Chiều Biên Giới -Trần Chung - Lò Ngân Sủng

17/02/2016

 

Những dịp cuối năm, hễ ai lên miền biên ải phía Bắc đều nhẩm lời bài hát đầy thiết tha mà hào sảng: “Chiều biên giới em ơi!/Có nơi nào xanh hơn/Như chồi xanh cỏ biếc/Như rừng cây của lá/Như tình yêu đôi ta” với cảm xúc tràn trề, ngỡ như đang đứng nơi miền biên giới xa xôi mà thân thương, gần gũi. Đó chính là ca khúc “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung, phổ thơ Lò Ngân Sủn. Bài hát được xếp vào hàng hay nhất về chủ đề biên cương.


Chiều biên giới - (Trần Chung) - Thúy Lan

Nhạc sĩ Trần Chung trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông sinh năm 1927, gốc Hà Nam nhưng sinh ra, lớn lên ở Hải Phòng - miền đất văn nghệ nổi tiếng bậc nhất đầu thế kỷ XX với những văn nghệ sĩ lừng danh: Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyên Hồng, Hoàng Quý, Hoàng Phú, Lê Thương… Riêng với Trần Chung, thời thiếu niên đã sinh hoạt trong nhóm văn nghệ mới nơi đất cảng, nổi tiếng như nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý, Hoàng Phú… Khi Cách mạng tháng Tám thành công 1945, Trần Chung tròn 18 tuổi, đầy khí thế tuổi trẻ, tích cực tham gia hoạt động văn nghệ. Tuy nhiên, mãi đến sau hòa bình lập lại tới năm 1956, ông mới thực sự bước chân vào làng văn nghệ. Cơ duyên bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ nổi tiếng Hồ Bắc, khi thấy Trần Chung viết chữ đẹp, hát hay nên tuyển về đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam làm… ca sĩ. Nhưng những âm hưởng của các bài hát thời tiền chiến của Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Hoàng Quý… đã khơi dậy tâm hồn lãng mạn, phát triển tư duy sáng tạo người ca sĩ Trần Chung thành nhạc sĩ sáng tác. Khi đó, môi trường làm việc của ông ở đài là “Hội nhạc sĩ Việt Nam thu nhỏ”, đầy đủ các anh tài. Được học tập, Trần Chung đĩnh đạc trở thành nhạc sĩ tài năng. Có thể kể những bài hát của ông mà ai cũng nhớ dù thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ: Bài ca Trường Sơn (thơ Gia Dũng), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (thơ Nguyễn Trung Thu), Cô gái Hội Lim…; đặc biệt những bài hát về ngành cực kỳ hay như: Khi chúng tôi vào lò (ngành than), Những nẻo đường quen thuộc (thương nghiệp), Nhớ rừng Cúc Phương (lâm nghiệp)… và rất nhiều ca khúc âm vang suốt 3 thập niên cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, giới sáng tác và công chúng đều công nhận Trần Chung có 5 ca khúc thuộc hạng kinh điển về âm nhạc cách mạng: Bài ca Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Chiều biên giới, Em ơi mùa xuân đến rồi đó và bài Về thăm mẹ.


Chiều biên giới em ơi
Nghe con sông chảy xiết
Nghe con suối thác đổ.
Hồn ta như ngọn gió
Thổi giữa trời quê hương.

Riêng bài hát Chiều biên giới là đỉnh cao sự nghiệp của Trần Chung với giai điệu mượt mà, bay bổng trên nền thơ cũng trác tuyệt của nhà thơ miền biên cương dân tộc Dáy - Lò Ngân Sủn: Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn/Chiều biên giới/Khi mùa đào hoa nở/Khi mùa sở ra cây/Lúa lượn bậc thang mây. Không phải ngẫu nhiên mà Trần Chung hay Lò Ngân Sủn có được tác phẩm để đời này. Đó là tình yêu Tổ quốc - quê hương, cụ thể ở đây là miền biên cương phía Bắc khi đó đang chiến đấu đầy gian khổ và ác liệt. Với Lò Ngân Sủn - thầy giáo trẻ người dân tộc Dáy đã chứng kiến miền đất quê hương Bát Xát - Lào Cai bị quân giặc tàn phá thế nào, sự anh hùng của bộ đội ta giữ Chốt. Trong một buổi tối mùa đông năm 1980, Lò Ngân Sủn xem văn công phục vụ bộ đội nơi điểm Tựa (Chốt ), có ca sĩ hát bài “Chiều trên bến cảng”, rất hứng khởi, anh chạy về sáng tác một bài thơ để “khoe” miền biên cương của mình: “Chiều biên giới em ơi!”. Bài thơ đăng trên báo Nhân Dân, Trần Chung đọc thấy hay quá nên phổ nhạc. Trước đó, Trần Chung đã có bài hát “Chiều dài biên giới” rất hay nhưng chỉ tới “Chiều biên giới” ông mới thỏa lòng. Bài hát được ca sĩ Thúy Lan trình bày đã thực sự lay động bao trái tim yêu thương biên cương Tổ quốc. Giai đoạn này có rất nhiều bài hát về chủ đề này nhưng còn lưu lại đến ngày nay chỉ còn vài bài, trong đó có “Chiều biên giới”.


Chiều biên giới em ơi.
Có nơi nào xanh hơn.
Như tiếng chim hót gọi.
Như rừng cây của lá.
Như tình yêu đôi ta.

Nhạc sĩ Trần Chung đã ra đi năm 2002, chúng ta chỉ còn thấy ông thấp thoáng qua bức ảnh về người đàn ông khắc khổ đeo kính như người công nhân bình dị. Tuy nhiên, qua lời kể của nhạc sĩ Văn Dung thì Trần Chung có rất nhiều điều đáng yêu. Nhạc sĩ Văn Dung là người tiếp quản công việc của Trần Chung qua chuyên mục ca nhạc nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam “Khắp nơi ca hát” nên rất thấu hiểu đàn anh mình. Nhạc sĩ Văn Dung kể Trần Chung rất thích đi cơ sở, là nhạc sĩ biên tập nhạc của đài nhưng ông ít khi ở cơ quan. Ông thích lang thang về các miền đất để lấy cảm hứng như về vùng than, lên rừng, xuống biển, theo đoàn địa chất… Chính vì thế trong gia tài nghệ thuật của mình, Trần Chung có đầy đủ tác phẩm theo mọi chủ đề. Có một chuyện vui về bài hát nổi tiếng: “Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó” - một bài hát tươi vui và tràn đầy màu sắc lạc quan lại được Trần Chung sáng tác trong lúc đang luộc rau, rán đậu phụ trên bếp dầu ở khu tập thể nghèo khó của những năm 80! Chỉ có tâm hồn nghệ sĩ thực thụ mới có khả năng tuyệt vời đó.

Cảm động biết bao nhiêu lớp nhạc sĩ như Trần Chung đã để lại cho hậu thế những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời, sống mãi với thời gian: “Chiều biên giới em ơi/Nhớ bao điều thân thương/Đôi ta cùng chiến hào/ Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta”.

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.