70 năm hành khúc 'Tiến quân ca': Một phần hồn không thể thay thế

04/09/2014

Tháng 10 tới, ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao sẽ tròn 70 tuổi (10/1944-10/2014). Ca khúc đã gắn liền với sự kiện lịch sử của dân tộc: Ngày 19/8 và 2/9/1945.

Từ cơn đói 2 triệu người

Ai cũng biết nhạc sĩ Văn Cao là một người đa tài: sáng tác hay, vẽ giỏi, làm thơ thần sầu nhưng như ông thừa nhận sau này, những công việc này không giúp ông có thêm thu nhập. Năm 1942, theo lời rủ của người bạn thân Phạm Duy, Văn Cao từ Hải Phòng lên Hà Nội học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương, làm thơ và viết truyện ngắn gửi Vũ Bằng đăng trên tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy.

Suốt 2 năm những hy vọng về sự nghiệp hội họa vẫn không thể thực hiện được. Như lời ông kể thì các tranh bày ở Salon Unique (Triển lãm Độc đáo) gây tiếng vang trong những năm 1943, 1944 nhưng không bán được. Ông cũng “chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó, dù đã được trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn… Hàng ngày nhờ mấy người bạn họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Cuộc sống lang thang đó không thể kéo dài nhiều ngày. Muốn tìm việc làm thì không có chỗ. Hà Nội lúc ấy đang đói”.


Nhạc sĩ Văn Cao qua nét ký họa của Hùng Văn và bút tích chép tay câu chuyện
Tiến quân ca của nhạc sĩ

Hà Nội đang đói, cả nhà ông cũng đang đói khổ. Năm 1944, mẹ ông cùng các em, các cháu dắt díu nhau từ Nam Định ra Hải Phòng, “dọc đường đã để lạc mất đứa cháu gái con anh cả tôi. Nó mới lên 3. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Có thể nó nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy”. Bản thân Văn Cao cũng chẳng khá gì hơn, năm ấy rét hơn mọi năm, trên căn gác 171 phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) ông ngủ với cả quần áo, có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi…

Và rồi ông gặp lại Vũ Quý, một chiến sĩ Việt Minh, vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao từ nhiều năm trước và thường khuyến khích ông sáng tác những bài hát yêu nước, như Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Tiếng rừng… Gặp nhau tại một hiệu ăn gần ga Hàng Cỏ, Vũ Quý đặt vấn đề mời Văn Cao tham gia vào lực lượng Việt Minh và sáng tác một hành khúc cho quân đội cách mạng. Nhạc sĩ Văn Cao đồng ý. Đó chính là chất xúc tác đầu tiên để Tiến quân ca ra đời.

Thời điểm ấy, nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại: “Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên hồ lạnh. Họ đang đun thứ gì trong ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc, cũng không phải là cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định - Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt, và quay đi. Đêm ấy, về căn gác tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca”.

Lúc ấy, tin từ gia đình cho hay, cả nhà lại từ Hải Phòng về Nam Định, mọi người đang phải tìm mọi cách để sống qua ngày… Trong căn gác hẹp số 171 phố Mongrant, Văn Cao ngồi sáng tác bên cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, “mấy làn cây, và một màn trời xám”, tiếng kêu cứu của gia đình ông vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Sau này có người chất vấn ông sao bài Quốc ca lại có những đoạn lời như “Thề phanh thây uống máu quân thù”, nhạc sĩ Văn Cao đã trả lời: “Hoàn cảnh lúc đó, nếu không có 2 triệu người chết đói dần mà tôi đã từng chứng kiến khi bắt đầu sáng tác ca khúc này, tôi sẽ không viết như vậy”.

Đến bản hùng ca “hay nhất Việt Nam”

Tiến quân ca được nhạc sĩ Phạm Duy xem là một trong những bài hùng ca hay nhất của tân nhạc Việt. Ông khẳng định rằng Văn Cao “là người đẻ ra loại hùng ca Việt Nam” dù loại nhạc này đã được Thẩm Oánh, Hoàng Quý hay Lưu Hữu Phước có công khai phá, nhưng thật là “Việt Nam” thì phải là Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam Bắc Sơn.

Vào thời điểm tháng 10/1944, với Văn Cao ông chỉ muốn nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho chiến sĩ có thể hát được. Và ông mở đầu bằng “Đoàn quân Việt Minh đi/Chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”... Tên bài hát và lời ca là một sự tiếp tục từ Thăng Long hành khúc, “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng” hay trong Đống Đa, “Tiếng quân hành khúc ca/Thét vang lừng núi xa”.

Lời trên đã rút ngắn thành tên bài Tiến quân ca, và tiếng thét ấy đã vang ở đoạn cao trào của bài hát: Tiến lên! Cùng thét lên!/Chí trai là đây nơi ước nguyền!”.

Nhạc sĩ Văn Cao không nhớ mình đã sáng tác bài hát này trong bao lâu và bằng nhạc cụ nào nhưng ông nhớ rõ người đầu tiên được nghe là nhạc sĩ Phạm Duy và ông cũng nhớ rõ nụ cười của ông Vũ Quý: “Da mặt anh đen xạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”.

Ngày 16/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chọn Quốc ca cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong dịp Đại hội Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa. Giữa 3 ca khúc: Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Minh (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam) của nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Bác đã chọn Tiến quân ca.

Ngày 17/8/1945 tại Nhà hát Lớn đã diễn ra cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được buông từ từ bao lơn Nhà hát Lớn xuống. Bài Tiến quân ca lần đầu tiên được hát chính thức, đã nổ như một trái bom. Nhạc sĩ Văn Cao ghi lại “Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên vang theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim”.

Đến lần thứ hai, ngày 19/8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng hát Tiến quân ca, chào lá cờ đỏ sao vàng. Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù bọn đế quốc, với sự hào hứng chiến thắng của cách mạng.

Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy.

Tuy vậy, trong 70 năm ra đời, Tiến quân ca (Quốc ca) cũng có không ít thăng trầm. Năm 1955, Quốc hội mời nhạc sĩ Văn Cao tham gia sửa chữa một số chỗ về phần lời và trở thành Quốc ca như hiện nay. Chưa kể có những lúc Quốc ca bị nhăm nhe thay thế hoặc sửa lời hoặc có người tự nhận là đồng tác giả. Nhưng mọi thứ rồi cũng đã qua, Tiến quân ca đã trở thành bài hát của cả dân tộc, một phần hồn không thể thay thế.

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.