60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam - 60 năm âm nhạc thiếu nhi
Phần I: Vài nét ngày Hội mới ra đời
Cách nay đúng 60 năm Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được tiến hành tại Hà Nội với con số chưa đến 50 hội viên đầu tiên. Đến nay hơn một nửa số đó đã thành người thiên cổ. Cùng với đông đảo hội viên hiện nay, số hội viên ít ỏi đầu tiên còn lại vẫn tiếp tục cố gắng hoạt động xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh. Là người có may mắn tham gia Đại hội thành lập Hội năm 1957, xin kể lại vài nét đáng nhớ hồi ấy.
…Tôi từ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc vào cuối năm 1954. Trong kháng chiến chống Pháp, đã có một số sáng tác được phổ biến ở các tỉnh Nam Trung bộ. Ra thủ đô, tôi tìm đến trụ sở cơ quan Ban Nhạc Vũ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam để bắt liên lạc với các nhạc sĩ mọi miền đất nước. Đây là một ngôi nhà hai tầng tuy nhỏ nhưng khang trang nhìn ra Hồ Gươm, lúc nào cũng đông vui, xôn xao tiếng cười nói của anh em nhạc sĩ với đủ giọng nói Bắc, Trung, Nam. Ngoài hai nhạc sĩ quen biết cũ hồi còn ở Nam Trung bộ như các anh Phan Huỳnh Điểu và Vân Đông, cùng một số ít nhạc sĩ Nam Bộ vừa ra tập kết, còn lại là các nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Bắc lần đầu tiên tôi được gặp như các anh Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Văn Thương, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Tý, Lê Yên, Tạ Phước... Hồi đó, tôi đã có một số bài hát được đăng trên sách báo thủ đô và phát trên đài Tiếng nói Việt Nam và đặc biệt có một loạt bài nghiên cứu về "Bài chòi", dân ca miền Nam Trung Bộ đăng trên tạp chí âm Nhạc của Ban Nhạc Vũ (do nhạc sĩ Tử Phác phụ trách), nên được các nhạc sĩ đàn anh chú ý.
Năm 1956, một hôm đến Ban Nhạc Vũ, tôi được nghe các anh cho biết Ban trù bị Đại hội ngành Nhạc vừa được thành lập do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm trưởng ban. Sau đó ít lâu, Ban trù bị mời một số nhạc sĩ đến cơ quan nghe trưởng ban trình bày dự thảo đại hội. Tôi còn nhớ đề mục gây tranh luận sôi nổi nhất là về cơ cấu, tổ chức của Hội. Ban đầu có rất nhiều ý kiến đề xuất, nhưng rồi còn lại hai ý kiến tập trung nhất. Theo ý kiến thứ nhất, nên thành lập đồng thời ba hội: Hội Nhạc sĩ sáng tác, Hội Nhạc sĩ biểu diễn và Hội Nhạc sĩ huấn luyện, vì lẽ chức năng của ba ngành sáng tác, biểu diễn và huấn luyện rất khác nhau không nên nhập làm một gây khó khăn cho việc hoạt động. Theo ý kiến thứ hai, ba ngành này rất gắn bó với nhau, vừa hoạt động vừa hỗ trợ lẫn nhau, không thể tách riêng, do đó chỉ nên thành lập một hội duy nhất là Hội Nhạc sĩ Việt Nam với hai ngành sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm và ngành biểu diễn, huấn luyện. Trong quá trình tranh luận, phân tích, tôi nghiêng về ý kiến thứ hai vì cảm thấy hợp lý hơn. Sau khoảng nửa năm họp tới họp lui, thảo luận cân nhắc, cuối cùng Ban trù bị quyết định theo ý kiến thứ hai để làm cơ sở chuẩn bị cho Đại hội sắp tới.
Ngày 27-5-1957, Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính thức khai mạc tại lầu bốn nhà số 96 phố Huế, Hà Nội. Có dưới năm mươi nhạc sĩ được Ban trù bị chính thức mời tham gia đại hội cùng nhiều khách mời các ban ngành, hội khác. Tôi còn nhớ trong đó, số nhạc sĩ miền Nam tập kết chỉ có khoảng mươi người, trong đó có 4 người ở Liên khu Năm (cũ) là Phan Huỳnh Điều, Vân Đông, Nhật Lai và Trương Quang Lục, còn lại là các nhạc sĩ Nam Bộ. Sau ba ngày làm việc, chiều ngày 29-5-1957, Đại hội bế mạc. Ban Chấp hành đầu tiên được bầu ra gồm 11 nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát - Chủ tịch; Đỗ Nhuận - Tổng thư ký; Lưu Hữu Phước - Phó tổng thư ký; Văn Cao, Văn Chung, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Phúc, Tạ Phước, Nguyễn Ngọc Thới, Lương Ngọc Trác và Nguyễn Văn Tý – các ủy viên. Đến nay 10 nhạc sĩ trong Ban Chấp hành đầu tiên đã mất, chỉ còn lại Nguyễn Văn Tý và vị này nay cũng đang ở tuổi "cửu thập".
Tôi còn nhớ như in là khi Đại hội bế mạc, tất cả hội viên chúng tôi cùng một số đại biểu các ngành bạn đến tham dự cùng kéo nhau lên sân thượng của nhà 96 phố Huế để chụp ảnh làm kỷ niệm. Trong Đại hội lịch sử này, tôi là người nhỏ tuổi nhất - 24 tuổi - và có lẽ là người hạnh phúc nhất, vì có dịp được ngồi cạnh các nhạc sĩ đàn anh từng nổi tiếng cả nước, nhưng cũng được bình đẳng tham dự suốt thời gian Đại hội và tự bản thân độc lập suy nghĩ, cân nhắc để rồi giơ tay biểu quyết thông qua các văn kiện Đại hội và bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên của đất nước. Sáu mươi năm đã qua, đến nay, hơn một nửa số "hội viên sáng lập Hội" năm ấy đã ra đi, nhưng Hội đã phát triển lớn mạnh với con số hội viên lên đến trên 1000 người gấp mấy chục lần so với những ngày mới ra đời. Đón Ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam sắp tới, xin đừng quên những ngày Hội còn "trứng nước " cùng những con người từng khai phá con đường rộng mở hôm nay.
Phần 2: 60 năm âm nhạc thiếu nhi
Trong 60 năm qua kể từ khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra đời, giới nhạc sĩ cùng các cơ quan, đoàn thể âm nhạc cả nước đã có những hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động âm nhạc của trẻ em. Đã có hàng ngàn tác phẩm âm nhạc dành cho tuổi thơ ra đời và một số bài đã lắng đọng lâu dài trong lòng các thế hệ thiếu nhi. Các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, các nhà xuất bản, hãng băng đĩa... đã góp phần đưa các tác phẩm âm nhạc này đến với tuổi thơ. Trong cả nước, năm nào cũng có hội diễn ca múa nhạc khắp các tỉnh, thành, quận, huyện, qua đó lời ca, tiếng hát các em nhỏ có dịp bay cao, bay xa. Đã có rất nhiều các cuộc vận động sáng tác bài hát cho thiếu nhi qui tụ hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm dành riêng cho các em.
Sau đây xin điểm qua một số tác giả - tác phẩm có nhiều đóng góp cho hoạt động âm nhạc thiếu nhi cả nước trong 60 năm qua.
Giai đoạn từ 1957 đến 1975:
Ở miền Bắc, có rất nhiều nhạc sĩ đã dành phần lớn công sức viết cho thiếu nhi và có những tác phẩm được các em yêu thích: Đội ta lớn lên cùng đất nước, Bác sống đời đời, Hành khúc Đội (Phong Nhã), Em là mầm non của Đảng (Mộng Lân), Bác Hồ người cho em tất cả (Hoàng Long – Hoàng Lân), Em đi giữa biển vàng (Bùi Đình Thảo), Em đố mẹ em (Văn Dung), Đưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích), Hạt gạo làng ta (Trần Viết Bính), Vào rừng hoa (Việt Anh), Dậy đi thôi (Nghiêm Bá Hồng)...
Trong giai đoạn này, có những nhạc sĩ viết nhiều cho người lớn nhưng cũng đã dành thời gian đáng kể viết cho thiếu nhi như Nguyễn Xuân Khoát (Lúa thu), Hoàng Vân (Ca ngợi Tổ quốc, Em yêu trường em, Mùa hoa phượng nở), Phan Huỳnh Điểu (Nhớ ơn Bác, Đội kèn tí hon), Phạm Tuyên (Em vui chơi ngày hôm nay, Trường cháu là trường mầm non, Cô và mẹ), Xuân Giao (Anh phi công ơi, Em mơ gặp Bác Hồ), Trương Quang Lục (Xỉa cá mè), Phan Nhân (Chú ếch con), Tân Huyền (Chị ong nâu và em bé), Thanh Phúc (Nhớ giọng hát Bác Hồ), Hoàng Nguyễn (Miền Nam của em), Văn Ký (Bên bờ biển xanh)...
Có một số nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi không nhiều, nhưng trong giai đoạn này cũng để lại một vài ca khúc khá phổ biến trong các em như các bài Chiếc khăn hồng (Lê Đình Lực), Bé bé bằng bông (Phạm Đức Lộc), Năm ngón tay ngoan (Trần Văn Thụ), Em bé Bảo Ninh (Trần Hữu Pháp), Gọi bướm (Đào Ngọc Dung)...
Ở miền Nam, bên kia vĩ tuyến 17, trong thời gian này cũng đã có một số ca khúc thiếu nhi được phổ biến rộng rãi: Trường làng tôi (Phạm Trọng Cầu), Tuổi thơ (Lê Thương), Em yêu ai (Hùng Lân), Đêm Trung thu (Lương Phương), Rước đèn tháng Tám (Văn Thanh), Ba bà đi bán lợn con (Lê Cao Phan), Chiếc thuyền nan (Minh Lương) ...
Giai đoạn từ 1975 đến nay:
Từ khi Tổ quốc thống nhất, hoạt động sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi ngày càng phong phú và đa dạng với sự tham gia của đông đảo các nhạc sĩ trên mọi miền đất nước. Các nhạc sĩ nổi tiếng từng viết cho thiếu nhi cũng như các nhạc sỉ trẻ trưởng thành từ sau 1975 đã đóng góp cho tuổi thơ hàng ngàn ca khúc hay, đẹp có ý nghĩa.
Từ miền Bắc, các nhạc sĩ tiếp tục đã cho ra đời những ca khúc được thiếu nhi cả nước yêu thích, đáng chú ý có các bài: Bài ca sum họp (Phong Nhã), Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở bản Đôn (Phạm Tuyên), Buổi sáng trên thành phố Bác Hồ (Mộng Lân). Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác (Hoàng Long - Hoàng Lân), Em đi trong tươi xanh (Vũ Thanh), Em bay trong đêm pháo hoa, Mùa xuân và tuổi hoa (Hàn Ngọc Bích), Bầu trời này, mặt đất này (Huy Trân), Em làm kế hoạch nhỏ (Lưu Bách Thụ), Trường em (Phạm Đức Lộc), Mơ ước ngày mai (Trần Đức), Hoa thơm dâng Bác (Hà Hải), Mùa xuân tình bạn (Cao Minh Khanh), Tư Radơlip đến Pắc Bó (Phan Long), Em như chim câu trắng (Trần Ngọc), Mùa thu ngày khai trường (Vũ Trọng Tường), Cô giáo (Đỗ Mạnh Thường)...
Ở miền Trung, một số nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi cũng đã có những tác phẩm được đông đảo các em mọi miền yêu thích: Niềm vui của em (Nguyễn Huy Hùng), Năm 2000 của chúng em (Hình Phước Liên), Bài học đầu tiên (Trương Xuân Mẫn), Cả nhà thương nhau (Phan Văn Minh), Điệu lý quê em (Thái Nghĩa), Hát về chú bộ đội đảo xa (Trân Xuân Tiên), Tiếng trống đêm trăng (Lê Hàm)...
Tại miền Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh đã ra đời khá nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi với phong cách mới mẻ, sôi động được tuổi thơ cả nước yêu thích: Ngày vui mới, Sóng biển rì rào (Phan Huỳnh Điểu), Thành phố của chúng em, Chú thỏ con (Xuân Hồng), Cô giáo em, Em đi chơi thuyền (Trần Kiết Tường), Hôm nay mẹ trực đêm, Nghĩ về cô giáo em (Hoàng Hiệp), Một hai ba bốn út cưng, Màu áo chú bộ đội (Nguyễn Văn Tý), Cháu đi mẫu giáo, Trăng tròn, Của em tất cả (Phạm Minh Tuấn), Em là hoa hồng nhỏ, Khăn quàng thắp sáng bình minh, Tuổi đời mênh mông (Trịnh Công Sơn), Trái đất này là của chúng mình, Màu mực tím, Chỉ có một trên đời (Trương Quang Lục), Cho con, ước mơ hồng, Nhịp cầu tre (Phạm Trọng Cầu), Vườn cây của ba, Như con chim én (Phan Nhân), Mùa xuân đang đến, Những bông hoa mùa hè (Trần Long ẩn), Bông hồng tặng cô, Hoa ban vào lớp (Trần Quang Huy), Bay cao tiếng hát ước mơ (Nguyễn Nam), Cánh đồng tuổi thơ (Lư Nhất Vũ), Thành phố của những người anh hùng (Cửu Tho), Vầng trăng cổ tích (Phạm Đăng Khương), Hổng dám đâu (Nguyễn Văn Hiên), Khúc ca bốn mùa (Nguyễn Hải), Mái trường mến yêu (Lê Quốc Thắng), Trọn niềm kính yêu (Lê Vinh Phúc), Bụi phấn (Vũ Hoàng - Lê Văn Lộc), Ngày đầu tiên đi học (Nguyễn Ngọc Thiện), Bố là tất cả (Thập Nhất), Sapa hỡi Sapa hời (Thế Bảo), Em vẫn nhớ trường xưa (Thanh Sơn), v.v... và còn nhiều ca khúc của các nhạc sĩ: Tôn Thất Lập, Diệp Minh Tuyền, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Văn Sanh, Trần Thanh Tùng, Ngô Tùng Văn, Khánh Vinh, Nguyễn Đức Trung, Trương Tuyết Mai, Thảo Linh, Tôn Thất Thành, Hoàng Trung Dũng, Trần Thiết Hùng, Đặng Hưng, Phạm Thanh Hưng, Phạm Thế Mỹ, Phan Thanh Nam, Trần Minh Phi, Thanh Sơn, Vy Nhật Tảo, Trịnh Vĩnh Thành, Trương Ngọc Toán, Trần Anh,Võ Công Anh, Dương Hưng Bang, Phan Bá Chức, Vũ Lê Phú, Lương Bằng Vinh...
*
Để có được hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm viết cho thiếu nhi trong khoảng thời gian 60 năm qua, giới nhạc sĩ chúng ta đều có chung quan điểm: Nếu một đời người gắn bó không rời với âm nhạc, thì riêng lứa tuổi ấu thơ đã dành cho âm nhạc một tình cảm khá đặc biệt với lòng yêu thích đến độ say mê. Vì lẽ đây là nhu cầu hết sức tự nhiên và chính đáng của tuổi nhỏ, nên trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, cũng như Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nước ta có ghi rõ "quyền ca hát của trẻ em". Nếu quyền lợi này không được đáp ứng đầy đủ hoặc để thả nổi cho thiếu nhi tự do tìm đến những bài ca, bản nhạc không phù hợp với tâm sinh lý tuổi thơ, thậm chí đồi trụy độc hại, thì đó sẽ là thái độ thiếu trách nhiệm đối với các em nhỏ. Thực tế đã chứng minh rằng 60 năm qua, thực thi "quyền ca hát của trẻ em", bằng hàng ngàn hàng vạn tác phẩm của mình, giới nhạc sĩ Việt Nam chúng ta đã góp phần đắc lực chăm sóc và giáo dục trẻ em, những người chủ tương lai của đất nước.