Âm nhạc và sắc đẹp
Đêm 25.03.khán phòng Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình với hơn 3000 chỗ ngồi đã kín khán giả. Không chỉ vì mong mỏi được gặp lại tứ tấu nổi tiếng BOND, mà còn muốn nghe Thanh Lam, Mỹ Linh, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp hát với dàn nhạc (DN) trong tinh thần hội ngộ đẳng cấp quốc tế ở một không gian sang trọng và tinh tế. Khán giả còn muốn tận hưởng cái lạ, đẹp, hay được mang đến bởi những tên tuổi mới trong làng sân khấu âm nhạc: đạo diễn âm thanh Doãn Chí Nghĩa, đạo diễn ánh sáng: Justus Molthan ( người Đức), chỉ huy DN Maius Phiharmonic Lưu Quang Minh… những người luôn có mặt âm thầm đằng sau những thành công của đêm diễn. Hay nói một cách khác: khán giả trông chờ những cái mới mang đến từ một tổng đạo diễn: nhạc sĩ Quốc Trung, người nổi tiếng khó tính trong chuyên môn nhưng nhiều sáng kiến tổ chức chương trình có đẳng cấp.
Tứ tấu Bond
Ca sĩ Mỹ Linh
DN Maius Phiharmonic đã gây một hiệu ứng tốt đẹp với khả năng trình tấu và trang phục sáng màu tràn đầy sức trẻ. Tuy đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia VN, nhưng họ đều là những người được tiếp xúc với âm nhạc và được đào tạo từ khi còn nhỏ trong gia đình trước khi vào Học viện và từ đó đến nay đã tham gia biểu diễn nhiều lần. Họ luôn có sự tìm tòi và lối trình diễn sáng tạo, với hy vọng đem nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Thanh Lam, Mỹ Linh thì khỏi phải nói, vẫn là những đáng nể hàng đầu của thanh nhạc Việt Nam, khi hát với DN họ càng tỏ rõ đẳng cấp. Phạm Thu Hà và Phúc Tiệp còn khá mới mẻ với một số khán giả nhưng với những nhà chuyên môn, hai giọng ca này là những triển vọng xuất sắc của âm nhạc trong tương lai.
Nửa chương trình đầu bao gồm các ca sĩ Việt Nam biểu diễn với DN Maius Phiharmonic đã mang lại niềm hứng khởi đầy ấn tượng. Thật là “đã đời” khi nghe: Suối mơ (Văn Cao), Xin cho tôi (Trịnh công Sơn), Tình ca (Hoàng Việt), Tóc gió thôi bay (Trần Tiến), Một thoáng Tây hồ (Phó Đức Phương), Bụi trời (Lưu Thiên Hương) và The Prayer (Trong Chát với Mozart của Mỹ Linh)… Nửa sau của chương trình là BOND. Bốn cô gái không già đi so với năm ngoái (thì đã đành) nhưng so hẳn với năm 2000, là năm những chiếc đĩa BOND đã được xách tay về Việt Nam, có vẻ họ cũng không già hơn những hình ảnh hồi đó. Sôi động, điệu đàng, mạnh mẽ, nghịch ngợm cùng với các hòa thanh mới họ khiến cho âm nhạc cổ điển không còn là những triết lý nghiệt ngã, day dứt mà trở nên thân thiện, dễ chạm vào lòng người, trở nên một món ăn của thời đại mới, thời đại của năng động và hiệu quả. Những ca khúc trong chương trình được hòa âm phối khí mới. Các âm thanh điện tử làm nền cho âm thanh tinh tế của nhạc cụ mang tính cổ điển. Sự kết hợp giữa bộ kèn gỗ cùng đàn dây, pha lẫn những thanh âm của thể loại New Age, hay Elctronica tạo ra một cảm giác huyền ảo… Có khi bản phối lại được hòa âm bởi nền nhạc dance với âm thanh của đàn dây mang âm hưởng Bolywood đã trở nên sự sôi động diệu kỳ. Ngoài ra, các giai điệu kinh viện được kết hợp với âm nhạc điện tử và những kết hợp khác đầy mới mẻ trên sân khấu tạo ra một hiệu ứng giải trí ở tầm tri thức khác biệt. Các mỹ nhân của BOND đã khiến mọi con tim rung lên với “Shine”, “Viva”, “Speed”, “Victory”, “Gaga”, “Allegreto”, “Hungarian và Samba”… Bắt đầu bằng âm hưởng cổ điển, các tác phẩm trong chương trình đưa khán giả du ngoạn trên bước đường phát triển của âm nhạc, kết thúc bằng sự thăng hoa của âm nhạc hiện đại…
*
Có thể nói thêm về nhóm BOND, vì họ là những người truyền cảm hứng cho tuổi trẻ toàn thế giới ở góc độ làm Mới những gì đã có và cũ, vừa tôn vinh cũ vừa làm cho cái cũ mang gương mặt của Mới, tiếp cận được với số đông của thời đại mới và đem đến sự hưng phấn tích cực cho số đông ấy. Có lẽ, họ là nhóm nhạc đầu tiên trên thế giới theo đuổi dòng nhạc cổ điển giao thoa (Classical Crossover). Họ dường như xóa được quan niệm làm nghệ thuật sẽ cực khổ và dễ nghèo. Với hơn 4 triệu bản thu âm đã được bán ra họ không chỉ nổi tiếng nhất mọi thời đại về danh tiếng mà còn về… góc độ kinh tế. Họ là hiện tượng tại thị trường châu Á, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như từng giành được 20 đĩa vàng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đến với Việt Nam, đây là lần thứ 2, BOND diễn trong Chương trình “Thay lời cảm ơn” với khách hàng trong dòng sản phẩm 2 năm chính thức có mặt tại Việt Nam: LEXUS. Âm nhạc của BOND lấy cảm hứng từ nhiều chất liệu: Cổ điển, Latin, Dân gian, Jazz, Rock, Pop, Electro, nhạc Ấn Độ... cũng như các phong cách nhạc Tây phương khác. Họ phát triển sở trường của những nghệ sĩ solo chơi những bản hoà tấu nhiều tiết tấu, nhanh và mạnh mẽ, nắm bắt sự phát triển của nhạc điện tử và kế thừa con đường của những nghệ sĩ âm nhạc cổ điển. Người hâm mộ (trong đó có các chàng trai, cô gái cầm vô lăng ) thích nghe BOND vì âm nhạc của họ và còn vì những nhan sắc mặn mà cùng thời gian. Họ đều từng là sinh viên ưu tú trong những trường nghệ thuật danh tiếng của Anh và Australia. Tania, cây violin chính của Bond đã từng nhận nhiều giải hàn lâm về âm nhạc và cũng đang trình diễn trong các dàn hợp xướng nổi danh của London và Sydney. Eos – cây violin thứ, cực kỳ đa tài khi vừa có thể sáng tác, soạn nhạc, vừa có thể sản xuất nhạc cho film và các chương trình quảng cáo. Trong seri phim Sherlock, Eos chính là người làm nhạc cho phim và hướng dẫn Benedict Cumberbatch chơi violin. Còn Gay-yee, cô gái xinh đẹp có dòng máu châu Á chơi Cello, chính là người đồng sáng lập ra Bond. Thành viên cuối cùng, Haylie cũng chơi violon. Tất cả thành viên trong nhóm đều cộng tác với các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới như Paul McCartney, Sting, Bryan Adams, Spice Girls và Leona Lewis …
Theo tổng đạo diễn chương trình - nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: “Mọi chi tiết của đêm nhạc đều đạt tới một đẳng cấp cao và tinh tế. Một chương trình được xây dựng không chỉ thể hiện ở chất lượng nghệ thuật mà đề cáo đẳng cấp âm nhạc của từng cá nhân…”.
Một đêm âm nhạc mỹ mãn cho người thưởng thức, dòng người ra về trong sự hân hoan với những chiếc “xế” yêu của họ. Phải chăng, đó cũng là một cách các nhà kinh doanh “làm mới” sự thưởng thức cho khách hàng của mình?