Âm nhạc Hà Nội – Truyền thống và hiện đại

20/10/2014

Một điều cần khẳng định chắc chắn rằng: Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, là nơi hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật - từ âm nhạc cổ truyền đến âm nhạc bác học.

 

 

Không có một thành phố nào trên thế giới lại có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc ngợi ca về vẻ đẹp cổ kính, những thâm trầm, rêu phong của xưa và hiện đại ngày nay như với Hà Nội. Những tượng đài âm thanh, những câu chuyện âm nhạc ấy là sự đóng góp công sức, trí tuệ của hàng trăm nhạc sĩ Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vào sự trường tồn và phát triển của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Những thành tựu đạt được trong đời sống tinh thần của người dân Thủ đô, công đầu thuộc về lãnh đạo cũng như những người làm công tác quản lý văn hoá, nghệ thuật của từng đơn vị nghệ thuật; những đóng góp to lớn của đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nghệ nhân - những người đã và đang âm thầm, nỗ lực vì một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mặc dù bị tác động không hề nhẹ và rất phức tạp từ quá trình du nhập văn hóa, nhưng điều cốt lõi làm nên một nền tàng âm nhạc Hà Nội không thể trộn lẫn chính là từ nhận thức đúng đắn của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hóa Thành phố Hà Nội về vấn đề văn hóa và bảo tồn văn hóa Hà Nội, trong đó có âm nhạc. Thấm nhuần câu nói của tiền nhân:

Mất gia phong hỏng mất một dòng họ
Mất chính trị, hỏng một đất nước
Mất văn hóa, hỏng muôn đời

Từ nhận thức rõ về điều này nên trong suốt nhiều thập kỷ qua, sở Văn hóa Hà Nội (nay là sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) luôn có sự hiện diện của các văn nghệ sĩ trong bộ máy lãnh đạo của Thành phố. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc phải kể đến vai trò của các thế hệ nhạc sĩ trong đó có nhạc sĩ Vĩnh Cát, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và nhiều nhạc sĩ khác ở những cương vị khác nhau đã góp phần quan trọng trong việc đề xuất, xây dựng ý tướng, góp phần giúp lãnh đạo Thành phố, sở Văn hóa định hướng trong chỉ đạo điều hành lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, trong đó có sáng tác và biểu diễn âm nhạc của Thủ đô. Đặt âm nhạc Hà Nội là một trong những trọng tâm của sự phát triển thành phố một cách có chiều sâu, bề rộng với nhiều hoạt động của các Nhà hát, các đoàn nghệ thuật của Thành phố từ Múa rối nước Thăng Long, Đoàn ca múa Hà nội, Đoàn Chèo Hà Nội, Nhà hát Thăng Long đến công tác hỗ trợ cho việc bảo tồn vốn cổ của các câu lạc bộ như: Hát Xẩm, Ca Trù… nhờ những hoạt động tích cực có bề rộng chiều sâu và có tính định hướng của Thành phố đã hạn chế việc du nhập thiếu chọn lọc âm nhạc ngoại lai.

Bên cạnh đó, vai trò của sở VHTT&DL, Hội Âm nhạc Hà Nội có vai trò quan trọng trọng việc đề xuất và triển khai thực hiện nhiều cuộc vận động sáng tác, nhiều hội thảo âm nhạc của Thành phố và mở rộng giao lưu với các Thành phố bạn để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật mà còn trong cả công tác quản lý điều hành, xây dựng và bảo tồn văn hóa, khuyến khích, kích thích sức sáng tạo khám phá của các nhạc sĩ trong việc kế thừa truyền thống, phát huy những giá trị tình hoa trong âm nhạc Hà Nội, nhưng đồng thời cũng tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới để làm giàu thêm kho tàng âm nhạc Hà Nội trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Ngược dòng thời gian, từ ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải từ Bắc vào Nam, cùng với sự phát triển của đất nước về mọi mặt của đời sống xã hội, âm nhạc của Thủ đô cũng có những bước phát triển nhất định, kế thừa truyền thống, nhưng cũng tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc thế giới, làm mới âm nhạc của Thủ đô bằng những tác phẩm dân gian, đương đại.

Sáng tác âm nhạc về Thủ đô Hà Nội đã làm nảy nở được một số thành tựu về âm nhạc, qua những tác phẩm đi vào lịch sử, đánh dấu những bước tiến triển của nghệ thuật dân tộc. Có thể thấy rõ âm nhạc Thủ đô được phân chia thành từng mảng đề tài và phong cách âm nhạc gắn liền với những dấu mộc của lịch sử:

Nếu như những năm 1975 là những sáng tác mang tính cách khơi gợi lòng tự hào dân tộc với tính chất âm nhạc hùng tráng, những tác phẩm mang tính sử thi, những bản hùng ca mang tính truyền thống, như lời hiệu thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ Thủ đô của người Hà Nội như: Hà Nội quyết đánh Mỹ của Cầm Phong, Hà Nội lên đường của Xuân Giao, Bảo vệ Hà Nội của Doãn Nho, Bài ca Hà Nội của Vũ Thanh, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Cả nước hướng về Hà Nội của Trọng Bằng. Rồi những ca khúc trữ tình viết về cuộc sống những năm đầu đổi mới nhưng vẫn còn dấu ấn của một thời bao cấp, khó khăn khi mới hòa bình lập lại trên toàn miền Bắc, đó là: Sớm Hà Nội của Trọng Bằng, Chiều Hồ Gươm của Trần Thụ, Quanh quanh bờ Hồ của Nguyễn Xuân Khoát, Bài ca công nhân Thủ đô của Hồ Bắc, Khi thành phố lên đèn của Thái Cơ, Cô gái ngoại thành của Hoàng Vân, Qua bãi sông Hồng của Lê Lôi, và một nét riêng của Hà Nội những ngày đầu hòa bình lập lại với những: Từ một ngã tư đường phố, Hà Nội – Điện Biên Phủ của Phạm Tuyên, Tiếng hát của Hà Nội hôm nay của Nguyễn An, Làng lúa Làng hoa của Ngọc Khuê, Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân được xem như mốc chấm dứt một giai đoạn gắn liền với lịch sử.

Đề tài về Hà Nội những năm đổi mới hội nhập đã mở ra muôn hình muôn vẻ với những góc nhìn, cách cảm đa chiều. Các nhạc sĩ lớn tuổi có cái nhìn sâu hơn, rộng hơn về một Hà Nội vốn hào hoa, thanh lịch. Thế hệ nhạc sĩ trẻ có cái nhìn mới hơn, khoáng đạt hơn về những con người Hà Nội trẻ đầy năng động sáng tạo. Chính điều đó đã tạo cho các sáng tác về Hà Nội thêm phong phú, đa dạng và giàu màu sắc, phong cách âm nhạc. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực ca khúc cũng đã có hàng ngàn tác phẩm mà chỉ nghe tiêu đề cũng đã cho thấy sự đa dạng, những góc nhìn đa chiều về Hà Nội, thành phố vì hòa bình như: Hà Nội mùa thu của Vũ Thanh, Trời Hà Nội xanh của Văn Ký, Hà Nội và tôi của Lê Vinh, Một thoáng Hồ Tây của Phó Đức Phương, Chiều Phủ Tây Hồ của Phú Quang, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Hà Nội một trái tim hồng của Nguyễn Đức Toàn, Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp, Hà Nội đêm trở gió của Trọng Đài, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của Trương Quý Hải, Có phải em mùa thu Hà Nội của Trần Quang Lộc, Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội của Nguyễn Cường, Tình yêu Hà Nội của Hoàng Vân, Hà Nội những năm 2000, Ngẫu hứng sống Hồng, Phố Nghèo của Trần Tiến, Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường, Hồ Gươm sáng sớm của Lưu Thiên Hương, Ngẫu hứng phố của Quỳnh Hợp .v.v. mà cùng một lúc không thể điểm hết được, chỉ biết rằng với hàng ngàn tác phẩm về Hà Nội của hàng trăm tác giả đã cho người nghe những cảm nhận đa sắc về phong cách, bút pháp trong sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ nhạc sĩ. Từ những bài được viết theo phong cách dân gian hay theo ngôn ngữ âm nhạc bác học hay những bài hát kết hợp giữa âm nhạc dân gian với âm nhạc đương đại.v.v. Mỗi bài có một sức quyến rũ riêng, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Điều đó cũng cho thấy kho tàng âm nhạc Hà Nội cùng thời gian cũng luôn là đề tài sáng tạo đầy sức hấp dẫn không chỉ với các nhạc sĩ Hà Nội mà với tất cả các nhạc sĩ trong cả nước và cả những người hoạt động âm nhạc VN ở nước ngoài. Những tác phẩm về Hà Nội dù được viết ra ở thời điểm nào thì cũng đều cho thấy sự mới mẻ trong ngôn từ, sự đa dạng trong ngôn ngữ và bút pháp âm nhạc. Tất cả được cắt lọc tinh tế, thể hiện rõ quan điểm, thẩm mỹ và cả nhận thức của các tác giả về Hà Nội.

Tính kế thừa từ truyền thống đến hiện đại được thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm viết về Hà Nội của các thế hệ nhạc sĩ. Cá biệt có những nhạc sĩ trong nhiều tác phẩm viết về Hà Nội cũng đã thể hiện rõ điều này như trong các sáng tác về Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang, Phó Đức Phương, Lê Mây, Trương Ngọc Ninh…

Hà Nội mở rộng cũng đồng nghĩa với việc tăng dân số, trình độ dân trí cũng ít nhiều có sự xáo trộn… Âm nhạc Hà Nội không chỉ là những tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc hay Ca trù, Xẩm .v.v mà âm nhạc Hà Nội giờ đây còn tiếp nhận thêm cả dân ca Mường, Dân ca Hà Tây (Hà Nội mở rộng), hát Chèo tầu, dân ca Vĩnh Phúc (Hà Nội mở rộng) .v.v. Trong sự tiếp biến văn hóa cùng với sự hội nhập và phát triển của Thành phố, nếu không có sự chỉ đạo điều hành đúng đắn và kịp thời, nếu thiếu cái nhìn tổng thể, khách quan thì sẽ làm cho sự phát triển thiếu đồng đều và rất dễ có nguy cơ bị mai một nếu không có sự định hướng trong việc bảo tồn vốn cổ trong điều kiện hiện nay.

Điểm sơ qua vài nét như vậy có thể thấy: Âm nhạc Hà Nội vừa mang tính bác học, vừa mang tính quần chúng, vừa mang tính truyền thống nhưng cũng mang phong cách hiện đại. Vì thế rất cần nhiều cuộc hội thảo nhỏ nhằm tổng hợp ý kiến của những người làm công tác chuyên môn về việc bảo tổn dân ca, nghệ thuật truyền thống của từng vùng ngoài thành Hà Nội cũng như sự định hướng phát triển chung của âm nhạc Hà Nội trong một thể thống nhất vì tiếng nói người Hà nội, văn hóa người Hà Nội và vì một Hà Nội Thành phố Anh hùng – Thành phố vì hòa bình.

Tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ của những người làm chuyên môn, có chuyên môn và ở tầm vĩ mô thì tất cả mọi hoạt động âm nhạc trên địa bàn thành phố chưa có sự liên kết chắt chẽ giữa các cấp, các ngành, chưa tạo ra tiếng nói đồng thuận trong việc định hướng thẩm mỹ, nhân cách, chưa tạo ra một môi trường âm nhạc lành mạnh thật sự. Khi có bất cứ một sự vật, hiện tượng nào đó có phần nhạy cảm trong lĩnh vực âm nhạc lập tức báo chí thì bới móc, các cơ quan quản lý thì đổ thừa cho nhau mà chưa bao giờ cùng ngồi lại bàn bạc để có tiếng nói đồng thuận khi giải quyết các vấn đề nảy sinh về tranh chấp bản quyền, về các lỗi kỹ thuật, văn hóa ứng xử… nói chung là các vấn đề liên quan đến âm nhạc. Cần lắm sự chỉ đạo điều hành một cách tổng thể và đồng bộ từ phía Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, Sở VHTT&DL Hà Nội, Hội âm nhạc Hà Nội để xây dựng ké hoạch, chương trình hoạt động sáng tác, biểu diễn có tính thực tiễn hơn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, qua đó nâng cao trình độ dân trí, ý thức bảo bồn phát triển những giá trị văn hóa của người Hà Nội.

Thủ đô sẽ còn là đề tài phong phú vô tận cho các nhạc sĩ Việt Nam khai thác, sáng tạo. Với những người sinh ra ở Hà Nội, những người gắn bó với Hà nội không khỏi chạnh lòng và sẽ luôn nỗ lực hết mình vì sự phồn thịnh của thành phố, đặc biệt những người làm công tác văn hóa, trong đó có các nhạc sĩ sẽ mãi đau đáu một tình yêu Hà Nội không bao giờ nguôi để mạch nguồn ấy cứ âm thẩm trôi, chảy và thấm sâu vào mọi khía cạnh đời sống của người Hà Nội từ quá khứ tới hiện tại, vững bước vào tương lai. Đó là những giá trị truyền thống, những nấc tầng văn hóa tiên tiến nhất, hiện đại nhất bởi 60 năm đất và người Thăng Long đủ trưởng thành và lớn mạnh.

 

 (Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...