Hãy tìm em nhé Lionhia hay Thời gian ơi, xin ngừng trôi

06/06/2018

Thời chúng tôi còn bé tý thì rạp chiếu ít phim trẻ em lắm, chúng tôi cứ xem phim người lớn thả phanh (nếu có tiền hehe), thích nhất là các phim nước ngoài, có đánh đấm, thêm các cảnh tình yêu, xem xong còn về kể cho nhau và bàn luận chán mới thôi. Nói chung là cứ “phim chiến đấu Liên Xô”, “phim màu màn ảnh rộng” là yên tâm xem hay rồi. Trẻ con nhớ nhất các phim hay như “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”, “Bốn chiến sĩ xe tăng và con chó” (lúc đó đã thắc mắc sao xe tăng nhà mình lại có bài hát “năm anh em”-ngồi vào đâu?), “Kỵ sĩ không đầu”, “Ba hạt dẻ”... Phim dành cho trẻ em cũng nhớ nhất là “Cậu bé kỳ quặc lớp 5B”, “Ông già Khôt-ta-bit” và “Hãy tìm tôi nhé Lionhia” (đúng ra thì phải dịch là “em”).

Phim cuối cùng này nội dung cũng đơn giản, tình bạn (thực ra có thể gọi là “mối tình”) giữa một cô bé con nhà khá giả và một cậu bé nhưng lớn hơn nhiều, mồ côi, theo cách mạng... Lâu ngày cũng không nhớ nội dung lắm, nhưng trong phim có một bài hát mà cũng chỉ có một giai điệu từ đầu đến cuối, rất hay - sau này có internet mới có thể tìm lại để xem lại cuốn phim này và nghe lại bài hát.

Hồi đó Hà Nội lập tức có lời tiếng Việt, tôi thấy mấy anh chị đã đến tuổi “thích nhau” - tức là lớp 7, lớp 8 thôi, hồi đó thế là thanh niên rồi - chuyền tay nhau chép lời rồi dạy nhau hát, tôi cũng nhớ mang máng một đoạn, vì quả thật bài hát đó hay và rất ám ảnh, nhất là câu đầu tiên (hay vì nó chỉ có một giai điệu?):

"Thời gian ơi, xin ngừng trôi
Để cho tôi nhắn đôi lời.
Đời tha phương, giọt lệ rơi,
Chua xót thay, tình nghĩa đời...
Đoàn thuyền lướt trên mặt sông,
Để lại bóng ai mong chờ
Buồn vì đâu, thương vì đâu
Ông cháu tôi lạc giữa đời"

Đó là bài hát cô bé cùng ông cụ già hát rong hát giữa chợ trong phim, cảnh đó và cảnh cuối phim khi cậu bé phải ra đi trên tàu thủy thì cô bé chạy trên bờ và kêu lên “Hãy tìm em nhé, Lionhia!” là hai cảnh cảm động nhất trong phim này, phim trẻ con thôi mà kết thúc kiểu không “ta thắng, địch thua” như mọi lần đâm “hụt hẫng” lắm, trong rạp nhiều chị em không kìm được nước mắt cứ thút thít cho đến khi đèn sáng. Thế rồi về nhà họ lại nghêu ngao với nhau “Thời gian ơi xin ngừng trôi...”

Sau này sang Liên Xô tôi mới biết có nhiều phim dùng đến bài hát này, mà nổi tiếng nhất có lẽ là trong phim “Sông Đông êm đềm” với nữ ca sĩ hát rất hay - Muravieva:

Cứ nghĩ đó là một bài dân ca Nga cơ, mà đúng là âm hưởng dân ca thật, hóa ra nó có một lịch sử đâu ra đấy, nhưng vì dân Nga thích và hay hát quá nó thành ra bài hát dân gian thật, chả mấy ai nhớ đến nhà thơ và nhạc sĩ nữa. Đầu thế kỷ 20 nó được sáng tác, với tên gọi “Ôi cái đêm ấy sao tuyệt vời đến thế” - đó cũng là câu hát đầu tiên trong bài. Ngay lập tức nó nổi tiếng, đến mức năm 1916 ra đời một phim câm nhưng có nhạc nền chính là bài hát này, cùng với tên gọi đó luôn. “Ôi cái đêm ấy” lập mọi kỷ lục về lượt xem tại Nga (hồi đó chưa có lồng tiếng) - và một loạt phim bắt chước, ra đời theo dạng phim dựa trên bài hát như thế...

Nội dung câu chuyện như sau: một ông chủ tàu ngựa phá sản và tự tử, có một tay chủ nhà máy đến mua lại mấy con ngựa rồi mời người con kẻ xấu số tới làm việc cho hắn. Ở công ty chàng trai phải lòng chính con gái ông chủ và cô gái cũng đáp trả bằng tình cảm sâu nặng. Đến khi người chủ biết, hắn giận dữ vô cùng và quyết tìm cho con gái một chàng rể môn đăng hộ đối. Đôi trai gái đã bỏ trốn, định cưới nhau nhưng cô gái bị bắt lại, chàng trai chạy được nhưng bị một vết thương. Trong khi chàng trai nằm chữa thương thì người con gái đã bị ép đi lấy chồng. Khi biết được tin này, chàng còn sống thêm mấy ngày nữa trong dằn vặt, nhớ lại chuỗi ngày hạnh phúc ngắn ngủi bên nhau. Cuối cùng không chịu nổi vết thương lòng, chàng trai cũng tự kết liễu cuộc đời... Khổ đầu tiên của bài hát đã nói lên tất cả:

“Ôi cái đêm hôm ấy
Sao tuyệt vời đến vậy
Nếu không tim đã chả đau
Và vết thương không sưng tấy...”

Phim lại làm cho bài hát càng nổi tiếng hơn, người ta hát nó khắp từ thành thị tới thôn quê. Nó mang âm hưởng của dân ca nhóm dân Cô-dăk vùng sông Đông - dân tộc nổi tiếng thiện chiến trên lưng ngựa, với con sông Đông và thảo nguyên hùng vĩ, thực ra vùng này là “thủ phủ” của bạch vệ, nơi diễn ra các sự kiện được kể trong “Sông Đông êm đềm”.

Rất nhiều ca sĩ, nhóm bè đã hát và hát hay bài hát này. Người ta nghĩ thêm rất nhiều lời cho một giai điệu duy nhất ấy...

Đàn ông hát: 

Cả đàn ông đàn bà hát thật xúc động (Dreva thể hiện hay nhất): 

Trong lời hát ta như thấy được cả thiên nhiên vùng sông Đông mênh mang, và nối buồn mang mác của người Cô-dăk: 

Ngày nay đây là một trong những bài hay được dân Nga hát nhiều nhất khi hội hè, nhậu nhẹt.

Đã hơn 40 năm, sợ thật! Thời gian ơi xin ngừng trôi...

Bonus: PHIM THIẾU NHI CCCP ở Việt Nam THỜI BAO CẤP

1) Nàng Varvara xinh đẹp
2) A-la-đanh và cây đèn thần
3) Lửa, nước, ống đồng
4) Chấm, chấm, phẩy
5) Công chúa và hạt đậu
6) Ruxlan và Lut-mi-la
7) Nàng tiên cá
8) Những chuyện xảy ra trong công tác quân báo
9) Em bé tìm cha
10) A-li-ba-ba và 40 tên cướp
11) Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem
12) Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt
13) Ông già Khôt-ta-bit
14) Cậu bé kỳ quặc lớp 5B
15) Hãy tìm tôi nhé Lionhia!

Còn ai muốn xem lại bộ phim thời thơ ấu thì xin mời (bài hát ở phút 48p30): https://www.youtube.com/watch?v=K88FIb0-gtY

N

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.