Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, sự tiếp nối thế hệ đầy trách nhiệm

23/07/2019

Kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đến nay là một chặng đường dài đối với đời sống âm nhạc của thành phố Đà Nẵng. Trên chặng đường đó, đội ngũ âm nhạc đã hoạt động không ngừng. Lực lượng âm nhạc đông đảo và diễn ra sự tiếp nối, chuyển giao thế hệ kế cận ít thuận lợi, nhiều thách thức.

Sau năm 1975, đội ngũ hoạt động âm nhạc được kết hợp từ nhiều thành phần, có một số người từ chiến khu trở về, có nhiều người đã tốt nghiệp tại các nhạc viện Hà Nội,  Huế, TP. Hồ Chí Minh và có những người đã hoạt động âm nhạc tại thành phố Đà Nẵng từ trước năm 1975. Chính vì xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau cho nên đời sống âm nhạc thành phố Đà Nẵng sau ngày non sông thu về một mối đã mang một diện mạo mới, khá phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt của cuộc sống đương đại, ngập tràn khí thế dựng xây quê hương.

Riêng trên lĩnh vực sáng tác ca khúc thì đây là thời kỳ sôi động đầy sinh khí trong giới âm nhạc thành phố, hoà đồng với cuộc sống mới, tạo được những dấu ấn riêng, không chạy theo thị hiếu tầm thường. Thời gian và công chúng đã miệt mài sàng lọc để chúng ta có được những sáng tác mới khai sinh từ một thế hệ nhạc sĩ hùng hậu, xứng đáng góp mặt với giới sáng tác âm nhạc trong cả nước.

Trong thời gian này, có một số nhạc sĩ lại thử nghiệm sáng tác những thể loại mới bên cạnh ca khúc như: romance, concerto, à capella, symphony poem...

Có thể nói Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn thập niên cuối của thế kỷ 20 đã có công trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhạc sĩ và giáo viên âm nhạc trong hệ thống giáo dục toàn thành phố Đà Nẵng nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó họ đã phát huy thêm khả năng để đóng góp nhiều hơn cho quê hương và trở thành nguồn lực tiềm tàng đáp ứng nhu cầu tiếp nối thế hệ. Đồng hành cùng Hội Âm nhạc Đà Nẵng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã thường xuyên mời các nhạc sĩ xứ Quảng tham dự các trại sáng tác được tổ chức trên quy mô cả nước. Được sự hướng dẫn tận tình của các nhạc sĩ kỳ cựu trong giới âm nhạc chính thống, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời từ đây.

Vào thời điểm đầu năm 1997, Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính, lực lượng hoạt động âm nhạc chia đôi, số thuộc thành phố Đà Nẵng nhiều hơn số về tỉnh Quảng Nam. Ngay sau đó Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã tích cực kết nạp hội viên mới để tạo thêm nguồn nội lực cho phong trào âm nhạc toàn thành phố cũng như thu hút lớp nhạc sĩ trẻ nhằm tăng cường sự tươi mới, giàu năng lượng cho Hội. Đến nay đã có 103 hội viên, trong đó có 40 người thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 04 chuyên ngành sáng tác, lý luận, biểu diễn và đào tạo....Nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao được ra đời, đã khẳng định sức sáng tạo từ tài năng tiềm tàng trong mỗi nhạc sĩ, trong số đó có nhiều người đã nhận giải thưởng của Hội chuyên ngành, của các tổ chức, đoàn thể Trung ương và địa phương. Về chuyên ngành sáng tác gồm các nhạc sĩ cao niên như: Phan Ngọc (đã mất năm 2017), Thanh Anh, Minh Đức, Đinh Gia Hòa...trung niên như: Thái Nghĩa (đã mất năm 2015), Trần Ái Nghĩa, Đình Thậm, Trần Ngọc Sanh, Nguyễn Hoàng, Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Duy Khoái...Trẻ hơn như: Trương Duy Huyến, Quang Trung, Hoàng Dũng, Xuân Minh, Minh Sơn, Ngọc Dũng, Trúc Nam, Hoàng Huy, Thu Thủy, Nguyễn Đức, Quang Khánh, Phan Thanh Trường, Trương Kim Hùng, Hướng Dương, Quang Thành, Bá Sĩ, Văn Nhi Phan, Mai Danh...và lớp tác giả trẻ tuổi sinh ra trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước như: Nguyễn Nhẫn, Trung Kiên, Trương Sỹ Linh, Thái Phú, Nam An, Cao Tâm, Trương Quang Đức, Trần Lành, Lam Phan, Võ Đình Nam...Về chuyên ngành lý luận có: Trương Đình Quang, Trần Hồng, Văn Thu Bích, Lê Thị Quyên, Tịnh Uyên; về chuyên ngành biểu diễn như các ca sĩ: Kim Oanh, Thanh Trà, Quang Hào, Thu Huyền, Ngọc Diệp, Mỹ Nương, Bích Hợp..., các nhạc sĩ biểu diễn nhạc cụ như: Trịnh Mạnh Hùng, Danh Thắng, Lưu Học, Nguyễn Đình San, Vĩnh Thuận, Nguyễn Văn Hiếu... Có thể nói trong nhiều năm qua những tác phẩm, công trình và tiết mục phong phú màu sắc thể hiện theo từng độ tuổi của họ đã góp phần làm khởi sắc thêm đờì sống âm nhạc thành phố.

Giới nhạc sĩ sáng tác từ kỳ cựu đến trẻ trung của Đà Nẵng cũng luôn nhiệt tình hưởng ứng hầu hết các cuộc vận động sáng tác của địa phương và trung ương, nhất là các cuộc thi viết ca khúc về Đà Nẵng do Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng phát động trong nhiều năm qua. Họ không chỉ sáng tác hưởng ứng các cuộc thi và phục vụ phong trào mà còn tham gia tích cực một số hoạt động khác như dàn dựng chương trình nghệ thuật, tham gia Ban giám khảo các liên hoan, hội diễn các cấp thành phố, khu vực, quốc gia; các nhạc sĩ lý luận thì tham dự các hội thảo, tọa đàm âm nhạc của Liên hiệp Hội, của Hội chuyên ngành cũng như các diễn đàn quốc gia- quốc tế, các nhạc sĩ biểu diễn thì tham gia các tụ điểm ca nhạc, các chương trình, sự kiện lớn nhỏ của thành phố... 

Những giải thưởng dành cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ Đà Nẵng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau là minh chứng sống động về sự lớn mạnh của phong trào âm nhạc thành phố Đà Nẵng trong suốt nhiều năm qua. Tất cả những khởi sắc ấy đã phả vào đời sống âm nhạc của Đà Nẵng một luồng sinh khí mới, nhất là trong bối cảnh thành phố đan thay đổi từng ngày, đồng thời đất nước đang phát triển về mọi phương diện; đặc biệt sự bùng nổ về thông tin, sự ra đời các phương tiện kỹ thuật nghe nhìn hiện đại đã làm cho nhu cầu thưởng thức của công chúng đa dạng, đòi hỏi nghệ thuật âm nhạc phải đáp ứng được thị hiếu mới của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Về lĩnh vực sáng tác với số lượng hội viên chiếm hơn một nửa nên có nhiều hoạt động sôi nổi hơn. Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã quan tâm điều hành các hoạt động theo tiêu chí phân chia đều cho các lứa tuổi. Từ chương trình tôn vinh nhạc sĩ lão thành đến chương trình giới thiệu tác phẩm các nhạc sĩ trẻ, tùy theo tuổi đời và tuổi nghề đều được anh em hội viên ủng hộ, ngoài ra còn các đợt thực tế sáng tác dành cho hấu hết các đối tượng, không phân biệt tuổi tác vẫn diễn ra thường kỳ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tài trợ hoặc theo lời mời của các địa phương, sở, ban, ngành. Tất cả đã nói lên sự hòa đồng vì sự nghiệp chung của hội Âm nhạc Đà Nẵng ngày càng khắn khít.

Trong hoàn cảnh đời sống vật chất còn có những khó khăn nhất định, các nhạc sĩ dù ở độ tuổi nào cũng vẫn chuyên tâm sáng tác, các giọng hát tiếng đàn vẫn ngân vang, chỉ có một số nhạc sĩ cao niên sức yếu, đành tạm xếp bút nghiên giã từ âm nhạc nhường sân chơi cho lớp trẻ. Dù vậy, phần lớn trong số họ vẫn cố gắng vượt qua những lo toan vất vả của đời thường, ngày ngày lặng lẻ gửi gắm cả niềm đam mê vào âm nhạc qua cuộc sống bình dị trong sáng mà không hề chao đảo trước những khó khăn của cuộc sống, họ hết sức vững vàng và có định hướng trong từng giai đoạn sáng tác sao cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng.

          Nhìn vào những giải thưởng uy tín, danh giá của Hội chuyên ngành, của các tổ chức khác ở trung ương và địa phương hằng năm... được trao đều cho các nhạc sĩ cao niên lẫn trẻ tuổi, chúng ta thấy dường như kết quả ấy đã ngầm khẳng định tài năng của một số tác giả trẻ Đà Nẵng không hề thua kém đàn anh. Họ thường đưa hơi thở đương đại vào tác phẩm. Hội cũng từng bước quan tâm thành lập các câu lạc bộ sáng tác – biểu diễn trẻ để các hội viên kết nối, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức về nhạc lý, hòa âm, phức điệu... cho các hội viên thuộc đội ngũ kế cận nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và tạo điều kiện đi thâm nhập thực tế để thai nghén nhiều tác phấm có giá trị nghệ thuật cao. Thậm chí có một số hội viên thâm niên tuổi nghề cũng không ngần ngại hướng dẫn từng tác giả trẻ về thủ pháp sáng tác để có tác phẩm tốt. Ngược lại các nhạc sĩ nhỏ tuổi cũng tôn trọng, chịu khó và mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ các bậc nhạc sĩ đi trước.

Chỉ đơn cử riêng trong lĩnh vực sáng tác khí nhạc thì sự chuyển giao thật sự khó khăn. Đó là một khoảng trống vô cùng hụt hẫng. Sau khi nhạc sĩ lão thành Phan Ngọc - một tài năng về sáng tác khí nhạc của miền Trung qua đời thì các thể loại khí nhạc như: concerto, symphony poem, hòa tấu nhạc cụ... của nhạc sĩ trẻ thiếu vắng hẳn, thuở sinh thời nhạc sĩ Phan Ngọc luôn quan tâm dìu dắt các tác giả trẻ phương thức viết khí nhạc, bởi ông giàu kinh nghiệm trao truyền và từng đạt nhiều giải thưởng cao về lĩnh vực này. Hiện nay, tại Đà Nẵng chỉ thi thoảng mới trình làng đôi ba tác phẩm khí nhạc của vài tác giả trẻ tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác tại các Học viện âm nhạc quốc gia hoặc hiếm hoi tác phẩm âm nhạc không lời được ra đời từ trại sáng tác chuyên đề khí nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Đối với lĩnh vực lý luận âm nhạc thì sự tiếp nối thế hệ lại nhuốm màu mờ xám. Trong số ít ỏi 5 nhạc sĩ lý luận, có nhạc sĩ Trần Hồng và Trương Đình Quang nay đã tới gần ngưỡng tuổi cửu thập, họ là cây đa cây đề cho lớp sau noi theo, nay đã tuổi cao sức yếu, song họ vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu, hai nhạc sĩ này đã in ấn nhiều công trình âm nhạc dân gian có giá trị và được trao giải thưởng chuyên ngành hàng năm. Trong 20 năm qua có khá nhiều người được đào tạo chính quy chuyên ngành lý luận về công tác tại trường Đại học sư phạm và Cao đẳng nghệ thuật Đà Nẵng, song phần lớn thời gian họ tập trung cho việc giảng dạy mà không toàn tâm cho công tác phê bình, lý luận âm nhạc. Do đó, chính kiến của các nhạc sĩ lý luận trẻ về thực trạng hoạt động âm nhạc của địa phương và cả nước không được công chúng biết đến, đó là thiệt thòi lớn cho Hội vì tiếng nói của giới lý luận âm nhạc Đà Nẵng mong manh quá. Phải chăng do tất bật việc mưu sinh hoặc e ngại đóng góp quan điểm trước các hiện tượng âm nhạc tốt, xấu của xã hội mà họ không muốn lộ diện?

Còn về lĩnh vực biểu diễn thì việc tiếp nối thế hệ được chuyển giao một cách âm thầm, hợp với lẽ tự nhiên tre già măng mọc, lứa ca sĩ kỳ cựu như: Kim Oanh, Thanh Trà, Quang Trung, Thu Huyền, Ngọc Diệp, Bích Hợp..., các nhạc sĩ diễn tấu nhạc cụ như: Trịnh Mạnh Hùng, Danh Thắng, Lưu Học, Nguyễn Đình San, Vĩnh Thuận, Nguyễn Văn Hiếu thi thoảng mới lên sân khấu lớn biểu diễn và dần dần lui về vị trí giám khảo, dàn dựng, giảng dạy hoặc biểu diễn riêng lẻ tại các khách sạn, resort... nhường sân chơi cho các giọng ca và tay đàn trẻ. Không ai cưỡng lại được quy luật đào thải, thay thế, hầu hết họ có tâm thế chấp nhận xu hướng tất yếu của sự kết nối thế hệ như một quy luật tự nhiên, họ lui về sân sau một cách thanh thản và ủng hộ cho lớp trẻ. Tất thảy đều ngầm hiểu rằng có như vậy xã hội mới tiến triển được.

Vậy thì sự cấp thiết khi chuyển giao thế hệ yêu cầu lớp nhạc sĩ đàn em phải nỗ lực để có tác phẩm hay, công trình tốt, tiết mục xuất sắc nhằm ghi được dấu ấn như đàn anh, đàn chị của mình là gì ? Phải chăng thế hệ tác giả trẻ hôm nay đang cần rất nhiều những người truyền cảm hứng và chân tình dẫn dắt để tiếp nối hoạt động âm nhạc. Không chỉ riêng đối với lĩnh vực âm nhạc ở Đà Nẵng, trong giới âm nhạc tại hai thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng diễn ra sự chuyển giao thế hệ ngày càng rõ nét và sâu sắc.

Rõ ràng vấn đề tiếp nối thế hệ, trẻ hóa đội ngũ hoạt động âm nhạc vẫn chứa nhiều thách thức không chỉ đối với Hội Âm nhạc Đà Nẵng. Bên cạnh đội ngũ biểu diễn trẻ khá hùng hậu thì tương phản lại, lực lượng nhạc sĩ sáng tác, lý luận trẻ của Hội khá mỏng, thể hiện qua số lượng hội viên có tên trong Hội Nhạc sĩ VN, cũng như qua số lượng tác giả xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia, quá ít những tác giả trẻ ra đời trong các thập niên 80, 90. Tác giả trẻ thì thừa năng động, sáng tạo nhưng thiếu kinh nghiệm, chín chắn. Còn nhạc sĩ cao niên - trung niên thì ngược lại, cho nên việc bổ khuyết cho nhau của hai lực lượng này là hết sức cần thiết.

Có lẽ chính vì thế mà trong các đại hội nhiệm kỳ 2018 – 2023 của 9 chuyên ngành vừa qua, Lãnh đạo Liên hiệp các hội VHNT thành phố Đà Nẵng đã mạnh dạn đưa ra tiêu chí bầu Chủ tịch hội phải đáp ứng điều kiện dưới 70 tuổi và không quá hai nhiệm kỳ. Riêng Ban chấp hành mới của Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã có số thành viên trẻ tuổi chiếm đa số.         

Nhìn chung, thờì gian qua với sự quan tâm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và sự sát cánh của Liên hiệp các hội VHNT thành phố Đà Nẵng, hoạt động của Hội Âm nhạc Đà Nẵng trải qua quá trình chuyển giao nhiều thế hệ đầy trách nhiệm. Từ đó chúng ta có thể tin tưởng rằng diện mạo âm nhạc thành phố bên dòng sông Hàn sẽ còn rực sáng hơn nữa trong tiến trình chuyển giao, tiếp nối thế hệ trước công cuộc đổi mới của quê hương đất nước./.

B

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...