri, huyện Văn Quan, việc đưa hát Then vào trường học được thực hiện từ năm 2008 bằng các hình thức như sưu tầm các đĩa hát then phát trong các chương trình ca nhạc của nhà trường vào đầu giờ học và giờ giải lao một số buổi sáng trong tuần; tích cực tuyên truyền, động viên, khuyến khích học sinh hát Then trong các hoạt động văn nghệ, các sinh hoạt tập thể, tự trang bị một số cây đàn tính phục vụ các tiết mục hát Then.

Năm 2011, nhà trường đã mời một số nghệ nhân có tiếng và một số người được đào tạo cơ bản và có hiểu biết về Then như nghệ nhân Vi Thị Liên, thầy Ngô Văn Đà… về trường để truyền dạy hát Then cho học sinh.

Hè năm 2012, nhà trường mở một lớp dạy cho 14 giáo viên của nhà trường về những kỹ năng đánh đàn tính và hát Then.

Học sinh của trường ngoài giờ học còn tham gia tập hát điệu Then tại các đội hát do các tổ chức đoàn thể tổ chức mà nòng cốt là các nghệ nhân và những người cao tuổi thuộc nhiều câu then cổ và những làn điệu Then. Nhờ đó, khi học ở trường, các em học sinh đã có những “vốn liếng” nhất định về hát Then.

Lồng ghép hát Then vào các hoạt động ngoại khóa là hoạt động diễn ra thường xuyên ở Trung học phổ thông Lương Văn Tri. Vào dịp những ngày lễ lớn, nhà trường tổ chức cho học sinh tập luyện và biểu diễn những làn điệu hát Then, mang đến cho không gian học đường mầu sắc của làn điệu ấm áp và giàu bản sắc.

Thầy Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Văn Tri cho biết: "Trước nguy cơ văn hóa Then có thể bị mai một, chúng tôi chọn cách bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa này bằng cách đưa Then vào nhà trường để giảng dạy. Đến nay, trường đã mở được bốn lớp học hát Then cho 52 học sinh và 14 thầy cô giáo trong nhà trường. Sau khi tham gia lớp học, thầy cô và học sinh có thể đánh được đàn tính và hát những làn điệu Then cơ bản."

Việc tổ chức dạy hát Then trong nhà trường đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của ngành giáo dục, phụ huynh học sinh và các tổ chức khác trên địa bàn.

Khi được tham gia các hoạt động biểu diễn, nhiều em học sinh tỏ ra tự tin và biểu diễn chuyên nghiệp. Em Hoàng Trọng Thái, học sinh lớp 12A10, trường Trung học phổ thông Lương Văn Tri cho biết em sinh ra tại Văn Quan, nơi được coi như “cái nôi” hát Then của xứ Lạng. Từ nhỏ em đã rất yêu các làn điệu Then quê mình, giờ học trong trường lại được tham gia lớp hát Then em cảm thấy vui và say mê với môn học này.

Việc tổ chức dạy hát Then trong trường học giúp chúng em hiểu rõ hơn về giá trị truyền thống, nét văn hóa của cha ông, từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa độc đáo này.

Tại trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, cứ một tuần ba buổi, cô và trò lại say sưa với các làn điệu Then. Các “nghệ sĩ nhí” mới chỉ học đến lớp 3, lớp 4 trong Câu lạc bộ hát Then của trường với cây đàn tính điệu nghệ trên tay, những ngón đàn nắn nót chuẩn xác và giọng ca mượt mà có thể khiến khán giả bất ngờ thú vị.

Em Nguyễn Đức Hạnh, học sinh lớp 5A5, một trong số ít các bạn trong câu lạc bộ có thể vừa chơi đàn tốt, vừa hát rất hay cho biết em được học hát Then từ khi còn học mẫu giáo, em rất thích hát Then và thuộc một số bài có chủ đề ca ngợi đất nước quê hương, con người… Em rất tự hào vì em biết hát Then.

Không chỉ riêng Đức Hạnh, mà hầu hết học sinh và các thầy cô giáo trong trường, ai cũng có một niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật Then truyền thống. Bằng tâm huyết, lòng say mê với nghệ thuật Then của quê hương, các thầy cô giáo trường Tiểu học Chi Lăng mong muốn sự ra đời của câu lạc bộ hát Then dành cho các em học sinh sẽ nối gần nghệ thuật truyền thống với tâm hồn các em.

Cô Mai Thị Xanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết hiện nhà trường đang mở lớp cho 25 giáo viên và 20 học sinh theo học. Mỗi tuần ba buổi, các em nhỏ trong câu lạc bộ hát Then lại được các cô giáo ôn luyện, tập hát, tập đàn những bài mới. Việc đưa hát Then vào nhà trường đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Lạng Sơn.

Tuy nhiên việc đưa Then vào giảng dạy trong trường học tại Lạng Sơn cũng gặp không ít khó khăn. Thầy Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Văn Tri cho biết hiện tại, một bộ phận không nhỏ học sinh hầu như chỉ quan tâm đến nhạc trẻ mà ít quan tâm đến hát Then; cơ sở vật chất, nhạc cụ, thiết bị âm thanh chưa đáp ứng được các hoạt động truyền dạy và tổ chức biểu diễn.

Kinh phí để tổ chức các lớp học không có, chủ yếu là huy động từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, nghệ nhân truyền dạy được hát Then tại địa phương rất ít; chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về phương pháp truyền dạy Then trong trường học cũng như chưa có biện pháp, cơ chế để thu hút các nghệ nhân có khả năng truyền dạy đến giúp đỡ nhà trường.

Lớp người biết hát Then ngày càng ít nên việc khôi phục không gian văn hóa này gặp nhiều khó khăn, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đưa hát Then vào trường học. Do vậy rất cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ và phát triển hát Then, xây dựng đội ngũ truyền dạy hát Then, đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho hát Then…, giúp cho nét văn hóa này đến gần hơn, thấm sâu vào tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Then truyền thống của dân tộc./.

(Nguồnhttp://vietnamplus.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...