Âm nhạc có thể thay đổi cả một xã hội…
Nghe nói về Trần Nhật Minh - nhạc trưởng trẻ nhất Việt Nam nhưng tôi chưa một lần được xem anh chỉ huy dàn nhạc, lại biết anh là người phần vì quá bận, phần vì không thích lên mặt báo với các bài viết ít chuyên môn, dù có cả những lời khen. Nhưng tôi phải gặp bằng được, phải biết tài năng ấy có như lời đồn... Và tôi đã đặt vé bay vào TP HCM để xem chương trình “Nights of film Music”. Hai đêm liền Nhà hát Thành phố cháy vé. Người cùng hàng ghế M với tôi là một chuyên gia Mỹ, ông nói: “Cứ khi có tên Trần Nhật Minh là ông không thể vắng mặt. Đây là một conductor đáng ngưỡng mộ”. Sau khi xem/nghe, tôi cũng phải đặt lịch và chờ đợi, với một lời giới thiệu có uy tín, tôi mới gặp được anh.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi như sau:
PV: Xin chào nhạc trưởng. Người ta vẫn nghĩ, nghệ thuật thường có tính “gia truyền”/ con nhà nòi, nhưng bạn thì không? Nguyên nhân nào dẫn bạn đến con đường âm nhạc?
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh (TNM): Mẹ là người đưa tôi đến với âm nhạc, có lẽ là muốn tôi thực hiện ước mơ mà thời thơ ấu của mình, bà đã không có điều kiện để theo đuổi. Bà rất yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, đến giờ vẫn mò mẫm tự học guitar, tự đệm đàn và hát những bài hát Nga mình yêu thích. Bà nói, đây là cách mẹ giữ cho trí tuệ minh mẫn, một cách chống chọi với tuổi già rất “nghệ”.
Thời còn là học sinh khoa Piano của Nhạc Viện TP HCM, tôi chả bao giờ nghĩ mình sẽ làm nghệ sĩ chuyên nghiệp đâu. Hình ảnh bản thân ngồi biểu diễn piano độc tấu, có khán giả, có thể kiếm được tiền quả thật quá viển vông đối với tôi lúc đó. Có lẽ là do không khí học tập thụ động, không được định hướng rõ ràng… Tôi chỉ cố học cho xong. Nhưng, có lẽ là do số phận, một may mắn đã xảy ra khi nghệ sĩ violin Bùi Công Thành gợi ý tôi nên tiếp tục học âm nhạc ở Nga, cùng đồng hành với ông trong một cuộc phiêu lưu mới (khi đó ông mới nhận vị trí Phó Giám đốc phụ trách khối học sinh nước ngoài tại Nhạc viện Magnhitogorsk (Nga). Tôi quyết định đi, phần vì muốn tự do, phần muốn xem cuộc sống ở nước ngoài thì thế nào. Không khí học tập âm nhạc ở Nhạc viện Magnhihtogorsk và tình cảm chân thành của các giáo sư đã mê hoặc, đã biến tôi thành một sinh viên âm nhạc hoàn toàn khác.
PV: Từ piano đến chỉ huy hợp xướng, một bước ngoặt khó tưởng tượng…?
TNM: Thời đó tôi rất sôi nổi, tôi đã chọn ngành chỉ huy hợp xướng, thay vì học lý luận hay luyện piano để biểu diễn, tôi cho rằng để là một pianist chuyên nghiệp có đẳng cấp sẽ đòi hỏi nhiều chuẩn mực khắt khe... Cột mốc thay đổi hoàn toàn con người tôi, giúp tôi xác định được con đường cho mình là kỳ biểu diễn báo cáo trong năm học dự bị đầu tiên. Được chỉ huy dàn hợp xướng nữ của khoa, với một tác phẩm ngắn thôi, nhưng đã gây cho tôi một xúc cảm khó quên của một nghệ sĩ trên sân khấu, niềm vui khôn tả khi cùng tập thể hoà mình vào âm nhạc, mỗi động tác của đôi tay được đáp lại bằng âm thanh trong trẻo của từng bè, tạo nên một thực thể thống nhất đầy hoà quyện. Trải nghiệm đó giúp tôi có được câu trả lời cho đời mình.
PV: Bạn đã dành Giải Nhì ở Cuộc thi Quốc tế danh giá dành cho chỉ huy trẻ tại Vladivostok (4. 2003) trong bối cảnh nước chủ nhà Giải Nhất và các nước khác có nền âm nhạc hơn chúng ta rất nhiều đều dự thi mà không có giải nào. Bạn có thể kể lại một kỷ niệm?
TNM: Đó là thử thách đầu tiên tôi tạo ra cho mình trong thời gian học Đại học. Từ cuối năm thứ 2 Đại học, tôi đã tìm hiểu các thông tin về các cuộc thi dành cho sinh viên chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng tại Nga. Thấy các bạn bè ở khoa khác lên kế hoạch, chương trình, tập luyện để tham gia các cuộc thi ở khắp nơi, và sau đó trở thành laureate (những người đã từng đoạt giải thưởng) tôi cũng muốn được như thế. Tôi rất thích những thử thách. Năm thứ 3, sau khi được sự chấp thuận của giáo sư hướng dẫn, cho tham gia cuộc thi Vladivostok, tôi lao vào chuẩn bị, tận dụng mọi cơ hội để được tập luyện, hoàn thiện chương trình… Rồi, tôi khá bất ngờ khi mình vượt qua vòng loại rất suôn sẻ, và kết thúc cuộc thi với vị trí thứ nhì. Để đến cuộc thi, tôi phải đi một quãng đường dài khủng khiếp (2/3 nước Nga với 6 ngày ngồi tàu hoả và 1 ngày xe bus để trở về Magnhitogorsk từ Vladivostok) nhưng cũng thật là một trải nghiệm không bao giờ quên…
PV: Thế còn Giáo sư Boris Tevlin, một người rất nổi tiếng của thế giới, ông ấy đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
TNM: Sau thành công ở cuộc thi Vladivostok, tôi may mắn được gặp giáo sư B. Tevlin trong một lần ông cùng dàn hợp xướng thính phòng của mình về Magnhitogorsk biểu diễn. Ông nói, nếu cố gắng, tôi có thể tiếp tục học Cao học ở Nhạc viện Tchaikovsky tại thủ đô Moscow. Thực sự là lúc đó tôi khá hoài nghi những lời nói của ông, nhưng như đã nói, tôi thích những thử thách. Và kết quả còn hơn cả mong đợi: tôi được học lớp của Giáo sư Tevlin, còn được tham gia dàn hợp xướng Thính phòng Nhạc viện Tchaikovsky danh giá của ông (khoa Chỉ huy hợp xướng của Nhạc viện gồm hai hợp xướng: Hợp xướng của khoa và Hợp xướng Thính phòng do giáo sư Tevlin thành lập từ năm 1994 và tuyển chọn sinh viên mới cho mỗi năm). Đây cũng là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời sinh viên của tôi. Tôi được tham gia rất nhiều chương trình lớn, được tận mắt chứng kiến các nhạc trưởng nổi tiếng trong buổi tập cũng như trên sân khấu, được đi lưu diễn nhiều nơi trong Liên Bang Nga và cả Châu Âu. Tôi học được từ giáo sư rất nhiều, có lẽ sự ảnh hưởng lớn nhất đến từ thầy là kỷ luật trong công việc. Ông luôn nói với các học trò rằng kỷ luật là yếu tố đầu tiên để dẫn đến thành công. Và thầy cũng là người cho tôi sự tự tin lớn lao để quyết định trở thành chỉ huy chuyên nghiệp. “Ta biết con có thể làm được tốt hơn, cho nên hãy tự tin và cố gắng hơn nữa..” – câu thầy nói với tôi sau buổi thi tốt nghiệp.
PV: Khán giả cổ điển Việt Nam giai đoạn trước đây, nhất là TP HCM chưa có, tại sao bạn chọn trở về khi đang thành công ở nước ngoài? Phải chăng ngay từ lúc đó bạn đã nghĩ đến chiến lược phát triển công chúng nhạc cổ điển tại VN?
TNM: Cũng chưa có tầm nhìn vĩ mô thế đâu! Tôi trở về vì đơn giản là muốn ở gần gia đình một thời gian và thử sức trong việc bước những bước đầu tiên trên con đường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Và tôi đã được vòng tay ấm áp của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM (HBSO) đón nhận một cách chân thành. Điều này cũng may mắn giống như là tôi được đi theo học ở Tchaikovsky vậy. Càng làm việc tôi càng thấy yêu công việc này. Có lẽ tôi là người lạc quan, nhưng tôi nghĩ mọi việc sẽ công bằng, cứ lao động nghệ thuật nghiêm túc đi, rồi sản phẩm sẽ được trân trọng. Và ngoài ra, cũng cần một số các bước đi đúng đắn từ các nhà quản lý, bản thân các nghệ sĩ nữa để có nhiều khán giả hơn. Chúng ta cũng cần cảm thông với khán giả hiện tại vì ta “không có truyền thống” về âm nhạc cổ điển hàn lâm, ngoài ra còn những nhiễu loạn thông tin, những tác động của sản phẩm nghệ thuật giải trí đủ loại, ít chất lượng đã làm cho người nghe lạc lối trong việc xác định giá trị của âm nhạc. Điều này cần một cuộc mổ xẻ sâu sắc hơn nữa trong dịp khác.
PV: Từ chỉ huy hợp xướng đến chỉ huy dàn nhạc lại là một bước chuyển ngoạn mục và đã bạn làm rất tốt suốt trong 8 năm qua, bạn đã phải khắc phục những vấn đề như thế nào?
TNM: Tôi luôn ấp ủ ước mơ trở thành chỉ huy dàn nhạc. Trong thời gian học ở Nhạc viện Tchaikovsky, tôi cũng được học ngoại khoá về môn chỉ huy dàn nhạc, cộng thêm thường xuyên dự thính các giờ tập luyện với dàn nhạc của các chỉ huy nổi tiếng nên niềm đam mê ngày càng cháy bỏng. Đến khi bắt đầu làm việc tại HBSO thì tôi mới thực sự có cơ hội đứng trước dàn nhạc lớn. Nhiều vấn đề phải khắc phục, mà quan trọng nhất là tư duy âm nhạc khi dàn dựng các tác phẩm khí nhạc, thay vì chỉ là 4 bè thanh nhạc như trước đây. Để có thể điều khiển một bản giao hưởng, bạn phải có tính kế hoạch rất rõ ràng, tính cách từng câu nhạc, sự pha màu âm thanh, các đoạn chuyển tiết tấu, tốc độ, hoà thanh v.v, mọi chi tiết đều phải được ghi nhớ và thực hiện rất mạch lạc và tự nhiên. Đối với tôi, công việc chỉ huy hợp xướng lẫn dàn nhạc thực sự bổ trợ cho nhau, giúp tôi dễ dàng có những hình tượng để trao đổi yêu cầu với các nghệ sĩ: bè cello, câu này chúng ta phải chơi như đang hát một câu dân ca giữa đồng cỏ bao la, hoặc bè hợp xướng nam, các bạn phải thể hiện câu đấy như một dàn kèn đồng, đầy nội lực và mạch lạc… Có lẽ, nói như thế các nhạc công, ca sĩ dễ dàng đồng điệu với tôi hơn…
PV: Khi dàn dựng cho dàn hợp xướng bạn sẽ phải thị phạm cho họ chứ?
TNM: Tôi không hát hay như một ca sĩ, điều đấy luôn được tôi thừa nhận trước các cộng sự của mình trong hợp xướng. Mà suy cho cùng thì hát không phải công việc của tôi, hãy để cho những người hát hay người ta hát. Tuy nhiên, với thời gian 8 năm liên tục hát trong hợp xướng ở Nga (trong hợp xướng của trường, hợp xướng ở nhà hát opera, hợp xướng nhà thờ, hợp xướng thính phòng của các bậc thầy v.v) với cường độ dày đặc, tôi đã có nhiều kinh nghiệm khi cần xử lý những đoạn khó của từng bè, nhanh chóng hiểu ra được nguyên nhân của việc sai sót và cách khắc phục nó. Khi các ca viên nghe TNM hát trong lúc thị phạm, người ta không nghe xem giọng của tôi thế nào, mà người ta nghe xem tôi muốn màu sắc âm thanh ra sao, lấy hơi chỗ nào, phát âm nhả chữ thế nào... Chuyện không phải là một ca sĩ hoàn hảo không ảnh hưởng gì trong việc dàn dựng một tác phẩm cho dàn hợp xướng.
PV: Người mê Trần Nhật Minh hôm qua là một khán giả trung thành, người châu Âu, ông nói với tôi bạn đã dàn dựng nhiều tác phẩm đáng kể, bạn có thể kể cho bạn đọc biết?.
TNM: Nhìn chung thì, hầu hết các tác phẩm kinh điển đáng phải có thì tôi cũng đã có như: Carl Orff - Cantata Carmina Burana; P. Mascagni – Opera Cavalleria Rusticana; W. A. Mozart – Opera Die Zauberflote (Cây Sáo Thần); Tchaikovsky – Ballet Kẹp Hạt Dẻ; C. V. M. Weber – Opera Der Freischutz (Mũi Tên Thần);J. Strauss – Operetta Die Fledermaus (Con Dơi)’;Beethoven – Symphony N9 (dàn dựng phần hợp xướng); G. Handel – The Messiah (dàn dựng phần hợp xướng) (Đấng Cứu Thế); G. Bizet – Symphony “Rome”;A. Dvorak – Symphony N8
A. Dvorak – Symphony N9 ; Tchaikovsky – Symphony N5 ; G. Bizet – Opera Carmen…
PV: Trước đây tôi nghe nói các dàn nhạc muốn dàn dựng tác phẩm cũng rất khó kiếm các bản tổng phổ có giá trị, HBSO đã khắc phục những thiếu hụt tổng phổ như thế nào? Tự viết, đặt hàng, mua bản gốc nước ngoài?
TNM: Câu chuyện khó khăn, thiếu hụt tổng phổ tác phẩm cổ điển ở các dàn nhạc đã qua rồi. Hiện nay mọi thứ đã đơn giản hơn nhiều, mọi thứ có thể dễ dàng được tải xuống từ mạng internet (đối với các tác phẩm đã trở thành tài sản nhân loại, hết thời hiệu bản quyền…) hoặc đặt mua và chuyển phát nhanh về Việt Nam. Sẽ gặp khó khăn đôi chút khi muốn biểu diễn các tác phẩm nhạc phim nóng hổi vừa mới ra rạp vì họ chưa xuất bản các bản phối cho dàn nhạc với mục đích biểu diễn…
PV: Bạn đã có những thành công, tên của bạn là một giá trị phòng vé/ một vấn đề không nhỏ với bất cứ dàn nhạc cổ điển nào, vậy mà bạn vẫn thực hiện các chuyến đi (hằng năm được mời/ với Grenoble - Pháp…, hoặc tự lo kinh phí để đi nhiều nước), phải chăng để cập nhật/ học hỏi thêm những vấn đề đang diễn ra của thế giới về nhạc hàn lâm?
TNM: Câu hỏi này hay vì đã bao gồm rất nhiều ý của câu trả lời rồi. Quả thật là tôi tận dụng mọi chuyến đi để được học hỏi, từ chuyên môn cho đến các cách tổ chức, vận hành dự án (quy trình sản xuất một vở opera, concert cho cộng đồng..). Và quan trọng là tham dự các buổi hoà nhạc lớn nhỏ, để được sống trong không khí nghệ thuật chất lượng cao, giống như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của mình vậy.
PV: Nghe nói bạn đã và đang là người đồng sáng lập và duy trì Dàn nhạc Nhẹ (Saigon Pops Orchestra), vậy SPO sẽ làm những gì để đưa công chúng đến gần hơn với một thứ âm nhạc giàu tinh thần hơn?
TNM: Ở các thành phố lớn ở các nước phát triển, trong các tổ chức dàn nhạc lớn họ có dàn nhạc giao hưởng (Philharmonic Orchestra) và song song đó là một dàn nhạc “nhẹ” (Pops Orchestra) ví dụ như Boston Pops Orchestra; Cincinnati Pops Orchestra; Hollywood Bowl Orchestra v.v. Các dàn nhạc Pops sẽ biểu diễn các chương trình lễ hội, nhạc phim trong khán phòng lẫn ngoài trời đúng với tinh thần âm nhạc “thông dụng” “đại chúng” (Popular). Được truyền cảm hứng từ điều này, tôi cùng một số các anh em cộng sự cũng thử nghiệm thành lập SPO, cùng nhau tập luyện và tham gia trong các chương trình tương tự của Thành phố, cũng như tham gia trong các liveshow của các ca sĩ nổi tiếng. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã gây được những sự chú ý nhất định của giới chuyên môn khi tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn của thành phố như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế HoZo, giao lưu với đoàn nghệ sĩ Nga, Cuba, chương trình chào mừng hội nghị APEC v.v. Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Sở Văn Hoá và Thể thao TP HCM, chúng tôi đã có nhiều cơ hội làm việc cọ xát với các nghệ sĩ quốc tế trong nhiều lĩnh vực, điều này giúp cho SPO tiến bộ rất nhiều. Tôi mong muốn sẽ phát triển SPO thành một dàn nhạc độc lập, có thương hiệu, có những sản phẩm riêng của mình.
PV: Sự kết hợp, tình bạn, và chí hướng chung của bạn với các nhạc sĩ có sức ảnh hưởng trong âm nhạc TP HCM như: Việt Anh, Anh Khoa, Hoài Sa… có đem lại kết quả như mong muốn của bạn không và có được sự ủng hộ của HBSO? Và cái chí hướng chung đó là gì?
TNM: Nhạc sĩ Việt Anh là người đã cho tôi làm quen với môi trường nhạc nhẹ, lúc tôi mới về nước, khi mời tôi hợp tác trong những dự án âm nhạc của anh. Tôi như bước vào một thế giới khác, mọi thứ đều mới mẻ, từ cách thức tổ chức, tiếp cận khán giả và tư duy âm nhạc nữa. Tôi cũng rất may mắn khi được làm việc cũng với các đạo diễn tài năng, các nhạc sĩ đàn anh tên tuổi nhiệt huyết khác, tôi học được rất nhiều từ họ. Có lẽ điểm chung của chúng tôi là luôn lao động sáng tạo hết sức mình trong lĩnh vực của mình để đem đến cho khác giả các chương trình chất lượng, mang tính định hướng và phần nào tiệm cận đến trình độ của thế giới. Con đường còn rất dài, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực.
PV: Nhạc cổ điển hàn lâm giàu lý tính, điều đó tác động tích cực đến đạo đức và tri thức con người, khiến cho đời sống xã hội văn hóa và văn minh hơn, nhưng cần phải học mới cảm thụ được hết… Cần làm thế nào để Việt Nam ngày có thêm khán giả của loại hình âm nhạc này?
TNM: Thực sự là việc kéo khán giả đến khán phòng của các buổi hoà nhạc cổ điển hàn lâm giống như một cuộc chiến khốc liệt và không cân sức, nhất là trong bối cảnh ảm đạm của nền giáo dục âm nhạc và nghệ thuật hiện nay. Âm nhạc trở nên quá dễ tiếp cận, nhưng chất lượng thì vô chừng. Sự ra đời của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến đã khiến các dàn nhạc giao hưởng dù có hoành tráng lộng lẫy thế nào trong quá khứ cũng trở thành gần như lỗi thời (điều này cũng đang là vấn đề của toàn cầu). Và chỉ có những kế hoạch nuôi dưỡng khán giả từ độ tuổi rất nhỏ thông qua những chương trình giáo dục âm nhạc cộng đồng với tầm nhìn hàng thập kỷ thì chúng ta mới có thể hy vọng vào một thế hệ công dân tương lai yêu nghệ thuật và giàu có về tâm hồn. Tôi rất khâm phục những gì chương trình giáo dục âm nhạc cộng đồng El Sistema ở Venezuela đã làm được. Bằng tôn chỉ “âm nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người, không chỉ dành riêng cho một nhóm người”, họ đã dùng âm nhạc để thay đổi xã hội, đem lại niềm hạnh phúc cho hàng triệu trẻ em nghèo đói. Mô hình đã được các nước tiên tiến khác học tập và nhân rộng trên toàn thế giới. Tôi thiết nghĩ đây cũng là một điều rất hay mà các nhà lãnh đạo giáo dục ở Việt Nam cần quan tâm.
Một điều nữa mà tôi luôn ấp ủ đó là thực hiện chuỗi chương trình nghệ thuật hàn lâm cùng với những lời diễn gỉai để khán giả có thêm những kiến thức khái quát, giúp họ dễ dàng cảm thụ những nét đẹp của các tác phẩm vừa được trình diễn. Mô hình này đã được nhạc trưởng Leonard Bernstein thực hiện cũng với dàn nhạc giao hưởng New York từ những năm 1958, đến nay vẫn rất hiệu quả (Young People’s Concert). Nếu như chiến lược giáo dục cộng đồng sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng và thực hiện thì những chương trình mang tính tương tác cao với khán giả là điều có thể thực hiện được ngay.
PV: Một Nhạc trưởng trẻ nhất Việt Nam hiện nay (sinh 1981) như bạn một ngày/ một tuần/ một năm… phải làm việc (cường độ/ thời gian) như thế nào? Áp lực rất lớn đúng không?
TNM: Tôi có khá nhiều việc: công việc của nhà hát, giảng dạy ở Nhạc viện TP HCM, chịu trách nhiệm sản xuất âm nhạc cho một số chương trình của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM và một số dự án riêng nữa. Chính vì vậy việc hoạch định cho quỹ thời gian của mình rất quan trọng. Cũng nhờ tính kỷ luật và kinh nghiệm học được từ những người thầy của mình, tôi cũng đang xoay sở được khi nhiều việc cùng dồn vào một lúc, hoặc những lúc mà có cái bánh răng nào đó chệch ra khỏi cỗ máy đang được vận hành. Đương nhiên là tôi không thể làm được điều đó nếu như không có những cộng sự tuyệt vời của mình ở mọi nơi.
Tôi vẫn luôn áy náy là giá như có nhiều thời gian để tiếp cận mọi công việc với khía cạnh sâu sắc hơn. Đôi khi tôi muốn dừng mọi việc lại, chỉ tập trung nghiên cứu, thực hiện một dự án dài hơi, mang tính để đời trong vòng 1-2 năm. Rất tiếc là hiện giờ tôi chưa có điều kiện để làm việc này, nhưng sẽ có lúc nào đó..
PV: Tôi rất muốn nghe bạn nói về Giám đốc nhạc trưởng Trần Vương Thạch và nhạc trưởng Lê Phi Phi, những người tài năng mà tôi cũng rất ngưỡng mộ?.
TNM: NSUT Trần Vương Thạch là một người anh đáng quý. Từ lúc tôi bắt đầu làm việc ở HBSO, anh đã tin tưởng và tạo điều kiện cho tôi có thể hoạt động chuyên môn hết mình (ở trong lẫn ngoài Nhà hát). Anh đã luôn động viên, chân thành đóng góp những lời khuyên đúng lúc để tôi ngày càng vững chãi hơn trong việc làm nghề. Niềm tin vào lớp trẻ là một trong những đức tính cực kỳ quý giá của anh trong cương vị là Giám đốc Nhà hát.
Tôi biết anh Lê Phi Phi từ khá lâu rồi, thông qua nhiều chương trình khác nhau. Tuy nhiên hai anh em chưa có dịp trò chuyện, chia sẻ lâu như những người đồng nghiệp. Có thể vì do mỗi lần làm chương trình đều ít thời gian nên chúng tôi chưa có cơ hội này. Đối với tôi, anh Phi là người nhạc trưởng tài năng, có sức hút trên sân khấu và những trải nghiệm khi cùng biểu diễn với anh (hoặc đơn thuần làm khán giả) đều rất thú vị.
PV: Bạn có hài lòng (một cách tương đối) với đời sống cá nhân hiện nay trong cái đời sống đô thị TP HCM?
TNM: Tôi hạnh phúc vì phía sau lưng là gia đình, bên cạnh là bạn bè và phía trước là tương lai. Và… đôi khi tôi cũng hay nhớ đến Venezuela nơi người ta nghĩ rằng: “Âm nhạc không chỉ là phương cách làm tăng khả năng cá nhân mà còn có thể thay đổi xã hội”…
PV: Cảm ơn nhạc trưởng.