Bản tăng gô bên sông Hàn - khúc tình ca mới về Đà Nẵng
Ca khúc Bản tăng gô bên sông Hàn, một sáng tác mới của nhạc sĩ Nguyễn Trung lần đầu tiên ngân vang tại sân khấu Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên – 2017 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào cuối mùa hè rực nắng. Bài hát được nhiều người yêu thích không chỉ vì giai điệu khá truyền cảm, chân chất mà còn là một tác phẩm được Nguyễn Trung thai nghén với tất cả tâm hồn của một nhạc sĩ Bắc Ninh – quê hương nổi tiếng với những làn điệu dân ca Quan họ ngọt ngào đằm thắm. Có thể nói số lượng ca khúc anh sáng tác khá nhiều. Song, đây là ca khúc đầu tiên anh viết về thành phố bên bờ sông Hàn - nơi đã nhiều lần anh đến thăm. Với anh, âm nhạc là lẻ sống. bởi chính âm nhạc đã làm anh thăng hoa hơn trong sáng tác nghệ thuật, nhất là khi viết về vùng đất anh hằng mến yêu.
Những năm qua, dù khá bận rộn với công việc của một Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc – Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, anh vẫn dành thời gian, tâm huyết sáng tác những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, con người, được nhiều ca sĩ thể hiện. Tham dự Liên hoan âm nhạc lần này, anh giới thiệu ca khúc Bản tăng gô bên sông Hàn, với giọng hát Đức Tư cùng dàn diễn viên múa trẻ đẹp đã lôi cuốn được khán giả trong tiết mục được dàn dựng khá hấp dẫn. Ca khúc này sau lần biểu diễn đầu tiên ấy đã được công chúng Đà Nẵng đón nhận bằng cả tình yêu chân thành. Sự thành công của ca khúc bắt nguồn từ tâm tư tình cảm của chính anh đối với mảnh đất Đà Nẵng, dù anh sinh sống ở tận Bắc Ninh, nơi anh đã gắn bó từ thời trai trẻ, cũng là nơi mạch nguồn diễn xướng âm nhạc dân gian Quan họ lan tỏa khắp mọi miền. Tham dự Liên hoan âm nhạc lần này, tâm huyết anh dành cho Đà Nẵng thể hiện qua ca khúc Bản tăng gô bên sông Hàn, giai điệu mênh mang, lả lướt cùng tiết tấu tango dìu dặt, dịu êm hiện lên như bức tranh thấm đẫm tình yêu Đà Nẵng.
Tác phẩm viết ở điệu thức Re thứ, nhịp 2/4 đầy tự tin, mở đầu giai điệu gồm những nốt đen, móc đơn luân chuyển trong âm vực hẹp với những thanh âm liền bậc, ổn định điệu thức, được khắc họa dung dị nhưng sâu sắc, đầy tính ngợi ca vùng đất lành – Nơi đáng sống của nhiều người đang sống. Bản tình ca ấy đã khắc họa niềm hạnh phúc của vùng đất đang phát triển, đổi thay rạng rỡ từng ngày… Với hình thức hai đoạn đơn, khúc chiết, rõ ràng, dễ đi vào lòng người, bài hát mở đầu bằng những thanh âm ngân nga theo lời ca như lời tự sự tỏ tình trước nét đẹp lung linh, sóng sánh của dòng sông Hàn khi màn đêm buông xuống, những ca từ cứ lặp đi lặp lại, khắc họa nét đẹp đầy ấn tượng của dạ khúc sông Hàn.
Đêm nay bên sông Hàn, đường tôi bước thênh thang
Đêm nay bên sông Hàn, niềm vui cứ rộn ràng
Đêm nay bên sông Hàn, vòng tay gió mơn man
Đêm nay bên sông Hàn, tình yêu đã dâng tràn…
Chuyển qua điệp khúc có ly điệu nhẹ sang bậc V La thứ trào dâng ngút ngàn yêu thương: “Sông Hàn ơi! Có thương nhau. Cho tôi làm con tàu chở đi nỗi nhớ. Sông Hàn ơi! Có yêu nhau. Cho tôi làm cây cầu, nối những bờ vui. Cho tôi làm cung đàn, nối nhịp tình yêu”.
Rồi hiển hiện lên một nét đẹp thanh tao, thuần khiết của vùng biển xanh cát trắng Bãi Bụt, Sơn Trà, cảnh quan hùng vĩ của Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, cảnh sắc hữu tình của dòng Hàn giang...Rồi trong một đêm dạo gót bên bờ sông Hàn, người con trai của miền đất Bắc Ninh xa xôi lại thấy tâm hồn xao xuyến trước hình tượng nguy nga, phồn thịnh của thành phố Đà Nẵng – biểu tượng của con Rồng đang vươn ra biển lớn: “Lung linh hai bên bờ đèn giăng sáng trong đêm. Những Bãi Bụt, Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn. Nghe xôn xao trong lòng, bài ca đất quê hương. Đêm nay bên sông Hàn, tình yêu đã dâng tràn…”
Tác giả đã sử dụng khúc thức đơn giản có ly điệu, chuyển điệu nhẹ nhàng, phần kết của bài hát có lời ca khá chân thành nhưng vẫn tạo được hiệu quả, lôi cuốn người nghe bằng sự chuyển động linh hoạt của giai điệu khoan thai tha thiết, chan chứa ân tình, ngợi ca mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh, nay vững bước tiến lên trên con đường đổi mới.
Đà Nẵng năm xưa lừng danh Cửa Hàn
Đà Nẵng hôm nay vững vàng đi lên
Mảnh đất địa linh ngàn đời để nhớ
Sông Hàn yêu thương
Sông Hàn, quê hương, Sông Hàn, quê hương
Với thủ pháp hòa âm khá ổn định, những thanh âm khi trầm khi bổng thể hiện một tình yêu sâu sắc đối với thành phố bên bờ sông Hàn yêu thương. Bản tăng gô bên sông Hàn đã biểu đạt được trọn vẹn tình yêu của nhạc sĩ Nguyễn Trung với mảnh đất Đà Nẵng yêu thương này. Mỗi người con dù ở nơi đâu trên quê hương Việt Nam nhưng tâm lòng luôn hướng về Đà Nẵng với mong muốn thành phố biển miền Trung ngày càng tươi đẹp, rạng ngời.
Với những ưu điểm ấy, ca khúc Bản Tăng gô bên sông Hàn của nhạc sĩ Nguyễn Trung đã đạt giải B tại Liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2017.