Bản tấu hài Phượng hoàng gãy cánh

14/03/2017

Năm 1963, Đoàn Ca múa miền Nam đang khẩn trương xây dựng chương trình gồm nhiều tiết mục để kịp phục vụ đồng bào hai miền Nam Bắc sông Bến Hải nhân ngày 20 tháng 7 sắp tới gần.


Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với đội nhạc Đoàn Ca múa Cà Mau (1974)

Chương trình biểu diễn cũ của Đoàn thường là “Mở đầu hành khúc - Kết thúc Chàm rông”, tức là vén màn lên là đồng ca Giải phóng miền Nam hoặc Nam Bộ kháng chiến, rồi để hạ màn là điệu múa Chàm rông. Hội đồng nghệ thuật của Đoàn đã bàn bạc với nhau cần phải có một tiết mục tấu hài mang tính trào lộng theo phong cách Nam Bộ. Các nhạc sĩ Văn Lưu, Phan Vân và tôi bắt tay viết về chiến thắng ấp Bắc trên đất Mỹ Tho. Ngày 2-1-1963, quân giải phóng tiêu diệt 450 tên địch, 12 sĩ quan Mỹ, bắn rơi và bắn hỏng 16 máy bay, bắn cháy 3 xe M.113, bắn hỏng một tàu chiến, thu nhiều vũ khí Mỹ… Đây là sự thất bại thảm hại của chiến thuật trực thăng vận của Mỹ - Diệm, còn gọi là chiến thuật “Phượng hoàng bay”.

Ba anh em chúng tôi thức liền mấy đêm để hoàn thành hoạt cảnh hài Phượng hoàng gãy cánh. Anh Phan Vân “cao kều” (tác giả bài Niềm thương mến) có dáng đi giống danh hài Charlot sẽ thể hiện tiết mục này. Tôi viết phần đệm. Anh Văn Lưu dàn dựng và o bế mấy câu vọng cổ ở đoạn kết.

Nhạc sĩ Phan Vân trong vai giải phóng quân kể lại cho bà con cô bác nghe câu chuyện trận ấp Bắc, rồi lại chuyển sang vai Ha Kin, vai Ngô Đình Diệm. Đoạn kết dựa vào hơi hướm bài vọng cổ có cải tiến theo nhịp điệu giựt gân cho Diệm than thở với nàng Lệ Xuân, với thầy Ken-nơ-đi về sự thảm bại ê chề…

Trong đêm tổng duyệt chương trình của Đoàn Ca múa nhạc miền Nam, có mặt nhạc sĩ lão thành Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng một vài chuyên viên của Vụ Âm nhạc và Múa, có cả đại diện Ban Thống nhất Trung Ương. Nói chung, buổi tổng duyệt thành công tốt đẹp. Riêng tiết mục Phượng hoàng gãy cánh được cụ Nguyễn Xuân Khoát đánh giá là một tấu hài độc đáo, hấp dẫn, vừa “bình dân” theo phong cách Nam Bộ, vừa có tính nghệ thuật khá.

Tiết mục này đã từng phục vụ đồng bào và bộ đội ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và giới tuyến Vĩnh Linh. Tôi còn nhớ trong đêm tháng 7 năm 1963, đoàn chúng tôi diễn tại bờ Bắc Cửa Tùng, có một số cảnh sát chính quyền Sài Gòn xem. Đến tiết mục Phượng hoàng gãy cánh thì có vài tay cảnh sát ngụy làm bộ ngó xuống đất, nhưng cũng có người che miệng cười kín đáo.

Phượng hoàng gãy cánh được Vụ Âm nhạc và Múa xếp vào loại 5, ba-rem là 240 đồng. Với một số nhuận bút, trích ra một ít sắm cho anh Phan Vân một bồ đồ may sẵn trong mậu dịch Cửa Nam, số còn lại tổ chức liên hoan giữa tổ ca và tổ nhạc.

Tiết mục này còn được đoàn bạn dàn dựng và biểu diễn. Ca sĩ Thanh Hiếu của Đoàn Ca múa Hà Nội đã đoạt huy chương vàng trong Hội diễn Thủ đô 1969. Ca sĩ Phong Nhã của Đoàn Văn Công Sư đoàn 330 Nam Bộ tập kết đã biểu diễn dọc đường Trường Sơn và miền Đông Nam Bộ. Anh Tư Kỉnh “Ba đá”, sinh viên Đại học Kinh tài cũng thể hiện khá thành công tấu hài này.

Khoảng tháng 10 năm 1963, Vụ Âm nhạc và Múa điều động tôi lên Đoàn Ca múa Hà Giang để nắm tình hình hoạt động và phương hướng của đoàn miền núi. Anh Hứa Ninh (trưởng đoàn) và nhạc sĩ Hà Huy Hiền (phó đoàn) đề nghị tôi hành quân theo đoàn lưu diễn ở Hoàng Su Phì. Tôi cao hứng xin dàn dựng và thể hiện tiết mục Phượng hoàng gãy cánh. Sau khi tập ăn khớp với dàn nhạc, tôi hóa trang giống như hề gánh xiếc, gắn râu trái ấu (cho giống anh Phan Vân), mặc cái váy của dân tộc Hmông. Thính khán giả là người Tày, Hmông,  Dao… nghe câu được câu chăng, ấy vậy mà vẫn ôm bụng cười ngặt nghẽo. Có lẽ bà con thấy tôi hơi dị hợm, nhảy qua nhảy lại như con khỉ mắc phong ăn nhầm phải ớt bột cũng nên.

Rồi Đoàn Ca múa Hà Giang “kéo” lên thị trấn Xín Mần. Nhà cửa ở đây lẫn trong mây, mở cửa ra thì mây trắng sương mù ùa vào. Đi chợ phải rọi đèn pin, người bán đều phải thắp đèn dầu. Một củ cải trắng to đùng có thể xào cho cả đoàn ăn với cơm. Ở đây nhiều cây hồng xum xuê trái chín mọng. Chim họa mi bay về hót líu lo trên cành.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, đang ngồi uống trà với bộ đội biên phòng, bỗng nghe qua chiếc radio đưa tin Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: chế độ Diệm - Nhu bị lật đổ, quyền hành về tay nhóm quân đảo chánh. Tướng Dương Văn Minh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân, tương đương với Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa. Thật hả hê! Nhưng đây là “thay ngựa giữa đường” của đế quốc Mỹ.

Đúng như “tiên tri” của nhóm tác giả bản tấu hài viết cách đây vài tháng trong câu trăng trối của Ngô Đình Diệm ở đoạn kết: “Nhớ buổi ra đi trống kèn rộng họng ba hoa khoác lác nào có ngờ đâu năm con Phượng hoàng bỏ mạng sa tràng nằm co mà đo ván ó o. Ken-nơ-đi  thầy ôi, Diệm này ngao ngán lo cho số phận đôi ta rồi đây như kiếp Phượng hoàng”!

Cuối năm 1974, tôi gặp lại nhạc sĩ Phan Vân tại tiểu ban Văn nghệ khu Tây Nam Bộ trong rừng U Minh Hạ. Tiết mục Phượng hoàng gãy cánh được dàn dựng cho Đoàn Ca múa Giải phóng Tây Nam Bộ trong đợt ra quân mùa xuân 1975. Mặc dầu đã hơn mười năm, nhưng ông Phan Vân “cao kều” vẫn còn phong độ, phát huy ngón nghề mang lại những trận cười cho bà con vùng giải phóng ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Và trong đêm ngày 7-5-1975, bản tấu hài Phượng hoàng gãy cánh lần đầu tiên ra mắt đồng bào giữa thành phố Cần Thơ chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.

V

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.