Băn khoăn trẻ con hát nhạc yêu đương như người lớn
Cuộc thi “Giọng hát Việt nhí 2016” đã khép lại, với giải quán quân thuộc về ca sĩ nhí Nhật Minh. Sự đăng quang của Nhật Minh hoàn toàn thuyết phục cả ban huấn luyện trẻ trung lẫn giới bình chọn huyên náo. Nhưng...
Nhưng, cũng tạo băn khoăn về thể loại nhạc dành cho lứa tuổi hồn nhiên. Nếu không có ca khúc phù hợp, thì ca sĩ nhí chỉ giống như bản sao của những ca sĩ thành danh!
Có bố là nghệ sĩ chèo Trịnh Nam Cường, thí sinh Nhật Minh đã biết tận dụng lợi thế ấy để vượt qua các thí sinh khác trong sự chạy đua giành lấy bình chọn của đám đông. Trích đoạn chèo “Phù thủy sợ ma” có sự hỗ trợ từ người bố, có thể xem như dấu son trên hành trình chinh phục công chúng của ca sĩ nhí Nhật Minh. Tuy nhiên, ngoài trích đoạn chèo “Phù thủy sợ ma”, thì hầu hết những tiết mục của Nhật Minh ở “Giọng hát Việt nhí 2016” đều bất cập.
Một cậu bé ngây thơ mà hát những ca khúc dạt dào tình cảm như “Đá trông chồng” hoặc “Thành phố miền quan họ” thì có phải là một chọn lựa khôn ngoan không? Chắc chắn không! Bởi lẽ, ca từ của mỗi bài hát thì chính người hát còn chưa hiểu hết thì làm sao bộc lộ thần thái tác phẩm. Càng tỏ ra chuyên nghiệp thì càng gượng gạo.
Ca sĩ nhí 9 tuổi mà cố gắng đắm đuối “Mờ trăng trăng lặn, tỏ người người xa. Gặp hội mười ba giờ ta một bóng. Mờ sông sông rộng tỏ trời trời cao. Miếng trầu quả cau buồn đau một kiếp” thì không phải một trò chơi phù phiếm và chênh vênh sao? Không lẽ, chúng ta tự hào khi giới thiệu quán quân Giọng hát Việt nhí 2016 hát bài “Đá trông chồng” giống như chị X và hát bài “Thành phố miền quan họ” giống như anh Y chăng?
Nghệ thuật không có giới hạn, nhưng mỗi độ tuổi mang một nét đặc trưng. Thiếu nhi theo đuổi nghệ thuật càng khó hơn, vì khó khăn lớn nhất là hạn chế nguy cơ sàn diễn làm thui chột tâm hồn trẻ thơ trong trẻo. Không thể nói khác hơn, để ca sĩ nhí hát những ca khúc của người lớn, là một trò chơi dại dột và phản cảm.
Tuổi hồn nhiên lại véo von ca “con đường xưa em đi” hoặc “trái tim không ngủ yên” vẫn khiến đám đông hò reo phấn khích, thì không hiểu yếu tố giáo dục thẩm mỹ sẽ đi về đâu! |
Hầu hết những cuộc thi tương tự như “Giọng hát Việt nhí” đang mời gọi trẻ con bỏ học hành để đua danh vọng, đều mua bản quyền của nước ngoài. Các nhà sản xuất tại Việt Nam luôn có thái độ hí hửng khi bắt chước thiên hạ, nhưng chẳng bao giờ thẩm thấu được điều hay từ thiên hạ. Hãy xem những sân chơi tương tác trên truyền hình Mỹ và các nước phương Tây, có trường hợp nào trẻ con hát nhạc yêu đương nồng nàn không? Cái hệ lụy này do người lớn gây ra, chứ không thể đi bắt lỗi trẻ con!
Tất nhiên, không ai ngây thơ đến mức tin tưởng rằng những trò chơi ca hát trên truyền hình nhằm kiến thiết một thế hệ ca sĩ cho tương lai. Những tuyên bố hoành tráng của các nhà tổ chức chỉ nhằm đánh động các thương hiệu móc túi tài trợ để đạt doanh thu như ý mà thôi.
Thế nhưng, dù nhân danh bất cứ điều gì hay dù ngụy trang bất cứ mục đích gì, cũng không thể khuyến khích trẻ con hát nhạc người lớn. Cuộc thi “China’s Got Talen” có một chiêu trò đáng xấu hổ là thay đổi… giọng hát cho thí sinh. Người dự thi xuất hiện trên ti vi là Ưu Đàm nhưng giọng hát lại của Ba Đạt Nhĩ.
Chiêu trò này không khó lý giải, Ưu Đàm có hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại sinh ra và lớn lên trên vùng thảo nguyên nghèo khó, bài hát “Mother in the dream” mang âm hưởng dân ca Mông Cổ sẽ khiến Ưu Đàm trở thành điểm nhấn cực kỳ ấn tượng cho “China’s Got Talen”.
Dẫu có sự khuất tất, nhưng hình ảnh cậu bé 12 tuổi Ưu Đàm hoàn toàn vừa vặn với ca khúc dự thi, và gây xúc động cho hàng triệu khán giả. Bài hát “Mother in the dream” nhanh chóng bay xa, và lan sang Việt Nam với phiên bản “Gặp mẹ trong mơ” mà thí sinh Trần Ngọc Duy từng hát ở “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên khiến ca sĩ đang ngồi ghế nóng Hiền Thục phải bật khóc!
Hiếm hoi những ca khúc như “Gặp mẹ trong mơ” thì ca sĩ nhí của nước ta chuyển qua hát nhạc yêu đương. Cũng bước ra từ “Giọng hát Việt nhí”, ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi vừa tạo sóng trên mạng xã hội khi tung ra MV ca khúc “Chờ người”. Trên trang Youtube, MV “Chờ người” của Phương Mỹ Chi có hàng triệu người xem, và dư luận có những ý kiến trái chiều.
Bên cạnh sự hồ hởi ít ỏi về sự trưởng thành của một gương mặt mới, thì phần lớn lo lắng cho một cô bé 13 tuổi đã thể hiện bài hát yêu đương mùi mẫn. Chính sự cổ vũ quá đà của người lớn mà Phương Mỹ Chi sớm bước vào thị trường âm nhạc một cách khập khiễng và méo mó.
Thật xót xa khi ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi – thần tượng của không ít thiếu nhi lại hát nỉ non: “Tình là tình cô đơn tái tê gió lạnh mùa đông, ngọn đèn dầu chiếc bóng nơi cô phòng. Và mỗi lần chim én đưa tin con đò sang sông, môi mắt em chờ mong. Sầu thương đã lỡ, trách chi duyên tình dang dở. Đời người con gái chỉ có một lần ước mơ”.
Xu hướng lệch lạc trẻ con hát nhạc yêu đương, xin đừng vội trách các em nhỏ dại. Trước hết hãy hỏi vai trò của đơn vị đăng cai, sau đó hãy hỏi đến vai trò của Hội nhạc sĩ VN! |
Tình trạng trẻ con hát nhạc yêu đương, hoàn toàn không phải duy nhất trường hợp Phương Mỹ Chi. Tuy nhiên, vì Phương Mỹ Chi đang được kỳ vọng nên mang lại sự bẽ bàng cho nhiều người. Bây giờ, chuyện trẻ con đi thi các game show đang là trào lưu trên các sóng truyện hình. Đủ mọi sân chơi bày ra lôi kéo tuổi thơ, từ “Siêu nhí tranh tài” đến “Thần tượng âm nhạc nhí”. Và lẽ tất nhiên là trẻ con đua nhau hát nhạc người lớn, mông lung thì “xin đó đừng phụ nghĩa tào khang” còn cuồng nhiệt thì “yêu nhau mấy núi em cũng trèo”.
Lâu nay, các ca sĩ nhí vẫn hát nhạc yêu đương, nhưng chỉ gói gọn trong khuôn khổ phòng trà hoặc karaoke. Khi có sự tiếp tay của các đài truyền hình, thì trẻ con tha hồ mang tâm sự… như người lớn lên sân khấu chuyên nghiệp. Tuổi hồn nhiên lại véo von ca “con đường xưa em đi” hoặc “trái tim không ngủ yên” vẫn khiến đám đông hò reo phấn khích, thì không hiểu yếu tố giáo dục thẩm mỹ sẽ đi về đâu!
Không chỉ hát nhạc yêu đương, trẻ con còn được khuyến khích bắt chước người lớn. Xem chương trình “Gương mặt thân quen nhí”, những ai còn tha thiết với sự trong sáng của tuổi thơ không thể không băn khoăn khi trẻ con vừa hát vừa diễn theo kiểu các ngôi sao thời thượng? Nhà tổ chức thì thu được quảng cáo và phí nhắn tin, còn xã hội thu được gì? Phải chăng, chỉ thu được một nỗi day dứt về đồng tiền đảo điên và nghệ thuật lố bịch?
Nếu những cơ quan quản lý văn hóa không mạnh tay chấn chỉnh thì thảm họa trẻ con hát nhạc yêu đương sẽ còn lan rộng và gián tiếp gây ra nhiều biến tướng khôn lường. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Với những cuộc thi ca hát dày đặc như hiện nay, thì kho dự trữ ca khúc thiếu nhi của nước ta bỗng trở nên ít ỏi. Để không phải trùng nhau ca khúc trình diễn giữa thí sinh nhí nọ với thí sinh nhí kia, người lớn tinh khôn đã chỉ cho trẻ con cách lấn sân sang nhạc yêu đương. Càng sướt mướt càng tạo xúc cảm, càng ủy mị càng tạo hưng phấn. Hệ lụy nhãn tiền là trẻ con hát nhạc yêu đương trên ti vi, thì trẻ con trong trường học cũng hí hửng ngân nga “giờ em đã là vợ người ta, áo trắng cô dâu cài hoa, anh biết do anh mà ra”.
Xu hướng lệch lạc trẻ con hát nhạc yêu đương, xin đừng vội trách các em nhỏ dại. Trước hết hãy hỏi vai trò của đơn vị đăng cai, sau đó hãy hỏi đến vai trò của Hội nhạc sĩ VN! Mỗi năm, bao nhiêu trại sáng tác ca khúc mở ra khắp nơi mà danh sách các bài hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi chỉ dừng lại ở con số rất khiêm tốn!
Mặt khác, các cuộc thi ca hát thiếu nhi trên truyền hình đang bước vào giai đoạn bát nháo, cần phải có sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý văn hóa. Khi cấp giấy phép cho một chương trình lên sóng màn ảnh nhỏ, tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn không đòi hỏi các công ty giải trí phải có “nguồn” ca khúc chuẩn bị cho trẻ con thử giọng và khoe giọng!?
(Nguồn: http://nongnghiep.vn)