Âm nhạc điện tử, huy hoàng đến bao giờ ?
Đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục chỉ trong một thời gian rất ngắn, rồi sau đó có dấu hiệu chững lại, nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới từng đưa ra dự đoán, âm nhạc điện tử (electronic dance music - EDM) sẽ bước vào thời kỳ thoái trào. Thế nhưng...
Vị cứu tinh
Sự thăng hoa của EDM từng được coi là cứu tinh của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới, đặc biệt khi lượng CD truyền thống và tải nhạc giảm mạnh. Bằng chứng là chỉ trong vòng 3 năm, mức tăng trưởng này đạt con số không ai có thể ngờ đến: 54%. EDM được ví như “ngôi sao sáng của thế kỷ”, mang đến làn sóng hồi sinh mạnh mẽ. Nhưng, trong khi đang ở thời hoàng kim, vào năm 2015, tốc độ tăng trưởng của dòng nhạc này chỉ đạt 3,5%, tức là đã có dấu hiệu chững lại khiến nhiều người bắt đầu nghi ngờ, đây chỉ là một hiện tượng âm nhạc.
Nhạc điện tử đang dần xóa bỏ mọi ranh giới trong âm nhạc
Theo số liệu báo cáo của IMS Business Report 2016 trong nghiên cứu thường niên về âm nhạc điện tử, tăng trưởng về doanh thu của dòng nhạc này tăng từ 4,5 tỷ USD (2012-2013) lên con số 6,9 tỷ USD (2014-2015). Tại Anh, trong năm 2015, các tương tác trên dịch vụ âm nhạc trực tuyến, âm nhạc điện tử đạt mức tăng trưởng cao nhất, lên đến 107%, hơn tất cả các thể loại âm nhạc khác. Trên dịch vụ Spotify, ca khúc Lean On thuộc dòng EDM cũng là ca khúc được tương tác nhiều nhất mọi thời đại với 540 triệu lượt. Xu hướng tìm kiếm từ khóa trên Google ở lĩnh vực âm nhạc giai đoạn 2009-2016, EDM cũng thống trị vượt mặt pop, rock... Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2016, mức tăng trưởng chỉ đạt hơn 200 triệu USD. Đó là lý do, khiến nhiều người bắt đầu nghĩ về sự thoái trào của EDM.
Quan điểm đó, có thể là sự dự đoán sớm bởi Mỹ - thị trường lớn nhất của EDM đã bước sang giai đoạn trưởng thành. Trong khi đó, nhiều thị trường mang tính chất tiềm năng mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Có thể kể đến: Cuba, Nam Mỹ, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc... nơi mà các lễ hội, các câu lạc bộ EDM đang trên đà phát triển. Theo nghiên cứu nói trên, 9/20 câu lạc bộ âm nhạc mới gia nhập DJ Mag Top 100 Clubs đến từ châu Á. Tuy nhiên, dự đoán này chỉ mang tính chất tương đối, bởi một lẽ, cũng theo báo cáo nói trên thì có ít nhất một trong số 7 người tại châu Âu vừa tham dự các lễ hội âm nhạc điện tử.
Một trong những lý do để củng cố cho sự lạc quan và niềm tin vào EDM nằm ở chỗ, đây được coi là thể loại âm nhạc mang tính không giới hạn cao nhất. Bằng chứng là, giai điệu bài hát được coi là nhân tố hàng đầu trong EDM và ca từ thường không đóng vai trò quan trọng lớn ở trong đó. Đó chính là lý do không có bất cứ rào cản về mặt ngôn ngữ nào giữa các quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc, ngay cả khi nó đã đạt đỉnh cao ở các nước phát triển thì tại các quốc gia nhỏ, thị trường mới nổi vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này đã từng xảy ra với nhạc jazz những năm 1950 và 1960.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng, doanh thu của EDM phần lớn đến từ các sự kiện trực tiếp. Điều đó đúng, nhưng chưa hoàn toàn đủ bởi các dịch vụ âm nhạc trực tuyến và tải nhạc đóng góp một phần lớn vào biểu đồ tăng trưởng nói trên. Tại Mỹ, năm vừa qua mức tăng trưởng âm nhạc trực tuyến đạt 33%. Tại Anh, mức tăng trưởng của EDM cao hơn bất cứ thể loại nào trong năm 2015. Và tại Pháp, 1/3 các đài phát thanh dành hơn 10% thời lượng của họ cho thể loại này trong quý 1- 2015.
Tương lai nào cho nhạc điện tử
Từ đầu năm 2016, đã có rất nhiều dự báo khác nhau về xu thế, thực trạng của EDM. Trải qua gần nửa năm, nhiều dự đoán đã thành hiện thực và không ít trong số đó vẫn đang còn bỏ ngỏ câu trả lời.
Thực tế cho thấy, sự bùng nổ của các lễ hội EDM vẫn trên đà tiếp diễn và ngày càng có sự chuyển đổi linh hoạt theo hướng hoành tráng hơn. Một số lễ hội lớn: What The Festival!, Burning Man, Symbiosis Gathering hay Lightning in a Bottle... liên tiếp lập kỷ lục về số người tham dự cũng như thời gian bán vé.
Tính thể loại của EDM đang ngày càng được hoàn thiện một cách rõ rệt cũng là điều chắc chắn để khiến cho nó ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Đi kèm với đó, các thương hiệu cá nhân sẽ tiếp tục được xác lập và củng cố. Điều này đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ ở dòng nhạc này sẽ ngày càng trở nên đại chúng hóa hơn, thay vì bó gọn trong cộng đồng EDM như trước đây. Hiện nay, rất nhiều các nghệ sĩ đã có chiến lược cho riêng mình dựa trên những dữ liệu, quan sát mang tính chuyên nghiệp. Cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, nghệ sĩ do đó sẽ ngày càng thú vị, kích thích sự phát triển của dòng nhạc. Nhiều người còn dự đoán, tại Mỹ, nhiều thành phố công nghiệp mới như Miami, Austin, Denver, Seattle sẽ phát triển từ gốc rễ, tạo đà cho bước đột phá cho EDM trong tương lai gần.
Một nhân tố quan trọng bậc nhất cho sự thành công của EDM là các dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Và ở phương diện này, Spotify được coi là nền tảng số 1 để các nghệ sĩ quảng bá sản phẩm, thương hiệu cá nhân của mình. Điều này dẫn đến một hệ quả, đó là bản thân các nghệ sĩ sẽ tích cực đầu tư cho các sản phẩm của mình và số lượng sẽ tăng lên đáng kể, vừa đáp ứng nhu cầu của khán giả, vừa đẩy cao hơn nữa tính sàng lọc thông qua quá trình phát hành của mình. Ngoài các sản phẩm đơn, những sản phẩm tập thể cũng hứa hẹn là xu hướng từ nay cho đến cuối năm.
Hiện giá trị của ngành công nghiệp âm nhạc điện tử trên toàn cầu ước tính khoảng 7,1 tỷ USD. Mức tăng trưởng có thể có dấu hiệu chững lại và không như mong muốn, nhưng có một điều chắc chắn, nó vẫn đang trên đà cất cánh.
(Nguồn: http://sggp.org.vn)