Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số: Cần thêm nhiều nỗ lực
Sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã làm nên sự đa dạng của nền âm nhạc truyền thống. Nhiều điệu dân ca, dân vũ, những điệu Sli, Lượn, hát Then… đã làm nên bản sắc riêng, độc đáo của mỗi dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhưng trước sự phát triển của đời sống xã hội, đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Trước sự giao thoa, hội nhập văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang bị đe dọa,
có nguy cơ mai một. Ảnh: Thúy Lê
Mới đây, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc Việt Nam - Chính sách và thực tiễn”. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam”, giai đoạn 2016-2020.
Hội thảo nhằm đánh giá, nhìn nhận về tình hình bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền; khảo sát, tổng kết kết quả thực thi chủ trương, chính sách liên quan đến bảo tồn âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc. Nhiều tham luận trình bày tại hội thảo thể hiện sự dày công nghiên cứu, mang giá trị bảo tồn văn hóa truyền thống nói chung, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số vùng núi Tây Bắc nói riêng, được trình bày tại hội thảo, như: “Thực trạng bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”; “Đôi nét về hiện trạng thực hành di sản tín ngưỡng Then ở 11 tỉnh vùng núi phía Bắc”; “Hiện trạng âm nhạc dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình”...
Theo Thạc sĩ Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển, sự giao lưu hội nhập văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ; văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có âm nhạc truyền thống của từng dân tộc, những giá trị làm nên bản sắc âm nhạc của từng dân tộc đang bị đe dọa, dần biến mất. Do đó, việc tìm ra các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đã được xác định là một nhiệm vụ cần thiết và rất cấp bách. Năm 2017, Ủy ban Dân tộc phê duyệt cho Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện đề tài cấp quốc gia về “Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, để từ đó có được những ý kiến đóng góp cho công tác bảo tồn từ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những nghệ nhân, nghệ sĩ và người quan tâm đến âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Đặc điểm nổi bật ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đó là tính đa dạng văn hóa, mỗi địa phương đều có nhiều dân tộc cư trú, bản sắc văn hóa khác nhau, tạo nên nét đặc thù văn hóa riêng. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thủy Tiên, Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong vòng 20 năm trở lại đây, Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án văn hóa phi vật thể, sưu tầm, thu thanh, ghi hình các loại hình âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc nhằm bảo tồn, truyền bá di sản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là góc nhỏ trong kho tàng âm nhạc dân gian của các dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, trước sự giao thoa, hội nhập văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có âm nhạc truyền thống của từng dân tộc nói riêng đang bị đe dọa. Đây là thực tế mà chính các nhà quản lý, nghệ nhân-chủ nhân các loại hình âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số cần quan tâm giải quyết.
Tại hội thảo, tham luận của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân văn hóa dân gian đến từ một số địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng... đã tập trung đề cập đến những vấn đề như: Diện mạo, đặc trưng và những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật của các di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc; vị trí, vai trò của các di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam trước kia và hiện nay; những đề xuất, giải pháp cho việc bảo tồn, phát huy di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc trong đời sống hiện nay một cách hiệu quả, đúng hướng, phù hợp với thực tiễn...
Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc cho rằng, việc bảo tồn, khai thác và phát huy âm nhạc các dân tộc thiểu số hiện nay còn hạn chế do lực lượng đi khai thác mỏng, thiếu vốn hiểu biết âm nhạc dân gian. Việc sưu tầm, nghiên cứu còn manh mún, tự phát, chưa có định hướng và sự chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, nên hiệu quả thấp, chưa khái quát hết được diện mạo âm nhạc của các dân tộc ở mỗi địa phương. Văn hóa dân gian không có bước kế cận, tiếp truyền do thế hệ trẻ không mặn mà dẫn đến các nhạc cụ dân tộc, làn điệu dân ca, dân vũ dần mất đi...
Để công tác bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn, các địa phương cần xây dựng phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc sôi nổi hơn, phù hợp với từng dân tộc, cộng đồng; có cơ chế phù hợp về đầu tư kinh phí để thu hút người dạy và học; các hội thi về di sản âm nhạc truyền thống cần có hình thức thu hút, “kích cầu” qua trao giải... Đặc biệt, lãnh đạo địa phương, các cấp, ngành liên quan cần thấy rõ giá trị âm nhạc cổ truyền của các dân tộc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ làm công tác bảo tồn di sản âm nhạc ở mỗi địa phương để động viên, khích lệ tinh thần lao động, sự đam mê, sáng tạo của họ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc cổ truyền của các dân tộc.
Nguồn: http://www.bienphong.com.vn