Apaixonado - tứ tấu của những thanh âm quyến rũ

11/02/2015

4 người phụ nữ tài năng với cá tính và đam mê âm nhạc đã tập hợp nhau lại để cùng tạo nên không gian âm nhạc tuyệt diệu.

Thành lập cách đây 3 tháng nhưng nhạc mục của nhóm tứ tấu Apaixonado thật đáng nể. Họ "cover" những bản nhạc, bài hát hay nhất trên thế giới bằng kỹ thuật đàn dây điêu luyện. Nhóm đặt hàng nhạc sĩ Adrian Van Dongen, chuyên viết nhạc phim người Hà Lan, viết riêng độc quyền các tác phẩm biểu diễn của nhóm.

Đều là dân học cổ điển chuyên nghiệp, với những thành công cá nhân không nhỏ nhưng 4 người phụ nữ này lại muốn đem đến một không gian âm nhạc mới mẻ và say đắm hơn. Trưởng nhóm, viola Nguyệt Thu, đã qua 26 năm học tập và biểu diễn với vai trò bè trưởng ở các dàn nhạc tại Nga, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, Singapore. Violin Trịnh Minh Hiền luôn gây ấn tượng với cách trình diễn đầy say mê trên các sân khấu ca nhạc lớn và cũng là một nhạc sĩ tiềm năng với một số ca khúc trẻ trung. Violin Lan Hương ngọt ngào nhưng cũng rất phá cách, từng là thành viên của nhóm Mặt Trời Đỏ. Cello Hà Miên, cô giáo xinh đẹp đằm thắm của Học viện Âm nhạc Việt Nam.


Từ trái sang: violin Trịnh Minh Hiền, cello Hà Miên, violin Lan Hương và viola Nguyệt Thu.

Từ những lần về Việt Nam biểu diễn, Nguyệt Thu đã để ý tới cách biểu diễn phóng khoáng của Trịnh Minh Hiền và tâm niệm, khi nào thành lập một nhóm nhạc, nhất định sẽ mời cô gái này. Vào dịp về biểu diễn festival Âm nhạc mới Á - Âu 2014, Nguyệt Thu gặp gỡ Hà Miên, họ cùng bàn bạc và nảy ra ý tưởng thành lập một nhóm nhạc dây. Hà Miên kéo thêm cô bạn Trịnh Minh Hiền, Lan Hương và Apaixonado ra đời.

Nguyệt Thu chia sẻ: "Hà Nội cũng có một vài nhóm nhạc cổ điển là những nghệ sĩ đã làm việc với nhau nhiều năm và họ chỉ chơi thuần túy nhạc cổ điển. Chúng tôi muốn xây dựng một nhóm nhạc chuyên nghiệp cover các tác phẩm hay trên thế giới, có thể là pop, rock, jazz, tango nhưng đánh theo kiểu của người có kỹ thuật. Chúng tôi không thích chọn những bản thật khó để phô diễn kỹ thuật mà quan tâm tới việc tạo cảm xúc tới cho người nghe hơn cả".


Nhóm Apaixonado. Hàng đứng từ trái sang là cello Hà Miên, violist
Trịnh Minh Hiền, hàng dưới là viola Nguyệt Thu và violin Lan Hương.

4 người phụ nữ với cuộc sống bận rộn mà mỗi tuần có thể ngồi lại tập đàn với nhau 3 buổi không phải là điều đơn giản. Lúc thì tập luôn ở Dàn nhạc giao hưởng, lúc cần ghép với beat thì chọn nhà Hà Miên, lúc cần điều chỉnh các biểu cảm khi biểu diễn họ lại nhờ nhà một người bạn vì có gương. Cello Hà Miên kể: "Lúc đầu tập nhóm cũng khó lắm, tập ở nhà kỹ rồi, nhưng khi ghép lại, cứ có cảm giác không tới, rời rạc, may mà chị Nguyệt Thu có kinh nghiệm biểu diễn nhiều nên chị chỉ điều chỉnh, sửa cho mọi người một vài điểm nhỏ, tự nhiên lại ổn".

Ngay từ năm 1995, Nguyệt Thu đã là thành viên trong nhóm tứ tấu Glazunov do nghệ sĩ cello M. Berlinsky từ dàn tứ tấu Borodin làm trưởng nhóm, nên cô có nhiều kinh nghiệm biểu diễn nhất trong nhóm. Nhiều khi cũng không ghép 4 đàn ngay được, mà phải tập theo nhóm hai đàn khi một thành viên nào đó thấy chưa ổn. Đặc trưng của tứ tấu bao giờ cũng dành nhiều đất thể hiện nhất cho violin 1 nhưng Apaixonado rất biết cách "tung hứng" để cùng tạo được không khí chung. Dân ngồi dàn nhạc nhiều thường không để ý nhiều tới cách biểu cảm, chuyển động cơ thể khi trình diễn nên giờ họ cùng phải nghiên cứu, nhìn gương tập luyện, góp ý cho nhau.


Dân học nhạc cổ điển thường giản dị, nhưng giờ đi diễn nhóm Apaixonado cũng
phải rất đầu tư về trang phục và cách biểu diễn truyền cảm.

Hiện tại, mới chọn diễn ở một vài phòng trà nhỏ nhưng các tác phẩm Viva la Vida, Rather Be, Tango "sence of woman", Schindler's list của họ đã thật sự gây được xúc cảm với khán giả. Đặc biệt, ai từng nghe Passacalia của Handel do violist Trịnh Minh Hiền và viola Nguyệt Thu đánh thì thật sự ấn tượng bởi đây là bản nhạc khó kinh điển trên thế giới.

Trong âm nhạc, họ giống nhau ở tài năng và sự đam mê, ngoài đời là sự chia sẻ của 4 người phụ nữ với những lo toan đời thường. Họ có thể cùng nhau tập đàn say mê qua trưa rồi thảng thốt 16h mới nhớ ra chưa ăn gì và tíu tít rủ nhau đi ăn uống, mua sắm. Chị Nguyệt Thu hài hước: "May là 4 chị em đều hiểu và thân nhau đấy. Chứ như nhóm Borodin của ông thầy M. Berlinsky, đi diễn chung nhưng lên máy bay mỗi ông ngồi một nơi, ăn mỗi ông một góc, chỉ khi lên sân khấu thì họ là một vì 'chúng tao chán cái mặt nhau quá rồi'".

Gặp 4 người phụ nữ này vào một chiều đông rét mướt của Hà Nội, kèm thêm cả cô con gái nhỏ của Nguyệt Thu, họ vừa tíu tít đi may đồ diễn và chụp ảnh poster mới cho buổi biểu diễn sắp tới vào 8/3 tại L'espace. Đây là đêm diễn mà cả nhóm nhiều kỳ vọng. Họ tin rằng, 4 ngọn lửa đam mê sẽ thổi bùng được sự say mê của khán giả.

Ảnh: Trịnh Xuân Hải

(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...