Âm nhạc là hành trình để chia sẻ

25/10/2017

Với nghệ sĩ piano Trang Trịnh, lựa chọn về Việt Nam để được làm những điều mình mong muốn cho âm nhạc là hạnh phúc. 5 năm sống ở Việt Nam đã cho chị những trải nghiệm trọn vẹn về giấc mơ của người nghệ sĩ, chia sẻ cái đẹp và sự thiện lương đến mọi người.

- Chúc mừng Trang Trịnh vừa làm mẹ, vừa bắt đầu cho một dự án khá thú vị, "Concert trong rừng".  Chị có thể chia sẻ về điều này?

+ Tôi sống ở Việt Nam một thời gian và cứ nghĩ mãi về việc làm thế nào tiếp cận khán giả tốt hơn. Việc đi vào nhà hát, nghe nhạc một cách truyền thống có những rào cản vô hình đối với khán giả như bạn phải ăn mặc thế nào, ngồi như thế nào, vỗ tay thế nào. Vì thế, tôi nuôi ý định tổ chức những buổi biểu diễn thoải mái, gần gụi hơn với công chúng. 

Lần này tôi quyết tâm làm "Concert trong rừng". Địa điểm là một khu rừng thông rất đẹp ở Flaminggo, Đại Lải. Tôi có một lượng khán giả quen thuộc, họ có nhu cầu muốn cho các con đi xem nhưng có những buổi biểu diễn ở nhà hát, các bé không được vào. Thế nên tôi nghĩ ra cách để các bé có thể cùng với bố mẹ mình thưởng thức âm nhạc, chứ không đơn thuần là buổi biểu diễn cho trẻ con. 

"Concert trong rừng" mở đầu cho chuỗi chương trình tôi sẽ hướng tới gia đình và các bạn nhỏ. Ngoài ra đó cũng là mong muốn cá nhân, tôi muốn chơi đàn ở những nơi thanh vắng như trong rừng, rồi "Concert trên mây", hay ở biển. Đó là một nhu cầu cá nhân, chơi cho mình vui và mọi người cùng vui.

- Một dự án khá thú vị và mơ mộng?

+ Nghệ sĩ mà, tôi có đọc một cuốn sách nói rằng, chúng ta có nghĩa vụ mộng tưởng. Bạn cứ thử nhìn mọi thứ mà xem, có cái gì trước mặt bạn mà không phải là kết quả của một ai đấy đã mộng tưởng. Ví dụ như ai đó từng mơ làm máy bay. 

Tất cả những gì chúng ta đang dùng hằng ngày và những điều đẹp đẽ mà chúng ta đang có đều từ mộng tưởng. Và tôi nghĩ, nghệ sĩ cũng có nghĩa vụ tiếp tục sống với cuộc sống mộng tưởng ấy và nó mang đến cho mọi người niềm vui, giúp họ nhớ lại tuổi thơ và những điều mà mình vẫn làm hồi bé, đó là mơ mộng.

- Nhưng người ta vẫn mặc định thánh đường của âm nhạc cổ điển phải là các nhà hát? Việc chơi nhạc ngoài trời liệu có ảnh hưởng đến những chuẩn mực của âm nhạc hàn lâm?

+ Tôi sẽ chọn những bản nhạc của Mozart, Chopin, Liszt, để phù hợp với không gian ở đó. Dĩ nhiên chơi nhạc ngoài trời có ảnh hưởng nhưng nó mang lại những cái thú, như đang chơi mà nghe tiếng chim hót. Các nhạc sĩ ngày xưa vẫn thường tổ chức những buổi biểu diễn trong vườn, hay hoàng gia, có những bản nhạc được viết ra để chơi trong không gian đặc biệt đó. Nếu chỉ chơi hàn lâm, chất lượng cao tôi cũng sẽ làm được thôi nhưng dành cho một đối tượng khán giả khác.

- Mong muốn có nhiều hơn những cơ hội được chơi đàn, đó cũng là mong muốn được sẻ chia của người nghệ sĩ. Đó cũng là cách chị từng chia sẻ với tôi đem âm nhạc cổ điển gần hơn với công chúng?

+ Có lẽ, đầu tiên chính là nhu cầu tự thân của mình, xuất phát từ nỗi cô đơn của người nghệ sĩ, khi mình có một điều gì đó đẹp đẽ, mình muốn chia sẻ với mọi người. Khi học ở nước ngoài, cơ hội đó rất dễ dàng, nhưng tôi muốn về Việt Nam, chia sẻ với những người thân, bạn bè, gia đình và khán giả Việt Nam... Tôi muốn làm thế nào để mình bớt cô đơn và khi mọi người nhìn thấy những điều đẹp đẽ đó, họ sẽ rất hạnh phúc.

- Nhiều nghệ sĩ âm nhạc cổ điển Việt Nam ra nước ngoài học đã không trở về vì không có đất dụng võ, còn chị thì ngược lại, chị hạnh phúc khi trở về.  Vì sao?

+ Thời gian qua, tôi vẫn đi về giữa Việt Nam và Hàn Quốc và trong 5 năm gắn bó, tôi thấy đời sống âm nhạc ở Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam có nhiều buổi biểu diễn hơn, tôi tiếp xúc với các bạn sinh viên quan tâm đến âm nhạc, rất nhiều bạn trở thành tình nguyện viên cho Dàn hợp xướng Kỳ diệu của tôi. 

Gần đây có nhiều buổi biểu diễn nhạc cổ điển cho trẻ em, rồi có thêm những dàn nhạc tư nhân... rất nhiều thứ cho thấy đời sống tinh thần của Việt Nam đang phát triển và tôi thấy những người như tôi rất may mắn được ở Việt Nam trong giai đoạn này. Ở đây có rất nhiều cơ hội để làm những điều mình thích. Những điều tôi làm thực ra không có gì mới mẻ, nhưng nó còn rất thiếu ở Việt Nam, ít người làm. Tôi nghĩ, mình còn trẻ, cứ làm những việc mình mong muốn bởi nếu không làm mình sẽ hối hận. Ở Việt Nam hiện tại có nhiều vấn đề như không khí ô nhiễm, thực phẩm không an toàn... 

Tôi cũng có chút lo lắng cho con mình. Nếu ở Hà Lan hay Anh sẽ tốt hơn cho con. Nhưng thực ra, sống không phải mình sống cho ai đấy, mình sống cho mình và con của mình cũng sẽ hạnh phúc khi mình hạnh phúc. Bản thân mình phải là người có lý tưởng thì sau này con mình lớn lên mới là người có lý tưởng.


Trang Trịnh và chồng, nghệ sĩ opera  - Park Sung-min.

- Trong 5 năm qua đã cùng với chồng, nghệ sĩ opera Hàn Quốc  Park Sung - min  đã dành rất nhiều tâm huyết cho Dàn hợp xướng Kỳ diệu. Điều gì thôi thúc chị làm nên điều kỳ diệu đó?

+ Tôi rất yêu trẻ em và muốn làm việc trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ dạy nhạc cụ mà muốn làm việc về âm nhạc. Chẳng hạn như "Concert trong rừng", tôi sẽ tạo cơ hội cho các bé mang đến một cái gì đó liên quan đến khu rừng, một chiếc bút chì, một mảnh giấy để vẽ, hay một bức ảnh chụp ở rừng và sẽ trò chuyện với các em về khu rừng. 

Khi làm điều đó tôi cảm thấy có kết nối với trẻ muốn truyền tình yêu, sự trân trọng về rừng cho các em. Tôi tin bằng nghệ thuật, khi những đứa trẻ lớn lên sẽ biết trân trọng cái đẹp, khi biết yêu cây, sẽ yêu rừng và sẽ không còn những cơn lũ. Ở đâu đó họ quy hoạch đường xung quanh cái cây để cây không bị nhổ lên, vì một cái cây, thì lúc đó nhiều vấn đề xã hội được giải quyết. Chính vì thế mà tôi thành lập Dàn hợp xướng Kỳ diệu, bởi các bé biết yêu cái đẹp, yêu sự trật tự, sẽ sống nhân văn hơn, hạnh phúc hơn.

- Hành trình gần 5 năm với Dàn hợp xướng Kỳ diệu hẳn có nhiều kỷ niệm và chị nhìn thấy giấc mơ của mình đã thành hiện thực như thế nào?

+ Cuối tháng 12 này, Dàn hợp xướng sẽ có một chương trình ở Nhà hát Lớn để gây quỹ. Tôi muốn mở rộng ra các nhạc cụ khác, không chỉ piano. Trong trại trẻ mồ côi mà có một bé chơi violon là điều tuyệt vời. Tôi nhớ, có một câu nói rằng, một quốc gia văn minh phải nhìn vào cách họ đối xử với trẻ em, người già và người yếu thế trong xã hội như thế nào. 

Khi về Việt Nam, tôi cũng muốn làm gì đó cho những trẻ yếu thế. Tại sao các em không thể chơi nhạc cổ điển. Người sáng lập ra chương trình dành cho trẻ em chơi nhạc cụ miễn phí trên thế giới có nói, văn hóa dành cho người nghèo phải là văn hóa tốt nhất, đó chính là điều giúp họ có sức mạnh tinh thần. Việt Nam chúng ta rất hiểu điều đó, sức mạnh tinh thần đã giúp chúng ta vượt đèo, chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. 

Ông ngoại tôi kể, trong chiến tranh, văn công đến chiến trường được yêu lắm vì họ mang đến cái đẹp và hy vọng, cái đẹp và hy vọng là niềm khao khát kinh khủng của tất cả mọi người. Vậy tại sao trong thời bình chúng ta không làm được điều đó. Chúng ta có bao cuộc chiến phải vượt qua, cuộc chiến với tiền bạc, với bạo lực... và cái đẹp giúp người ta chiến thắng những điều đó.


Các nhạc công nhí của Dàn hợp xướng Kỳ diệu.

- Đó là lý do chị miệt mài năm năm qua với Dàn hợp xướng?

+ Đó là lý do để tôi làm bất cứ điều gì. Năm 2004, tôi có một người quen bị chết trong đợt sóng thần ở Thái Lan, khi đó tôi đang học ở Anh, tôi khóc với thầy giáo của tôi và nói rằng, tôi muốn tham gia Hội Chữ Thập đỏ vì tôi thấy chơi piano không cứu được thế giới, bạn tôi đã biến mất trong sóng thần và tôi ngồi đây chơi piano, điều đó không liên quan gì đến nhau. Và ông ấy đã nói, em ngồi yên ở cây đàn này, bởi người tạo ra cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới. Mãi đến sau này tôi mới hiểu và thấm điều đó.

Dàn hợp xướng giờ đã có 100 bạn, việc có nhạc cụ để chơi, có giáo viên dạy cũng là điều khó khăn, tôi muốn hướng tới một doanh nghiệp để tồn tại một cách ổn định, có nguồn thu để quay lại nuôi dàn hợp xướng. Hiện tại tôi và chồng đang phải tìm các nguồn tài trợ. Điều ý nghĩa nhất là chúng tôi đã đồng hành với các em trong quãng thời gian đẹp đẽ của tuổi thơ và ở lứa tuổi đó, các em được học nhạc. 

Tôi muốn với âm nhạc, các em được yêu thương, có công cụ thể hiện niềm vui, cảm xúc của mình. Tôi cảm thấy sự thay đổi rất lớn của các bé từ việc nhỏ như chủ động chào cô. Chúng tôi đã cho các bé niềm tin, có ai đấy yêu thương mình và đứng về phía mình. 

Khi đứng trên sân khấu, các bé biểu diễn rất tự tin, đó là một bước đi rất lớn bởi các bé đứng trước mặt mọi người và tin rằng  mình có gì đó để chia sẻ. Khi đứng trên sân khấu các bé có gì đó tặng cho mọi người, đó là cách giữ gìn nhân phẩm. Tôi vẫn nói với các học trò rằng, đây không phải là lớp học miễn phí mà là lớp học trao đổi, cô cho con bài học và các con tặng cô sự cố gắng.

- Tôi tự hỏi, điều gì khiến một nghệ sĩ như chị, không chỉ chơi đàn, mà còn rất nhiều những trăn trở, mong muốn sẻ chia với cuộc sống này?

+ Chính là âm nhạc, tôi sống trong thế giới đó và âm nhạc luôn hướng tới sự hoàn mỹ, một bản nhạc bao giờ cũng kết thúc bằng hợp âm về nhà, nơi rất hòa hợp, đẹp đẽ. Một bản nhạc đi qua nhiều cung bậc của cảm xúc, nỗi buồn, niềm vui và những mâu thuẫn đều được giải quyết, sự giải quyết đó rất đẹp.  Âm nhạc là một hành trình để chia sẻ, có một nhà văn Đức nói rằng: "Nghệ thuật là hành trình đến với bản thể khác". 

Nếu mình tìm thấy một điều gì đó đẹp đẽ mà chỉ giữ cho riêng mình thì cái đẹp đó chưa hoàn hảo, việc mình chia sẻ với mọi người giúp hoàn hảo trải nghiệm của chính mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...