Heo may chiều: ca khúc mới về mùa thu

28/10/2014

Vẫn biết âm nhạc tự nó đã nói lên tất cả, nhưng ca khúc “Heo may chiều” sẽ trở nên ấn tượng và cuốn hút hơn khi người nghe biết rõ về câu chuyện phía sau nó. Ca khúc như được chép ra từ sự ám ảnh trong một buổi chiều cuối thu ngồi nghe gió hát. Khi mùa thu bắt đầu, tiết trời se se lạnh, thời gian dần co lại nhường chỗ cho nắng nhạt và lá vàng rơi tìm đường về đất. Mưa lạnh và buồn, gió hát những nét giai điệu cũ, tôi đã xin gió đừng khóc để con tim không bị tan vỡ, để từng câu chữ, từng nốt nhạc cứ thế hiện về…

 

Ca khúc được bắt đầu với những nét nhạc ngắn, thoảng như tiếng thở dài được nén lại ở tận đáy sâu lồng ngực. Mô hình tiết tấu chủ đạo xuyên suốt ca khúc được xuất hiện ngay trong phần mở đầu, tạo nên sự thống nhất về mặt tiết tấu của tác phẩm, cũng như gợi nên những âm thanh và hình ảnh của những giọt mưa đang thánh thót rơi.

Em đi…
Đi trong chiều mưa lạnh
Nhớ anh…nhớ anh…nhớ anh…
Quên đường về.

“Nhớ anh” được nhắc lại nhiều lần, cùng với sự đi lên liền bậc liên tiếp của giai điệu không những chỉ diễn tả nỗi khắc khoải chờ mong, mà có thể hiện nỗi khát khao có được một vòng tay ấm áp.

Sau phần mở đầu, giai điệu bắt đầu chuyển vào cảm xúc của mùa thu. Gió bắt đầu xuất hiện, gió hát cho tôi nghe, lời hát kể về một câu chuyện tình yêu lãng mạn. Nét giai điệu nhẹ nhàng đã truyền tải trạng thái cảm xúc buồn mênh mang trong một buổi chiều cuối thu mưa lất phất bay. Ca từ có sử dụng phép ẩn dụ trong vẻ đẹp đã phai tàn của mùa thu để mô tả về nỗi buồn khi tình yêu đã xa.

Phần trình bày của ca khúc được bắt đầu bằng một tiếng thở dài khác, tiếng thở dài lẫn trong gió mùa thu, lẫn trong heo may xào xạc, lẫn trong tiếng mưa rơi. Tiếng thở dài ấy là sự tiếc nuối, sự hoài niệm về quá khứ, cảm giác chông chênh khi đối diện với sự cô đơn, trên con đường trải đầy lá thu rơi, chỉ có những giọt mưa làm bạn, chỉ có heo may về thoảng qua. Điều đó càng được khắc họa rõ nét trong sự phát triển của đường tuyến giai điệu. Nét giai điệu tự nhiên, như lời giãi bầy, như lời tâm sự, với sự lặp lại của mô hình tiết tấu chủ đạo được giới thiệu trong phần mở đầu.

Lỡ rồi
Em ra đi thuở ấy
Heo may về xao xác lá khô rơi
Em đứng đó trong chiều thu tím biếc
Lệ rơi…
Lệ rơi…
Cho vơi bớt nỗi buồn

Nét giai điệu của “cho vơi bớt nỗi buồn” cũng lại như một tiếng thở dài được trút ra từ bao nhiêu những những dồn nén tâm tư. Vậy mà, khi nghe vẫn cảm thấy lửng lơ, chông chênh như thả nhẹ vào không gian để nỗi buồn vẫn ở đó, vẫn đậm sâu.

Heo may chiều nay xuống phố
Bâng khuâng ai nhớ nhớ thương ai
Em đi giữa trời thu tháng chín
Tóc em dài buông xõa kín hai vai…

Mùa thu
Mùa thu đến rồi đi
Để mặc bước chân chiều nay em bối rối
Về đi…
về đi…
về đi anh
Về nghe gió hát
Chiều mưa buồn ướt lạnh vai em…

Sự cô đơn bao giờ cũng đáng sợ, nhưng dù có biết trước chăng nữa thì tại sao người ta vẫn cứ đi vào nơi cô độc nhất? Đôi khi sự cô độc cũng là một điểm tựa. Nhưng khi bước vào đó rồi, đi dưới những hạt mưa lạnh, người ta mới thảng thốt nhận ra rằng sẽ chẳng có điểm tựa nào cả. Cứ tưởng đi đến tận cùng nỗi cô đơn cũng là niềm hạnh phúc, nhưng không phải vậy, sự khát khao được yêu càng trở nên cháy bỏng: “Nhớ anh, nhớ anh, nhớ anh quên đường về”…

Thủ pháp nghệ thuật rất đơn giản, chỉ tập trung khai thác mô hình tiết tấu chủ đạo làm ý đồ chung cho tác phẩm, còn lại phần giai điệu cứ để phát triển tự nhiên theo cảm xúc của lời ca. Không có cao trào mãnh liệt, không đẩy đến tận cùng cảm xúc như lẽ thường, không có xung đột giằng xé của âm thanh; nhưng chính những điều đó đã làm nên cảm xúc cho toàn ca khúc, đó cũng chính là ý đồ khi xây dựng tác phẩm.

Coda là sự tái hiện nguyên xi phần mở đầu, cả về cấu trúc và hình thức âm nhạc, cũng như lời ca. Tiếng thở dài vẫn còn nguyên đó, nỗi buồn, sự cô đơn, tiếc nuối vẫn còn đó. Mùa thu rồi sẽ ra đi, nhưng nỗi nhớ thì không hề nguôi ngoai, yêu thương vẫn ở nơi nào xa lắm…

Em đi
Đi trong chiều mưa lạnh
Nhớ anh…
nhớ anh…
nhớ anh…
Quên đường về.

=========================================

Ca khúc: HEO MAY CHIỀU

Nhạc và lời: Trần Văn Phúc

Ca sĩ: Hồng Dung - Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.