Vang mãi những ca khúc cách mạng một thời "át tiếng bom"

19/08/2015

Ca khúc cách mạng hình thành và phát triển từ khi có phong trào yêu nước do Đảng lãnh đạo. Trên văn bản “khai sinh,” ca khúc cách mạng được hình thành từ những năm 30 của thế kỷ 20, với bài “Cùng nhau đi hồng binh” của tác giả Đinh Nhu. Từng bước đi của ca khúc cách mạng là sự phản ánh trung thực những thành tựu của lịch sử cách mạng Việt Nam.


Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945.
(Ảnh Tư liệu TTXVN)

Giai đoạn đầu hình thành dòng ca khúc cách mạng Việt Nam

Giai đoạn 1930-1946 là giai đoạn đầu tiên của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam. Ca khúc cách mạng thời kỳ này mang dấu ấn của nền âm nhạc cổ truyền dân tộc, dòng ca khúc hướng về lịch sử.

Ca khúc cách mạng đã thể hiện đúng bản chất văn hóa hai chiều của con người Việt Nam: một chiều tiếp nhận từ văn hóa truyền thống, một chiều tiếp nhận từ văn hóa âm nhạc nước ngoài.

Trong giai đoạn lịch sử này, những biến cố của lịch sử-xã hội đất nước luôn là động lực thúc đẩy các nhạc sỹ viết nên những ca khúc cách mạng như: “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu); “Không khuất phục,” “Cờ Việt Minh” (Vương Gia Khương), “Quảng Châu công xã,” “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái), “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phátxít” (Nguyễn Đình Thi)... Đây là những ca khúc không những phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ, mà còn khẳng định dấu son trên đường phát triển của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Hình tượng người chiến sỹ cách mạng Việt Nam được phản ánh rõ nét nhất trong các ca khúc cách mạng giai đoạn này. Họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Qua những hình tượng ấy, có thể thấy cách thức lựa chọn thể hành khúc của những người cộng sản là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì, hành khúc là phương tiện nghệ thuật hữu hiệu nhất để tuyên truyền cổ động cho cách mạng. Do đó, thể hành khúc chiếm vị trí chủ đạo trong dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Sáng tác ca khúc dạng hành khúc có xuất xứ từ châu Âu, nhưng khi vào Việt Nam, hành khúc đã nhanh chóng hòa nhập và trở nên quen thuộc trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của người dân Việt Nam. Có được điều đó là do những người cộng sản làm văn nghệ đã ý thức được sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, vậy nên trong tác phẩm, họ biết kết hợp những âm điệu gần gũi, quen thuộc trong âm nhạc cổ truyền với những âm điệu mới hùng tráng.

Sự hoàn thiện của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ

Trong giai đoạn lịch sử này, mọi hoạt động nền văn nghệ kháng chiến đều hướng tới phương châm: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Nhiều hội nghị, đại hội được họp và đưa ra những định hướng cụ thể cho hoạt động văn nghệ.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, âm nhạc đã được coi là mũi nhọn xung kích của Đảng trên mặt trận văn hóa.

Trong kháng chiến chống Pháp, chủ đề và đề tài của các ca khúc cách mạng Việt Nam đã được mở rộng.

Có rất nhiều ca khúc về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh được tôn trọng nhất, nhưng rất đỗi gần gũi, thân thương với nhân dân - đó là vị cha già dân tộc trong ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (nhạc: Lưu Hữu Phước; lời: Nguyễn Đình Thi - Lưu Hữu Phước). Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng - biểu tượng của Tổ quốc, phấp phới tung bay trong ánh bình minh của ngày mới và hình ảnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhạc sỹ Đỗ Minh thể hiện trong ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã ghi lại chiến công đầu tiên của bộ đội ta trong trận phục kích trên đường số 4 qua ca khúc “Bông lau.” Dù còn thiếu thốn về mọi mặt, nhưng với lòng quả cảm, quân đội ta vẫn giành được những chiến thắng như “Chiến thắng Phủ Thông.” Chiến thắng nối tiếp chiến thắng, niềm vui nối tiếp niềm vui, những tiếng kèn xung trận ở khắp nơi vọng lại được khắc họa qua các ca khúc như: “Chiến sỹ Sông Lô” (Nguyễn Đình Phúc), “Đoàn quân Sông Lô” (Lưu Hữu Phước), “Sông Lô” (Văn Cao), “Du kích Sông Thao” (Đỗ Nhuận)...

Ngoài ra, bức tranh về nông thôn, về thành thị ở miền Bắc trong những năm kháng chiến cũng hiện lên khá sinh động. Người nông dân vừa tăng gia sản xuất vừa tham gia đánh giặc. Hình ảnh đó, không khí đó đã được khắc họa qua các ca khúc như: “Hò dân cày” (Văn Chung), “Đánh giặc tăng gia” (Văn Cận), “Gánh thóc về tự do” (Huy Du)... Gian khổ hy sinh, nhưng người nông dân vẫn vui phơi phới. Một bức tranh nhiều sắc màu đã được thể hiện rõ trong “Ngày mùa” (Văn Cao), “Mùa gặt” (Văn An), “Gặt nhanh tay” (Hồ Bắc), “Lúa mới” (Nguyễn Đức Toàn), “Nông dân vươn mình” (Lưu Hữu Phước).

Hình ảnh người phụ nữ ở nông thôn trong kháng chiến cũng hiện lên đậm nét và mang tính điển hình. Hình ảnh ấy được hiển hiện rõ trong ca khúc “Đóng nhanh lúa tốt” (nhạc: Lê Lôi, thơ: Huyền Tâm) và “Cấy chiêm” (nhạc: Tô Vũ, lời: Quách Vinh). Người phụ nữ miền núi mặc dù lần đầu tiên được khắc họa trong ca khúc, nhưng qua đó cũng thấy được tấm lòng với Đảng, với cách mạng. “Pì noọng ơi” (Văn Chung) diễn tả một niềm vui của chị em phụ nữ Tày trong những chuyến đi dân công phục vụ hỏa tuyến.

Người dân thành thị cũng tham gia đánh giặc trong bài “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), và cả người dân công giáo cũng hiểu rằng muốn kính Chúa thì phải yêu nước, phải sát cánh bên nhau đứng dậy đánh đuổi lũ sói lang trong bài “Tiếng chuông nhà thờ” (Nguyễn Xuân Khoát).

Hình ảnh người dân Nam Bộ một lòng theo Đảng, theo Bác đứng dậy kháng chiến được thể hiện rõ qua các ca khúc cách mạng như: “Nam Bộ kháng chiến” (Tạ Thanh Sơn), “Tiếng súng Nam Bộ” (Đỗ Nhuận), “Đoàn vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu), “Cảm tử quân” (Hoàng Quý), “Đoàn du kích” (Lưu Hữu Phước). Đó là hình ảnh của người nông dân Nam Bộ, dù phải trải qua bao nhiêu gian khổ nhưng vẫn tin tưởng ở thắng lợi ngày mai. “Lên ngàn” (Hoàng Việt), “Con kênh xanh xanh” (Ngô Huỳnh), “Mùa lúa chín” (Hoàng Việt)... đã làm người nghe rung động bởi tấm lòng rộng mở và cái đức nhẫn nại, âm thầm hy sinh của họ.

Giai đoạn này, những bài hát tập thể mang tính hành khúc phát triển mạnh, mang tính chủ đạo và có nhiều chuyển biến về nghệ thuật. Đặc biệt là một số bài trong chiến dịch Điện Biên như: “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Đâu có giặc là ta cứ đi” (Đỗ Nhuận), và điểm sáng phải kể đến “Giải phóng Điện Biên” (Đỗ Nhuận).

Các nhạc sỹ cũng đã mạnh dạn sáng tác ra một thể mới là trường ca. Thể trường ca lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, nó đã truyền tải được một nội dung khá lớn của thời đại. Nhiều nhạc sỹ đã ghi được dấu ấn qua các tác phẩm như: "Người Hà Nội" (Nguyền Đình Thi), "Sông Lô" (Văn Cao), "Du kích Sông Thao" (Đỗ Nhuận). Loại chính ca lần đầu tiên cũng xuất hiện như: "Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam" (Đỗ Minh), "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" (Lưu Hữu Phước), "Ba Đình nắng" (Bùi Công Kỳ)... Bên cạnh đó, các thể loại hợp xướng, ca cảnh cũng bắt đầu xuất hiện và có nhiều tác phẩm khá thành công.

Trong kháng chiến chống Mỹ, hòa cùng với không khí cả nước lên đường vì miền Nam ruột thịt, âm nhạc đã có những bước trưởng thành sâu sắc và hoành tráng hơn. Đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm nhiều hơn, với trình độ kỹ thuật, "tay nghề" cao hơn. Các ca khúc Việt Nam không còn bó hẹp trong khuôn khổ quốc gia mà đã lan tỏa, hòa cùng với âm nhạc thế giới, phản ánh cuộc chiến tranh, kêu gọi hoà bình, thúc giục đấu tranh giành tự do, công lý.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ca khúc cách mạng lại được ngân lên với cung bậc mới. Đó là tiếng ca vui khi miền Bắc được giải phóng: “Quê tôi giải phóng” (Văn Chung), “Ca mừng đời ta tươi đẹp” (La Thăng), “Mẹ yêu con” (Nguyễn Văn Tý)... Đó là tình cảm nhớ thương quê hương day dứt của người con miền Nam ra Bắc tập kết như các ca khúc: “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (Hoàng Hiệp-Đằng Giao), “Tình ca” (Hoàng Hiệp), “Bài ca hy vọng” (Văn Ký)...

Trong không khí sôi sục “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” những bài ca hào hùng như “Anh vẫn hành quân” (Huy Du)... đã cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước ra trận, có mặt tận trong các chiến hào, trong các ngục tù quân xâm lược, trong các cuộc xuống đường của tuổi trẻ đô thị miền Nam, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Không có ai có thể quên những bài ca: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” (Trần Kiết Tường), “Giải phóng miền Nam” (Huỳnh Minh Siêng)... thể hiện tình cảm sắc son của các nhạc sỹ, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ.

Trong cuộc kháng chiến oanh liệt này, nhiều nhạc sỹ-chiến sỹ đã gắn bó và cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại, cho lịch sử âm nhạc Việt Nam, tên tuổi của các nhạc sỹ vẫn còn đó, mãi mãi trong lòng đồng bào, dân tộc Việt Nam.

Ca khúc cách mạng Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất đến nay

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, âm nhạc lại âm vang khúc ca khải hoàn cùng dân tộc, tiếp tục sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới. Âm nhạc không chỉ có những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới - xã hội chủ nghĩa; âm nhạc cũng có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ và lối sống của công chúng. Âm nhạc lại tiếp tục cuộc xung kích trên mặt trận văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Những bài ca về Bác, Đảng, về những anh hùng; những bài hát cổ động vẫn vọng vang suốt chiều dài năm tháng. Những bài hát sinh hoạt đời thường tràn đầy âm hưởng lao động sản xuất và chiến đấu…

Ngày nay, ca khúc cách mạng vẫn khẳng định sức sống trường tồn trong lòng người yêu nhạc./.

(Nguồn: http://www.vietnamplus.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.