Bản giao hưởng số 9 'Từ Tân Thế Giới' của Antonin Dvorak
Tác phẩm là đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của Antonin Dvorak. Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân Tạo AIWS vinh danh Bản giao hưởng số 9 cung Mi thứ của A. Dvorak xếp thứ 6 trong những bản giao hưởng xuất sắc nhất mọi thời đại, là Thành tựu âm nhạc cho muôn đời. Và Dvozak là nhạc sỹ đứng thứ 16 trong các nhà soạn nhạc vĩ đại của nhân loại.
Chương 3 bản Giao hưởng số 9 của Beethoven
Hàng trăm nghệ sĩ viết tiếp giấc mơ giao hưởng với SSO
1. Hành trình chinh phục và trở về
Antonin Leopold Dvorak (1841 – 1904) là nhà soạn nhạc người Séc, đại diện trường phái lãng mạn. Cùng B. Smetana (1824 – 1884), Dvorak là người sáng lập nền âm nhạc quốc gia Séc. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Dvorak là Giao hưởng No.9 in E - minor Từ Tân Thế Giới (From The New World).
Dvorak được sinh ra trong một gia đình có người cha là nhạc công đàn nhạc không chuyên. Khi thấy con trai sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc, ông đã ra sức đầu tư cho con phát triển sự nghiệp. Dvorak học nhạc từ năm lên 6 tuổi với những nghệ sĩ xuất sắc nhất của vùng Praha, 18 tuổi đã trở thành nghệ sĩ điêu luyện về violin và alto. Ông chơi alto trong dàn nhạc của Smetana hơn 10 năm.
Từ 1871, ông chuyên tâm sáng tác đến năm 1879 tuyển tập "Slave Dance”đã đưa tên tuổi ông đến với công chúng trong nước. Năm 1880, lần đầu tiên tác phẩm của ông được trình diễn ở nước ngoài với đại hợp xướng Stabat Mater. Năm1883, Dvorak được mời tới London. Năm 1884, Dvorak xuất hiện trước công chúng London và thành công lớn, đặc biệt với Bản Giao hưởng № 7 viết riêng cho thủ đô Anh.
Dvorak đã đến Nga vào năm 1890. Ở Moskva và St Petersburg, ông cũng chỉ huy dàn nhạc biểu diễn nhạc của mình. Năm 1891 Dvorak nhận bằng danh dự của Đại học Cambridge. Từ năm 1892 đến 1895, Dvorak được mời làm giám đốc Nhạc viện Quốc gia Mỹ ở New York. Tại đây ông đã hào hứng tiếp nhận và chiếm lĩnh những nét đặc sắc trong âm nhạc của người Mỹ da đỏ bản địa, người Ấn và người Phi.
Antonin Dvorak
Trong suốt mùa đông 1892 và mùa xuân năm 1893, Dvorak viết bản Giao hưởng № 9 "Từ Thế Giới Mới". Bản giao hưởng do ông chỉ huy đã được công chúng đón nhận nhiệt thành. Niềm vinh quang đã không giữ được ông trên đất khách, nỗi nhớ nhà da diết đã khiến Dvorak trở lại Séc.
Trong những năm cuối đời, Dvorak tập trung vào sáng tác opera và nhạc thính phòng. Sau đó, Dvorak làm Giám đốc Nhạc viện Praha và giữ chức ấy cho đến khi ông qua đời. Kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Dvorak được người dân Séc tổ chức trọng thể như quốc lễ.
Antonin Leopold Dvorak tạ thế ở Praha ngày 1/5/1904 vì đột quỵ và được chôn cất tại nghĩa trang Vyšegradskom. Ông để lại 120 tác phẩm chủ yếu là khí nhạc với 9 bản giao hưởng cùng rất nhiều tác phẩm chưa hoàn thành bao gồm Violin Concerto La major.
Cuộc đời ông là cuộc đời của một nghệ sỹ đi từ dân tộc đến nhân loại, hội nhập toàn cầu để cống hiến và khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao rực rỡ lại rời bỏ tất cả để trở về đất mẹ phụng sự đồng bào. Bằng tài năng trác tuyệt và khả năng hội nhập, chiếm lĩnh của mình, ông lần lượt chinh phục giới tinh hoa quyền quý ở những trung tâm văn hóa, văn minh lớn nhất của thời đại mình.
Tác phẩm của ông đã hội tụ những tinh hoa của nền âm nhạc bác học cổ điển châu Âu và nền âm nhạc dân gian phong phú muôn màu của nhiều dân tộc. Tên tuổi ông đã trở thành niềm tự hào của kinh thành Praha cổ kính, thành niềm ngưỡng vọng của người dân Czech.
2. Giao hưởng Tân Thế Giới, thành tựu âm nhạc cho muôn đời
Giao hưởng số 9 cung Mi thứ “Từ Thế giới Mới”, Op.95, B. 178 hay còn được cả thế giới biết đến với tên gọi khác là “Giao hưởng Thế giới Mới” (tiếng Anh: From The New World hoặc New World; tiếng Séc: Symfonie č. 9 e moll Z nového světa”) là bản giao hưởng xuất sắc nhất của Antoni Dvorak cũng là một trong những bản giao hưởng vĩ đại nhất mọi thời đại và được biểu diễn thường xuyên trên thế giới. Bản nhạc được sáng tác từ mùa đông 1892 đến mùa xuân 1893.
Dàn nhạc New York Philharmonic dưới sự chỉ huy của Anton Seidl công diễn tác phẩm lần đầu vào ngày 16/12/1895 tại Carnegie Hall.
Có người cho rằng, bản nhạc khởi nguyên từ nỗi nhớ quê hương Bohemia nhà da diết của Dvorak, ý kiến khác lại cho rằng nó được tạo cảm hứng từ âm nhạc của những người da đen và những người Ấn. Nhiều nhà phê bình đã khẳng định biệt tài sử dụng các giai điệu dân gian trong thể loại giao hưởng của Dvozak. Có lẽ vì thế mà nó có sức sống vượt thời gian và không gian, được đón nhận nồng nhiệt ở khắp nơi trên thế giới, được ứng dụng nhiều nhất trong đời sống nhân quần. Nhiều chủ đề âm nhạc trong tác phẩm này được sử dụng trong các phim, chương trình ti vi, quảng cáo… đặc biệt chủ đề của chương 2 được William Arms Fisher viết lời (Going Home) và trở thành bài hát nổi tiếng với hàng trăm phiên bản khác nhau cho hợp xướng, nhạc cụ solo hay giọng hát solo.
Về mặt hình thức, tác phẩm hoàn toàn nằm trong truyền thống châu Âu với chương mở đầu ở hình thức sonata, một chương largo được xen vào những đoạn bùng nổ không ngừng, một chương scherzo với các phần trio điền viên và một chương kết sôi nổi hân hoan. Để giữ xu hướng hình thức theo chu kỳ nổi bật, mọi chủ đề của tác phẩm đều nảy sinh từ một motive chung ban đầu vào trở lại ở chương kết.
Nét độc đáo của bản giao hưởng này phải chăng là “tinh thần Mỹ”. Trước khi sáng tác bản nhạc này, Dvorak đã nổi tiếng là bậc thầy lai ghép những giai điệu dân gian vào các hình thức cổ điển. Làm quen với âm nhạc bản địa của những người Mỹ da đen, Dvorak đã ngay lập tức tuyên bố: “Tôi tin chắc rằng âm nhạc tương lai của đất nước này phải được hình thành trên cái gọi là những giai điệu da đen. Chúng có thể làm nền tảng cho một trường phái sáng tác nghiêm túc và độc đáo được phát triển ở Mĩ. Những chủ đề tuyệt đẹp và đa dạng là sản vật của vùng đất này. Chúng là những bài dân ca của nước Mỹ và các nhà soạn nhạc của các bạn phải hướng về chúng”.
Đúng như lời mình nói, Dvorak đã đắm chìm trong âm nhạc Mỹ - Phi. Ông đặc biệt yêu mến Henry Burleigh, người học trò thường hát dân ca Mỹ cho ông nghe tại nhà. Một số nhà bình luận người Mỹ còn chỉ ra sự tương đồng của chủ đề chính trong chương nhạc đầu với bài dân ca tôn giáo “Swing Low, Sweet Chariot” của những người nô lệ da đen. Còn chính nhà soạn nhạc thì lại chế giễu các tuyên bố rằng ông đã sử dụng các giai điệu Mỹ-Phi và nhấn mạnh rằng mình chỉ viết “theo tinh thần” của âm nhạc bản địa Mỹ mà thôi.
Sau này trong một bài thuyết trình thú vị năm 1956, Leonard Bernstein đã khảo sát từng chủ đề tác phẩm, lần theo dấu vết của chúng tới các nguồn gốc Pháp, Scotland, Đức, Trung Quốc và dĩ nhiên là cả nguồn gốc Séc. Bernstein kết luận rằng lời đánh giá chính xác duy nhất là coi tác phẩm này mang tính đa dân tộc.
Hoà nhạc Hoà Giải và Yêu Thương 22/4/2010 biểu diễn "Bản giao hưởng số 9 của Dvozak" tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhà phê bình James Huneker ở New York chỉ ra trong một bài bình luận về buổi công diễn lần đầu rằng Giao hưởng “Từ thế giới mới” rõ ràng mang tính chất Mỹ theo nghĩa là một kiến trúc hỗn hợp, phản ánh xã hội tụ cư kiểu Mỹ.
Quả thực, nhiều điều tương tự có thể được tuyên bố về nền văn hoá Mỹ nói chung – nó được tạo bởi những chất liệu ngoại lai nhưng nổi bật lên từ chiếc lẩu thập cẩm là hương vị Mỹ: cởi mở, dân chủ, tinh hoa mà phóng túng. Hôm trước buổi công diễn (15/12/1893), trên tờ "New York Herald", Dvorak có bài viết giải thích vị trí của âm nhạc của người bản địa trong bản giao hưởng của mình: “Tôi không sử dụng bất kỳ giai điệu trực tiếp nào của người bản xứ. Tôi chỉ đơn giản là tạo ra các chủ đề riêng của họ, dựa trên các tính năng của âm nhạc da đỏ, và sử dụng các chủ đề như là một nguyên liệu ban đầu, phát triển chúng bằng mọi cách điệu hiện đại, đối âm và dàn nhạc”.
Bản Giao hưởng số 9 là một sản phẩm âm nhạc đặc sắc độc đáo khó gặp lại. Đó là thứ âm nhạc lôi cuốn và hùng hồn, đa thanh, đa sắc chứa đựng những đường nét cân đối rõ ràng, những giai điệu nghe vừa tự nhiên vừa ấn tượng, có sức lôi cuốn đầy đam mê.
Bạn đã sẵn tâm thế cởi mở, dân chủ, khoan dung để hội nhập chưa? Nếu bạn cùng tôi lắng nghe chương II bản giao hưởng số 9 – bản nhạc đa dân tộc của Dvorak có thể bạn sẽ nhận ra giai điệu tâm hồn mình qua nét nhạc chậm buồn sâu lắng chứa đựng nỗi da diết, khắc khoải nhớ thương day dứt. Nhưng đồng thời bạn cũng nhận ra tâm hồn mình mạnh mẽ tràn đầy sức sống, sôi nổi, trào dâng trước bao điều mới mẻ, kỳ vĩ của cuộc đời rộng mở được tấu lên qua giai điệu đầy đam mê, tiết tấu mới lạ bốc đồng lôi cuốn. Hội nhập chỉ làm ta giàu có hơn mà thôi – hình như đấy là điều bản nhạc mách bảo ta.
Ngày 22/4/2010, Báo VietNamNet đã tổ chức Hoà nhạc Hoà Giải Thế Giới tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn với sự chỉ huy của nhạc trưởng Charles Ansbacher, đến từ Boston, người được cựu Tổng thống Bill Clinton mệnh danh là Đại sứ âm nhạc của Mỹ.
Bạn hãy xem Dàn nhạc giao hưởng Viên biểu diễn dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Herbert von Karajan, Xã hội Vạn vật Trí Tuệ Nhân Tạo AIWS vinh danh ông là nhạc trưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Thu Cúc - Vietamnet.vn
Clip: Chương của bản giao hưởng tại điacj chỉ sau: