Âm nhạc Việt Nam - những ảnh hưởng và sự tiếp nhận lý luận âm nhạc của Liên Xô, Trung Quốc

28/02/2017

Giai đoạn 1954 - 1975:

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, đã mở ra cuộc giao lưu, tiếp xúc lần thứ hai với những nền âm nhạc nước ngoài, tức là với nền văn hóa âm nhạc của các nước lúc bấy giờ thuộc “phe xã hội chủ nghĩa”, mà trực tiếp nhất, là của âm nhạc Liên Xô và Trung Quốc.

Giai đoạn từ 1954 đến 1975 là giai đoạn xây dựng và phát triển hết sức phong phú của âm nhạc Việt Nam trong một điều kiện lịch sử đặc biệt vừa chiến đấu vừa xây dựng đất nước, vừa có cuộc sống đời thường, vừa có cuộc sống thời chiến. Công việc xây dựng một nền văn hóa mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc đã trở thành nhiệm vụ trung tâm trong các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Hoạt động âm nhạc – trong sáng tác cũng như trong việc truyền bá âm nhạc, đã luôn bám sát định hướng: vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp thống nhất đất nước, tùng bước đưa ngành âm nhạc đi vào con đường chính quy hiện đại trên một quy mô lớn và một chất lượng không ngừng được nâng cao nhằm phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.

Để từng bước xây dựng một nền âm nhạc chuyên nghiệp chính quy và hiện đại, trong điều kiện có được hòa bình trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã mở rộng sự giao lưu văn hóa – nghệ thuật với các nước bạn trong “phe xã hội chủ nghĩa”, đặc biệt là với Liên Xô và Trung Quốc. Yêu cầu xây dựng một nền văn hóa mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc ở nước ta hoàn toàn phù hợp với đường lối, lý luận về nghệ thuật của các nước trong “phe xã hội chủ nghĩa” (mà nước ta cũng là một thành viên) trong giai đoạn lịch sử ấy. Nổi lên ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN thời bấy giờ là những lý luận về “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, về “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”.

Phương pháp sáng tác là một hệ thống hoàn chỉnh hữu cơ những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật được xác định bởi một thế giới quan nhất định trong những điều kiện lịch sử xã hội nhất định dùng để phản ánh (chọn lọc, khái quát, bình giải) cuộc sống bằng hình tượng. Cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa Mác – Lênin mà bộ phận trực tiếp nhất là mỹ học Mác – Lênin.

 Trong điều lệ của Hội nhà văn Liên Xô thông qua năm 1934 ở đại hội đại biểu các nhà văn Liên Xô lần thứ nhất, có ghi rõ: “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp cơ bản của văn học Liên Xô và phê bình văn học Liên Xô, đòi hỏi nhà nghệ sĩ mô tả cuộc sống một cách chân thực, lịch sử cụ thể hiện thực trong sự phát triển cách mạng. Đồng thời với việc miêu tả chân thực, lịch sử cụ thể, cần phải kết hợp với nhiệm vụ dùng tinh thần xã hội chủ nghĩa để cải tạo và giáo dục nhân dân lao động về mặt tư tưởng”.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã trở thành phương pháp sáng tác cơ bản trong nghệ thuật xô viết (Liên Xô cũ), trong đó có sáng tác âm nhạc. Trong Điều lệ của Hội Nhạc sĩ Liên Xô (một tổ chức liên kết xã hội – sáng tạo của những nhạc sĩ sáng tác và nhà lý luận âm nhạc xô viết) cũng ghi rõ : Sự quan tâm chủ yếu của người nhạc sĩ sáng tác Liên Xô phải hướng về những cơ sở tất thắng, tiến bộ của hiện thực, hướng về sự trong sáng và tốt đẹp vốn là điều nổi bật lên trong thế giới tinh thần của con người xô viết và phải được thể hiện trong những hình tượng âm nhạc tràn đầy sức sống tươi đẹp. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đấu tranh không khoan nhượng chống những khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa (modernisme) phản nhân dân, thể hiện sự suy đồi và tha hóa của nghệ thuật tư sản đương đại, chống sự sùng bái thấp hèn và quỵ lụy trước văn hóa tư sản đương đại”. Đại hội toàn liên bang lần thứ II của Hội Nhạc sĩ Liên Xô họp năm 1957 đã xác định nhiệm vụ của Hội là đoàn kết thống nhất các nhà sáng tác và lý luận âm nhạc nhằm mục đính sáng tạo trên cơ sở phương pháp hiện thực XHCN những tác phẩm hoàn thiện cao về tính tư tưởng – nghệ thuật, giáo dục các hội viên về chính trị - tư tưởng, giúp đỡ họ nâng cao sáng tạo và phát triển bản lĩnh nghề nghiệp.    

Các nhà lý luận âm nhạc xô viết thời đó, chẳng hạn nhà lý luận phê bình âm nhạc Liên Xô nổi tiếng Inôkenti Pôpốp, trong cuốn “ Đôi nét về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong âm nhạc xô viết” của ông do Nhà xuất bản “Âm nhạc” ấn hành tại Matxcơva  năm 1971, có viết : “…Thể hiện sáng rõ, giản dị, với một sức mạnh biểu hiện lớn lao nội dung hình tượng sâu sắc, làm xúc động quần chúng. Nắm chắc mạch đập cuộc sống của nhân dân…Thực chất đó là cách nói khác đi đôi chút những nguyên lý cơ bản của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa.” Ông có nêu lên làm thí dụ trong thực hành sáng tác xô viết ở thể loại ca khúc quần chúng, thể loại ôpera, thể loại giao hưởng, những sáng tác mang đậm những nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn trong thể loại ca khúc quần chúng ông nhắc đến các bài Cachiusa của M.Blanter, Thời thanh niên sôi nổi của A. Pácmutôva, Chiến tranh thần thánh của A. Alếchxanđrốp… và nêu tên nhiều tác giả ca khúc nổi tiếng… Trong thể loại ôpera ông nhắc đến những vở Sông Đông êm đềm của Đgiécginxki, Tháng Mười của V. Murađeli, Gia đình Tarax của Đ. Kabalépxki…Trong thể loại giao hưởng ông nhắc đến bản giao hưởng số 27 của Miaxcốpxki, các giao hưởng số 7 (Lêningrát), số 11, số 12 của Đ. Sốtxtacôvich…          

Trong lý luận văn học – nghệ thuật Trung Quốc trước thời kỳ đổi mới (là giai đọan sau khi kết thúc cuộc Đại cách mạng văn hóa) cũng nổi bật lên phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, tất nhiên cũng kèm theo nhiều tranh cãi, nhưng vẫn là phương pháp sáng tác mang tính chính thống, kể cả trong âm nhạc. Ở Trung Quốc, trong Bài nói chuyện tại toạ đàm văn nghệ Diên An năm 1942, Mao Trạch Đông là người đầu tiên nêu ra “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” và nó được độc tôn ở trong Đại hội văn nghệ toàn Trung Quốc lần thứ nhất, năm 1949 và được sử dụng trong mọi lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, thể hiện tập trung trong các thể loại ca khúc quần chúng, ôpera và giao hưởng.

Ở Việt Nam, đường lối văn hóa – nghệ thuật đã được chỉ rõ trong  Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khởi thảo và công bố năm 1943 khi toàn Đảng, toàn dân ta đang dồn mọi tâm huyết và nỗ lực để tiến hành một cuộc cách mạng về chính trị nhằm giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đó có thể coi là bản tuyên ngôn đầy đủ nhất đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng một nền văn hóa mới trên đất nước ta. Trong bài nói chuyện đăng trên báo chí của Đảng năm 1944, đồng chí Trường Chinh khẳng định : “ …Cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này phải theo ba nguyên tắc, ba khẩu hiệu : dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Phàm cái gì chống lại tinh thần độc lập và thống nhất, phải thẳng cánh đập tan. Phàm cái gì trái khoa học, phản tiến bộ, phải kiên quyết bài trừ. Phàm cái gì phản đại chúng, xa đại chúng, phải nhất luật san phẳng. Cho nên, văn hóa mới Việt Nam phải có ba tính chất : dân tộc, khoa học và đại chúng. Riêng văn nghệ mới Việt Nam thì phải có đủ tính dân tộc, tính hiện thực và tính nhân dân.” (tr.97, 98. Tuyển tập “Về văn hóa văn nghệ”. NXB Văn hóa. 1972).

Danh từ “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên đã xuất hiện trong văn bản bài viết “ Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh, năm 1949. Đồng chí Trường Chinh đã khẳng định : “…Lập trường văn hóa cách mạng nhất trên thế giới và trong nước ta hiện nay là: Về xã hội, lấy giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm gốc.

Về chính trị, lấy chủ nghĩa dân chủ mới và chủ nghĩa xã hội khoa học làm gốc.

Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc.

Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc. (tr.109,110.Tài liệu đã dẫn ở trên).

Về sau, trong nhiều bài phát biểu, như các bài “Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú, dưới ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội” (1957), “Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa” (1962), v.v., đồng chí Trường Chinh đã đi sâu vào giới thiệu, phân tích về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, coi đó là phương pháp sáng tác cơ bản, cần thiết nhất cho sáng tác văn học – nghệ thuật Việt Nam.

Các văn nghệ sĩ Việt Nam, trong đó có các nhạc sĩ, cũng đã đi theo phương hướng sáng tác mà Đảng đề ra như Dân tộc – Khoa học – Đại chúng, dân tộc – hiện đại, nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…, đã có những tác phẩm xuất sắc phục vụ cho hai cuộc kháng chiến, cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Quan điểm sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam theo khuynh hướng hiện thực XHCN với mục tiêu cơ bản là ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước cũng như cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Phương pháp sáng tác luôn kế thừa những tinh hoa âm nhạc thế giới kết hợp với những nét riêng của âm nhạc dân gian Việt Nam để tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc đặc trưng.

Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa chính là phương pháp sáng tác với những yêu cầu cơ bản về tính đảng, tính nhân dân, là những phương hướng đã bao hàm ngay trong nội dung những phương hướng  của Đảng Cộng Sản Việt Nam nêu ra cho sáng tác, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh “…Đảng vẫn tôn trọng quyền lựa chọn phương pháp sáng tác của các văn nghệ sĩ. Đảng chủ trương khuyến khích mọi cố gắng sáng tạo, tìm tòi, phản đối những biện pháp hạn chế một cách độc đoán những chủ đề, hình thức và phương pháp sáng tác khác nhau, nhưng đòi hỏi mọi tác phẩm văn nghệ của ta phải có tính đảng, phải phục vụ đường lối chính sách và không được đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.” (Trường Chinh: “Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú, dưới ngọn cờ yêu nước và chủ nghĩa xã hội”, tr.138, 139. Sách đã dẫn).

Nhạc sĩ Việt Nam thực hiện phương hướng sáng tác đã nêu trên của Đảng bằng những tác phẩm của mình. Trong lĩnh vực thanh nhạc, đó là những hành khúc, những ca khúc quần chúng, ca khúc trữ tình, ca khúc nghệ thuật, thật hay, thật xuất sắc, được nhân dân yêu chuộng, được đánh giá là “cuốn biên niên sử bằng âm thanh”. Lĩnh vực khí nhạc (nhạc không lời), vốn trong thời kháng chiến chống Pháp còn chưa phát triển, giờ đây đã có nhiều tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại, vừa dân tộc, vừa hiện đại. Lĩnh vực ôpera cũng phát triển, với những tác phẩm của Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Tấn v.v.

Những công trình lý luận bàn về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không nhiều, chủ yếu là những phát biểu của các nhạc sĩ trong các cuộc hội thảo, hoặc một số bài viết trên các báo, tạp chí của một số nhạc sĩ đầu đàn, như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ nhuận…bàn về nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc, về dân tộc – hiện đại, về khai thác, phát triển vốn cổ truyền dân tộc v.v.

Giai đoạn 1975 cho đến nay

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng tác văn  học – nghệ thuật Việt Nam, trong đó có âm nhạc, vẫn tiếp tục phát triển theo những định hướng dân tộc – hiện đại, nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc, hoặc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương. Những nguyên lý và phương hướng ấy cho đến nay vẫn là nguyên lý chủ đạo trong hoạt động sáng tạo văn học – nghệ thuật.

Trong khi đó, đường lối hiện thực XHCN một thời đã là đường lối cơ bản, chính thống ở Liên Xô (cũ), thì trải qua những biến động chính trị với các giai đoạn cầm quyền của các ông Khrútsốp, Bregiơnép, Goócbatrốp…, rồi sự tan rã của chế độ xô viết, đã dẫn đến sự ra đời ở Nga nhiều khuynh hướng nghệ thuật không dính dáng gì đến chủ nghĩa hiện thực XHCN, như trường phái hình thức, trường phái Tartu- Moscow…

Ở Trung Quốc, khi bước vào thời kỳ đổi mới, sáng tác văn học – nghệ thuật đã bước vào thời kỳ đa dạng hóa, phương pháp sáng tác hiện thực XHCN không còn là phương pháp sáng tác cơ bản nữa.                            

 Gần đây, Hội đồng Lý luận – Phê bình Văn học – Nghệ thuật Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ tích cực đổi mới, từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Đó là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết, vì đến nay giới văn nghệ Việt Nam đã nhận thức rằng cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống lý luận văn nghệ thuần túy Việt Nam, một hệ thống lý luận thâu tóm được các quy luật, đưa ra các phạm trù và khái niệm phản ánh trung thành bản chất của tiến trình phát triển của lịch sử văn nghệ Việt Nam.

Công việc này chắc chắn sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam, trong đó có nghệ thuật âm nhạc

L

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...