Bài 2: Rộn ràng khúc ca khải hoàn

14/04/2020

 “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Khi vi rút SARS-CoV-2 bị đẩy lùi, những khúc ca khải hoàn sẽ lại rộn ràng.Thị trường biểu diễn sẽ bùng nổ, sôi động trở lại, thỏa “cơn khát” của khán giả cũng như bù đắp “khoảng lặng” kéo dài trong suốt mùa dịch.

Năm 2020 là năm có nhiều ngày kỷ niệm và diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước, sẽ là cơ hội tốt để "hồi sinh" thị trường biểu diễn sau dịch. (Ảnh minh hoạ. Ảnh: Thế Dương) 

Cơ hội hồi sinh mạnh mẽ

Mặc dù chưa biết đến bao giờ Cuộc chiến chống lại vi rút SARS-CoV-2 mới kết thúc, để những nghệ sĩ lại được sống với niềm đam mê của mình. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và với sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta luôn có niềm tin chiến thắng. Và hy vọng ngày ấy sẽ không xa, để những khúc ca khải hoàn, những chương trình biểu diễn mừng chiến thắng… sẽ lại được vang lên tưng bừng, rộn ràng khắp từ Bắc chí Nam.

Đó là viễn cảnh khá sáng sủa của thị trường biểu diễn sau mùa dịch được các chuyên gia nhận định. Sau thời gian “đóng băng”, thị trường biểu diễn sẽ “ấm” dần lên, các chương trình trước đây bị lùi lịch có thời gian điều chỉnh, hoàn thiện, cống hiến cho khán giả chất lượng hơn. Các nhà hát, sân khấu sau thời gian đóng cửa cũng sẽ “sáng đèn” và tung những “át chủ bài” để hút khách. Những nghệ sĩ khao khát được cống hiến, được cháy hết mình với niềm đam mê sẽ có cơ hội tỏa sáng với những ý tưởng, vai diễn đã được thai nghén, tập luyện trong suốt thời gian nghỉ dịch.

Mong rằng viễn cảnh ấy sẽ không còn bao xa, bởi sau thời gian cách ly toàn xã hội là đến kỷ niệm một loạt ngày lễ trọng đại của đất nước như: 45 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); Ngày Quốc tế Lao động 1/5; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019); 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020)… Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để thị trường biểu diễn “hồi sinh” với những chương trình nghệ thuật chất lượng được nhân nhân cả nước đón đợi.

Theo NSND Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuẩn bị các chương trình biểu diễn chào mừng 30/4, 1/5... từ trước khi thực hiện cách ly toàn xã hội. Không biết liệu những khúc ca khải hoàn này có được diễn ra theo đúng kế hoạch hay không, nhưng các nghệ sĩ luôn luôn sẵn sàng.

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng cho biết, ngay từ Tết, các nghệ sĩ của Nhà hát đã bắt tay vào tập luyện chuẩn bị cho những ngày lễ kỷ niệm trọng đại. Tuy nghỉ dịch nhưng các nghệ sĩ vẫn rất háo hức, mong dịch COVID-19 sớm qua đi để lại được đến nhà hát, “cháy” với niềm đam mê của mình.

Năm 2020 là năm bản lề của thập niên mới, đồng thời cũng là năm cả nước tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngay từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, các đơn vị từ trung ương đến địa phương đã nô nức xây dựng các chương trình nghệ thuật chào mừng. Dẫu có bị gián đoạn nhưng những bản hòa ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi non sông đất nước… chắc chắn sẽ được các địa phương, các đơn vị nghệ thuật ngân vang với các hình thức, loại hình khác nhau, cho dù tình hình dịch chưa chấm dứt hẳn.

Từng bị hủy rất nhiều show trong dịp đầu năm nhưng bà chủ của Đông Đô show - Hoài Oanh vẫn tin tưởng rằng “thua keo này ta bày keo khác”. Lỗi hẹn với khán giả trong dịp đầu năm nhưng chị và công ty sẽ tập trung nguồn lực để bù đắp cho khán giả vào các chương trình nghệ thuật “nặng ký” dịp cuối năm.

Cùng với sự nỗ lực của các nhà hát, các đơn vị tổ chức nghệ thuật và các nghệ sĩ…, có thể nói đây là những tín hiệu tích cực, tạo đà để cho thị trường biểu diễn hồi sinh mạnh mẽ sau dịch COVID-19.Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, do bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ không còn lực để vực dậy các chương trình biểu diễn lớn sau dịch.

E ngại trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đến lĩnh vực kinh tế, nhiều nghệ sĩ băn khoăn, sẽ khó kêu gọi được các “mạnh thường quân” đồng hành cùng các chương trình giải trí hay những chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện lớn của đất nước nên quy mô một số chương trình cuối năm có thể sẽ “đuối” hơn.

Đặc biệt, nhiều đơn vị nghệ thuật tỏ ra lo ngại sau biến cố dịch bệnh, khán giả cũng như nhiều người dân bắt đầu có tâm lý “thắt lưng buộc bụng”, ít đầu tư cho những khoản chưa cần thiết nên dù có phục hồi, việc khéo khán giả tới rạp như trước đây là điều rất khó khăn. Muốn phục hồi thị trường biểu diễn cần phải có thời gian tái tạo…

Chắc chắn việc “đứng dậy” từ những thất bại, rủi ro hay thiên tai…. là điều vô cùng khó khăn. Chính vì vậy việc hồi sinh, vực dậy thị trường biểu diễn sau dịch không chỉ trông chờ vào sự đơn độc từ phía các đơn vị nghệ thuật hay các nghệ sĩ mà rất cần có sự hỗ trợ, chung tay, tiếp sức của các bộ, ngành chức năng và của toàn xã hội.

...Nhưng nhiều người cũng lo ngại do ảnh hưởng của dịch, nhiều đơn vị nghệ thuật không thể vực dậy để tổ chức những chương trình nghệ thuật hoành tráng. (Ảnh minh hoạ. Ảnh: K.T)

…Và những giải pháp gỡ khó sau dịch

Để gỡ khó cho thị trường biểu diễn sau dịch, NSND Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã họp với một số đơn vị nghệ thuật để tìm hướng đi phù hợp. Cũng theo NSND Quang Vinh, dịch COVID-19 khiến người ta phải nhìn nhận và định nghĩa lại một số giá trị. Đây cũng là cơ hội để xuất hiện những giao dịch nghệ thuật khác. Cuộc sống chậm lại nhưng lại mở ra nhiều hướng đi mới tác động đến tương lai, đời sống biểu diễn nói riêng và đời sống nghệ thuật nói chung. Thị trường biểu diễn online xuất hiện là tín hiệu mừng nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho thị trường biểu diễn truyền thống.

Không đứng ngoài cuộc mà luôn đồng hành với các nghệ sĩ và các nhà sản xuất, Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô hay nhiều đơn vị chuyên cho thuê mặt bằng biểu diễn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như Nhà hát Lớn, Nhà hát Âu Cơ đã tạo điều kiện cho lùi chương trình biểu diễn hoặc miễn tiền thuê địa điểm cho các bầu sô, đơn vị tổ chức nghệ thuật khi bị "bể show" vì dịch. Nhiều địa phương hủy show trong dịp này cũng hứa sẽ bù lại và vẫn là đối tác, đồng hành cùng các đơn vị nghệ thuật trong các sự kiện sắp tới…

Để tiếp sức cho các nghệ sĩ, bản thân từng nhà hát cũng có các chính sách hỗ trợ cho nghệ sĩ tùy theo khả năng của mình như: tăng cường kết nối, hợp tác với các đơn vị để tăng suất diễn; tích cực tìm đề tài, đẩy mạnh tương tác để hút khán giả... Ngoài ra, các nhà hát còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ chạy show, tham gia đóng quảng cáo, làm thêm…

Để bù lại thời gian nghỉ dịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tăng cường đặt hàng các đơn vị biểu diễn. Bên  cạnh đó, Bộ cũng kêu gọi các nhà hát tăng cường xã hội hóa để nâng cao chất lượng và làm phong phú các chương trình biểu diễn của mình.

Không thể ngồi yên khi dịch hoành hành, là người đứng đầu của Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, ngay từ khi nghỉ dịch, anh cùng với Ban Giám đốc Nhà hát đã phải họp bàn tìm hướng đi cho phù hợp. Mất đi cơ hội biểu diễn đầu năm với các hợp đồng dày đặc, chiếm tới 50% số lượng buổi biểu diễn cả năm, hết dịch lại hết mùa diễn nên Nhà hát sẽ tập trung xây dựng vở diễn mới, khai thác đề tài, nâng cao chỉnh lý tác phẩm... Đặc biệt, Nhà hát sẽ tập trung dựng tác phẩm về Bác Hồ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa để tiến tới chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp. Vì không biểu diễn mùa dịch nên Nhà hát sẽ phải tăng tốc vào những tháng cuối năm để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cùng chung hướng đi với Nhà hát Cải lương, Nhà hát Tuồng Việt Nam sau dịch cũng sẽ triển khai phục dựng vở “Tình mẹ”, một vở diễn hay về người chiến sĩ Cộng sản để đáp ứng việc biểu diễn phục vụ chính trị trong dịp Đại hội đảng bộ các cấp…

Khó khăn hơn các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, các bầu sô, các đơn vị nghệ thuật tư nhân như Đông Đô Show hay một số đơn vị khác lại phải “bóc ngắn cắn dài”, chuyển hướng hoặc kiêm thêm kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề khác để tái tạo cũng như bù lỗ cho thất thu từ những chương trình đã bị hủy do dịch. Dù khó khăn vô cùng nhưng những đơn vị này vẫn nguyện sống chết với nghệ thuật, năng động tìm hướng đi dần phục hồi, tạo tiềm lực để tiếp tục xây dựng các chương trình nghệ thuật cống hiến cho khán giả.

Vẫn biết rằng không hề dễ dàng, sẽ còn có vô vàn khó khăn trên hành trình làm “tan băng” thị trường biểu diễn sau dịch COVID-19, nhưng với sự đồng hành của các đơn vị chức năng và sự chung tay tiếp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của các nghệ sĩ, những người “đứng mũi chịu sào” của các công ty tổ chức biểu diễn, các nhà hát… hy vọng bức tranh biểu diễn hậu COVID-19 sẽ sáng sủa và rộn ràng hơn với những bữa tiệc nghệ thuật thực sự thịnh soạn và chất lượng./.

(Nguồn: http://dangcongsan.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...