Âm nhạc giữ gìn văn hóa Việt

27/04/2016

“Người Việt phải biết văn hóa Việt, lịch sử của dân tộc mình”, đó là quan điểm của Tina Huynh, người chuẩn bị cho ra đời cuốn sách The Vietnamese Children’s Songbook (tạm dịch Sách nhạc của trẻ Việt).

Đây là tuyển tập các bài dân ca quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam, có nhiều hình ảnh minh họa sống động với đĩa CD đi kèm. Cô gái người Việt đang theo đuổi tấm bằng tiến sĩ âm nhạc tại trường USC Thornton kỳ vọng, đứa con tinh thần này sẽ góp phần gìn giữ văn hóa Việt trên đất Mỹ.


Tina Huynh và bản thảo The Vietnamese Children’s Songbook

Lớn lên trên đất Mỹ, Tina Huynh, cũng như nhiều thế hệ trẻ em người Việt, bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa bản xứ. Ở Santa Ana, bang Califonia, nơi Tina Huynh sinh sống, có những đứa trẻ và bố mẹ của chúng không tiếp nhận văn hóa Việt, muốn bị đồng hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người luôn ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống. Ý định “tìm về nguồn cội” của Tina Huynh được thúc đẩy mạnh mẽ nhất khi cô gặp giáo sư Beatriz Ilari trong thời gian học thạc sĩ âm nhạc tại USC Thornton. Vị giáo sư đầu tiên của Tina Huynh đã hỏi một câu khiến cô phải suy nghĩ, trăn trở: “Em từ đâu đến”. Chính câu hỏi đó đã thôi thúc Tina Huynh đi tìm nơi thực sự mình thuộc về; về lịch sử mảnh đất đã cho cô có được như ngày hôm nay.

Để phục vụ cho đề tài nghiên cứu, Tina Huynh đã phỏng vấn hơn 20 gia đình người Mỹ gốc Việt ở Nam California, nghe họ kể về những bài hát gắn liền với tuổi thơ của họ. “Tôi nhận ra rằng, tôi không hề nhớ những bài hát đó, hoàn toàn quên hết. Có thể lúc 5 hay 6 tuổi, bạn sẽ chẳng nghĩ ngợi gì về điều đó. Nhưng giờ tôi 30 tuổi và không thể tin được rằng tôi lại không nhớ gì về một phần tuổi thơ của mình”, Tina Huynh nhớ lại. Và trong quá trình phỏng vấn những gia đình người Mỹ gốc Việt, nói chuyện bằng tiếng Việt, cô càng cảm nhận được sợi dây gắn kết với cội nguồn, quê hương dù cô chưa một lần được về thăm.

Theo Tina Huynh, âm nhạc là thứ ngôn ngữ phổ quát mà ở đó chứa đựng đầy đủ văn hóa, ngôn ngữ và ý thức. Vì thế, âm nhạc sẽ là cầu nối màu nhiệm giúp trẻ em tiếp cận với văn hóa và lịch sử Việt Nam một cách dễ dàng. Nhận ra được điều này là nhờ việc Tina Huynh tham gia dạy nhạc ở các trường tiểu học. Học sinh ở độ tuổi này rất hứng thú với âm nhạc và tiếp thu những bài học từ âm nhạc rất nhanh.

Những gì Tina Huynh kỳ vọng về cuốn sách của cô đơn giản chỉ là để những thế hệ cô bé, cậu bé người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên nơi đất khách, có một tuổi thơ gắn liền với lịch sử của quê hương. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã có thể nhận thức về các giá trị văn hóa, giá trị cộng đồng mà chúng thuộc về và từ đó, hình thành ý thức về vị trí của mình trên thế giới.

Tina Huynh tin tưởng rằng, cuốn sách âm nhạc của cô sẽ giúp cộng đồng người Việt nhớ được mình từ đâu đến, biết được mình là ai. “Điều này vô cùng quan trọng. Cuộc đời này thật ý nghĩa biết bao khi bạn biết mình đến từ đâu, biết về lịch sử của dân tộc bạn, về dân ca của dân tộc mình”, Tina Huynh chia sẻ. Ngoài ra, cô gái gốc Việt cũng xem cuốn sách như chốn tâm tình, gửi gắm tình cảm yêu thương về nơi chôn nhau, cắt rốn.

(Nguồn: http://sggp.org.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...