Bài hát xúc động về “Những chuyến tàu không số”
Bài hát "Những chuyến tàu không số" như lời nhắc nhở về công lao của những chiến sĩ và nhớ về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Kỷ niệm 52 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2013), cùng với nhiều hoạt động có ý nghĩa, các nhà thơ, nhạc sĩ cũng góp tiếng nói ca ngợi, tri ân. Bài thơ “Những chuyến tàu không số” của nhà thơ Nguyễn Địch Long đã được nhạc sĩ Hoàng Trọng phổ nhạc thành bài hát cùng tên như một món quà rất ý nghĩa trong những ngày tháng 10 lịch sử này.
Bài hát "Những chuyến tàu không số"
Phóng viên VOV đã trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Địch Long và nhạc sĩ Hoàng Trọng để cùng hiểu thêm về bài hát “Những chuyến tàu không số”.
PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Địch Long, ông có thể chia sẻ cảm xúc sáng tác khi ông viết bài thơ này?
Nhà thơ Nguyễn Địch Long: Tôi là một người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày tôi hành quân đi B chiến đấu là đi trên đường Trường Sơn. Những chuyến tàu không số cứ ám ảnh tôi trong suốt chặng đường chiến đấu và công tác của mình.
Tôi nhớ lần ra thăm lại biển Đồ Sơn. Ở đó vẫn còn những cây cột mà ngày xưa chúng ta dùng để đóng cầu tàu, vận chuyển hàng hóa vào chiến trường. Tôi rất xúc động và nghĩ rằng, bao nhiêu con tàu từ đây ra đi và có rất nhiều con tàu không trở về. Bao nhiêu những chàng trai rời vòng tay mẹ và rất nhiều những chàng trai không nằm được ở nghĩa trang… Tất cả những xúc động đó khiến tôi sáng tác bài thơ “Những chuyến tàu không số”.
Nhà thơ Nguyễn Địch Long
Bài thơ này tôi viết khá lâu rồi. Tôi rất cám ơn nhà thơ Gia Dũng đã nhắc tôi gửi bài thơ vào trong tuyển tập thơ chung viết về biển. Lúc đó, tôi mới lục ra và có viết lại một số lời cho hoàn chỉnh. Khi bài thơ hoàn thiện, cả tôi và nhà thơ Gia Dũng đều rất xúc động.
Tôi chợt nhớ ra tháng 10 là kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển và chuyến tàu không số đầu tiên vào Nam. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng phối hợp với một nhạc sĩ nào đó để biến bài thơ thành một bài hát. Tôi đã nghĩ đến nhạc sĩ Hoàng Trọng, một nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều nên tôi tin chắc xúc cảm của anh cũng rất dào dạt.
PV: Nhà thơ có ý tưởng gì khi gửi gắm nhạc sĩ Hoàng Trọng phổ nhạc bài thơ "Những chuyến tàu không số”?
Nhà thơ Nguyễn Địch Long: Tôi biết nhạc sĩ Hoàng Trọng đã lâu. Chúng tôi cũng là đồng nghiệp ở trong Ban chấp hành Hội văn học nghệ thuật Hà Tây cũ nên dễ đồng cảm. Tôi muốn qua bài hát này, nhạc sĩ Hoàng Trọng thay đổi một chút trong phong cách trong sáng tác của mình.
Nghe bài hát "Những chuyến tàu không số"
Trước đây, Hoàng Trọng sáng tác thiên về gam trưởng. Còn “Những đoàn tàu không số” da diết, lãng mạn, đau đáu, thiết tha, giục giã lòng người. Tôi muốn nhạc sĩ Hoàng Trọng chuyển bài thơ thành một ca khúc trữ tình, da diết. Một ngày đầu tháng 10, tôi đã chuyển cho nhạc sĩ Hoàng Trọng bài thơ này. Cùng với những cảm xúc sẵn có từ ý thơ, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã hoàn thành rất nhanh bài hát này. Điều mong muốn đó của tôi đã trở thành hiện thực.
PV: Còn cảm xúc của nhạc sĩ Hoàng Trọng khi nhà thơ Nguyễn Địch Long đưa cho ông bài thơ này?
Nhạc sĩ Hoàng Trọng: Nhân kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, là một nhạc sĩ sáng tác, tôi cũng đã có dự định viết một tác phẩm âm nhạc về đề tài này. Cũng rất cơ duyên vào một buổi sáng tháng 10, anh Long đã mang đến tặng tôi một chùm thơ viết về biển, trong đó có bài “Những chuyến tàu không số”.
Sau khi đọc bài thơ này, tôi vô cùng xúc động và cảm xúc cứ trào dâng. Tôi cảm thấy cần phải viết ngay thành một bài hát, cũng bởi trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã từng là một người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất đất nước.
Nhà thơ Nguyễn Địch Long cũng vậy, anh cũng đã từng là một người lính nên chúng tôi có một sự đồng cảm rất lớn. Cho nên, trong một thời gian rất ngắn, tôi đã phổ nhạc xong ca khúc “Những chuyến tàu không số”. Chúng tôi cũng rất cảm ơn ca sĩ Lê Anh dũng và Dàn nhạc Nhà hát Đài TNVN đã góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm.
PV: Thủ pháp nghệ thuật, chất liệu âm nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Trọng sử dụng trong ca khúc như thế nào?
Nhạc sĩ Hoàng Trọng: Trong thơ có nhạc, cùng với cảm xúc và ý thơ, bài hát này tôi đã viết ở giọng Rê thứ và ở thể hai đoạn: phần thứ nhất là hát từ đầu cho đến kết lửng rồi quay trở lại là kết trọn. Những cao trào chính của bài hát là từ đoạn hai
“Năm tháng chiến tranh dấu son thời gian” âm nhạc đã nhắc lại câu đó. Chất liệu âm nhạc mà tôi sử dụng có chất biển, mang âm hưởng của miền Bắc. Âm nhạc mang tính chuyển tải, những con tàu ra đi còn rất nhiều bến đậu. Nhất là trong chiến tranh, những con tàu đi đã phải ngừng nghỉ ở rất nhiều chặng khác nhau. Hình ảnh những con tàu nhỏ bé mà kiên cường, những chiến sĩ đã anh dũng ở lại với biển làm tôi rất xúc động…
Nhạc sĩ Hoàng Trọng
Bằng hình tượng nghệ thuật đó tôi viết. Sau khi hát cho các bạn đồng nghiệp nghe, các anh cũng đã động viên rất nhiều. Tác phẩm đã hoàn thành nhanh chóng chỉ trong 5 ngày kể từ hôm tôi nhận được bài thơ từ nhà thơ Nguyễn Địch Long.
Thêm một ý nghĩa nữa mà tôi có động lực viết nhanh như thế đó chính là những tình cảm tôi muốn gửi tặng những người lính, những người chiến sĩ đã từng là đồng đội của tôi, có người được trở về có người đã ra đi mãi mãi. Tôi thầm nghĩ bài hát là một tiếng nói chung hòa trong niềm cảm xúc của “Những chuyến tàu không số” năm xưa, góp một phần nào đó cho Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi sống trong ký ức của chúng ta.
PV: Khi nghe bài hát “Những chuyến tàu không số”, nhà thơ Nguyễn Địch Long có cảm xúc thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Địch Long: Lần đầu nghe bài hát này, tôi đã rất xúc động. Những giai điệu âm nhạc cao thấp nhấn nhá gieo vào lòng tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng. Ngôn ngữ âm nhạc rất mới của nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng đã chuyển tải trọn vẹn nội dung bài thơ.
Trong bài thơ có những câu như:
“Những chàng trai rời vòng tay mẹ…
Năm tháng chiến tranh dấu son thời gian
Biển đón các anh vào lòng như mẹ
Ru hồn người đi mãi mãi không về
Cùng với những con tàu
Những anh hùng vô danh không nằm nghĩa trang”
Những câu thơ rất giàu cảm xúc mà nhạc sĩ Hoàng Trọng đã đẩy lên đỉnh cao của sự xúc động bằng âm nhạc, những nốt chuyển của cao độ trường độ đã làm cho thơ được chắp cánh thêm lên, khắc họa trọn vẹn hình tượng, ý nghĩa của bài hát “Những chuyến tàu không số”.
PV: Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Địch Long và nhạc sĩ Hoàng Trọng./.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng sinh năm 1952 tại Hà Nội. Ông là Hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên hội âm nhạc Hà Nội. Ông được trao tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng ba, Huy chương kháng chiến hạng nhì, kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Trãi, tỉnh Hà Tây lần thứ 3 (2001-2005) cùng nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc và đạo diễn các chương trình hội diễn nghệ thuật. Hiện là ủy viên ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Địch Long sinh năm 1941, là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông được trao tặng Huy chương chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Giải thưởng văn chương và có nhiều bài thơ được yêu thích. |
(Nguồn: http://vov.vn)