Âm nhạc thiếu nhi: bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ"
Theo dòng chảy thời gian, bên cạnh các thể loại âm nhạc ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, rực rỡ trong xu thế hội nhập thì ngược lại, những bài hát hay dành cho thiếu nhi dường như chìm vào quên lãng, ngày càng thiếu vắng, mờ nhạt dần và thiếu sự đổi mới.
Có thể nói, trong bất cứ thời kỳ nào của cuộc đời thì âm nhạc vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu. Do đó, đối với thiếu nhi nếu không có ca khúc hay phù hợp lứa tuổi thì các em sẽ buộc phải chọn bài hát người lớn hoặc có tính chất gần gũi nhất với lứa tuổi bé thơ trong dòng nhạc người lớn và nhạc quốc tế để giải trí hằng ngày. Đã có một số ý kiến về vấn đề này cho thấy thị trường âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay rất cần đổi mới trong sáng tác. Trong đó, các sáng tác có ý nghĩa bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhiều nhạc sĩ không “tha thiết” viết nhạc thiếu nhi vì lợi nhuận quá thấp so với sáng tác các thể loại âm nhạc khác. Viết nhạc thiếu nhi thì hiếm khi được đặt hàng, hoặc nếu được hợp đồng viết thì giá cũng không cao. Nhạc thiếu nhi cũng khó thể thu hút trên mạng xã hội hoặc biểu diễn thì cũng khá thưa vắng...Ngay cả giải thưởng cho nhạc thiếu nhi cũng hiếm hoi. Hiện nay chỉ có Hội NSVN là trao giải định kỳ hàng năm, còn thi thoảng mới có ở một vài hội, đoàn. Chính vì không nhiều thuận lợi nên các nhạc sĩ ngại viết ca khúc cho thiếu nhi.
Những ca khúc rất nổi tiếng dành cho thiếu nhi như: “Cánh én tuổi thơ” (ST: Phạm Tuyên), “Trường làng tôi” (ST: Phạm Trọng Cầu), “Em yêu trường em” (ST: Hoàng Vân), “Em là bông hồng nhỏ” (ST: Trịnh Công Sơn), “Đi học” (ST: Bùi Đình Thảo)... đã đọng sâu trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Từng được mệnh danh là “nhạc sĩ của tuổi thơ”, nhạc sĩ Phạm Tuyên có một gia tài âm nhạc đồ sộ với khoảng 700 tác phẩm. Những ca khúc viết cho thiếu nhi của ông được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích như: Tiến lên đoàn viên, Trường của cháu là trường mầm non, Chú voi con ở bản Đôn, Chiếc đèn ông sao, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Cánh én tuổi thơ... trong đó có nhiều bài hát đã được thiếu nhi quốc tế chọn hát. Năm nay nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tròn 89 tuổi, song tình yêu của ông dành cho thiếu nhi vẫn tha thiết như ngày đầu sáng tác. Các ca khúc về thiếu nhi của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng phát biểu: “Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn!”
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả ca khúc được nhiều người yêu mến: “Nhật ký của mẹ” từng mong muốn giáo dục trẻ thơ những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Anh cho rằng: “Viết nhạc cho thiếu nhi tưởng chừng như đơn giản nhưng là cả một vấn đề bởi đòi hỏi người nhạc sĩ phải dồn nhiều tâm sức, không thể qua loa là được. Người sáng tác cần phải có sự am hiểu về tính cách, tâm tư, tình cảm của tuổi nhỏ cũng như đặt mình vào tâm hồn trẻ thơ trong sáng của các em để nhìn cuộc sống. Khi sáng tác nhạc cho các bé, tôi muốn phải lồng vào đấy một bài học nhỏ hoặc một chi tiết nhỏ nào đó mang giá trị nhân văn tươi đẹp để các em có cái nhìn tươi hồng về cuộc sống”.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo nghĩ cho dòng nhạc thiếu nhi hiện nay là các em đang quá thiếu những ca khúc hay dành cho độ tuổi của mình. Nếu các em cứ hát những ca khúc dành cho người lớn, thể hiện ca khúc với phong cách người lớn, chắc chắn sẽ bị những ảnh hưởng bất lợi về tâm sinh lý, dần dần tạo sự khiếm khuyết trong hình thành nhân cách cho trẻ. Do đó, những sáng tác cho thiếu nhi cần phải được quan tâm nhằm bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ, trả lại vị trí xứng đáng của âm nhạc tuổi thơ trong đời sống âm nhạc để rồi chúng ta sẽ được thấy các em hát và trình diễn những bài hát trong sáng, hồn nhiên không cách biệt với lứa tuổi của mình.
Không hiểu nguyên nhân vì sao hiện nay nhiều chương trình trên sóng truyền hình trung ương và địa phương lại dàn dựng cho các em thể hiện những ca khúc dành cho người lớn với những ca từ không phù hợp độ tuổi của các em. Khi cho các cháu xem những chương trình giải trí này, các bậc phụ huynh có con nhỏ rất cẩn trọng, bởi trong nhiều chương trình như: Gương mặt thân quen nhí, buộc các em phải hóa trang, biểu diễn giống một ca sĩ thành danh độ tuổi 30, 40 hoạt động trong nước hoặc quốc tế, tự làm mình già đi theo ca khúc, càng giống càng được hoan nghênh, chỉ cần diễn theo đúng yêu cầu của huấn luyện viên để đạt giải là được, mà không hề biết rằng một khi các em luyện tập nỗ lực để nhập vai thì đã đánh mất nét hồn nhiên trong sáng của chính mình, dù chỉ diễn một vài tiết mục nhưng vẫn làm tổn thương tâm hồn các em. Sau này khi đã trưởng thành chắc chắn các em sẽ phải suy ngẫm, hối tiếc. Vậy thì tại sao các bậc phụ huynh, các nhà làm chương trình không quan tâm định hướng đúng đắn ngay từ đầu.
Trong chương trình Gương mặt thân quen nhí show tính điểm cuối cùng, thí sinh nhí Mai Chi đã đóng giả NSƯT Hoài Linh thể hiện ca khúc Trách thân. Một ca khúc có nội dung than thân trách phận của người lớn hoàn toàn xa lạ với tuổi thơ làm sao em hiểu nỗi mà diễn xuất. Sự áp đặt của BTC đã làm tổn thương hình ảnh trong sáng của thiếu nhi.
Tương tự như vậy trong một chương trình Hóa thân thần tượng mới phát sóng đầu tháng 6/ 2017 trên sóng VTV3, có giọng ca nhí Minh Chiến bắt chước hóa thân thành ca sĩ Quang Linh từ phong cách đến giọng ca, càng giống thì khán giả càng tán thưởng. Sự cổ vũ đó đã làm các em ngộ nhận và càng muốn theo con đường bắt chước người lớn để tiếp tục tham gia các cuộc thi đi tìm danh lợi phù phiếm. Tương tự trong một buổi sinh hoạt tập thể tại một trường học ở Hà Nội năm 2016, các em học sinh cùng cất cao giọng hát từ bài "Chắc ai đó sẽ về" - một bài hit của Sơn Tùng MTP đã khiến dư luận khi ấy lên tiếng mạnh mẽ.
Riêng đối với các gameshow ca nhạc, đặc biệt là các cuộc thi hát trên truyền hình dành cho trẻ em, các nhà sản xuất không coi trọng nội dung kịch bản cần mang tính giáo dục cao, lại yêu cầu các cháu hát bài hát của người lớn, trở thành người lớn quá sớm, chẳng hạn dàn dựng tiết mục về Thị Mầu lên chùa thật phản cảm. Tuổi các cháu làm sao hiểu Thị Mầu là ai mà áp đặt, buộc phải diễn, phải hát cho giống, rồi ca ngợi vai diễn của các cháu. Tất cả mọi diễn xuất chỉ là bắt chước, mục đích giả trai, giả gái càng ngộ nghĩnh càng thu hút người xem. Vô tình làm sai lệch tâm lý giới tính của các cháu nhỏ, phải chăng diễn viên nhỏ tuổi diễn xuất trên sân khấu chỉ để làm trò vui cho người lớn?. Đáng buồn là tiết mục này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả trong trường quay và khi được đưa lên mạng cũng tạo nên cơn sốt. Đã vậy, lại lắm người ngợi khen làm các cháu càng lầm tưởng mình đã thành công, càng sai đường lạc lối trên những bước chân đầu tiên làm quen với nghệ thuật âm nhạc. Chúng ta thấy đấy, các nhà đài, các đạo diễn chương trình có ai dám thả con em mình vào các sân chơi này, vì có lẽ họ biết rõ đây là cuộc mạo hiểm gây tổn hại cho tâm hồn trẻ thơ. Vậy, tại sao họ lại đứng ra tổ chức chương trình. Phải chăng, những bài hát người lớn vẫn có một sức hút mạnh mẽ trong một sân chơi thiếu nhi. Và người ta vẫn phải dựa vào đó để tăng cao lợi nhuận, để thu hút sự quan tâm của số lượng rất lớn người xem. Các đơn vị tổ chức chương trình game show, sản xuất chương trình truyền hình thực tế, sản xuất băng đĩa nhạc cứ than phiền thiếu bài hát thiếu nhi. Ca khúc dành cho tuổi thơ khá hiếm hoi trong các chương trình truyền hình thiếu nhi thi hát như: The Voice kids", "Gương mặt thân quen nhí", "Tuyệt đỉnh song ca nhí", "Thần tượng âm nhạc nhí - Vietnam Idol kids", "Giọng hát Việt nhí.. Chỉ có thể lý giải là nhà tổ chức thiên về giới thiệu giọng hát và phô diễn hình thức hơn là tìm bài hát thiếu nhi phù hợp cho các em thể hiện. Hiện tượng này vẫn cứ nhan nhãn trên các sóng truyền hình phát đều trong cả nước. Nhiều người khi xem các chương trình này, đã bức xúc nêu câu hỏi: “Tại sao Hội Nhạc sĩ VN không lên tiếng”. Thật đáng tiếc! Hội không thể can thiệp vào nội dung các chương trình vì không được mời thẩm định, hoàn toàn đứng ngoài cuộc.
Thực trạng đang diễn ra hiện nay là trong các cuộc thi âm nhạc, nhiều em lựa chọn những ca khúc của người lớn và chính sự tán thưởng thiếu suy nghĩ của người lớn đã vô tình khiến các em lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và bào mòn sự trong sáng của tuổi thơ. Ngay cả một số ca sĩ, nhạc sĩ hướng dẫn cũng theo tiêu chí của cuộc thi nên uốn nắn các em biểu diễn dòng nhạc già hơn tuổi, càng giống người lớn càng tốt. Tình trạng này đáng được báo động để giới nhạc sĩ cần quan tâm hơn nữa đến việc sáng tác và dàn dựng ca khúc phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay, không nên để tái diễn tình trạng lợi dụng hình ảnh thiếu nhi để trục lợi.
Chính vì thế, Trung Quốc đã ban lệnh cấm các chương hình thực tế có trẻ em từ tháng 4 năm 2016, đặc biệt là con, cháu của người nổi tiếng, đồng thời siết chặt quản lý các chương trình phát sóng ở nước này. Thiết tưởng tại Việt Nam, các game show hiện nay cũng cần được chú trọng về nội dung và định hướng đúng đắn.
Việc định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ thơ là hết sức cần thiết với mục đích bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho những mầm non tương lai của đất nước. Ca khúc cho thiếu nhi tuy đơn giản nhưng rất khó để gần gũi với các em. Nhiều nhạc sĩ sáng tác thường đưa cảm xúc của người lớn vào ca khúc, giai điệu thiếu truyền cảm, ca từ không sâu sắc. Trong khi đó, ca khúc viết cho thiếu nhi rất cần thiết là lời ca, giai điệu cần phải phù hợp với tâm lý trẻ thơ, âm vực phù hợp với chất giọng trẻ thơ. Thế nên, trước hết, muốn viết ca khúc cho các em thì cần phải quan tâm nhu cầu thiết thực của các em, phải thật sự yêu quý tuổi thơ.
Các em thích được hát những lời ca vui tươi, ngộ nghĩnh, trong sáng, như: “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba…” của nhạc sĩ Phan Văn Minh hoặc “Nhong nhong nhong cha là con ngựa” của nhạc sĩ Thế Hiển… Ngoài những ca khúc được học ở trường, các em khi sinh hoạt ở nhà thiếu nhi cũng thích hát nhạc ngoại thuộc thể loại ca khúc thiếu nhi.
Phải chăng để viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài sự yêu mến trẻ thơ, nhạc sĩ còn phải am hiểu sâu sắc tâm lý của trẻ. Cách tư duy của trẻ em ngày nay khác trước rất nhiều vì được tiếp cận với lượng thông tin dồi dào, với công nghệ hiện đại nên trí tuệ cũng phát triển hơn các thế hệ trước đây. Tuy nhiên, dù ở đất nước nào, giàu có hay nghèo nàn, tiên tiến hay chậm tiến thì tâm hồn các em vẫn rất trong sáng, thơ ngây. Việc định hướng cho tuổi thơ luôn là nhiệm vụ tối cần để tạo dựng một xã hội tương lai có sự đóng góp của mầm non ngày nay khi đã trưởng thành. Một số người viết cho thiếu nhi nhưng chưa tâm huyết thật sự nên tác phẩm của họ không đọng lại trong đời sống các em. Mỗi độ tuổi lại có một đời sống tâm, sinh lý khác nhau. Trước khi sáng tác, hãy đặt mình trong lứa tuổi các em nhỏ, thì tự nhiên giai điệu và ca từ sẽ vang lên hồn nhiên, vô tư, trong sáng.
Âm nhạc cho thiếu nhi không chỉ mang tính giải trí giáo dục nhân cách trẻ thơ, nâng cao tính thẩm mỹ cho các mầm non tương lai, đồng thời làm phong phú thêm tâm hồn các bé.
Chính sự thiếu cẩn trọng trong dàn dựng đã dẫn đến sự lệch chuẩn về văn hóa âm nhạc của cả một thế hệ. Chúng ta cũng đã biết, âm nhạc là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là các em nhỏ.
Có thể nói đề tài khai thác cho thiếu nhi rất phong phú nhưng để chuyển tải được bằng hình ảnh sinh động qua lời hát là điều không dễ. Bởi những người chuyên viết về thiếu nhi tuy am hiểu phương pháp sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi nhưng chính sự am hiểu này lại khiến các nhạc sĩ khó mạnh dạn viết vì có e ngại về các tiêu chí. Ngoài ra, chuyện thù lao ít ỏi cũng tác động không nhỏ đến động lực sáng tác của họ. Chính vì thế, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho rằng: “Việc sáng tác không khó, nhưng không có nhà đầu tư mới là vấn đề bởi khó mà thực hiện việc sáng tác khi không có đầu ra”.
Cũng chính từ nỗi niềm này, trước tình trạng các nhạc sĩ trẻ chưa mặn mà với việc sáng tác các ca khúc dành cho thiếu nhi thì Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã đứng ra tập hợp các bài hát dành riêng cho thiếu nhi, giúp các em có những lựa chọn phù hợp hơn với lứa tuổi của mình. Và mới đây sau 3 năm tâm huyết tập trung sáng tác cho thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã hoàn thành dự án “100 bài hát cho thiếu nhi” và kịp ra mắt cuốn sách cùng tên vào đầu tháng 6 năm 2017. Điều đáng mừng là hiện nay ấn phẩm này đã bán hết và sắp được tái bản. Như vậy có nghĩa là nếu tác phẩm âm nhạc thiếu nhi có chất lượng cao, có cách thể hiện và tiếp cận mới lạ thì chắc chắn sẽ đem lại thành quả hơn mong đợi.
Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có phong trào âm nhạc thiếu nhi phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ toàn quốc, gần đây là bé Hồng Minh mới 9 tuổi đạt Quán quân giọng hát Việt nhí năm 2015, Và trong năm 2017, từ nhu cầu thực tế cũng như trăn trở của những người hoạt động âm nhạc, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Cung Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức trại sáng tác ca khúc cho thanh - thiếu nhi Đà Nẵng. Đây cũng là sản phẩm nhằm chào mừng sự kiện thành phố 20 năm trực thuộc Trung ương và khánh thành Cung Thiếu nhi khá hoành tráng. Trại sáng tác thu hút 35 nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc Đà Nẵng cùng một số tác giả địa phương khác tham gia và sau đó Tuyển tập 50 ca khúc “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng” do hai cơ quan này thực hiện đã được phát hành rộng rãi khắp cả nước.
Nhạc sĩ Ái Nghĩa – Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng thể hiện trách nhiệm khi nhìn nhận “Riêng tại Đà Nẵng, nhiều năm qua, các ca khúc viết cho thiếu nhi thưa vắng dần. Tại các hội thi âm nhạc dành cho thiếu nhi, những ca khúc cũ cứ lặp đi lặp lại, gây nhàm chán. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trách nhiệm lớn vẫn thuộc về nhạc sĩ chúng tôi”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn, Giám đốc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng thì:
“Nhằm phối hợp cùng Hội Âm nhạc Đà Nẵng trong việc phổ biến các ca khúc, trong năm 2017, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao sẽ được tuyển chọn đưa vào các chương trình ca nhạc của Cung Thiếu nhi thành phố. Thời gian đến, hằng tuần hoặc hằng tháng, chúng tôi tổ chức giao lưu giữa các nhạc sĩ với thiếu nhi. Tại buổi giao lưu, nhạc sĩ sẽ giới thiệu cái hay, cái đẹp của ca khúc và hướng dẫn các em hát những ca khúc dành riêng cho thiếu nhi”.
Trước những bức xúc về hiện tượng thiếu vắng ca khúc tốt cho thiếu nhi, đồng thời nhằm định hướng cho các nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi trong cả nước trước xu thế giao lưu âm nhạc quốc tế, giới âm nhạc rất hân hoan khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Âm nhạc thiếu nhi: bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ" tại Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017.
Mong muốn sẽ có nhiều bài hát cho các em hơn để các em không phải hát những bài hát thiếu nhi quá cũ, hoặc những bài hát dành cho người lớn. Tuy nhiên, để phổ biến và đưa ca khúc thiếu nhi vào đời sống tinh thần rất cần sự chung tay, kết hợp từ nhiều phía, mong muốn sẽ có thêm nhiều ca khúc cho tuổi thơ để các em không phải hát những bài hát thiếu nhi rất cũ hoặc những bài hát dành cho người lớn. Tuy nhiên, để phổ biến và đưa ca khúc thiếu nhi vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật rất cần sự chung tay, kết hợp từ nhiều phía. Có như vậy mới mong những sáng tác cho thiếu nhi được trả lại vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc và mang đậm ý nghĩa bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ, chúng ta sẽ được thấy các em hát và trình diễn những bài hát đúng với lứa tuổi của mình.