Âm vang sông Hàn

04/10/2017

Chúng tôi đến Đà Nẵng vẫn còn trong vùng ảnh hưởng cơn bão số 10 đang ập vào các tỉnh phía Bắc miền Trung, có người nói đùa là ta đang lao vào trung tâm cơn bão… sáng tác, nhưng thực tế thời tiết đã ủng hộ anh em văn nghệ sĩ, trong suốt thời gian dự trại toàn nắng hạn suốt rất ít mưa. Theo  lịch của Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT thuộc Bộ VHTT&DL, đoàn VNS Tây Ninh đến Nhà sáng tác Đà Nẵng sáng tác trong thời gian 15 ngày kể từ 15/9 đến 30/9/2017.  Đoàn có 15 hội viên gồm các phân hội văn học, âm nhạc, hội họa, sân khấu, văn học, nhiếp ảnh (do bà Đặng Thị Phượng - PCT Hội làm trưởng đoàn).

Nhà sáng tác  được xây dựng rất bề thế gồm ba khối nhà to lớn đầy đủ tiện nghi phục vụ văn nghệ sĩ, tọa lạc trên vùng đất rộng  thưa dân cư thuộc quận Ngũ Hành Sơn, nằm khá xa trung tâm Thành phố, trên 10 km, được cái yên  tĩnh thuận lợi cho sáng tác. Trong thời gian ở trại anh em cũng đã tổ chức đi thực tế một số danh thắng  lịch sử nổi tiếng miền Trung để tìm cảm hứng như chiêm  ngưỡng vẻ đẹp các kiến trúc cổ xưa độc đáo phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam.

Đoàn cũng tham quan kinh thành Huế, ngắm những di tích xưa như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Thế miếu, Cửu Đỉnh… để nhớ về một thời hoàng kim của triều Nguyễn, viếng các lăng tẩm tuyệt đẹp của vua Khải Định, vua Tự Đức, thăm chùa Thiên Mụ; xuôi về Đập Đá, ghé Vĩ Dạ để cảm nhận lại một bài thơ hay của Hàn Mặc Tử Đây Vĩ Dạ thôn. Đoàn cũng đã làm một chuyến đi xa về Thánh địa Mỹ Sơn cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của  nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

Với một thời gian ngắn và nhiều tác giả tham dự, người viết chỉ xin lược trích một số hoạt động tiêu biểu của các tác giả trong phân hội mà thôi.

 Đến với Đà Nẵng  nhà thơ Lê Minh Luyến đã sự bày tỏ, nỗi niềm của người lính trước cái  đẹp của con người và cuộc sống qua một số bài thơ trong tập thơ Tình qua mùa hẹn dự định sẽ xuất bản trong năm sau. Đây là nhà thơ lớn tuổi nhất đoàn thuộc Câu lạc bộ huyện Tân Châu lần đầu tiên tham gia trại, anh hoạt động rất say mê cần mẫn.

Nhà thơ Nghiêm Khánh với bản tính trầm lặng miệt mài trong phòng sáng tác, vài ngày sau đã cho ra đời truyện ngắn Con Mực xoay quanh hình tượng con vật sống có nghĩa, có tình, một chủ đề không mới nhưng tác giả thể hiện rất tình cảm đậm tính nhân văn nói về cuộc đời buồn vui của con chó Mực, sống ở một gia đình nông dân trong giai đoạn trước và sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, từng sống ở nông thôn rồi về đến thị thành. Cuộc chiến xảy ra dù thương tích đầy mình nhưng trước khi chết con Mực đã làm nghĩa cử hết sức tốt đẹp là cùng chủ mình đi cứu sống anh giải phóng quân. Cảm kích tình yêu của con vật, mấy mươi năm sau anh giải phóng đi tìm lại gia đình nuôi nó, để cám ơn. Cuộc gặp gỡ nhau thật xúc động.

Cây viết Mai Tuyết tuy mới xuất hiện trong làng văn vài năm trở lại đây, đã có tập thơ Người đàn bà đi nhặt nỗi buồn đã gây được sự chú ý của mọi người, giờ đây thể hiện bút lực rất sung mãn, cô đã có  nhiều bài thơ hay viết về Đà Nẵng như  Sông Hàn ngày trở về,Về thăm Sơn Trà, Biển khóc – ướt đầm ngực đêm; Giấc mơ ngày trở về; Biển – Em – và loài chim trắng; Biển và khoảng trời bình yên với phong cách trữ tình, lãng mạn, từ ngữ trau chuốt.

Nhà thơ trẻ Trần Nhã My được biết nhiều về thơ với các giải thưởng và các tuyển tập Dỗi,Mảnh vỡ không lời, Huyễn hoặc ngày em… Hôm nay lại thử nghiệm qua  thể loại văn với truyện ngắn Ba Ráo, nhân vật chính là người thiểu năng trí tuệ, sống hòa đồng với mọi người nhưng tánh tình hơi thô lỗ; là xã nông thôn mới nên người trong vùng cư xử với nhau rất có tình người, tình cảm đó đã cảm hóa được con người  như Ba Ráo.      

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông đã đến thành phố biển vài lần nhưng vẫn xao động  với cảm xúc mới đã cho ra lò 5 ca khúc gồm nhiều chủ đề với phong cách, thủ pháp đa dạng như các bài Đà Nẵng tôi yêu với tiết tấu trẻ trung vui tươi hay tâm trạng trở về trong nỗi nhớ thương khôn nguôi sâu lắng của người con xứ biển thân yêu được tác giả dàn trải trong ca khúc Sông Hàn ngày trở về phổ thơ Mai Tuyết. Ngoài ra về chủ đề bảo vệ tổ quốc, biển đảo thân yêu anh có bài hát tiết tấu sôi động hào hùng như Hướng về Biển đảo quê ta. Về quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường qua bài Những người con xứ Trảng ngợi ca về một vùng đất có truyền thống cách mạng Trảng Bàng, giai điệu sâu lắng hay bài Trên bến đò biên giới nói về vùng đất gian khổ một thời trong chiến tranh đó là xã Biên Giới huyện Châu Thành, Tây Ninh. Nhưng điểm nhấn, dấu ấn sâu nhất, thể hiện bút pháp thành công hơn hết về mảng tự sự, tình cảm nhẹ nhàng nồng nàn hơn hết mà tác giả tâm đắc qua chuyến đi sáng tác có lẽ là bài hát tìm được sự đồng cảm giữa thơ và nhạc đó là Sông Hàn ngày trở về.Về nghiên cứu âm nhạc anh có bài viết Khảo sát về các điệu lý Tây Ninh giới thiệu những điệu lý tiêu biểu như Lý cùm nụm, Lý dây bầu, Lý bông đậu, Lý bên kia….

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Quý  đã sáng tác được 5 ca khúc  mới về  đề tài con người và quê hương Tây Ninh như Tây Ninh vang mãi khúc hùng ca, Tây Ninh vững bước tương lai ca ngợi thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Về con người - quê hương thành phố Đà Nẵng anh có các bài Đà Nẵng thành phố tình yêu phổ thơ Trần Long, Nỗi nhớ Sông Hàn phổ thơ Nguyễn Văn Ngữ…

Soạn giả Hoàng Sến rất năng động xông xáo đã sáng tác  các bài ca vọng cổ viết về Gò Dầu yêu thương, về cô giáo vùng biên giới. Về Đà Nẵng anh đã có bài Kỷ niệm bến sông Hàn, cảm xúc về cảnh đẹp quê hương Đà Nẵng…

Họa sĩ Trần Chỉnh miệt mài với bức Phiên chợ trưa ca ngợi vẻ đẹp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, trong tác phẩm là hình ảnh người mẹ trên vai nặng gánh "gió sương" vội vàng bước thấp bước cao bên con đường nhỏ và dãy phố cổ liêu xiêu như cuộc đời của mẹ; tác phẩm Vẻ đẹp Ma Thiên Lãnh miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của vùng núi Bà Đen thơ mộng, nơi một thời hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm Những con mắt thuyền nói lên nỗi niềm của những con người một nắng hai sương trên đầu sóng ngọn gió bên vùng biển nghèo khó nhưng họ vẫn yêu thương và thủy chung.

 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bi đã  từng cầm máy trên những nẻo đường quê hương nhiều năm, anh đã bấm máy được hơn 20 tác phẩm đẹp, trong đó có số tác phẩm rất tâm đắc như ảnh nghệ thuật Phố biển Đà Nẵng với bãi bồi phù sa xanh ngát rừng cây, uốn lượn vòng quanh là sắc xanh của biển sóng gợn lăn tăn, xa xa đồi núi là thành phố Đà Nẵng những tòa nhà cao tầng sừng sững nổi bật giữa trời xanh hòa quyện với nhau tạo cảm giác êm ả, thân thiện và sang trọng của một quê hương miền biển hoặc tác phẩm Biển sớm Thọ Quang ghi hình ảnh buổi ban mai với chiếc thuyền thúng lắc lư ra  vào trên mặt biển lung linh sóng vỗ đưa cá đánh vào bến biểu hiện sự chịu đựng thầm lặng gian khó của người dân vùng biển...

Nghệ sĩ Đặng Phượng - Hội viên Hội điện ảnh Việt Nam là người quản lý văn học nghệ thuật nhưng chị rất yêu thích và đam mê nhiều loại hình nghệ thuật, đã sáng tác ca khúc Kể về anh nói lên vẻ đẹp của núi rừng biên giới, ca ngợi tình yêu thương đất nước của người lính quân hàm xanh. Ca khúc Khúc tự tình giới thiệu về sông nước, núi rừng hữu tình của vùng đất biên giới Tây Ninh với bao chiến công hiển hách vẫn ươm mầm cho tình yêu đôi lứa gắn liền nỗi nhớ da diết của những người con khi xa quê.

Gần cuối thời gian ở trại, Đoàn đã có buổi giao lưu văn nghệ với các văn nghệ sĩ của Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, các anh em Tây Ninh đã giới thiệu một số bài hát, bài thơ vừa mới sáng tác như bài Sông Hàn ngày trở về của Nguyễn Quốc Đông, bài thơ Dắt em về với Mỹ Sơn của Trần Nhã My đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng anh em Đà Nẵng

 Vẫn còn đó những ấp ủ trong tương lai, những sáng tác mới, vì thời gian ngắn chưa thể hiện hết nhưng với cảnh đẹp nên thơ tuyệt vời của một thành phố biển cho anh em nhiều cảm xúc mới lạ và niềm lưu luyến mãi khôn nguôi. Tạm biệt Sông Hàn, tạm biệt Cầu Rồng lung linh, tạm biệt Bà Nà hùng vĩ, tạm biệt Đà Nẵng thân yêu, chúng tôi xuôi tàu về Nam nhưng vẫn nghe đâu đây âm vang sông Hàn lắng đọng mãi trong tình  yêu chúng tôi.

Đà Nẵng, tháng 9/2017

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...