Âm nhạc bao dưỡng tình người

13/05/2020

Âm nhạc chính là sự sẻ chia, có giá trị kết nối trái tim và nâng cao nhận thức của mọi người.

Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu hướng đến kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước (do UBND TP HCM cùng Sở Văn hóa - Thể thao TP phối hợp tổ chức) nhận được sự quan tâm của người trong giới và khán giả.

Lời của yêu thương

Khán giả đã từng yêu mến không ít ca khúc về Sài Gòn từ nhiều năm qua với ấn tượng khó phai. Những ca khúc "Sài Gòn tôi ơi", "Nhớ Sài Gòn", "Gửi nắng cho em", "Về Sài Gòn đi em", "Sài Gòn chiều mưa thu"… đã trở thành kỷ niệm trong ký ức của nhiều người. Và ở mỗi thế hệ sáng tác, khán giả lại nhận thấy những tư duy, ánh nhìn khác biệt về TP HCM thông qua âm nhạc. Nhưng, dù có khác thế nào thì tất cả các ca khúc về vùng đất đầy nắng nhưng rất đẹp này luôn chất chứa những yêu thương khó nói thành lời. Cùng với chủ trương khuyến khích người trong giới sáng tác nhiều hơn nữa những ca khúc về TP HCM trong giai đoạn mới, Ban Tổ chức cuộc vận động đặc biệt lưu ý các đề tài mang tính cộng đồng gắn liền với cuộc sống người dân thời gian qua, đặc biệt là đối mặt với dịch Covid-19. Điều này nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của người trong giới. Nhạc sĩ Tiến Luân nhận định: "Chính những lúc khó khăn nhất, chúng ta lại nhận ra sự ấm áp của tình người. Tình yêu có thể trở thành sức mạnh, ý chí để vượt qua mọi nghịch cảnh. Âm nhạc mang sứ mệnh lan tỏa những điều yêu thương. Tôi tin lời của yêu thương luôn đủ mạnh để chiếm trọn trái tim người yêu nhạc".

Một cảnh trong MV “Sài Gòn café sữa đá” của Hà Okio

Điều đó không hề quá lời khi thời gian gần đây, hàng loạt ca khúc tuyên truyền chống dịch Covid-19 ra đời và được khán giả đón nhận, trong đó có không ít ca khúc làm tròn sứ mệnh lan tỏa yêu thương. Minh chứng như "Bao la những trái tim hồng", do ca sĩ Nguyễn Phi Hùng khởi xướng với sự tham gia của gần 20 ca sĩ, được công chúng đón nhận bởi ý nghĩa tuyệt vời của nó. Ca khúc như lời tri ân đội ngũ y - bác sĩ đã nỗ lực hết mình vì cộng đồng trong tình hình dịch Covid-19 hoành hành. MV có nhiều hình ảnh, địa điểm quen thuộc của TP HCM như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà hát Thành phố, cầu Mống… với sự tham gia của đội ngũ y - bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khiến cho "Bao la những trái tim hồng" càng thêm thú vị và ấm áp. MV là những giai điệu nhẹ nhàng, yêu thương với hình ảnh y - bác sĩ tận tụy chăm sóc cho người bệnh, những giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi, những khoảng lặng khi "thiên thần áo trắng" chia tay người thân để bước vào cuộc chiến mang đến sự bình yên cho cộng đồng.

"Những ngày này, TP HCM càng thêm đáng mến bởi nghĩa tình. TP chưa đi xa đã nhớ là vì thế. Do đó, tôi muốn viết lên những điều tuyệt đẹp bằng ngôn ngữ âm nhạc để bày tỏ lòng mình với bao ngưỡng mộ và yêu mến" - nhạc sĩ trẻ Huỳnh Quốc Huy bộc bạch.

Tâm tình giới trẻ

Gắn bó từng thời khắc đổi mới, đi lên với nhiều thay đổi và khác biệt của TP HCM như nhạc sĩ lão thành Trương Quang Lục, hẳn ông sẽ có cái nhìn khác biệt so với những người ít trải nghiệm hơn. Vậy nên, ca khúc mới ra lò của ông về TP HCM mang tên "Thành phố tôi vươn mình bay cao" (phỏng thơ Dương Xuân Định) tái hiện hành trình đổi mới của TP. Hay nhạc sĩ Trần Việt Sơn tham dự cuộc vận động sáng tác của UBND TP HCM với ca khúc "Thành phố vinh quang, thành phố nghĩa tình", lại ở một phạm trù thưởng thức khác biệt so với đại đa số khán giả trẻ hiện nay.

Sẽ có một thị phần thưởng thức khác, đặc biệt dành cho giới trẻ, thú vị và có giá trị không kém những bản tình ca hàn lâm. Dù được nhắc đến một cách trực tiếp hay gián tiếp, TP HCM từ lâu đã trở thành một nơi tuyệt đẹp trong lòng nhiều người, từ người bản xứ lẫn lữ khách đến từ phương xa. Bằng cách này hay cách khác, TP HCM trở thành điều mọi người muốn nhắc đến với trái tim trân trọng đầy cảm mến. Và những người làm công việc sáng tác cũng không ngoại lệ. Cà phê sữa đá có lẽ là món quen, thậm chí gây nghiện, của nhiều người khi nhắc đến TP HCM. Nhiều người cũng không lý giải được thói quen chào ngày mới bằng ly cà phê sữa đá có tự bao giờ. Chỉ biết hình ảnh ai đó ngồi bên vỉa hè thân quen, nhấm nháp vị ngọt - đắng của từng giọt cà phê, lướt nhanh những dòng tin tức trên báo, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn phố xá đã bắt đầu tấp nập trở nên quen thuộc. Đó chắc chắn là một ngày mới hoàn hảo và đôi chút bình yên. Điều đó được thể hiện trong ca khúc "Sài Gòn café sữa đá" của Hà Okio.

Hà Okio bảo rằng anh viết ca khúc này sau khi nói chuyện với một người bạn nhạc sĩ Philippines rất mê cà phê sữa đá. Anh ấy không nói được tiếng Việt nhưng bằng mọi giá học phát âm cho được 4 từ "cà phê sữa đá" chỉ để gọi món này mỗi khi đến các hàng quán. Chắc chắn đây là ca khúc mà Hà Okio viết về TP HCM khi sử dụng cụm từ quen thuộc "Cho tôi một ly cà phê… cà phê sữa đá" để mở đầu cho ca khúc về thức uống trứ danh này. Nhiều người nhận xét "Sài Gòn café sữa đá" cũng gần như định hình một thương hiệu cho TP HCM như ca khúc "Sài Gòn đẹp lắm" của nhạc sĩ Y Vân vậy, vui tươi rộn ràng và luôn náo nhiệt. Với giai điệu trẻ trung, phóng khoáng, ca khúc "Sài Gòn café sữa đá" chinh phục người nghe bởi sự chân thành, mộc mạc và đời thường.

Hà Okio hay "Sài Gòn café sữa đá" là tư duy của những người trẻ điển hình về TP HCM. Nó có thể khác với màu sắc đậm chất thơ trong ca khúc của thế hệ tiền bối nhưng lại rất đáng yêu bởi sự thân thương, đời thường. Người trẻ có cái nhìn và trải nghiệm khác nhau để đưa ra những sáng tác đầy khác biệt. Có lúc vui, có khi buồn và cũng chẳng thiếu những đắng cay nhưng suy cho cùng, TP HCM vẫn rất thân thương đến mức "chưa xa đã nhớ" như chia sẻ của Huỳnh Quốc Huy. Nhạc sĩ trẻ này viết ca khúc "Sài Gòn yếu đuối biết dựa vào ai" với lời cảm ơn rằng nơi đây đã giúp anh trưởng thành.

Tác giả Huỳnh Quốc Huy cho biết trong một buổi chiều… hết tiền, anh xách xe chạy vòng quanh TP HCM, nhìn cuộc sống diễn ra xung quanh với bao số phận khác nhau, "soi" lại con đường với bao vấp ngã của chính mình và đã viết ra ca khúc "Sài Gòn yếu đuối biết dựa vào ai". "Mỗi người là một mảnh ghép, đau buồn có, vinh quang cũng chẳng thiếu. Nhưng khi hợp lại sẽ tạo nên một bức tranh Sài Gòn phồn hoa, tráng lệ. Sài Gòn dạy chúng ta một điều là hãy luôn mạnh mẽ, dựa vào bản thân mình mà phấn đấu, trước khi kiếm tìm một chỗ dựa" - anh chia sẻ. 

Ca khúc biến tấu

Ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Đạt G với ca khúc "Bánh mì không" thời gian gần đây đã khiến khán giả yêu nhạc xúc động khi biến tấu bản hit này thành bài hát "Diệt giặc corona" để tuyên truyền chống dịch Covid-19 rất có ý nghĩa.

Bên cạnh lời ca tuyên truyền cộng đồng cùng phòng chống dịch Covid-19, đoạn rap nhắc nhở mọi người tự giác tuân thủ các quy định về việc phòng chống dịch bệnh..., bài hát còn có câu gây xúc động: "Biết bao người đã cống hiến thời giờ, mạng sống quý báu của mình. Dù nằm sân xi măng nhưng trái tim cờ sao bay"... gợi nhắc hình ảnh những tình nguyện viên, đội hậu cần ở khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM tranh thủ chợp mắt ngoài trời, lấy chiếu thay màn sau những ca làm việc.

Đạt G chia sẻ anh mong muốn tác phẩm của mình là món quà tinh thần gửi tặng các y - bác sĩ... ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...