Ai là nữ ca sĩ Liên Xô hay nhất hay Tiếng vọng của tình yêu
Thời Xô Viết đã có rất nhiều nữ ca sĩ tài năng, nên nếu hỏi ai là người giỏi nhất trong khoảng những năm 60-70-80 thì sẽ có lắm cái tên được nêu ra lắm. Thể nào cũng phải có Maya Kristalinskaya (bà đã hát bài nào thì không có ai vượt qua được, như rứt ruột ra vậy – nhưng về sau bà bị một số hạn chế vì vấn đề Do Thái); Edita Piekha điệu đà; Valentina Tolkunova đằm thắm dung dị, Sofia Rotaru xinh đẹp, Alla Pugacheva ngôi sao mới nổi với giọng hát và phong thái đầy ma mị... Và chắc chắn sẽ có Anna German!
Nếu hỏi đàn ông thì có lẽ tỷ lệ câu trả lời sẽ được chia khá đều, vậy ta phải hỏi phụ nữ, hơn ai hết họ “yêu bằng tai” mà, và họ mới hiểu được nhau. Kết quả trưng cầu ý kiến dù bốn mươi năm trước hay bây giờ sẽ không thay đổi – “nhất của nhất” sẽ là Anna German, không phải vì Anna hát hay hơn những ngôi sao kia, mà đơn giản bà được yêu mến nhất! Bất kể bà đã mất lâu rồi, bất kể là bà... không phải công dân Liên Xô. Bà hát rất nhiều bài hát Liên Xô, nhưng kết quả trên có lẽ không thay đổi nếu bà chỉ hát có một bài – “Tiếng vọng của tình yêu”.
Cũng như đại đa số các ngôi sao ca hát khác, không hiểu vì sao nhưng theo quy luật đều có khởi đầu khá vất vả với một tuổi trẻ khó khăn, nhưng tôi chưa thấy nghệ sĩ nào có tuổi thơ đau khổ như Anna German. Cô có một tuổi thơ vô cùng khốc liệt: sinh ra năm 1936 ở Uzbekistan (Liên Xô cũ đấy) với bố gốc Đức di cư, mẹ cũng con nhà gốc Đức - Hà Lan di cư, rơi đúng vào thời đang thanh trừng dữ dội nhất của Stalin. Đói khổ, không có quần áo giày dép, em trai chết vì kiệt sức, bố và em trai mẹ bị bắt đi cải tạo rồi xử bắn, bản thân Anna thì ốm đau là điều dễ hiểu. Bé tí cô đã phải lang thang theo bà và mẹ đi theo sự điều hành của chính quyền, nay đây mai đó khắp vùng Trung Á. Hạnh phúc nhất của cô bé là được đến trường, cô được học đến lớp 3 ở trường nơi mẹ cô dạy tiếng Đức, nhưng rồi thời chiến, sau khi đã mất chồng và em trai thì mẹ cô cũng rơi vào danh sách phải bị thu gom lại, cho làm “kẻ thù của nhân dân” rồi xử bắn! Cứu tinh của cả gia đình cô xuất hiện – đó là một sĩ quan Ba Lan, vì trốn chạy sự săn đuổi của phát xít mà lang bạt đến Tashken và “đã ra tay nghĩa hiệp” – đăng ký kết hôn giả vờ với mẹ Anna, rồi sau chiến tranh lúc cô bé mới 10 tuổi thì cả nhà trở về Ba Lan. Mới sang đến Ba Lan thì gia đình cô “khai tử” chàng Lục Vân Tiên này, mọi người cứ tưởng ông ta chết trận, tiểu sử của Anna German thường cũng ghi như vậy. Mãi sau này người ta mới phát hiện ra điều bí mật, đó là ông ấy (tên là German Gerner) là một điệp viên sừng sỏ của Ba Lan, và ông ta thay đổi rất nhiều tên, không hề mất sớm mà ở khá gần nhà của Anna sau này, và chỉ mất sau cô 3 năm cơ!
Thế là Anna trở thành người Ba Lan, và ở nhà nói tiếng Đức và Nga, ra đường nói tiếng Ba Lan, ngoài ra biết thạo tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha... (thời đó các ca sĩ châu Âu đều phải như thế, như Dalida, Mirrey Mathieu, Nana Mouscouri...). Mọi người chỉ biết cô biết hát qua đám cưới của cô bạn cô – hát “Ave Mariah” quá hay! Cô bắt đầu nổi tiếng ở Ba Lan, băng đĩa tiếng Ý và Ba Lan của cô lại bán rất chạy ở Liên Xô. Cô quay lại Liên Xô lần đầu năm 1965, khán giả lập tức rất yêu quý cô mặc dù ít quan tâm tại sao ca sĩ nước ngoài lại nói tiếng Nga chuẩn thế! Người Liên Xô mua hàng triệu đĩa hát của cô, xếp hàng dài để mua vé...
Hát ở Ba Lan không đem lại sự giàu sang được cho cô, thì năm 1967 cô được sang Ý hát với hợp đồng dài hạn. Thế rồi một đêm nọ người lái xe ngủ gật, xe tông thằng vào tường bê tông khi chạy 160 km/h, cô bay qua kính chắn gió 20m, rồi nằm đó đến sáng người ta mới tìm thấy cô, Cô có thần hộ mệnh rất thiêng mới có thể sống được sau 49 vết gãy ở thân thể - nhưng 3 năm trời liệt giường, chỉ với một niềm tin yêu rằng cuộc sống tươi đẹp còn ở phía trước. Và đúng như vậy, chàng kỹ sư người Ba Lan – mối tình duy nhất của cuộc đời Anna – đã tỏ tình với cô khi đang trên giường bệnh, rằng cô cứ đứng dậy được là sẽ xin cưới cô ngay...
Dễ hiểu là khi cô quay trở lại với ca hát, với giọng ca không hề bị suy suyển bởi tai nạn nhưng khán giả yêu quý cô hơn rất nhiều, đặc biệt là ở Nga. Tác giả nữ Pakhmutova dành cho cô bài hát đã khá nổi tiếng, và cô hát nó không thể hay hơn (đây cũng là bài hát của cô mà nhiều người Việt biết đến nhất – “Niềm hy vọng”):
Bài hát tràn đầy lạc quan này bất chấp mọi khó khăn của tuổi trẻ có hình tượng “ngôi sao không tên đang chiếu sáng” – đã được Edita Piekha hát nhưng từ nay sẽ gắn chặt với tên Anna German. Mỗi buổi diễn của cô ở Matxcơva vé bán hết trước hàng tháng trời – phụ nữ Liên Xô xếp hàng cả cây số để mua được vé, để được ngắm cô gái mảnh mai, đã vượt qua bệnh tật, vẫn xinh đẹp, cố gắng lúc nào xuất hiện cũng đi guốc cao gót mặc dù như thế sẽ rất đớn đau. Và giọng hát mảnh mai, trong trẻo của cô không lẫn vào đâu được, ở gia đình Liên Xô nào hầu như cũng có đĩa hát của Anna!
Cô có thù hận gì đất nước Xô Viết không, nơi chôn rau cắt rốn của cô, nơi số phận của những người thân yêu nhất của cô đã bị hủy hoại? Cô không bao giờ thể hiện ra, nên thật khó trả lời, mọi bài hát của cô đều chỉ có nỗi buồn và tình yêu. Sau này người ta mới biết cô hát bài “Hãy sáng lên, ngôi sao của ta” - vốn là một tình ca từ giữa thế kỷ 19 - là để tưởng niệm tới người bố đã chết oan khuất, với cô ông chính là ngôi sao dẫn đường – đó cũng là môt tuyệt phẩm (cô đề nghị thêm dàn trống vào trong phần nhạc đệm để tưởng nhớ tới ông mà lúc đó người ta chưa biết vì sao).
(bài hát này sẽ được sử dụng trong bộ phim nổi tiếng “Bản tình ca nghiệt ngã”):
Anna German là một trường hợp rất hiếm hoi, là một ngôi sao hạng nhất nhưng ai cũng quý mến cô! Cô làm việc bất chấp sức khỏe chưa hồi phục hẳn: hát và lưu diễn khắp nơi, đóng phim, viết sách, sáng tác nhạc... và năm 1975 khi đã 39 tuổi vẫn bất chấp mọi ngăn cản của bác sĩ mà sinh con cho chồng. Cũng vào thời gian ấy cô biết mình đã mắc căn bệnh ung thư phổi, phải chữa chạy dài hạn, để khán giả không nhìn thấy cặp mắt sưng húp vì hay khóc cô phải đeo kính đen khi diễn. Các tác giả hàng đầu của Liên Xô để dành những tác phẩm mới nhất cho cô, nhưng “điên rồ” nhất là câu chuyện một bộ phim. Đạo diễn Matveev đã quay bộ phim với đề tài chống chiến tranh khá nổi tiếng “Tình đời”, và ông bàn với nhà thơ nổi tiếng Rozdestvensky làm phần tiếp theo, chưa có kịch bản hay nội dung gì, miễn là phải có bài hát do Anna German hát – một bài hát tất nhiên về tình yêu, không hề dính dáng đến chiến tranh và chính trị, với giọng ca thánh thiện của Anna đó sẽ là linh hồn của tập phim “Số phận”. Bộ phim được quay trước khi bài hát được viết xong (tác giả nhạc là Pchichkin – cũng là tác giả của “Đôi mắt xanh của niềm đau” nếu các bạn còn nhớ!). Năm 1977 bài hát được gửi sang Ba Lan cho Anna, và đạo diễn hồi hộp chờ hồi âm. “Em ra phi trường bay ngay đây” – đó là câu trả lời của cô qua điện thoại. Từ phi trường người ta đón cô về thẳng phòng thu nơi có dàn nhạc nhỏ đang ngồi chờ sẵn, và cô đã hát thu ngay sau lần đầu tiên. Khi thu âm nhiều nữ nhạc công đã không cầm được nước mắt...
“Số phận” là một trông các bộ phim chống chiến tranh cảm động nhất! Phim rất đau thương nhưng bài hát trữ tình tuyệt vời này lại vô cùng hợp với ngữ cảnh, và với chủ đề của bộ phim.
Clip với cảnh quay trong phim và giọng hát thật của cô:
«Tiếng vọng của tình yêu»
Trời đêm đầy sao sáng,
Cành lá gió đung đưa.
Dù cách xa ngàn dặm em vẫn cảm được anh.
Chúng ta là tiếng vọng
Của tình yêu ngân nga.
Chúng ta là tiếng vọng
Của tình yêu thiên hà
Dù anh ở nơi nao
Tim em vẫn cảm được
Tình yêu lại vẫy gọi chúng ta tới bên nhau
Chúng ta là dịu êm, dịu êm
Dịu êm mãi mãi dành cho nhau.
Chúng ta là dịu êm, dịu êm
Dịu êm mãi mãi dành cho nhau.
Trong vùng tối nhạt nhòa,
Cả ở nơi tử địa
Em biết rằng ta sẽ chẳng rời nhau,
Chúng ta là ký ức
Là ký ức vũ trụ của nhau.
Chúng ta là ký ức
Là ký ức vũ trụ của nhau.
Chúng ta là tiếng vọng,
Của tình yêu ngân nga.
Chúng ta là tiếng vọng
Của tình yêu thiên hà
Ý nghĩa sâu sa của lời hát: tình yêu là một cảm nhận khó hiểu nhất trên đời, nó có rất nhiều chiều trong không gian vũ trụ. Nó không sợ gì sự xa cách về địa lý, đơn giản vì trái tim không đo khoảng cách. Thậm chí cả sự chia ly vĩnh cửu như cái chết cũng không đe dọa được tình yêu, một khi hai trái tim đã hòa cùng nhịp đập thì tình yêu đó sẽ lưu lại dấu vết trong vũ trụ mãi mãi...
(Như các bạn có thể để ý, các bài hát hay nhất của Anna German đều có những câu từ, hình ảnh về vũ trụ, bầu trời sao, khoảng cách... Và không chỉ với Anna mà thời kỳ này đề tài vũ trụ đang rất được chuộng ở Liên Xô - và phương tây cũng vậy!).
Rất nhiều ca sĩ đã và vẫn đang thử sức với bài hát này. Nam ca sĩ Aslan Ahmadov thể hiện tuyệt vời, người nghe sẽ có những cảm nhận rất khác, vì đây là người đàn ông gửi gắm tình cảm của mình vào lời hát:
Nữ hát dưới cái bóng của Anna German bài hát này rất khó, nhiều nữ ca sĩ xinh đẹp đã thử như Alsou, Ani Lorak... nhưng hát gần được bằng Anna German nhất là cô bé này:
Rosa Mukataeva:
Các buổi diến của cô ở CCCP bao giờ cũng chật kín khán giả, và rất hay bị ngắt quãng bởi những người phụ nữ ở các hàng ghế đầu hay thút thít khóc – họ biết cô đang đau đớn thế nào để lên được sân khấu, và thời gian của cô chắc không còn nhiều nữa. Cảnh thu âm bị ngắt quãng vì khóc được ghi lại khá chân thật trong bộ phim nhiều tập của Ucraina mang tên cô:
Đến năm 1982 khi những cơn đau trở nên không chịu được nữa cô nằm tại chỗ 2 tuần và chỉ đọc quyển Kinh Thánh mà bà ngoại cô để lại. Rồi cô nói với chồng: “Trong em có một giọng nói, bảo em rằng muốn vượt qua được bệnh tật thì phải cải đạo theo đạo của tổ tiên em!”. Và cô cải đạo (từ đạo Thiên Chúa sang một dòng đạo cổ của người Hà Lan xưa ở Đức). Nhưng điều đó cũng không giúp được cô lâu. Lần cuối đứng trên sân khấu, hát xong Anna không thể cử động để đi vào cánh gà được, thấy cô cứ đứng đó khán giả càng vỗ tay lâu vì tưởng lại được nghe thêm bài nữa... Đến lúc cô ngã thì mọi người mới biết để khiêng cô vào trong. Cô đã ra đi trong vòng tay yêu thương của người chồng 25/8/1982.
Có lẽ cũng cần nhắc lại chi tiết nhỏ, một trùng hợp hay điềm báo: cô sinh ra đúng vào ngày tình yêu 14/2. Và có lẽ vì thế trong mọi bài ca, mọi tác phẩm của Anna German ta đều thấy tràn ngập tình yêu, rất chân thực và gần gũi. Chính bởi vậy mà người ta rất yêu quý cô, ở mọi đất nước mà cô đã biểu diễn. Anna German chắc chắn đã để lại một “ký ức vũ trụ”, một “tiếng vọng tình yêu” rất lâu bền trong cuộc đời này!
Xin nghe lại tiếng hát tuyệt vời của cô trong một clip đẹp về trời đêm và vũ trụ một minh họa rõ nhất cho bài hát):
Ghi chú: bài thơ “Tiếng vọng tình yêu” của nhà thơ Rozdestvensky
Эхо Любви
Рассыпались в бездне пылинки алмазов
И реки как слезы бегут по земле.
Твой голос любимый услышу сквозь вечность,
Где бы ты ни был, в любой стороне.
Твой голос как эхо во мне отзовется,
Лишь стоит подумать тебе обо мне.
В сердце моем беспредельная нежность.
Я крестик в твоей сильной руке.
Чтобы с тобой и со мной не случилось,
Нас память друг о друге будет хранить.
Главное знай, никого в целом свете
Я не смогу как тебя полюбить.
И выгнутся ветви упруго.
Тебя я услышу за тысячу верст
Мы эхо, мы эхо.
Мы долгое эхо друг друга.