Âm hưởng kinh thánh trong âm nhạc Trịnh Công Sơn
Mỗi con người thấy sự vật theo góc nhìn riêng của mình, như trong câu chuyện ngụ ngôn “Những người mù sờ voi”.
Tranh Đinh Cường
Vì vậy sự thấy của mỗi người ở mỗi góc nhìn có khác biệt, đó là sự khác biệt khách quan về vị trí khác nhau của điểm nhìn, còn một điều tạo ra sự khác biệt giữa các đối tượng chiêm ngắm sự vật, chính là sự cảm nhận qua tri thức và đời sống văn hóa của người xem cũng như sự từng trải trong cuộc sống. Chúng ta đều biết, nhìn và nghe là biểu hiện của sự thu nhận hình ảnh và âm thanh được giải mã qua cảm quan văn hóa và tri thức của mỗi người. Đối với nghệ thuật lại phức tạp hơn nữa, vì đối tượng của nghệ thuật bao hàm cả xã hội thuộc ba thời quá khứ hiện tại và tương lai. Những nghệ sĩ vượt thời gian như Trịnh Công Sơn thì tác phẩm của họ không thuộc một không gian nhất định nào. Trịnh Công Sơn viết về tình yêu và thân phận cho tất cả mọi người trên toàn cầu và ông viết về chiến tranh cho cả tương lai loài người. Với tôn giáo cũng vậy, người nghệ sĩ có thể thuộc tín ngưỡng này, tín ngưỡng kia, nhưng tác phẩm của họ là hướng đến cho mọi người bất kể tôn giáo nào. Có chăng, là âm hưởng của tôn giáo ẩn hiện trong các tác phẩm của người sáng tạo. Trịnh Công Sơn đã từng nói nhiều lần trên phương tiện thông tin đại chúng với đại ý: Chúng ta từ hư vô mà đến với thế giới này và khi chết đi thì sẽ trở về với hư vô. Vì vậy, âm nhạc và ca từ của ông đều man mác một nỗi hoài niệm về thế giới phía sau sự sống. Nhiều người đã viết về Phật giáo trong nhạc Trịnh Công Sơn; tu sĩ Nhất Hạnh cũng đã sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn trong những bài thuyết giảng của ông.
Tôn giáo không bao giờ đồng hành với cái ác mà luôn hướng thiện và góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn. Ở thế giới này, xã hội châu Âu được đặt nền tảng trên lý thuyết Ky tô giáo, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của các văn nghệ sĩ ở châu Âu qua các thời kỳ. Với người nghệ sĩ thực thụ thì phải vượt trên mọi quan niệm văn hóa, chính trị, tôn giáo,... để hóa thân vào mọi ngõ ngách cuộc sống này đến với tất cả mọi người. Vì thế, với Trịnh Công Sơn, mặc dù ở trên đất nước mà dấu ấn của Phật giáo, của văn hóa tín ngưỡng thần quyền đã ăn sâu vào tâm thức của đa số mọi người, thì tác phẩm của ông không thể thiếu những âm hưởng này. Nhưng, mặt khác trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, những mặc khải, những ngụ ngôn và cả hình ảnh hay ca từ cũng mang âm hao của Ky tô giáo. Như trong các tác phẩm “Phúc âm buồn”, “Dấu chân địa đàng” hay những câu “Chiều chúa nhật buồn/ nằm trong căn gác đìu hiu/ Tôi xin em năm ngón tay thiên thần/ Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi” trong bài “Lời buồn Thánh”. Trong bài “Cát bụi” hay trong “Đóa hoa vô thường” có câu “Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang”. Trong bài “Đợi có một ngày” nhạc sĩ đã viết: “Đợi chờ yêu thương trên cây thánh giá/ Đợi xóa sân si dưới bóng bồ đề”.
Tôi được nghe thầy giáo Trương Văn Thanh, một người bạn thân của Trịnh Công Sơn (trong ban nhạc Sơn Thanh Hải) kể về sự ra đời của nhạc phẩm “Cát bụi”. Ngoài tản văn mà Trịnh Công Sơn đã viết “Sự ra đời của nhạc phẩm Cát bụi” là do nhạc sĩ đã xem bộ phim “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”, và sau khi đọc cuốn “Zorba le Grec”, đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, còn có một nguyên do xuất phát nguồn gốc từ “lễ Tro” ăn sâu vào tâm hồn Trịnh Công Sơn và truyền cảm hứng sáng tác cho bản nhạc này. Nhà văn, dịch giả Bửu Ý, một người bạn thân, rất hiểu Trịnh Công Sơn nhận xét: “...có khi dòng nhạc Trịnh Công Sơn gần gũi với thánh ca thanh thoát...”. Nhà văn Đặng Tiến có nhận định: “...Thời điểm đó, lời nhạc Trịnh Công Sơn mang từ vựng Thiên chúa giáo nhiều hơn từ vựng Phật giáo: như giáo đường, lời buồn thánh, vùng ăn năn, cát bụi, địa đàng... Nhưng đây là chữ nghĩa văn chương nhiều hơn là rung cảm tôn giáo...”. Trong bài “Dã Tràng Ca - Phát hiện lần đầu được công bố” của tác giả Nguyễn Đắc Xuân có đoạn: “... cũng trong thời gian này, Trịnh Công Sơn hay tìm cách giải buồn bằng cách chơi các loại dân ca, thánh ca, các bài nhạc theo điệu Blue của người da đen ở châu Mỹ như bài Sometimes, bài Ave Maria. Phong cách các bài nhạc này có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn sau này”. Nhạc sĩ Văn Bình cho rằng: “Dã Tràng ca là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường bắt gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này ví như Lời buồn thánh, Đóa hoa vô thường”. Và điều kỳ lạ là người gắn kết với sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly như một sự sắp đặt của trời đất, lại là người có đức tin vào Thiên Chúa. Chữ “buồn” trong nhan đề bản nhạc “Phúc âm buồn” là do chính ca sĩ Khánh Ly đã thêm vào. Vì phúc âm mang ý nghĩa tin mừng, nhưng giai điệu và ca từ trong bài đó quá buồn, nên Khánh Ly đã rất có lý khi thêm chữ “buồn” vào trong nhan đề nhạc phẩm. Không chỉ là ca từ mà chính trong giai điệu nhạc của Trịnh Công Sơn đã hàm chứa những “dòng kinh” cứ lãng đãng, du dương, ẩn hiện khi vút cao khi trầm lắng.
Cũng không ngạc nhiên gì, khi nhạc Trịnh Công Sơn mang âm hưởng của phúc âm trong Kinh Thánh, vì căn nhà mà nhạc sĩ đã từng sống, sáng tác và có nhiều kỷ niệm nhất, bây giờ được mang tên Gác Trịnh, chính là dãy nhà trước đây thuộc tòa Tổng giám mục; căn nhà đó đối diện tòa Tổng giám mục và cách nhà thờ Phủ Cam một dòng sông nhỏ, phía bên kia sông có hình bóng của Dao Ánh, Bích Diễm của thời xuân xanh đã đi vào trong tác phẩm của nhạc sĩ.
Trong một khoảng thời gian dài đắm hồn trong trầm tưởng về sự thật của trần gian, tôi chợt nhật ra rằng, mọi thứ ở mặt đất này rồi sẽ tan biến theo quy luật của nó, nhưng cái gì đã là kinh thì không thể mất đi ở thế gian này như: Kinh Thánh, Kinh Coran, Kinh Vệ Đà, Kinh Phật, Đạo Đức Kinh,... và hầu hết những tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn, như nhiều thế hệ đã nhận định, đó là một loại kinh tình yêu, mà tình yêu thì luôn luôn trường tồn, là điều mà vạn vật hướng đến.
Những ngày buồn tháng 3/2014
H.D.L
(SH302/04-14)
(Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn)