Âm nhạc dân tộc “đứng” ở đâu?
Một ca sĩ nhạc nhẹ tên tuổi có thu nhập trung bình 30-150 triệu/show diễn, trong khi một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền thù lao không bằng 1/100 con số khủng này. Và một diễn viên của Nhà hát kịch Nhà nước trả cho một buổi tập là 20 nghìn đồng, chưa bằng giá trị một tô phở. Chúng ta đang kêu gọi bảo vệ âm nhạc truyền thống, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong khi thực tế rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc không sống được với đồng lương, với nghề thì sẽ bảo vệ bằng cách nào?
Năng lượng Mới số 289
Âm nhạc dân tộc
Tại cuộc thi "Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2013" (Vietnam Idol 2013), chỉ sau hơn một tháng phát động Ban Tổ chức đã nhận được hơn 21.000 lượt đăng ký tham gia của các thí sinh trên cả nước thông qua tin nhắn (SMS) và website của chương trình. Con số khủng này cho thấy sức hút ngày càng lớn của chương trình trò chơi này, cũng như cho thấy một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay đang rất khát khao trở thành thần tượng âm nhạc. Đó cũng là con đường ngắn để các em nổi tiếng trong giới showbiz?
Ca trù
Chưa kể, trên sóng truyền hình hiện nay rất nhiều chương trình trò chơi chủ yếu ở lĩnh vực nhạc nhẹ, nhảy đương đại, thiết kế thời trang… với phần thưởng giành cho người thắng cuộc rất cao. Trong khi đó, rất hiếm hoi chúng ta mới thấy một chương trình trò chơi hay thi thố tài năng dành cho các loại hình âm nhạc nghệ thuật truyền thống. Ngoài một vài liên hoan, cuộc thi như “Vầng trăng cổ nhạc”, “Giọt nắng phù sa” do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức; liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn lên khán đài, khán giả đa số là tuổi trung niên trở lên, chứ ít khi thu hút lượng khán giả trẻ.
Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với những người làm nghệ thuật cũng được xem như một trong những căn nguyên dẫn đến những thực trạng phát triển văn hóa nghệ thuật hiện nay. Do đó, tại hội thảo khoa học “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” vừa qua do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương tổ chức. Nhà văn Đỗ Kim Cuông bức xúc: “15 năm trước, Nghị quyết Trung ương 5 đã chỉ rõ sự bất cập trong hệ thống lương bổng của nghệ sĩ biểu diễn, nhuận bút của người sáng tác quá thấp, không đủ nuôi sống ngòi bút. Nơi ăn, chốn ở, môi trường hành nghề của nghệ sĩ quá khổ. Đến nay, tình trạng đó vẫn chưa được giải quyết”.
Đó cũng là nỗi niềm của người làm nghề, NSND Hoàng Dũng chia sẻ: Một vai diễn chính Nhà nước trả cho diễn viên trong một buổi tập là 20 nghìn đồng. Còn một vai phụ là 10 nghìn, nghĩa là nếu tập 3 buổi họ sẽ ăn được một bát phở 30 nghìn. Với thực trạng của chế độ đãi ngộ như thế thì thử hỏi làm sao người nghệ sĩ chuyên tâm với nghề.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Trước thực trạng nghệ thuật dân tộc đang trở nên bơ vơ, lạc lõng trước cơn lốc kinh tế thị trường, cũng như xu hướng sính nhạc ngoại và quay lưng với âm nhạc dân tộc của phần lớn giới trẻ ngày càng đáng báo động… Bên cạnh đó là nhạc dân tộc ngày càng thưa vắng người nghe, mất dần bản sắc, bị du lịch hóa và mất chất đang là điều trăn trở suy nghĩ của nhiều nhà nghiên cứu và thẩm định âm nhạc tại Việt Nam.
Lý giải cho căn bệnh sính ngoại và quay lưng với âm nhạc truyền thống, nhạc sư Vĩnh Bảo cho rằng, bệnh vọng ngoại, quay lưng với truyền thống là cái bệnh chung của những nước bị trị, bị đô hộ chứ không riêng gì Việt Nam: “Vì nhiều người vẫn mang tâm thức cho rằng, những nước đi cai trị, đi xâm lăng là giỏi chứ thực tế chúng có thắng mình là do có sức mạnh chứ văn hóa chưa chắc hơn văn hóa của mình”. Vì thế, phải làm sao cho thế hệ trẻ tự tin với văn hóa truyền thống, thấy được cái hay của văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân tộc thì từ đó các em mới yêu, quý, trân trọng và sẽ không bao giờ quay lưng với truyền thống.
Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ
Trong khi tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến âm nhạc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại. Nhưng vì sao giới trẻ ngày càng thờ ơ lãnh đạm với âm nhạc dân tộc. Vì sao nhiều năm trời dòng nhạc dân tộc không có tác phẩm nào xứng tầm. Đây cũng là điều làm GS.TS Trần Quang Hải rất bức xúc. Ông cho rằng: “Vấn đề bảo tồn (dân ca) người ta đã nói rất nhiều, nhưng đến khi thực hiện lại không có gì hết. Tôi lấy ví dụ về ca trù. Kể từ khi ca trù được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO phong tặng năm 2009.
Theo luật của UNESCO, khi được đưa vào danh sách của di sản văn hóa phi vật thể cần được khẩn cấp cứu trợ, trong vòng 4 năm phải làm kiến nghị báo cáo đưa ra tất cả những gì cho thấy rằng bảo tồn có được Chính phủ lưu ý tới, cũng như vấn đề phát triển và phát triển như thế nào. Sau 4 năm, bây giờ tại Việt Nam, tôi thấy những nghệ sĩ lớn tuổi không được giúp đỡ, bồi dưỡng, còn những người trẻ thì lại hướng về nhạc ngoại, nhạc Hàn, nhạc Phương Tây, hip hop, techno, rap hoặc pop…”.
Chưa kể những người đi học các loại nhạc cụ truyền thống thì thường khó kiếm được việc làm để mưu sinh, còn những người đi học ca trù thì tương lai không biết sẽ ra sao trong khi những nghệ sĩ này phải bỏ ra 5-7 năm để học tập trong điều kiện học tập rất thiếu thốn. Chưa kể là các loại hình quan họ, hát xoan ngày càng bị sân khấu hóa, pha trộn với các điệu vũ vào để phục vụ cho phát triển du lịch… như hát quan họ giờ không còn hát chay, hát mộc nữa mà phải hát có nhạc đệm… Dường như các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam do UNESCO phong tặng đang dần đi sai lệch với những gì mà UNESCO đã công nhận để giúp truyền thống đó được bảo tồn một cách chính xác.
Trên thực tế nhờ có sự phong tặng của UNESCO mà các thể loại dân ca truyền thống Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là ý thức của những người khai thác và sử dụng các giá trị văn hóa này đã khiến cho các loại hình nghệ thuật truyền thống này bị sai lệch.
Hiện nay chưa có chương trình giáo dục nào ở Việt Nam đưa âm nhạc cổ truyền vào dạy trong trường học một cách bài bản để trẻ em có thể tiếp cận âm nhạc dân tộc từ nhỏ. Trừ một số chương trình, trong đó có chương trình “Dạy âm nhạc dân tộc theo phương pháp học mà chơi” do GS.TS Trần Văn Khê thể nghiệm theo yêu cầu của UNSECO và tâm huyết của CLB Tiếng hát quê hương do nghệ sĩ Thúy Hoan chủ trì tại một số trường học ở TP HCM đã khá thành công.
Nhưng nhiệm vụ cấp bách hơn nữa là cơ quan quản lý văn hóa cần có chính sách bồi dưỡng cho những báu vật sống, để nghệ nhân có đủ điều kiện kinh tế mà chuyên tâm theo nghề đến trọn đời. Từ tâm huyết và quyết tâm cống hiến như vậy thì họ có thể truyền lại cho học trò bằng tất cả tình yêu để thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn văn hóa truyền thống. Nghệ nhân, nghệ sĩ phải sống được bằng nghề chứ không chỉ là đam mê và học để chơi, để giải trí đơn thuần. Đây không thể là vấn đề của một nghệ nhân, một nghệ sĩ hay của những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học, mà đây còn là vấn đề đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cùng các ban ngành khác… Để từ đó, tạo nên sự hợp tác chung của tất cả các nghệ nhân trên khắp đất nước Việt Nam. Đừng quá tự hào là Việt Nam có bao nhiêu di sản được UNESCO công nhận trong khi nghệ nhân, nghệ sĩ - những người đang lưu giữ những giá trị truyền thống thì không sống được với nghề.
(Nguồn: http://petrotimes.vn)