Bài ca của nhiều bài ca!

14/10/2013

Lướt qua, xem hết 874 trang dày đặc nốt nhạc, lời ca, tôi rất khâm phục và hoàn toàn bị chinh phục bởi tuyển tập “Bài ca Đất Phương Nam”. Có thể khẳng định, “Bài ca Đất Phương Nam” là hành trang cả cuộc đời sáng tạo của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Trong tuyển tập này, tụ hội nhiều thể loại âm nhạc với nhiều phong cách, tạo ra sự đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ vùng âm nhạc phía Nam của đất nước.

Theo như phân chia của tác giả tuyển tập thì “Bài ca Đất Phương Nam” có 10 loại theo cơ cấu hình thức và nội dung như: ca khúc, ca khúc thiếu nhi, tấu hài, trường ca, hợp xướng, nhạc cảnh, nhạc múa, nhạc sân khấu, nhạc phim hoạt họa và độc tấu. Nếu tính bằng số lượng tên bài, thì tuyển tập có 184 tác phẩm, trong đó nhiều nhất là ca khúc và ca khúc thiếu nhi với 169 tác phẩm. Không kể bài dài, ngắn, bài có nhiều chương, thì loại hợp xướng, nhạc múa, nhạc phim hoạt họa có 9 tác phẩm (mỗi loại 3 tác phẩm), còn lại loại tấu hài, trường ca, nhạc sân khấu và độc tấu có 4 tác phẩm (mỗi loại một tác phẩm).

Thông qua tuyển tập, càng nhận thấy sự miệt mài, cần cù, không mệt mỏi trong lao động sáng tạo của Lư Nhất Vũ và có thể nói, đây là tấm gương hoạt động nghệ thuật kiên trì, liên tục trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào. Người ta cho rằng, âm nhạc là nghệ thuật ba lần sáng tạo: qua nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn và công chúng thưởng thức. Còn tôi, với sự cảm nhận của mình, hình dung, liên tưởng được các nốt nhạc và lời ca đang vang lên, dường như Lư Nhất Vũ khắc họa “Vùng đất phương Nam trời xanh, mây trắng, nước trong” và “người dân phương Nam mộc mạc, bình dị, hồn hậu”.

“Bài ca Đất Phương Nam” được Lư Nhất Vũ tuyển chọn trong khối lượng đồ sộ tác phẩm của mình sáng tác từ năm 1955 đến năm 2012. Có thể nói, qua hơn nửa thế kỷ sáng tạo, tác giả đã khẳng định những đóng góp của mình cho nền âm nhạc Việt Nam dân tộc – hiện đại với tính tiên tiến và nhân văn, trong đó biểu hiện rõ nét âm điệu vùng đất phía Nam của Tổ Quốc.

Để hiểu được và cảm nhận được tác phẩm và tác giả, không gì khác hơn là mời quý vị, các bạn tiếp cận bài ca của nhiều bài ca, đó là “Bài ca Đất Phương Nam”. Chúng ta đều biết, phía sau tác phẩm là nhân cách nhạc sĩ và qua tuyển tập này của Lư Nhất Vũ càng chứng minh rõ hơn: tài năng và nhân cách quyết định tất cả!

Trong “Bài ca Đất Phương Nam”, ngoài một số ca khúc mà lời ca của chính Lư Nhất Vũ, anh còn sử dụng ca từ của các nhà thơ khác nhau, mà trong đó phần lớn lời thơ và lời ca của nhà thơ Lê Giang – người bạn đời của Lư Nhất Vũ – càng tạo cho các bài ca của anh sự gắn bó hài hòa không thể tách rời giữa nhạc và lời!

Xin trân trọng giới thiệu với người đọc, người nghe, người thưởng thức âm nhạc… tuyển tập “Bài ca Đất Phương Nam” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Tôi nghĩ rằng, qua công trình âm nhạc này, chúng ta có dịp hiểu rõ hơn quá trình sáng tạo của tác giả, cảm nhận đầy đủ hơn về âm điệu, phong cách, ngôn ngữ âm nhạc của Lư Nhất Vũ.

Nhà phê bình nghệ thuật Nga V.G. Belinsky đã khẳng định: “Thời đại chúng ta chỉ khâm phục nghệ sĩ nào mà cuộc sống là sự giải thích tốt nhất cho sự nghiệp sáng tạo của mình, và sự nghiệp sáng tạo là sự biện minh tốt nhất cho cuộc sống của mình”. Tôi cho rằng, ý tưởng trên hoàn toàn đúng với cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ!

Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2013

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần

 

 

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...