Báo cáo tổng kết trại sáng tác Hà Tĩnh năm 2016
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là tài sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nó là đặc trưng riêng biệt luôn tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân Xứ Nghệ mà không bao giờ có thể mất đi bởi chính giọng nói và tính cách của con người xứ sở nắng gió này đã tạo ra dân ca Ví, Giặm. Chúng ta cũng thấy được, ngay trong lao động sản xuất, trong mọi sinh hoạt đời sống của dân Xứ Nghệ cũng vay mượn hơi thở Ví, Giặm để mà có ý nghĩa hơn, Ví, Giặm tạo ra tình yêu trong lao động, tạo ra năng suất hiệu quả, tạo ra sự trong sáng cao đẹp của tâm hồn. Khi ai đó yêu mến con người và mảnh đất này thì từ chất men của Ví, Giặm cảm xúc sẽ hóa thành lời ca và giai điệu cũng theo thổ âm, thổ ngữ mà hình thành để thấm vào trong các tác phẩm của họ. Ví, Giặm sẽ tùy thuộc vào từng không gian, thời gian mà biến hiện, tiếp nối, hòa nhập thật phong phú, đa dạng cho sinh động thêm nhịp điệu cuộc sống thường ngày, đó cũng là những tâm tư tình cảm, là niềm khát khao vươn lên, là nhịp cầu nối tình yêu thương của con người, bởi thế nó luôn phù hợp với mọi thời đại.
Sức sống của Ví, Giặm không chi dừng lại ở không gian nhỏ hẹp trong đời sống cộng đồng cư dân của một vùng miền, nó là đặc trưng riêng biệt nhưng không tách biệt bởi giàu tính nhân văn, bởi những gì giản dị, mộc mạc của Ví, Giặm đã được kết tinh từ các giá trị cuộc sống, nó nhẹ nhàng lan tỏa như trầm hương trong gió để đến với những không gian rộng mở, nó mang đến cho con người sự gần gũi thân thiện mà xóa bỏ bớt hận thù, nó chạm đến sự rung cảm sâu thẳm của tâm thức, của những tấm lòng chân thực giữa con người với con người trên khắp các miền quê hương, đất nước và nó cũng luôn hấp dẫn cả với những người không cùng ngôn ngữ trên khắp thế giới, thên khắp hành tinh.
Không ngoài mục đích kế thừa, phát triển "Bảo tồn và và huy các giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh", làm thăng hoa thêm chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân. Trại sáng tác Âm nhạc, Ca khúc phát triển dân ca Nghệ Tĩnh và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh năm 2016 lần này được sự nhất trí của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trực tiếp chỉ đạo là Sở VHTT&DL Hà Tĩnh đã được triển khai với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát NTTT Hà Tĩnh, Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, đồng thực hiện.
Trại được khai mạc vào ngày 05/12 và bế mạc vào 30/12/2016 với tổng số trại viên là 42 người (gồm 18 nhạc sĩ ở Trung ương Hội NSVN, 10 nhạc sĩ ở địa phương, 7 nhà thơ và 7 tác giả viết lời mới dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh).
Về ý tưởng trong công tác tổ chức và triển khai thực hiện, đây là sự phối hợp tạo được hiệu quả trên một tầm quy mô lớn để có được các tác phẩm chọn vẹn về cả giai điệu âm nhạc, cũng như ca từ văn học. Tất cả các trại viên khi nhận lời tham gia trại sáng tác đều mang trong mình một tình yêu tha thiết với dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, với quê hương và con người Hà Tĩnh mến khách. Đó là các Nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam như: Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Cường, Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Duy Cương, Ngọc Khôi, Doãn Nguyên, Vũ Thiết, NS Lê Mây, Trần Nhật Dương..., cùng với các nhạc sĩ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã được nhiều công chúng mến mộ như: Mạnh Chiến, Quốc Nam, Trịnh Ngọc Châu, Đình Đắc, Quốc Việt, Nguyễn Sỹ Chinh, Đình Đức, Trần Nguyên Phú... và các Nhà văn, Nhà thơ, các Tác giả soạn lời Dân ca Ví, Giặm tầm quốc gia mà tên tuổi luôn gắn bó với tình yêu quê hương Xứ Nghệ như: Nhà văn Đức Ban, Nhà thơ Duy Thảo, Bùi Quang Thanh, Ngọc Phú, Ngọc Vượng, Nguyễn Văn Thanh, Hoàng Vinh, Duy Hải, Tiến Khởi, Quốc Đính, Xuân Thưởng v,v...
Nhiều trại viên đến với Trại sáng tác lần này đã bày tỏ tình cảm của mình khi phải gạt bỏ những vướng mắc trong sinh hoạt riêng tư, đặc biệt là vào những ngày cuối năm bề bộn biết bao công việc (NS Nguyễn Cường đã đặt vé vào Sài Gòn làm Giám khảo Nghệ thuật cho chương trình Zing.mp3, một chương trình có ảnh hưởng rất lớn trên trang mạng hiện nay. Sau khi nhận giấy mời của BTC đã nhất quyết từ chối, nhưng ngay sau đó đã thay đổi ý định để đến với Ví, Giặm quê mình). Đó là những tình cảm xúc động chân thành không thể nói nên lời và tất cả các trại viên của Trại sáng tác cũng đã dành hết thảy tình yêu đối với mảnh đất thân thương này vào trong các tác phẩm, đó là những gì thật đáng trân trọng.
Trại sáng tác đã diễn ra trong khoảng gần một tháng, trong thời gian đó điều kiện thời tiết khá giá lạnh của mùa đông, tuy nhiên các thành viên của trại cũng đã có dịp để gần nhau hơn mà lan tỏa hơi ấm cho nhau bằng tình yêu Ví, Giặm. Ngay sau khi khai mạc toàn thể trại viên đã háo hức lên đường đi thực tế sáng tác tại các địa phương trong tỉnh.
Đoàn đã đến tham quan tại huyện Nghi Xuân, một địa chỉ văn hóa nổi tiếng, đến dâng hương tại Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Khu Di tích của Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du, thăm CLB Ca trù Cổ Đạm, rồi đến với Huyện Lộc Hà, được thăm Chùa Kim Dung dâng hương cửa Phật, đến với Của Sót, bãi tắm biển ngang, Khu nghỉ dưỡng đang xây dựng v,v...
Đoàn cũng được đến với thị xã Kỳ Anh, một đơn vị hành chính mới được thành lập đang từng bước ổn định để vượt qua những biến động khó khăn vất vả, được đến dâng hương tại Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu, thăm thắng cảnh Hoành Sơn quan... Đoàn còn được đến dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc, tham quan các địa danh ở huyện Can Lộc, v,v... đến đâu cũng được Lãnh đạo các huyện đón tiếp, trao đổi, được giao lưu và hiểu thêm về đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế của các địa phương, đó là những chuyến thực tế sáng tác với nhiều tư liệu quý giá giúp anh chị em văn nghệ sỹ có dịp tiếp xúc và lắng nghe để hiểu thêm về mảnh đất đã sinh ra những anh hùng, hào kiệt, những danh nhân văn hóa tiêu biểu của quê hương, đất nước qua nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Sau khi tham quan thực tế các tác giả đã dành thời gian viết các tác phẩm của mình. Tác phẩm gồm nhiều thể loại như: Nhạc múa, ca khúc phát triển Dân ca Nghệ Tĩnh, soạn lời mới Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và về thơ (Thơ là ca từ, là sự kết hợp giữa các Nhà thơ và Nhạc sĩ để có các ca khúc, trong Trại lần này có 07 bài thơ được phổ nhạc). Kết quả của trại sáng tác năm 2016 tại Hà Tĩnh có 68 tác phẩm, trong đó có 02 nhạc múa, 26 ca khúc phát triển Dân ca Nghệ Tĩnh, 01 hoạt cảnh Dân ca, 17 tác phẩm soạn lời mới Dân ca Ví, Giặm và 22 bài thơ về tình yêu quê hương, con người Hà Tĩnh.
Phải nói rằng đây là kết quả ngoài sự mong đợi của Ban tổ chức, của các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện. Thông qua tác phẩm của Trại đã phản ánh lên được tâm tư tình cảm của người nghệ sỹ với quê hương, con người Hà Tĩnh. Hầu hết các tác phẩm đã bám sát yêu cầu mà kế hoạch ban đầu của Ban tổ chức trại đã đặt ra.
Về giai điệu âm nhạc các tác phẩm khai thác chất liệu bản sắc truyền thống hòa nhập với hơi thở thời đại. Về nội dung ca từ khá sâu sắc, tinh tế từ trong Ca khúc, Hoạt cảnh dân ca, Dân ca Ví, Giặm và Thơ. Chủ đề cũng khá đa dạng, phản ánh tâm tư nguyện vọng, tình yêu của con người, về những thành tựu của nông thôn mới, về sự đổi mới của quê hương Hà Tĩnh trong không gian văn hóa của hội nhập và phát triển.
Có được kết quả trên chính là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của ngành VH,TT&DL Hà Tĩnh, của công tác xã hội hóa các hoạt động nhằm đúng mục tiêu của Tập đoàn Vinggoup với sự hỗ trợ về tài chính trong việc "Bảo tồn và phát huy các giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh" cho Nhà hát NTTT Hà Tĩnh, cùng với sự nỗ lực rất lớn của BTC, của các đơn vị phối hợp thực hiện, đặc biệt là tấm lòng chân thành, sự tâm huyết của các Nhạc sĩ, Nhà văn, Nhà thơ, của các tất cả tác giả ở Trung ương Hội NSVN, của 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Về những ưu điểm nổi trội đã được điểm qua trong các nội dung cơ bản như trên, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, trong công tác tổ chức cũng chưa được linh hoạt, khi đặt vấn đề mời các trại viên tham gia còn dè dặt bởi trong khuôn khổ kinh phí có hạn. Thứ hai, việc chọn thời điểm mở trại vào dịp cuối năm thực sự bề bộn rất nhiều công việc và cũng không được thuận lợi kể cả về mặt thời tiết như mưa gió, giá lạnh làm ảnh hưởng đến việc tham quan thực tế sáng tác khi đến với địa điểm danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa, di tích lịch sử tại các địa phương của các trại viên. Thứ nữa, thời gian mở trại trong vòng một tháng so với các trại sáng tác nói chung không phải là ngắn, nhưng đối với một trại có quy mô lớn như lần này thì cũng là quá gấp gáp, với thời gian đó có thể chưa đủ độ thẩm thấu để phát huy hết năng lực sáng tạo của trại viên trong việc khai thác chất liêu để kế thừa và phát huy các giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong các tác phẩm của mình.
Còn một nội dung không kém phần quan trọng nữa là công tác triển khai kế hoạch sau khi Trại sáng tác kết thúc, rất nhiều việc phải làm. Nhà hát NTTT Hà Tĩnh sẽ là đơn vị có trách nhiệm chính để đảm đương các công việc như hoàn thiện tác phẩm, dàn dựng các chương trình biểu diễn, phối hợp với tổ chức Nhà nước, với các doanh nghiệp và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm của Trại sáng tác bằng các hình thức như thu băng, đĩa, tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ, v, v... làm sao cho tác phẩm đến được với công chúng, làm tốt quy trình từng bước trong việc "Bảo tồn và phát huy các giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh".
Ngay giờ phút này cũng gần vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ Bính Thân 2016 sang năm mới Đinh Dậu 2017, hòa trong sắc trời tươi thắm, trong không khí đón Xuân năm mới rộn ràng, Trại sáng tác Âm nhạc, Ca khúc phát triển Dân ca Nghệ Tĩnh và Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh năm 2016 cũng đã thành công tốt đẹp. Thay mặt BTC và toàn thể anh, chị em nghệ sỹ tôi xin được gửi tới tất cả quý vị đã đến tham dự buổi Bế mạc Trại sáng tác, lời chúc mừng năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt và hãy luôn cùng nhau chung góp sức mình hướng đến với những giá trị nhân văn cao đẹp của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để mỗi ngày, mỗi người lại càng xích lại gần nhau hơn.
Xem chùm ảnh tại đây: Chùm ảnh bế mạc trại sáng tác Hà Tĩnh