Bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025)
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020
Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí!
Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, cùng toàn thể các nhạc sĩ, những người làm công tác âm nhạc cả nước lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa Đại hội, thưa các vị đại biểu!
Trước hết, tôi xin chúc mừng những đại biểu đã được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành và những chức danh Lãnh đạo của Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, tôi bày tỏ sự nhất trí cao đối với những phân tích, đánh giá về tình hình âm nhạc, về những hạn chế trong các mặt công tác của Hội cũng như phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong văn kiện Đại hội.
Với vai trò là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của những người hoạt động âm nhạc, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn, đào tạo và hoạt động hợp tác quốc tế về âm nhạc.
Bức tranh phong phú, đa dạng của nền âm nhạc Việt Nam ngày nay cho thấy đã có những bước phát triển nhanh chóng, tích cực gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc và đời sống xã hội. Từ âm nhạc truyền thống, với những loại hình phong phú đặc sắc, chúng ta đã hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới với nhiều phong cách, thể loại đa dạng, từng bước xây dựng nền âm nhạc Việt Nam hiện đại mang tính chuyên nghiệp, đại chúng, đồng thời vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống. Từ đó giáo dục, định hướng, nâng cao nhận thức thẩm mỹ, góp phần thực hiện có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi hoan nghênh và ghi nhận những thành tựu mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng toàn thể những người làm công tác âm nhạc cả nước đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Thưa Đại hội, thưa các đồng chí!
Chúng ta đều hiểu sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của âm nhạc. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, âm nhạc đã hiện diện cùng đời sống của con người, quyện chặt vào văn hóa và lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều triết gia, nhiều nghệ sĩ, nhiều nhà nghiên cứu và cả công chúng đã có nhiều diễn đạt giàu sắc thái về vai trò của âm nhạc. Tựu trung, luôn khẳng định và tôn vinh sức ảnh hưởng kỳ diệu, bền bỉ, sâu lắng và cũng vô cùng mạnh mẽ, lớn lao của âm nhạc.
“Danh nhân văn hóa thế giới” Nguyễn Trãi, đồng thời là một nhà chính trị kiệt xuất của dân tộc ta cho rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”. Có thể hiểu, nếu quốc thái, dân an thì đó là cái gốc tươi đẹp, khỏe khoắn của âm nhạc. Chăm lo để “yên dân” là vun gốc cho đời sống có nhiều thanh âm lành mạnh, trong sáng và cao cả. Cũng như nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng có mối quan hệ máu thịt với tự nhiên, đời sống chính trị - xã hội, lịch sử và văn hóa... của mỗi quốc gia.
Với vai trò là một hình thái ý thức xã hội, âm nhạc đã tham gia vào tiến trình lịch sử chính trị, xã hội hào hùng của dân tộc ta. Âm nhạc ca ngợi vẻ đẹp của đất nước - con người - cuộc sống. Âm nhạc cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”; nâng bước những đoàn quân làm nên chiến thắng “lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu”; tiếng hát át tiếng bom, hát cho đồng bào tôi nghe, thôi thúc những người con của đất nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, củng cố tinh thần và lực lượng, hun đúc và cổ vũ sức mạnh giải phóng, thống nhất đất nước... Sau chiến tranh, âm nhạc giúp xoa dịu, hàn gắn những vết thương, nối kết hòa hợp dân tộc. Âm nhạc len lỏi trong từng nhịp thở của đời sống mới, động viên lớp lớp thanh niên ra công trường, nơi biên giới, thi đua lao động, làm kinh tế, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh...
Thời nào cũng vậy, âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần tạo ra cốt cách, bản sắc và phẩm giá con người Việt Nam. Âm nhạc là lời mời gọi ngọt ngào, hiếu khách, là nét quyến rũ, hấp dẫn mang màu sắc cá tính và tâm hồn riêng có, góp phần đưa hình ảnh, con người Việt Nam ra thế giới. Âm nhạc là công cụ tinh thần hữu hiệu, tạo ra sự kết nối vượt mọi biên giới và lãnh thổ, kêu gọi sự sẻ chia, đoàn kết, cổ vũ sức mạnh để vượt qua những lúc gian nan, nghịch cảnh như đại dịch COVID-19 giai đoạn vừa qua và hiện nay.
Thưa Đại hội, thưa các đồng chí!
Nhìn lại bức tranh sống động của đời sống âm nhạc trong dòng chảy lịch sử, chúng ta biết ơn và tự hào về những nghệ sĩ dân gian với tâm hồn yêu cái đẹp và giàu sáng tạo, những người chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật, trong đó có những nhạc sĩ, những người hoạt động âm nhạc đã hy sinh tuổi xuân, để lại máu xương của mình trên chiến trường. Chúng ta tự hào khi có những tác phẩm âm nhạc bất hủ đã trở thành di sản văn hóa dân tộc trên bước đường tạo dựng văn hóa, văn hiến, gìn giữ nền độc lập - tự do của Tổ quốc. Chúng ta cũng thấy vai trò và trọng trách của mình trong việc tiếp nối lịch sử, tiếp bước các thế hệ hoạt động văn hóa, đưa hoạt động âm nhạc giàu bản sắc dân tộc đi liền với nhịp bước của thời đại, gắn bó với nhân dân, tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước bền vững.
Để làm được điều đó, chúng ta cần nhận thức rõ những vấn đề mà công chúng quan tâm, những mong muốn và kỳ vọng của nhân dân; đồng thời nhìn rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động âm nhạc hiện nay mà Văn kiện của Đại hội cũng đã nêu như: thiếu vắng những tác phẩm khai phá chiều sâu nhân văn của đất nước, con người Việt Nam; tính chuyên nghiệp trong sáng tác chưa cao; chưa định hình rõ nét được xu hướng, dòng nhạc chủ lưu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; công tác lý luận, phê bình âm nhạc còn chưa theo kịp thực tiễn trong việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng... để có hướng đi tháo gỡ, mở lối, đưa âm nhạc phát triển đúng hướng.
Thưa Đại hội, thưa các đồng chí!
Trong nhiệm kỳ tới, rất mong Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tôi xin nêu thêm mấy vấn đề để cùng suy nghĩ:
Thứ nhất, hoạt động âm nhạc cần bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại mới, phản ánh hơi thở cuộc sống, dẫn đường và đồng hành cùng công chúng vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhạc sĩ tiếp tục đi sâu, tắm mình trong thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước và đời sống xã hội, để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác. Chú trọng tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tìm tòi, mở đường, định hình một dòng âm nhạc tích cực, giàu sức biểu cảm, tính thẩm mỹ cao làm chủ lưu, thôi thúc, giục giã con người yêu thương, khát vọng, hành động vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh và vì những giá trị tiến bộ chung của nhân loại.
Thứ hai, phát triển đa dạng các loại hình và thể loại âm nhạc đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu đa dạng của công chúng. Chú trọng, có giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong bối cảnh cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư...; khuyến khích những sáng tạo, tìm đường cho các giá trị của âm nhạc truyền thống hiện diện trong hơi thở của thời đại, nhất là cổ vũ những nỗ lực của giới trẻ. Quan tâm hơn nữa đến sáng tác cho thiếu nhi và cho nhạc cụ cổ truyền. Tạo sự cân đối trong các thể loại âm nhạc, phát triển hài hòa cả thanh nhạc và khí nhạc. Hạn chế sự lệch lạc, sa đà theo các trào lưu, xu hướng hời hợt, thoảng qua, thiếu bền lâu trong lòng công chúng.
Thứ ba, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động âm nhạc, nâng cao vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận, phê bình và đào tạo. Bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình tài năng góp phần định hướng, điều chỉnh và nâng cao nhận thức của đội ngũ hoạt động âm nhạc và công chúng.
Thứ tư, Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ động phát huy vai trò phản biện xã hội, tư vấn cho các cơ quan quản lý về văn hóa, phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo chí, truyền thông để góp phần định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho công chúng, khán thính giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh công tác xuất bản, quảng bá các tác phẩm có nhiều giá trị đóng góp cho nền văn hóa nước nhà, đặc biệt là những tác phẩm được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc.
Thứ năm, góp phần làm đa dạng và sâu sắc thêm các hình thức văn hóa đối ngoại; thông qua con đường âm nhạc nâng cao hình ảnh, sức hấp dẫn của con người và đất nước Việt Nam; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
Thứ sáu, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có nội lực sáng tạo phong phú, đa dạng, có thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với Nhân dân, có trách nhiệm với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.
Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, đội ngũ nhạc sĩ, những người làm công tác âm nhạc cùng với Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ đoàn kết, quyết tâm, khơi dậy sáng tạo, nội lực, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xin chúc các vị đại biểu và toàn thể các thế hệ nhạc sĩ, những người làm công tác âm nhạc cả nước mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúc Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!