“Âm nhạc dân tộc học” góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận âm nhạc Việt Nam

09/02/2018

 

Là một trong 8 tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc năm 2017 vừa được Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao thưởng, Công trình nghiên cứu và đào tạo “Âm nhạc dân tộc học Việt Nam” được đánh giá gợi mở cho sự ra đời ngành đào tạo bậc đại học hoặc nâng cao đưa vào hệ thống giáo dục-đào tạo tại Việt Nam.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với PGS, TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Chủ biên công trình nghiên cứu này.

Phóng viên (PV): Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về âm nhạc dân tộc, Việt Nam đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, tác giả trong và ngoài nước quan tâm, công bố. Vậy công trình “Âm nhạc dân tộc học Việt Nam” ra đời có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Lê Văn Toàn: Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc với nền văn hóa âm nhạc lâu đời, phong phú về thể loại, đa dạng và đậm bản sắc tộc người. Biết vậy và nói vậy, song cho đến nay, khi chúng ta đã bước sang thế kỷ 21 được gần 20 năm, nhưng nhìn lại các công trình nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam nói chung và công tác đào tạo đội ngũ các nhà nghiên cứu lĩnh vực này nói riêng, mới thấy còn nhiều khoảng trống. Nếu trong lĩnh vực nghiên cứu vẫn còn nhiều thể loại âm nhạc chưa được đúc kết, nhiều dòng nhạc của các dân tộc thiểu số còn chưa khai phá, hoặc mới chỉ là được xới lên, thì trong lĩnh vực đào tạo còn khó khăn hơn nhiều. Bởi để đào tạo ra đội ngũ cán bộ nghiên cứu âm nhạc truyền thống cần phải có một ngành đào tạo riêng, tuân thủ theo những yêu cầu của đối tượng nghiên cứu thì hiện ở nước ta ngành đào tạo Âm nhạc dân tộc học (Dân tộc nhạc học) vẫn chưa có. Trong khi đó, ở thế giới, ngành đào tạo này đã hình thành và phát triển từ thế kỷ trước.

PGS, TS Lê Văn Toàn.

Đứng trước thực tế của đời sống, tính cấp thiết trong công tác nghiên cứu đào tạo Dân tộc nhạc học tại Việt Nam, tôi khi đó là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Âm nhạc đã cùng với các nhà nghiên cứu, như: GS, TSKH Tô Ngọc Thanh; PGS, TS Nguyễn Trọng Ánh; PGS, TS Bùi Huyền Nga; PGS, TS Nguyễn Bình Định và TS Đỗ Thị Thanh Nhàn dựa trên kho tàng lưu trữ âm nhạc đồ sộ của quốc gia tiến hành nghiên cứu. Cụ thể, có gần 30 nghìn bài dân ca, dân nhạc, hàng vạn giờ băng hình, băng tiếng tư liệu âm nhạc dân gian, hàng nghìn ảnh tư liệu chân dung nghệ nhân, nghệ sĩ của 54 dân tộc Việt Nam đã được các thế hệ cán bộ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của Viện Âm nhạc sưu tầm, lưu giữ. Đặc biệt, trong đó là các loại hình âm nhạc dân tộc được UNESCO vinh danh, như: Ca trù, quan họ, hát xoan, đờn ca tài tử, dân ca ví, giặm, bài chòi… Việc triển khai công trình nghiên cứu này là cơ hội tốt để nhóm tác giả có điều kiện tập hợp, tổng hợp các tư liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu, đào tạo Âm nhạc dân tộc học tại Việt Nam trong thời gian tới.

Các nghệ nhân biểu diễn ca Huế - một trong những loại hình âm nhạc mang đậm bản sắc vùng, miền tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: CHÂU XUYÊN

PV: Thưa ông, mục tiêu của cuốn sách hướng đến là gì?

PGS, TS Lê Văn Toàn: Cuốn sách có 200 trang, không chỉ dừng lại ở vấn đề tổng kết, đánh giá tình hình nghiên cứu và giảng dạy môn Âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời gian qua, mà còn muốn tìm một giải pháp tốt cho việc nghiên cứu tất cả các thành tố văn hóa nghệ thuật hợp thành hình thức, sắc thái của văn hóa âm nhạc các dân tộc Việt Nam; trong đó có văn hóa âm nhạc mỗi vùng, miền, mỗi tộc người. Đặc biệt là hướng tới mở ngành đào tạo mới với tên gọi “Âm nhạc dân tộc học Việt Nam”. Đây sẽ là cơ sở tốt để từng bước tiến tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận về chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học Việt Nam trong tương lai.

PV: Theo lộ trình, công trình nghiên cứu sẽ được triển khai vào thực tế giáo dục, đào tạo như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Lê Văn Toàn: Nhiều năm qua, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn có bộ môn Âm nhạc dân tộc trong khoa Âm nhạc học; nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật trong cả nước cũng có bộ môn này, nhưng chưa có mã ngành đào tạo khoa Âm nhạc dân tộc học. Cuốn sách là một luận cứ khoa học giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu để đưa ra những chỉ đạo kịp thời cho việc mở mã ngành đào tạo Âm nhạc dân tộc học, cũng như có những hỗ trợ kinh phí cho các công trình nghiên cứu nghiêm túc.

Do đó, chúng tôi xác định, sau công trình nghiên cứu sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học lĩnh vực giáo dục, đào tạo để lấy ý kiến mở mã ngành đào tạo. Bởi để chuẩn bị cho sự ra đời một mã ngành đào tạo nghệ thuật chuyên sâu, cụ thể là Âm nhạc dân tộc học, cần hội đủ rất nhiều yếu tố cả về lịch sử, lễ hội, mỹ thuật, nguồn nhân lực…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Nguồn: http://www.qdnd.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...