Âm nhạc trị liệu
Sử dụng âm nhạc vào mục đích trị liệu vốn có lịch sử lâu đời, song, bộ môn âm nhạc trị liệu (Music Therapy) xét trong phạm vi ngành khoa học âm nhạc (Musicology) lại mới xuất hiện giữa thế kỷ XX. Đây là ngành (Trị liệu học âm nhạc) khoa học ứng dụng giao diện giữa nhiều lĩnh vực khác nhau được hình thành khá ngẫu nhiên tại một cơ sở điều trị cho quân nhân ở Mỹ.
Trong chiến tranh thế giới thứ II, do điều kiện y tế khó khăn, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân khá cao, một số bác sĩ đã sáng kiến ra việc sử dụng âm nhạc vào công tác điều trị, nhằm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân, đồng thời xua đi không khí tang tóc, nỗi ám ảnh về cuộc chiến. Không ngờ, việc làm trên đem lại kết quả bất ngờ, không chỉ làm thay đổi tình trạng của bệnh nhân, mà còn giúp cải thiện vết thương viêm nhiễm, kéo theo tỉ lệ tử vong suy giảm.
Điều này khiến liên tưởng tới một thực nghiệm khá tương tự diễn ra tại bệnh viện Nhi ở Đức cũng diễn ra sau thế chiến thứ II. Vào thời kỳ đó, hậu quả chiến tranh đã đẩy rất nhiều trẻ em tới tình cảnh bị mất cha, mẹ và trở thành cô nhi. Chúng lần lượt được đưa đến nuôi dưỡng tại các trại mồ côi, tu viện... Mặc dù điều kiện thời hậu chiến khó khăn, nhưng chính phủ Đức vẫn đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, ưu tiên đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho trẻ mồ côi. Song, tỉ lệ tử vong của trẻ rất cao. Người ta nhận thấy mối quan hệ lỏng lẻo giữa điều kiện vật chất và sự tiến triển về thể chất ở trẻ mồ côi, đồng thời phát hiện ra yếu tố đóng vai trò chủ đạo tác động trực tiếp lên đời sống tinh thần ở chúng. Tỉ lệ tử vong ở trẻ mồ côi chỉ thực sự giảm xuống sau khi áp dụng biện pháp can thiệp của chuyên gia tâm lý. Họ sử dụng một phương pháp khá đơn giản. Đó là kêu gọi sự trợ giúp của các nữ tu, hàng ngày dành khoảng thời gian nhất định để ôm ấp trẻ vào hai ca sáng, tối. Sau thời gian theo dõi định kỳ, việc làm trên đem lại kết quả bất ngờ. Sức đề kháng của trẻ tăng lên và có tác dụng tăng trưởng lâu dài đến sự phát triển toàn diện, từ đó các nhà tâm lý nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa yếu tố tâm lý và sinh lý.
Khoa học cận đại ngày càng nhấn mạnh tính chất giao thoa, xuyên ngành, liên ngành, đa ngành trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Việc sử dụng âm nhạc vào các mục đích khác nhau chỉ ra tính chất phức hợp của thực thể. Với phương thức tồn tại của hiện tượng chấn động âm thanh, âm nhạc tự thân làm thành mối quan hệ bất phân giữa vật thể phát thanh và cơ quan tiếp nhận là thính giác con người, từ đó vấn đề đã lọt ra ngoài phạm vi của ngành âm nhạc thuần túy để liên quan tới ngành Vật lý (cụ thể hơn là Vật lý âm thanh) và Tâm lý (Tâm lý tiếp nhận âm thanh), chưa kể với bản chất phi định vị trong không gian, thời gian, âm nhạc còn dính líu tới quan niệm về giá trị, thẩm mỹ, những nội dung thuộc ngành Triết học, Mỹ học, Văn hóa học, Tôn giáo học… Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của âm nhạc ở khắp mọi nơi, từ sâu khấu trình diễn thời trang đến siêu thị, các lớp tập dưỡng sinh, Thái cực quyền, Yoga, trường học, bệnh viện, các phương tiện truyền thông, máy tính, điện thọai di động… Ở bệnh viện một số nơi có chuyên khoa thần kinh, Châm cứu, khoa chuyên biệt… từ lâu đã sử dụng âm nhạc nhằm nhiều mục đích khác nhau. Dù xuất phát từ mục đích nào, từ vô thức đến ý thức, người ta đều nhận thấy tác dụng của âm nhạc. Mặc dù, việc nghe nhạc cho đỡ buồn hay nghe với ý thức đầy đủ về hệ quả của nó đem lại là những vấn đề khác xa nhau. Nghe nhạc bị động và nghe nhạc chủ động… giúp chúng ta xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng âm nhạc. Và ở đây, mục đích hướng tới là việc sử dụng âm nhạc một cách thông minh. Ngành Dinh dưỡng có thể thiết kế những thực đơn nhằm mục đích dưỡng sinh, chữa bệnh, bổ sung, cân bằng các chất trong cơ thể. Đối với món ăn tinh thần cũng xảy ra hiệu ứng tương tự. Trị liệu học âm nhạc là một ngành tổng hợp, không chỉ liên quan tới hai lĩnh vực chủ chốt là Y học và âm nhạc, mà còn liên quan tới Văn hóa. Văn hóa ở đây được hiểu một cách chung nhất, bao gồm tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần. Y khoa trị liệu bằng âm nhạc cần hướng tới tương tác hai chiều giữa người bệnh và người điều trị, gồm có bác sĩ (bác sĩ tâm lý), y tá, nhân viên điều dưỡng, nhạc sĩ… Người bệnh không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ bệnh lý, mà còn được quan tâm tới cơ tầng văn hóa tiếp nhận với tư cách thành viên một cộng đồng văn hóa cụ thể. Đó là xét dưới góc độ đối tượng, còn chủ thể, nhằm chỉ người tham gia vào quá trình điều trị, phương pháp tiếp cận, biện pháp sử dụng… cũng bao hàm giá trị văn hóa tương ứng. Vì thế, công tác trị liệu bằng âm nhạc không nhất thành bất biến, mà luôn định hình, biến đổi tùy thuộc vào cơ tầng văn hóa cụ thể. Văn hóa Phương Đông với thực thể động và nhìn nhận con người như một chỉnh thể thống nhất có tác dụng hay chí ít chỉ ra phương pháp, phương hướng trong việc điều trị bằng âm nhạc. Tựu chung, chữa trị bằng âm nhạc không phải hình thức “cưỡng chế” bằng thuốc như Y khoa, cũng không có tác dụng giải phẫu như ngoại khoa, mà hướng tới sự thay đổi nội giới, từ đó ảnh hưởng tới hệ thần kinh, năng cao khả năng miễn dịch… tác động một cách tự nhiên lên cơ thể, đặc biệt về phương diện tâm lý. Vì thế, cơ tầng văn hóa đặc biệt lưu ý trong phương pháp điều trị nhằm thiết kế lộ trình, thời gian, cách thức điều trị, liệu pháp… phù hợp.
Việc chữa trị chỉ thực sự đạt hiệu quả khi tính tổng thể của phương pháp được xem xét một cách thấu đáo. Bằng không, bản thân nó sẽ tự làm nên tác dụng phụ cho toàn bộ quá trình. Vì, ở đây, bác sĩ và bệnh nhân nương nhờ vào nhau. Nghe nhạc không giống như việc sử dụng thuốc, dao mổ… có thể “oanh tạc” vùng bệnh hay đưa kháng sinh liều cao vào trận địa “bão táp sa mạc”. Trị liệu bằng âm nhạc đòi hỏi sự chủ động của các bên tham gia, mang tính tự nguyện, tự giác. Và tất nhiên, không phải bệnh nào cũng áp dụng âm nhạc một cách hữu hiệu, có khả năng hợp tác nhằm thực hiện hiệu quả biện pháp trị liệu. Yếu tố tâm lý bệnh nhân cần quan tâm đúng mức. Trong Y khoa, bác sĩ ngoài có dao mổ, thuốc ra, còn có lời nói, cử chỉ thuộc về hành vi, công cụ hỗ trợ điều trị tâm lý. Âm nhạc với bản chất của một loại hình nghệ thuật dùng âm thanh thể hiện tình cảm con người càng có cơ hội tác động sâu vào khía cạnh tâm lý. Đó chính là lý do cần thiết cho thấy sự hữu ích của ngành âm nhạc trị liệu.
1. Khái niệm, đối tượng
Theo “Từ điển âm nhạc Harvard” do Don Michael Randel biên soạn, mục “Music Therapy” nhằm chỉ phương pháp đặc trị bằng âm nhạc đối với các bệnh nhân bị khuyết tật (khiếm khuyết bẩm sinh), tự kỷ, tổn thương não (tai biến mạch máu não), tổn thương não nói chung và chậm phát triển trí tuệ. “Từ điển âm nhạc mới” của Nhật Bản định nghĩa: Liệu pháp âm nhạc là phương pháp chữa trị tâm lý tiến hành thông qua âm nhạc. Nó thuộc phạm trù tâm lý học âm nhạc, sử dụng quan niệm nghệ thuật theo chủ nghĩa công năng làm cơ sở để nâng cao sức khỏe thân tâm, bồi dưỡng nhân cách.”
Phạm vi và đối tượng của ngành âm nhạc trị liệu không ngừng được mở rộng. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngay từ đầu đã đề cập, Trị liệu học âm nhạc liên quan tới nhiều lĩnh vực, đồng thời, các nhóm đối tượng cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi bệnh nhân liên quan tới tổn thương hệ thần kinh, não, mà còn mở rộng sang những trường hợp sử dụng hiệu năng âm nhạc hướng tới kiện toàn thân – tâm, thể chất và tinh thần. Qua nhiều trường hợp kiểm chứng lâm sàng cũng như phương pháp, biện pháp đang áp dụng ở một số cơ sở (tuy chưa nhận thức đầy đủ) điều trị… ở ta, đại đa số các bệnh nhân đều thuộc nhóm đối tượng bị khiếm khuyết bẩm sinh về hệ thần kinh và trí não. Lứa tuổi bệnh nhân mới chỉ dừng lại ở tuổi nhỏ, vị thành niên, vượt quá tuổi đó, có lẽ người ta dễ dàng nhận thấy tính hiệu quả nhãn tiền hay nói cách khác không đủ kiên nhẫn cùng điều kiện vật chất duy trì, theo đuổi những ca mà nhiều khi vô vọng nhằm kiểm chứng tính hiệu quả của phương pháp. Vì thế, Trị liệu học âm nhạc trong thực tiễn chỉ giới hạn trong phạm vi rất nhỏ cả về phương pháp lẫn đối tượng. Phương pháp thường thấy là thiết lập mối quan hệ tương tác giữa giáo viên (thường là những Thầy giáo được đào tạo điều trị đặc biệt bằng âm nhạc, chứ không hẳn là bác sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ Tâm lý…) và bệnh nhân. Vì thế, tình hình Trị liệu học âm nhạc ở nước ta cho thấy đang ở giai đoạn khởi phát, cần nhiều nỗ lực đi tới kiện toàn.
2. Dấu ấn lịch sử của Hiệu ứng Mozart
“Hiệu ứng Mozart” là một công trình nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng tác phẩm âm nhạc của soạn nhạc thiên tài người Áo Volgang Amadeus Mozart thực hiện vào năm 1993 ở Mỹ. Nghiên cứu đi đến giả thuyết cho rằng, nhạc Mozart có tác dụng làm tăng trí thông minh ở trẻ. Sau hàng loạt va vấp, thách thức, công trình này nhận được hàng loạt tín hiệu trái chiều, thậm chí có xu hướng phủ nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, không thể vì hạn chế của Hiệu ứng Mozart mà phủ nhận nội dung, tác dụng, khảo hướng của một ngành khoa học đang còn nhiều “dư địa” cho hoạt động thực tiện. Cùng với quá trình phổ biến các trào lưu âm nhạc Hậu hiện đại, hiệu ứng, tác dụng và phạm vi sử dụng của âm nhạc đã không ngừng mở rộng, trong đó có hoạt động hỗ trợ điều trị. Vấn đề điều trị như thế nào trên từng nhóm đối tượng mới quan trọng mà nó lại tùy thuộc vào cách thức thiết kế liệu pháp. Việc sử dụng dược liệu đã xảy ra tình trạng phản ứng chính - phụ, thì đối với âm nhạc trị liệu cũng có thể xuất hiện dấu hiệu tương tự, như đối với bệnh nhân Tăng động, không thể sử dụng nhạc Rock, Rap hay nhạc có tốc độ nhanh, ngược lại, bệnh nhân trầm cảm mà cho nghe Tứ đại oán, Văn thiên tường, Nam ai… chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, góp phần gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh.
Cần xem xét một cách tổng quát “căn duyên” từng bệnh nhân cũng như tính chất từng loại nhạc. Có bệnh nhân nhạy cảm với âm thanh, nhưng cũng có người lỳ lợm với những chấn động âm thanh. Có loại nhạc có khả năng thấm sâu vào cảm quan người nghe, cũng có loại nhạc ơ hờ chui từ tai này sang tai kia. Bệnh nhân và âm nhạc có muôn hình vạn trạng, nó đòi hỏi sự minh triết của người thiết kế, thực hiện. Vì thế, thể trạng bệnh lý và liệu pháp phải tương thích nhau. Bên cạnh đó, liều lượng và việc chủ động gia nhập quá trình điều trị cũng làm nên hiệu quả của công việc.
Ngoài ra, xin nhấn mạnh thêm, việc trị liệu bằng âm nhạc không phải phương pháp chữa bệnh không cần dùng thuốc giống như châm cứu, bấm huyệt trong y học cổ truyền, mà chỉ hỗ trợ công tác điều trị, đặc biệt đối với những căn bệnh mà y học hiện đại “bó tay”, như tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển, tăng động… Và như đã nói, âm nhạc không thể thay thế được thuốc hay dao mổ, ngược lại dao mổ và thuốc cũng không phải âm nhạc. Mỗi chủng loại đều có địa bàn tác nghiệp của mình. Âm nhạc không giống như những chiến binh có khả năng chống lại vi trùng, vi rút… gây bệnh, nhưng lại có khả năng kích thích, thay đổi tâm lý, nâng cao thể lý, giúp cơ chế phòng vệ hoạt động hiệu quả hơn.
3. Một số phương pháp
3.1 Phương pháp tĩnh tọa siêu giác
Đây là phương pháp tĩnh tọa lắng nghe âm nhạc (Gandharva Veda) cổ xưa do nhạc sĩ Maharishi Mahesh người Ấn Độ sáng tạo. Ông dùng âm nhạc Gandharva Veda Ấn Độ cách nay hàng nghìn năm vào “tĩnh tọa siêu giác” nhằm kiện toàn thân tâm, giải trừ bệnh tật.
3.2 Liệu pháp kê toa bằng âm nhạc
Biện pháp này hình dung giống như cách thức bác sĩ kê toa trong các bệnh viện. Còn các nhà liệu pháp thay đổi nội dung Toa bằng tác phẩm âm nhạc cụ thể, như ở phương Tây, Nhật Bản, trên toa nhạc có thể bắt gặp những tác phẩm của J.S. Bach (1685 – 1750), V.A. Mozart (1756 – 1791)… ở Trung Quốc, có những tác phẩm truyền thống nổi tiếng như “Nhị tuyền ánh nguyệt”, “Độc ảnh dao hồng”, “Lương tiêu”, “Hán cung thu nguyệt”, “Xuân thiên lai liễu”, “Hỷ dương dương”… ở nước ta, những tác phẩm nhạc Tài tử, như Nam xuân, Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ… cũng có thể đi vào toa.
3.3 Phương pháp minh tưởng
Phương pháp nghe âm nhạc đạt tới sự buông lỏng về tư tưởng, ý thức phổ biến ở Nhật. Phương pháp này hấp thu kỹ thuật minh tưởng trong tu tập Yoga, tức chỉ ý và tưởng xâm nhập cảnh giới thâm trầm. Đây là cách thức trị liệu bằng âm nhạc nhằm nâng cao khả năng tự chữa bệnh, an toàn, giản dị. Những tác phẩm được lựa chọn có tác dụng điều tiết trạng thái tâm lý, như: “âm nhạc lúc bình minh”; “âm nhạc thôi miên”; “âm nhạc lúc lo lắng, bất an”; “âm nhạc lúc giận dữ không dứt”; “âm nhạc lúc huyết áp tăng cao”… Bên cạnh việc nghe nhạc trong những tình huống cụ thể bằng các tác phẩm đi kèm, còn kết hợp với động tác, tư thế, kiểu dáng…
3.4 Phương pháp chuyển hóa xúc cảm
Trong tác phẩm “Thuốc âm nhạc kỳ diệu”, tác giả Naozumi Yamamoto giới thiệu: “Mỗi người dù nhiều hay ít đều trải qua tình cảnh giống nhau, như bị rơi vào trạng thái tiêu cực, không biết phải xử lý thế nào. Khi gặp trường hợp xấu này, bạn có thể thay đổi cảm xúc của mình không? Tôi muốn đưa ra một phương pháp giúp thân tâm chuyển hóa tốt trong lúc bạn chẳng biết phải làm sao”. Phương pháp “chuyển hóa xúc cảm” chính là nghe âm nhạc. Tác giả Naozumi Yamamoto cho rằng, nếu có thể biết được lúc nào thì nghe nhạc nào, thì cuộc đời sẽ vui gấp 10 lần.
3.5 Phương pháp nghe thảo luận
Phương pháp này phổ biến tại Mỹ, gao gồm thảo luận về ca khúc và viết cảm nhận. Mỗi nhóm bệnh dưới sự hướng dẫn của người trị liệu sẽ chọn lựa tác phẩm, sau khi nghe xong sẽ thảo luận, tiến thêm bước nữa vừa nghe vừa thảo luận. Người ta có thể chọn những tác phẩm có ý nghĩa đối với mình, nghe để trở về ký ức thời gian trong dĩ vãng. Lúc hồi tưởng thường dẫn tới những xúc cảm, phản ứng mãnh liệt. Đó là lối thoát hiểm cho trạng thái ngưng kết ẩn ức, ám ảnh bên trong người bệnh.
3.6 Phương pháp nghe tích cực
Nghe tích cực là một phương pháp được Don Campbell, tác giả “Hiệu ứng Mozart” đề xuất. Ông cho rằng, nghe vốn bị động, còn lắng nghe là một hành vi tích cực. Chúng ta thường nghe bằng thói quen, nghe một cách tùy ý, không dụng tâm để nghe. Lắng nghe là một năng lực sàng lọc âm thanh, tập trung lựa chọn, hình thành ký ức và phản ứng. Cách nghe này gần với yêu cầu của người học âm nhạc. Thông qua khả năng nghe để thẩm thấu, dịch chuyển sâu vào tác phẩm nhằm chuyển hóa giá trị nội tại và khoác lên trên thanh âm giá trị ngoại tại.
3.7 Phương pháp tưởng tượng
Đây là phương pháp được phát triển nhanh chóng ở Mỹ. Người trị liệu hướng dẫn bệnh nhân bước vào trạng thái buông lỏng, tưởng tượng trên nền nhạc bối cảnh đã được lựa chọn, khi tưởng tượng làm cho hình ảnh thị giác xuất hiện, những biểu trưng ấy có ý nghĩa tượng trưng và có mối liên quan mâu thuẫn với bệnh nhân. Trong quá trình nghe, người trị liệu hướng dẫn bệnh nhân thổ lộ lời lẽ tưởng tượng, sau khi kết thúc, bệnh nhân sẽ thảo luận ý nghĩa, nội dung tưởng tượng.
4. Một số sản phẩm âm nhạc
Các tác phẩm âm nhạc sử dụng trong hỗ trợ điều trị không ràng buộc bởi số lượng nhạc mục cụ thể. Ở phương Tây, người ta vẫn tin tưởng vào tác dụng của âm nhạc Cổ điển đối với việc tăng cường trí thông minh ở trẻ, mặc dù sau cú va vấp của “Hiệu ứng Mozart”, niềm tin này đã bị sa sút đáng kể. Song, văn hóa phương Tây, Mỹ vẫn có những cơ sở để tương tác với âm nhạc Cổ điển, vì đây là di sản văn hóa tư sản châu Âu vào thời kỳ hoàng kim. Bên cạnh đó, kho tàng âm nhạc sử dụng trong trị liệu đã không ngừng được bổ sung nhiều phong cách và phương pháp tiếp cận khác nhau, cụ thể có:
Meditatinon Music
Những sản phẩm âm nhạc theo chủng loại này thường sử dụng MD, âm thanh điện tử pha trộn màu sắc nhạc cụ dân tộc các nước, như Ấn Độ, châu Mỹ La Tinh… với tính chất mênh mang, dàn trải, thúc đẩy tư tưởng hòa hợp thiên nhiên, như loạt tác phẩm trong tuyển tập “Phương Đông yên bình” (Easter Peace) của nhạc sĩ Steven Halpern chẳng hạn. Steven kết hợp nhạc cụ điện tử, trống Tạng, đồng la Trung Quốc, sáo trúc và trống, đi kèm lời giải thích: “Loại âm nhạc này viết theo phong cách nhạc châu Á cổ xưa, có thể thư giãn thần kinh, giúp người nghe thoát khỏi thế giới trần tục, bước vào thế giới nội tâm tĩnh lặng, yên bình.” Mỗi tác phẩm đều có tiêu đề giúp cho người nghe liên tưởng tới cảnh giới thăng hoa, như “Sóng lăn tăn trên mặt hồ”, “Bình minh trong vườn”, “Bức tường tự viện”, “Ánh trăng trên sông Hằng”… Âm nhạc của Sreven Halpern không sử dụng cấu trúc giai điệu có sự pha trộn hòa âm, cũng không dùng tiết tấu kích động của trống mà hướng tới sự bình lặng, cảm thụ và thể nghiệm nét đẹp yên bình trong thiên nhiên phương Đông mộng mơ.
Theo đuổi dòng âm nhạc (Music for Meditation) còn có Vanraj Bhatia với những tác phẩm giúp tưởng tượng, trầm tư mặc tưởng nhằm đánh thức tiềm năng cơ thể. Nó dựa trên cơ sở trầm tư Yoga, chủ yếu sử dụng điệu Laga Bắc Ấn Độ để tiến hành những cách xử lý khác nhau, đan cài các tuyến giai điệu của Laga lên nhau hình dung như cuộc du ngoạn không ngừng nghỉ của tâm hồn, khi âm nhạc lên tới cao trào, tất cả ngừng bặt, tĩnh lặng, chỉ còn lại sự hợp nhất nhịp nhàng của nhịp tim, mạch đập, tạo nên cảnh giới cô tịch, cuối cùng đạt đến sự thăng hoa. Âm nhạc của Vanraj Bhatia đã phát triển nhanh chóng về số lượng, hiện tại trên Youtube đều có âm thanh kết hợp với hình ảnh minh họa, chuyển động chậm rãi giúp cho nhiều người dễ dàng tiếp nhận.
Letting go of stress
Steven Halpern hợp tác với Emmette Miller cho ra những sản phẩm có tác dụng thư giãn và giảm căng thẳng hữu hiệu gọi chung là: “Letting go of stress” (Tan biến lo âu). Sản phẩm âm nhạc này có kèm theo chỉ dẫn, như: Thư giãn căng thẳng cơ bắp. Nhận thức các hình thức căng thẳng, như đau đầu, đau dạ dày, căng cứng xương sống, huyết quản… tất cả đều do căng thẳng gây nên, thư giãn sẽ giúp tiêu trừ trạng thái này; Tiêu trừ tình trạng căng thẳng nảy sinh tự nhiên. Hấp thu phương pháp rèn luyện tâm lý thở theo phương pháp Yoga – phương pháp nảy sinh tự nhiên, tự động điều tiết hơi thở sâu nhằm đạt tới mục đích loại trừ căng thẳng; “Một lần lang thang bên bờ biển”, thư giãn dẫn dắt ý tưởng tâm lý hình thành biểu tượng thị giác, giống như trải nghiệm, tận hưởng cảm giác say sưa trong chuyến du hành; “Thư giãn tinh thần và cơ bắp”, kết hợp biểu tượng xác định và phương pháp tinh thần bình lặng giúp thoải mái, tập trung ý lực, đồng thời tập trung tinh lực vào mục tiêu đã định. Sản phẩm trên còn giới thiệu những phương pháp cụ thể, như tuần thứ nhất dùng bộ sản phẩm thứ nhất, mỗi ngày 3, 4 lần, sau 3 tuần, mỗi tuần nghe một bộ mới, mỗi ngày 2 lần và tiếp tục nghe và củng cố kỹ năng.
Spitit of the Redman
Bậc thầy âm nhạc trị liệu nổi tiếng thế giới Jonh Richardson sáng tác hai CD về âm nhạc minh tưởng lấy đề tài Tứ đại: Đất, Nước, Lửa, Gió vận dụng phong cách nhạc gõ Indian phối hợp với lối vịnh xướng.
Đĩa 1 có:
Bài ca của đất (Song of Earch) 25:45
Bài ca của gió (Song of Wind) 28: 01
Đĩa 2 có:
Bài ca của nước (Song of water) 23: 50
Bài ca của lửa (Song of fire) 22: 21
Lời giải thích viết: Đây là thứ âm nhạc vô cùng độc đáo, là tâm hồn hoài niệm thời huy hoàng của người Indian trên đất Mỹ. Âm nhạc có tiết tấu thâm trầm, vừa khiến con người hoan hỷ, vừa động viên tâm hồn, người nghe ngưng thần lắng nghe sẽ nhập.
Jonh Richardson còn cho ra đời những CD như “Mạch núi tĩnh lặng”, “Nham thạch, Núi, Mưa”, “Nham thạch”, Núi, Ẩn lùi”… đều là thứ âm nhạc có tác dụng thư giãn và mặc tưởng. Mỗi đĩa có thời lượng khoảng 60 phút, gồm 1, 2 tác phẩm, cấu trúc tái hiện liên tục và hòa tan trong âm thanh thiên nhiên.
5. Kết luận
Qua phương pháp, sản phẩm âm nhạc giới thiệu có thể thấy đại đa số được sử dụng cho những trường hợp nghe nhạc chủ động, theo hướng tích cực. Tuy nhiên, chúng không hề thích hợp với mọi nhóm đối tượng. Trên thực tế, đối với nhiều nhóm trị liệu khác, nghe nhạc chủ động là một thách thức và không thể lay động được loại bệnh có đặc tính “đóng kín cánh cửa nội giới” gây ra trở ngại cho quá trình tương tác. Vì thế, loại âm nhạc hành vi, sử dụng âm nhạc thông qua vai trò tương tác giữa người hướng dẫn và bệnh nhân lại tỏ ra đắc dụng. Như nhóm tự kỷ, tăng động, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp… người hướng dẫn phải áp dụng nhiều phương pháp khai mở linh hoạt, có khi thông qua trò chơi có sử dụng âm thanh hoặc âm nhạc hoặc quan sát hành vi và sử dụng phương pháp mô phỏng. Nói chung, âm nhạc đa dạng bao nhiêu thì chủng loại bệnh nhân cũng phức tạp bấy nhiêu. Mức độ xâm nhập nội giới người bệnh của âm nhạc không hề được định lượng hay tiên liệu trước kết quả cũng như mong muốn. Nên, người hướng dẫn phải nắm bắt phương châm “Tùy duyên hóa độ” đối với từng trường hợp cụ thể có “Căn duyên” khác nhau dựa trên khả năng định hướng, tiên liệu của mình thông qua công cụ hỗ trợ trung gian nhằm giúp người bệnh và người điều trị gặp nhau trên giao lộ âm nhạc.
_____________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Don Michael Randel: “The Harvard Dictionary of Music”, The Belknap Press of Harvard University Press. Cambridge, Massachusetts, and London, England, 2003.
2. 王耀華,喬建中主編: “音樂學概論”,高等教育出版社, 北京2005.
Vương Diệu Hoa, Kiều Kiến Trung Chủ biên: “Khái luận âm nhạc học”, Nxb Cao đẳng Giáo dục, Bắc Kinh, 2005.