Âm nhạc cho múa đương đại Việt Nam (P.2)
Để có thể "vẽ lên bản đồ khu vực và thế giới cái tên Việt Nam về múa đương đại", thì bên cạnh sự tự khẳng định của các biên đạo múa, các diễn viên múa, còn cần nhiều hơn nữa sự góp sức đầy sáng tạo và niềm đam mê, đặc biệt là sự hoà nhịp dành cho múa đương đại của các tác giả, nhạc sĩ VN. Bên cạnh đấy không thể thiếu sự quan tâm của các cơ quan chức năng.
Trong nhiều hoạt động nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn đáng để xem diễn ra trong năm 2013 được người yêu nhạc Việt Nam yêu thích, phải kể tới là Liên hoan múa "Châu Âu gặp châu Á trên sân khấu múa đương đại lần thứ 3". Liên hoan múa lần này có một điều thú vị là các khán giả có dịp thưởng thức và cảm nhận "gu" âm nhạc giữa Á và Âu. Có người thích, có người lại chưa thật thấy hợp với mình, nhưng tất cả đều chung một điều đó là THÚ VỊ. Và họ mong muốn có thêm nhiều những buổi biểu diễn múa đương đại để được thưởng thức. Tuy nhiên, điều mà giới chuyên môn quan tâm, người yêu nhạc VN cũng mong đợi là làm sao để múa đương đại VN sánh vai được với các bạn nước ngoài, và âm nhạc thể hiện được vai trò của mình trong múa đương đại VN...
(Từ phải sang trái:
M.C Ánh Quyên, NS Đỗ Hồng Quân, Biên đạo múa Tuyết Minh, NSND Anh Phương)
Phóng viên âm nhạc đã có cuộc trò chuyện với NSND Phạm Anh Phương Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Nhạc sĩ: Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Hội NSVN; Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh.
PV: Mặc dù sự ấn tượng và yêu thích múa đương đại của người xem phần lớn bắt nguồn từ ý tưởng của các vở múa, và âm nhạc. Thế nhưng vì sao lại có ý kiến cho rằng giữa múa và ÂN cho múa hiện nay hình như không ăn nhập vào nhau, chưa trở thành một khối thống nhất ?
NSND Phạm Anh Phương: Có thể nói rằng, khái niệm âm nhạc với múa luôn đồng hành cùng nhau nhưng trong múa đương đại cũng có thể đã có sự chuyển biến, khi múa có những khoảng lặng không có nhạc. Nhưng dù múa không có nhạc thì bản thân các nghệ sĩ múa cũng phải giữ một cái tiết tấu âm nhạc nằm trong hơi thở ngôn ngữ hình thể của họ rồi.
Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh: Với tôi, người nhạc sĩ sáng tác một tác phẩm cho múa đương đại là vô cùng quan trọng vì sáng tác một tác phẩm âm nhạc riêng đã rất khó rồi. Ngày xưa ta quen một tác phẩm âm nhạc lên cao trào thì múa cũng như vậy nhưng bây giờ thì tất cả những quy luật sáng tác ấy đã bị phá vỡ, mỗi loại hình ngôn ngữ mà người biên đạo sử dụng sẽ chở theo đó một hình thức âm nhạc mới cho nên đòi hỏi nguời nhạc sĩ cũng phải có tư duy "mở" và quan trọng nhất là sợi dây cảm xúc, sự đồng điệu để dẫn đến một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao nhất
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: khái niệm đương đại đã tồn tại trong âm nhạc. sáng tác đương đại của những nhạc sĩ, nhà biên đạo hôm nay mang hơi thở của thời đại là sự bước tiếp các thời đại qua các trường phái. Với Việt Nam, nếu không cẩn thận thì sẽ hiểu đương đại là phá phách, hay sôi động cuồng nhiệt ... thì cũng không phải. Tóm lại yếu tố đầu tiên phải là MỚI. Thứ hai là phụ thuộc vào liên kết NHẠC-MÚA. Nếu liên kết đó ăn ý, đưa ra một hiệu quả tổng thể thì sẽ thành công. Nếu không thì đôi khi nhạc trở thành nền, đệm cho động tác múa, hoặc là nếu không thì múa lại minh hoạ cho giai điệu và tiết tấu của nhạc. Đặc biệt là tiết tấu trong âm nhạc, chúng ta cần làm rõ, đừng lầm giữa tiết tấu trong một vở múa với mô hình tiết tấu trì tục có sẵn như trong nhạc Jazz,....mà lấy đó làm chỗ dựa cho múa và coi đó là múa đương đại.
PV: qua những khám phá và thể nghiệm của mình trong múa hiện đại thì theo biên đạo múa Tuyết Minh, với tư cách là một thuật song hành thì phía ÂN cần có những yếu tố gì mới.
Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh: Lý tưởng nhất là chúng tôi được tự mình viết kịch bản múa, được làm việc với nhạc sĩ, chúng tôi hiểu kịch bản, hiểu nhau để đưa đến sợi dây cảm xúc để cả hai cùng sáng tạo. Nếu âm nhạc vẽ lên bức tranh theo thời gian thì chúng tôi phải sáng tạo ra những chuyển động để bức tranh sống động, những tạo hình trong không gian để khán giả cảm nhận được về tất cả những cái đẹp của âm nhạc và múa. Âm nhạc giúp chúng tôi ngẫu hứng, đem lại cảm xúc giúp chúng tôi tìm ra cái mới.
PV: Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thì viết nhạc cho múa đương đại có gì khác với nhạc cho các hình thức múa khác
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: thứ nhất đấy là phải là ngôn ngữ của khí nhạc, có tính độc lập, có tính hình tượng và đồng thời và bám vào nội dung kịch bản của tác phẩm múa, thứ hai là âm nhạc phải được trình diễn bởi dàn nhạc, điều này vô cùng quan trọng, đó là sự đồng sáng tạo. Trước đây nhà hát Nhạc vũ kịch Việt nam những năm 50 của thế kỷ trước chúng ta đã có múa Nón, múa Sạp hay những tác phẩm như vở múa "Chị Sứ" sau này.....phần âm nhạc đều được trình tấu bởi dàn nhạc trên sân khấu đệm cho các nghệ sĩ múa. Đó là điều lý tưởng nhất. Nếu âm nhạc sử dụng băng, dù có thể đạt 70-80% hiệu quả âm thanh nhưng thực ra đã mất đi phần hoà tấu chung cảm xúc giữa những nhạc công, với những nghệ sĩ múa trên sân khấu, nối tiếp sự hoà chung cảm xúc trước đó giữa nhạc sĩ và biên đạo, giúp cho các nghệ sĩ múa được thăng hoa. Nghĩa là chúng ta cần khôi phục, cần giữ lại hình thức đó.
PV: Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, nhạc cho múa đương đại bao gồm cả âm thanh. Đã có nhiều vở múa trong đó âm nhạc có cả tiếng động của cuộc sống như tiếng mõ chùa, tiếng đọc kinh, hay tiếng gà gáy....với mục đích phù hợp với nội dung tác phẩm múa, bên cạnh đấy cũng có cả sự liên kết giũa các tác phẩm âm nhạc khác nhau, ví dụ như với các tác phẩm âm nhạc cổ điển. Có điều khi được phối khí theo một cách mới và nó vang lên cùng với các động tác múa đương đại, người nghe nhận thấy ở đó không hẳn là âm nhạc cổ điển nữa mà là âm nhạc cho múa đương đại. Và họ chấp nhận. Phải chăng đây cũng là một điều khác biệt của âm nhạc cho múa đương đại?
NSND Phạm Anh Phương: âm nhạc cho múa đương đại không phải là cái gì méo mó, lạ lẫm ...mà là những gì hiện hữu trong cuộc sống đương đại mang hơi thở thời đại của ngày hôm nay chính vì vậy cho nên các chủ thể sáng tạo nhạc và múa đều có thể sử dụng kể cả nhạc cổ điển, hay tiếng động của cuộc sống nhưng vấn đề là dùng thủ pháp để biến hoá theo một lối mới và phải mang tới cảm xúc chung cho tác phẩm
Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh: việc nhạc cho múa đương đại dùng nhiều âm thanh tiếng động mộc trong đời sống, là một cuộc tìm kiếm của các biên đạo trẻ và các nhạc sĩ trẻ để đi tìm cái mới, cái chuẩn mực.... trong tâm hồn của chúng tôi đó là những suy tư, trăn trở rất nhiều chiều trong cuộc sống cũng như là trong tâm tư của những con người ở xã hội hiện đại, cho nên có lúc rất mâu thuẫn với nhau. Tôi có thể nói là thế hệ trẻ chúng tôi vẫn chưa tìm được cái chung cho cái chuẩn mực chung
PV: qua Liên hoan múa đương đại lần thứ 3 tôi thấy cách nhạc sĩ nước ngoài tiếp cận để viết nhạc cho múa đương đại và quan niệm về sự phối hợp giữa nhạc sĩ với biên đạo và diễn viên cũng có nhiều điều mới....
Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh: Liên hoan múa đương đại Á Âu cho thấy hiện nay sân khấu của chúng ta không phải là sân khấu một mặt nữa mà sân khấu có thể là 3D, 4D. Có nghĩa là âm nhạc có thể ở khắp mọi nơi để người xem có thể thấy mình đang sống thực trong khung cảnh ấy được đưa đến một cảm xúc như những gì họ đã trải qua trong cuộc sống. Đó chính là cái chúng tôi đang muốn bứt phá để tìm kiếm một phong cách thể hiện mới. Và đây cũng chính là điều hấp dẫn chúng tôi để chúng tôi sáng tạo trong nghệ thuật múa đương đại ngày hôm nay.
NSND Phạm Anh Phương: tôi thấy tâm đắc với khái niệm"năng lượng nhạc sĩ người Đức Sergei Maingardt đã đưa ra. "Năng lượng" âm nhạc phải làm sao phù hợp "năng lượng" của các diễn viên...., tôi cũng ấn tượng với cách họ dùng kỹ thuật để tạo nên hiệu ứng âm thanh. Cách họ bố trí loa trên sân khấu không phải ta không làm được nhưng họ đã tìm ra cách thể hiện sự khám phá, và đấy là đương đại.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Cho đến bây giờ thì các tác phẩm viết cho múa của các tác giả Việt nam thường được thể hiện ở 2 hình thức: một là thu thanh sẵn để sử dụng cho diễn xuất phục vụ nội dung trên sân khấu, và không có bản sử lý âm thanh. Chúng ta chỉ đơn thuần là phát băng đó như là một băng nhạc, một phần để thính giả nghe, một phần phục vụ diễn viên trên sân khấu. Làm như vậy sẽ giúp cho việc tập luyện và phổ cập dễ dàng hơn vì lần nào cũng giống lần nào vì cùng một cái băng. Còn hình thức thứ 2 ít phổ cập hơn nhưng chúng tôi luôn mong muốn là, âm nhạc luôn đi kèm với múa và chúng ta có những nhạc cụ, nhạc công biểu diễn. Không nhất thiết lúc nào cũng phải là dàn nhạc giao hưởng mà có thể là một tốp nhạc nhưng hòa cùng trong một cảm xúc, trong một thời gian cùng diễn viên múa. Hình thức này cao cấp hơn, đôi khi cũng tạo ra hiệu quả tốt hơn. Ví dụ cảnh nông thôn VN thì ở góc sân khấu có thể có chiếc chiếu trải ra rồi một cây đàn nhị, một trống cơm hay một cây sáo ta….thì có thể sẽ tạo ra một hiệu quả và hòa đồng hơn với các thành phần tham gia vở diễn ….Còn việc tạo những hiệu ứng âm thanh và cách làm bài bản như thế giới thì chúng ta chưa làm được. Lí do là vì chúng ta chưa đủ nhà hát, chưa đủ thiết bị và thêm nữa sự tìm tòi, sự “dấn thân”vào lĩnh vực âm thanh phục vụ cho sân khấu đương đại thì chúng ta còn yếu, còn thiếu.
PV: như vậy một tác phẩm múa đương đại sử dụng tiếng động của cuộc sống có thể trở thành tác phẩm âm nhạc độc lập hay không?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Điều này thì hơi khó, vì trong âm nhạc cũng đã có những thể nghiệm như thế rồi như trường phái cụ thể (Conggret) thu tiếng mưa, tiếng tàu hỏa…....sau đó cộng lại thành một bản diễn về âm thanh, hay một số tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thiên Đạo theo trường phái Tiên Phong trong âm nhạc cũng sử dụng những tiếng động cụ thể. Lúc đầu người nghe thấy có vẻ tìm tòi, cũng có được những ghi nhận nhưng đó cũng chỉ là những tìm tòi theo một lối hẹp….và sự ra đời của các trường phái này cũng là sự tìm kiếm những gì khác lạ nhưng với một tác phẩm múa hiện, nếu chỉ nghe không thôi, không nắm được nội dung tác phẩm đó thì không hẳn đã hay….
Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh: tôi nghĩ là tác phẩm múa đương đại sử dụng tiếng động của cuộc sống có thể trở thành tác phẩm âm nhạc độc lập, vì với những đĩa nhạc như World music, kitaro…những nhạc sĩ sáng tác các tác phẩm âm nhạc này rất hay viết cho múa và có đưa vào nhiều âm thanh khác nhau của đời sống…..và rồi những tác phẩm này vẫn ra được CD, trở thành tác phẩm âm nhạc độc lập. Quan trọng là tác phẩm không phải sự cóp nhặt mà tác giả phải hiểu được xã hội VN, tâm tư con người đặc biệt là văn hóa của VN
PV: Vậy để có được tác phẩm âm nhạc như thế thì các nhạc sĩ cần như thế nào?
Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh: cho tôi được nói một sự thật hơn một chút đó là khi đặt một vấn đề cho một vở kịch múa nào đấy thì hầu hết các nhạc sĩ trẻ đều nói là: “Em ơi anh rất ngại….”vì kinh phí dành cho người biên đạo múa đã rất hạn chế rồi thì kinh phí dành cho người sáng tác âm nhạc cho múa càng eo hẹp hơn và cũng chưa bao giờ có kinh phí dành cho phần âm thanh…cho nên nhiều tác phẩm kịch múa lớn ra đời chỉ có thể biểu diễn được 1-2 buổi và càng không có điều kiện quảng bá ..đấy cũng là nguyên nhân để các nhạc sĩ kém mặn mà khi đồng hành với biên đạo múa.
NSND Phạm Anh Phương: tôi nghĩ trước tiên các nhạc sĩ phải có TÂM, và KHÁT VỌNG sáng tạo, làm việc một cách đích thực và tìm được tiếng nói chung chia sẻ được với các biên đạo múa khi thể hiện tác phẩm
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: để có tác phẩm múa đương đại với các thành phần từ kịch bản, âm nhạc, biên đạo đến diễn xuất trên sân khấu của diễn viên …phải là một tổng thể. Chúng ta không thể nói: có một tác phẩm tốt mà các thành phần trong đó khập khiễng. Vẫn biết âm nhạc đóng một vai trò quan trọng nhưng cũng đừng quên với các vở diễn đương đại hiện nay thì yếu tố kỹ thuật cũng đóng vai trò rất lớn. Có như vậy chúng ta mới có được tác phẩm vừa được thưởng thức âm thanh bằng tai vừa được nhìn một cách thoải mái và hấp dẫn. Và hơn nữa, chúng ta cũng phải mơ ước đến một nhà hát chuyên để diễn những vở kịch múa một cách đúng nghĩa của nó, từ đó có những lớp khán giả và những bầu không khí để thưởng thức…đấy chính là bước đường đang đi của chúng tôi hiện nay và cuối cùng là có như vậy thì thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của công chúng yêu nhạc Việt Nam sẽ ngày một nâng cao.
PV: Cảm ơn các khách mời.
(Nguồn: Bàn tròn âm nhạc - Đài TNVN)