“Ngồi tựa song đào” để “Gửi bức thư sang”…

02/03/2016

“Ngồi tựa song đào” là tâm trạng cô gái nhớ về người tri kỷ, nỗi nhớ da diết, cồn cào vấn vít mà tình cảm tuôn trào trong “Gửi bức thư sang”...

Có lẽ ai cũng biết mấy lời quan họ quen thuộc trong bài “Ngồi tựa song đào”. Đó là tâm trạng cô gái nhớ về người tri kỷ, nỗi nhớ da diết, cồn cào khiến cô không ngủ được, cứ bồn chồn ra vào, lại ngồi tựa mình bên cửa sổ ngóng ra ngoài màn đêm giữa tiết xuân se se lạnh.

Sự nhớ thương đã bùng lên tới độ khát khao: “Năm canh gió lạnh đêm trường/ Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai?” Để rồi cô gái trong trắng tinh khiết và thơm như bông hoa nhài tự lấy đôi tay mình ngắt nhụy mà mơ đôi tay ai đang “đón gió ghẹo trăng”: “Đôi tay ngắt nhụy huê nhài/ Tay giơ đón gió, tay chòi ghẹo trăng”. Lại chợt tỉnh về thực tại, cô đành tự an ủi rằng: “Rủi may bởi tại chị Hằng”.

Chính vì thế mà sự giãi bày nhớ nhung da diết của quan họ lại càng thêm đậm đà. Và thế là cô rời song đào lấy giấy bút ra viết thư để giãi bày nỗi lòng mình.

Nỗi nhớ niềm thương cứ vấn vít từ đầu óc xuống mười ngón tay mà tình cảm tuôn trào trong “Gửi bức thư sang”. Bởi người quan họ khi đã “kết chạ” rồi thì không lấy được nhau, không có ngày đơm hoa kết trái của hạnh phúc lứa đôi.

Kết chạ là kết nghĩa anh em, khi hai làng kết chạ thì coi như người trong một nhà vì thế không được lấy nhau. Kết chạ là một nét đẹp văn hóa Việt Nam rất phổ biến ở vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ, Kinh Bắc chỉ là một vùng trong đó.

Vì thế, nếu 2 “bọn” không nằm trong 2 làng kết chạ thì vẫn được lấy nhau. Nhưng dẫu sao vẫn có những người quan họ yêu nhau, không lấy được nhau và giãi bày trong những câu ca như rút từ ruột gan ra vậy. Yêu nhau mà không lấy được nhau thì biết trách ai đây? Thôi thì đành trách ông tơ hồng sao chẳng se duyên!

"Gửi bức thư sang" là tên một bài ca, đồng thời là tên một lối chơi quan họ.

"Chiều chiều gửi bức thư sang
Trong thư nhắn nhủ đôi hàng sầu riêng
Đồng tiền ngả ngả, nghiêng nghiêng
"Khen ai" xếp đặt đồng tiền hoàn nghiêng
Người làm đôi đũa chênh vênh
"Khen ai" chuốt vót hoàn vênh trăm chiều ".

Nội dung chính của bài nói về chuyện tình đôi lứa. Nhưng tình duyên ấy không thể chung chăn chung gối, mặc dù đã có tay ai xếp đặt, chuốt vót sẵn rồi.

Trong xã hội thường có chuyện ép buộc, xếp đặt tình duyên mà thật sự đôi nam nữ không yêu nhau. Người quan họ dựa vào chủ đề này, xây dựng nên một lối chơi nhằm răn dạy người hát quan họ.

Bài ca có nội dung nghệ thuật cao, thể hiện ra bằng các mẹo mực như: Chơi thơ, chơi chữ, chơi ca dao, thành ngữ gắn với sinh hoạt đời thường. Bài ca gồm ba đoạn, mỗi đoạn là một cặp thơ 6 - 8. Câu 8 (chữ của đoạn một chơi 3 chữ (từ) "nhắn nhủ" và "riêng". Đoạn 2 chơi 3 chữ "xếp đặt" và "nghiêng'. Đoạn 3 chơi 3 chữ "chuốt vót" và "vênh".

Những cặp từ "nhắn nhủ, xếp đặt, chuốt vót" nếu hát tách ra cũng có nghĩa, nhưng ghép lại nghĩa càng rõ ràng hơn. Nếu chỉ chơi chữ ba từ kép: "nhắn nhủ, xếp đặt, chuốt vót" xong dừng lại, cũng đã hay, nhưng còn muốn chơi chữ tiếp, tinh vi hơn.

Thí dụ: hát: "riêng ơi riêng hỡi i ấy đôi nhời là riêng vẫn sầu riêng". Chơi chữ riêng điệp lại bốn lần, hòa đồng với nghệ thuật hát: vang, rền, làm cho người nghe không nhàm chán, mỗi lần hát lại sâu lắng thêm.

Đây là nghệ thuật tái hiện âm hình mà người quan họ đã dùng từ lâu. Chơi chữ, thực chất là sự răn dạy văn chương của người xưa. Nội dung của bài hát còn mang nhiều ý nghĩa khác: Dùng lời nói hoặc hình tượng ẩn dụ: đồng tiền đã vênh thì xếp đặt thế nào, nghiêng vẫn hoàn nghiêng.

Cây tre Việt Nam với người quan họ cũng rất giá trị. Ở bài này, vận dụng với đôi đũa. Đôi đũa so không bằng ở đây, không đơn thuần là cái dài, cái ngắn, nó vênh vẹo ở nhiều khía cạnh, ám chỉ tình duyên lứa đôi khó hoàn chỉnh.

Văn hóa quan họ gắn liền cuộc sống, điểm nào xa vời thực tế cuộc sống đều được chỉnh lại. Người xưa tổ chức chơi quan họ một phần là để sàng lọc những chỗ hay, dở, đúng, sai, phục vụ cho việc nâng cao trình độ người chơi, người hát quan họ. khiến cho người nghe cứ vấn vít, dùng dằng, dan díu mãi theo câu hát không sao dứt ra được.

Hai bài “Ngồi tựa song đào” và “Gửi bức thư sang” là một ví dụ. Riêng điều đó cũng đáng để cho người đương thời yêu mến dân ca Quan họ trong các dịp hội xuân./.

(Nguồn: http://vov.vn)

H

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.