Bài hát ĐÔI BỜ và cuộc đời thật của tác giả lời của bài hát

25/12/2017

Grigory Pozhenyan ngồi một mình trong căn hộ rộng rãi. Ông ngẫm nghĩ về cuộc đời, về đất nước. Ông là một nhà thơ, nhà văn lớn của nước Nga, là công dân Nga, hai lần được giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga, nhưng ông vẫn thấy như mình chẳng phải người Nga.

Ông sinh ra ở Kharkov, nhưng lại lớn lên ở Odessa. Bố ông, người gốc Armenia, mẹ ông gốc Do Thái. Vậy thì quê hương ông ở đâu? Ông vẫn tự nhủ là mình có nhiều quê hương để mà yêu dấu. Người Do Thái thì lưu lạc khắp toàn cầu mà vẫn không có tổ quốc. Nhưng ông có cố đô Kharkov, có thành phố cảng Odessa, được mệnh danh là hòn ngọc Hắc hải, và ông có Moscow tráng lệ.

Thế nhưng, từ sâu thẳm, ông vẫn mặc cảm vì là người Do Thái. Ông nhớ khoảng năm lên mười lăm tuổi, cậu bé Grigory vẫn coi mình được sinh ra trong một gia đình trí thức danh giá. Bố là giám đốc một viện nghiên cứu lừng danh, mẹ là một bác sĩ nổi tiếng. Nhưng chỉ mấy năm sau, bố ông bị quy là phản cách mạng, mẹ cũng vì gốc Do thái mà bị chuyển công tác đến nơi rất xa. Grigory những tưởng mình cũng sẽ bị chuyển đi Xibir chặt cây đốn củi. Nhưng nhờ chiến tranh xảy ra, vừa tốt nghiệp phổ thông năm 1939 là chàng trai tham gia quân đội, phục vụ trong hạm đội Hắc Hải, nên không bị đày đi xa nữa.

Các tướng lĩnh trong binh chủng hải quân chưa bao giờ thấy một tay lính thủy đánh bộ dũng cảm và liều lĩnh như chàng trai này. Trận chiến nào có Grigory tham gia thì các vị tướng đều tin rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Anh dẫn đầu nhiều toán biệt kích đi phá những chiếc cầu, để ngăn chặn đà tiến công của quân Đức. Chiếc cầu đầu tiên mà anh phá sập là cầu Varvarovsky ở Nikolaev. Rồi tiếp theo nhiều cầu nữa, cho đến chiếc cuối cùng là ở Belgrade.

Các tướng lĩnh không biết được vì đâu mà anh dũng cảm và nhanh nhẹn thế, nhưng anh biết: anh chỉ có một niềm tin mãnh liệt vào chúa Trời. Anh tin Chúa sẽ bao bọc anh lành lặn. Bởi thế, anh không sợ gì cả.

Chiến đấu dũng cảm như thế, nhưng Grigory vẫn mang tiếng là một chàng lính ngỗ ngược. Bởi vì anh sẵn sàng bảo vệ quan điểm chính trị của mình trước đồng đội, anh không sợ ai. Các tướng lĩnh quý anh, nhưng tay chính ủy Genkov thì ghét anh ra mặt. Anh cũng không ưa gì hắn ta. Một lần, hắn gọi anh vào phòng chỉ huy, quát mắng anh một cú phủ đầu:

- Tôi nói cho anh biết nhé. Bố anh là phần tử phản cách mạng, mẹ anh là mụ đàn bà Do Thái. Anh phải lễ độ với mọi người, đừng có mà vênh vang kênh kiệu.

Grigory đáp lại:

- Bất kể bố tôi là ai, mẹ tôi là ai, tôi là một chiến sĩ Hồng quân. Báo cho anh biết, nếu anh còn nói đến bố mẹ tôi lần nữa thì tôi không tha cho anh đâu.

Và anh bước ra ngoài.

Tay Genkov này vẫn không chừa. Một lần, trước hàng quân, trên boong tàu, hắn gọi anh là con của mụ Do Thái. Anh lẳng lặng ôm ngang người hắn và quẳng xuống biển. Tên này sặc sụa vùng vẫy dưới nước một hồi. May mà đồng đội ném phao xuống cho hắn để hắn bám và kéo hắn lên. Genkov đề nghị vị tướng chỉ huy kỷ luật Grigory, nhưng ông ta phớt lờ. Chính ông cũng không thích hắn ta.

Trận đánh mà Grigory nhớ đời là trận cứu toàn dân ở Odessa. Năm 1941, thành phố bị bao vây. Nhà máy cấp nước cho thành phố nằm cách xa 40 km lại bị Đức chiếm. Dĩ nhiên bọn chúng cắt nước, định làm toàn dân Odessa chết khát. Dự trữ nước của thành phố cạn kiệt dần. Người ta phải phân khẩu phần cho mỗi người mỗi ngày chỉ đươc một ca nước. Thế mà cái khẩu phần chết tiệt kia cũng không chắc kéo dài được mấy ngày. Bộ chỉ huy thành lập một toán biệt kích gồm 32 chàng lính thủy đánh bộ sừng sỏ nhất, do Grigory làm toán trưởng, và oái oăm thay lại có cả Genkov làm chính trị viên. Nhiệm vụ của toán biệt kích này là bí mật hành quân đến gần nhà máy nước rồi bất ngờ đánh chiếm. Sau đó phải cố giữ cho bằng được một thời gian đủ dài để nhà máy cung cấp một lượng nước dự trữ cho Odessa. Nhưng trước ngày lên đường, Genkov biến mất. Hắn đã đào ngũ. Grigory đề nghị không cần người bổ sung. Ba mươi mốt chàng trai dũng cảm là đủ, thêm một tên hèn vào nữa chỉ tổ vướng chân. Trận đánh đã nhanh chóng thành công, nhưng giữ được lâu mới là khó. Van nước về thành phố đã được mở. Công nhân cho máy vận hành hết công suất. Những chàng biệt kích thì phân nhau các vị trí để chống trả bọn Đức tấn công vào. Chúng huy động tới cả trung đoàn với đủ các phương tiện để chiếm lại nhà máy. Cũng may là nhà máy còn dùng để cấp nước cho cả một quân đoàn của Đức cho nên chúng chỉ muốn chiếm lại chứ không dùng máy bay, đại bác phá hủy. Các chiến binh của Hồng quân ngã xuống dần. Đến khi chỉ còn 5 người, nhưng 5 ụ súng vẫn nhả đạn liên tục. Khi chỉ huy điện cho Grigory: “Khá lắm, cố giữ lấy một giờ nữa nhé, là lúc cả đội chỉ còn một mình anh. Lúc này anh phải di chuyển liên tục, nhà đạn từ ụ này một ít rồi lại sang nhả đạn ở ụ súng kia, để bọn Đức vẫn tưởng là bên ta vẫn còn mấy người. Đến khi chỉ huy ra lệnh: “Nhiệm vụ đã hoàn thành, lệnh cho rút lui”, thì Grigory trả lời: “Tôi e rằng không còn ai nữa để rút”. Ngay chính lúc đó, một loạt đạn đã nhắm trúng anh. Anh ngất lịm không biết gì nữa.

Quân Đức vẫn ngần ngại, thận trọng theo dõi mấy tiếng đồng hồ rồi mới dám tiến vào. Chúng đếm số xác chết và công bố đã tiêu diệt toàn bộ 30 biệt kích Nga. Tình báo Liên Xô cũng đưa tin về như thế, Vậy thì còn một cái xác nữa biến đi đâu? Mãi mấy tháng sau bộ chỉ huy mới có câu trả lời.

Grigory tỉnh dậy, thấy người bê bết máu. Anh đang nằm dưới tầng hầm của một ngôi nhà. Một bà già khẽ đặt ngón tay lên môi ra hiệu anh im lặng, rồi bà nói: “Con đã tỉnh rồi. Mẹ biết là con chưa chết, không thể chết, khi ông ấy cõng con về đây. Thì ra, trong khi bọn Đức còn thận trong chưa dám vào, một lão công nhân đã phát hiện là anh chưa chết, đã cõng anh về nhà. Sau mấy tháng lặng lẽ điều trị cho anh, ông lão đã liên hệ với du kích bí mật đưa anh ra ngoài. Anh lại liên lạc được với đồng đội.

Đơn vị đề nghị phong Grigory danh hiệu Anh hùng Liên Xô, nhưng không thấy cấp trên trả lời. Có lẽ người ta còn bận rộn với chiến tranh. Nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc nhiều năm, Grigory vẫn không được phong anh hùng. Anh cũng không quan tâm, không mong chờ. Cái lý lịch bố là phản cách mạng, mẹ gốc Do Thái đã làm anh chẳng mong gì phần thưởng. Có người bảo với anh rằng danh hiệu anh hùng là người ta đã sắp đặt cả rồi. Họ định cho ai là anh hùng thì họ sẽ bố trí để người đó đạt thành tích và rồi sẽ được phong. Grigory cũng hơi tin như vậy, nhưng vẫn còn nghi ngờ. Mãi sau, một người bạn khác phát hiện ra nguyên nhân thật. Tay Genkov đào ngũ ngày nào sau đó đăng ký vào một đơn vị khác, khai rằng hắn bị lạc đơn vị. Và hắn vẫn leo lên dần. Hiện hắn là viện phó viện Huân chương, tức là đơn vị xét phong Anh hùng Liên Xô, đời nào hắn duyệt cho anh.

Hết chiến tranh, Grigory thi vào trường đại học viết văn Gorky bởi nhiều người đã nói anh có tài viết văn. Bây giờ lại là “sinh viên ngỗ ngược” – chàng cãi nhau với hiệu trưởng và luôn đứng về phe những người bị coi là “xét lại” , cũng suýt 2 lần bị đuổi học và chỉ có quá khứ oanh liệt trong quân ngũ cứu chàng khỏi những vụ bị đuổi khỏi trường. Nhưng tài năng thì không ai có thể cướp đi của chàng: nhà văn, nhà thơ với 30 đầu sách, tác giả của 60 lời bài hát (trong đó có nhiều bài do chàng soạn nhạc luôn và rất nhiều bài được các ca sỹ đương thời trình diễn), tác giả nhiều kịch bản phim...Trong hoạt động nghệ thuật chàng lại vô cùng khó tính, cầu toàn và trách nhiệm, khác hẳn ngoài đời! Có lần vừa làm đạo diễn vừa viết kịch bản phim chàng đã cho cả loạt diễn viên chính không chịu tập trung vào công việc “chết ngay từ tập 1” – chàng sửa kịch bản và cho các nhân vật họ đóng hy sinh hết! Thật khó hình dung với “tính ngỗ ngược” đó mà chàng lại viết ra những dòng thơ rung cảm bao thế hệ.

Sau khi tốt nghiệp trường viết văn Gorky, Grigory gặp Tanhia, một cô gái Nga chính hiệu. Da trắng, tóc vàng, đôi mắt xanh, một ngoại hình hoàn chỉnh. Tanhia đang là nghiên cứu sinh ở trường đại học và đang làm đề tài tại một viện nghiên cứu. Rất nhiều chàng trai theo đuổi, vây vo quanh nàng. Một thanh niên hào hoa phong nhã mà đã mang quân hàm Đại tá, sắp sửa lên tướng, một Giáo sư tiến sĩ, học vị đầy mình và hứa hẹn tương lại rực rỡ. Nhưng nàng không yêu. Cũng chẳng hiểu tại sao, nàng lại thích những vần thơ êm dịu trong con người ngỗ ngược của Grigory. Hai người thường đi chơi với nhau vào các buổi chiều. Cái khó không ở anh chàng đại tá hoặc chàng giáo sư, nàng chỉ việc từ chối là xong. Khó khăn là ở cái viện nghiên cứu. Tổ chức của viện đã nói với nàng rằng viện dự định khi nàng bảo vệ xong là nhận nàng về làm việc chính thức tại viện, một vị trí tuyệt vời. Nhưng nếu nàng lấy con một ông phản cách mạng, một bà gốc Do thái, thì nàng sẽ không được nhận nữa. Ông tổ chức ấy cũng đã đánh tiếng với bố mẹ nàng như thế, cho nên bố mẹ nàng cũng hết sức ngăn cản. Grigory thấy rõ, cuộc chiến với bọn Đức ở nhà máy nước là cuộc chiến với kẻ thù, vì vận mệnh của người dân Odessa, còn cuộc chiến hiện nay là cuộc chiến với những người “đàng mình”, cuộc chiến để giành hạnh phúc cho chính chàng và nàng. Grigory tin rằng họ sẽ vượt qua, nhưng Tanhia thì vẫn còn hoang mang lắm. Có hôm Tanhia nói: “Anh và em ở hai bờ của dòng sông này. Không có cầu, không có phà, làm sao mà gặp nhau đây?” Nhưng chàng nói đôi bờ đâu cách xa và chúng ta sẽ đến được với nhau thôi.

Tanhia vẫn rất buồn. Những ngày này Grigory hiểu rõ và cảm thông với nàng. Chàng đã làm những vần thơ mà sau này bao người xúc động. Bài thơ này sau đó được Andrey Yakovlevich Eshpai phổ nhạc và làm bài hát trong bộ phim “Khát” do chính Grigory viết kịch bản dựa trên cuộc chiến đấu chiếm nhà máy nước mà anh đã chỉ huy:

Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới 
Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời 
Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta, 
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng 
Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng 
Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với tình yêu thiết tha 
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Đêm dần qua ánh ban mai đang lan tràn dâng tới. 
Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời. 
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha. 
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha. 
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa....

Bài hát rất hay và rất buồn, tất nhiên “Đôi bờ” buồn, buồn lắm, nhưng ý nghĩa của bài hát, của đôi bờ sông này hiểu thế nào đây, hát mãi rồi nhưng cho đến tận ngày nay người ta cũng chưa thống nhất được là ý nghĩa thực sự mà tác giả lồng vào đấy là gì đâu. Đa số nghĩ rằng, và có lẽ không sai, là: đôi trai gái dù yêu nhau nhưng cuộc đời trái ngang nên không thể đến được với nhau, tuy vậy họ mãi giữ tình cảm đẹp với nhau, mãi song hành trên con đường đời nầy, như đôi bờ sông của một con sông vậy! Rất logic thôi, nhưng có một số người khác không nghĩ thế, trong đó có thể có cả... tác giả của ca từ tuyệt đẹp này!

Cũng có người suy diễn bài hát nói về một mối tình vô vọng của một cô gái chung thủy với một chiến sĩ hi sinh ngoài mặt trận, và chính bản thân người con gái cũng nhận thức được điều ấy. Nhưng sâu thẳm tận đáy lòng mình, cô gái lại không hề muốn tin và vẫn hy vọng, đợi chờ. Hình ảnh những con thiên nga đều có đôi và những bạn gái đều đã có người yêu làm cô không khỏi chạnh lòng, nghĩ đến tình cảnh hiện tại của mình và người con trai như hai bờ của một dòng sông. Tuy vậy, cô vẫn kiên định chờ đợi...

Sau này, khi đã về già, có người hỏi bài hát có ý nghĩa gì, thì Grigory đùa rằng đó là bài hát trong phim, và phải hỏi cô gái đó mới biết được. Chỉ có một lần ông trải lòng ra với bạn bè về hình tượng “đôi bờ” ấy. Đó chính là cuộc đời ông, ông không sinh ra ở biển nhưng suốt cuộc đời thường luôn gắn liền với biển, ngay tìm ra cô gái sau này làm người vợ yêu thương cũng ngoài biển. Và hầu hết các con sông đều đổ ra biển lớn, nếu đủ sức mạnh thì đôi bờ sông sẽ gặp nhau chính ở nơi đó, là biển. Cũng vậy, cô gái trong bài hát ấy vẫn tin vào tình yêu, vẫn tin rằng họ sẽ lại bên nhau! Vậy là, với một bài hát tưởng như rất buồn, tưởng vô vọng, thì nó chính ra là một bài hát nói lên quyết tâm, bởi điệp khúc “đôi bờ đâu có cách xa".
Có thể xem phim "Khát" sản xuất năm 1959 do chính Grigory viết kịch bản dựa trên cuộc chiến đấu tại nhà máy nước mà tác giả đã trực tiếp tham gia" trên Youtube: https://m.youtube.com/watch?v=zho-Hsyz3fY
Ngoài ra, có thể xem bộ phim màu "Khát" mới được quay lại sau này tại đường link: https://m.youtube.com/watch?v=7ETDSd-9BQE

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.