Hồi ức của nhạc sĩ Doãn Nho về "Tiến bước dưới quân kỳ"
"Tiến bước dưới quân kỳ" là một trong 10 bài ca chính thức quy định của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay từ ngày đầu tiên bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho được vang lên trên chiến trường Điện Biên anh dũng cho đến nay bài hát vẫn khảng định sức sống mạnh mẽ.
Đặc biệt, trong mỗi buổi sáng những giai điệu hào sảng đó lại được vang lên trong lễ Chào cờ tại Quảng trường Ba Đình trước Lăng Bác Hồ.
Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhận dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2013), phóng viên VOV đã trò chuyện với nhạc sĩ Doãn Nho về hoàn cảnh ra đời của ca khúc nổi tiếng này.
PV: “Tiến bước dưới quân kỳ” là ca khúc nằm lòng được nhiều thế hệ chiến sĩ, nhân dân yêu mến. Vậy, nhạc sĩ có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài hát này?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” tôi viết năm 1958, ngay trên đỉnh đồi A1 Điện Biên Phủ. Thời gian đó, Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị trở lại chiến trường xưa để phục vụ bà con và các chiến sĩ. Tôi được giao nhiệm vụ đi tiền trạm để phục vụ cho cuộc biểu diễn đồng thời sáng tác kịp thời tác phẩm mới cho Đoàn.
Nhạc sĩ Doãn Nho
Hôm đó, tôi đến đồi A1,hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi gây cảm xúc mạnh mẽ đó là hai mộ liệt sĩ vô danh và chiếc xe tăng gục nòng nằm đó. Mặc dù sau chiến thắng Điện Biên Phủ 4 năm, đó là thời hòa bình nhưng ở đó hơi thở của chiến tranh vẫn còn nặng nề bởi hàng ngày vẫn có tiếng mìn nổ. Ngay cả đường đi đến trường của các cháu học sinh mặc dù đã được dọn sạch nhưng các cháu hiếu động trèo lên cây khị xuống vấp phải mìn nên vẫn có thương vong. Thế rồi bà con khi dắt trâu bò đi sản xuất thì trâu bò cũng vấp mìn, khói súng chiến tranh vẫn đậm nét.
Ngày đó, tôi đã tốt nghiệp trường Sĩ quan lục quân khóa 6 nên bạn bè đồng đội của tôi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ khá nhiều và không ít người đã nằm lại nơi đây. Đi từ dưới chân đồi lên, bước từng bậc tôi cảm thấy rất buồn, cảm giác như từng bậc từng bậc mình đang bước theo linh cữu của đồng đội mình.
Khi lên đến đỉnh đồi, ngồi xuống vệ cỏ và quan sát thấy cây cối quanh mình rất xanh, đặc biệt là màu xanh thẫm, xanh đen của cỏ…tôi thấy rằng dưới lớp đất đó chính là máu, xương của đồng đội mình. Cảm xúc dâng trào trong đầu tôi đã bật ra những câu hát đầy cảm xúc “bước từng bậc nhớ từng người lòng đau nhói…uất ức, căm hờn hôm nay phải trả. Đồng chí ta ơi!” và đó cũng chính là những tứ đầu tiên mà sau này tôi sử dụng vào đoạn giữa bài hát: “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi. Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa. Nhìn cờ hồng bay rực rỡ. Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim”. Những câu hát đó cũng được viết trước bởi vì quá xúc động bởi đó cũng chính là hình tượng của những cựu chiến binh đã ngã xuống trên mảnh đất Điện Biên nói chung và trên đồi A1 nói riêng.
PV: Từ nỗi xúc động đặc biệt trước sự hy sinh của nhân dân và đồng đội mình mà nhạc sĩ đã bật ra những tứ nhạc đầu tiên. Sau đó, nhạc sĩ đã tiếp tục phát triển như nào?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Năm đó là năm quân đội ta chuyển sang rèn luyện chính quy, nên cho trở về quê hương 8 vạn cán bộ chiến sĩ và còn lại trong quân đội là những cán bộ từ tiểu đội trở lên là những người đã từng trải chiến đấu.
Nghe bài hát "Tiến bước dưới quân kỳ"
Lúc đó từ đồi A1 nhìn xuống con đường sang phía bên kia, mỗi buổi sáng các chiến sĩ hành quân ra thao trường tập luyện. Trong đoàn hành quân đó nhìn kỹ thấy có các anh em mới nhập ngũ mà quân đội lấy từ công trường, nông trường, từ nhà máy trường học lên. Họ là những tân binh trẻ măng. Nhưng xen kẽ trong đó là các cán bộ làm khung làm thủ trưởng, những người từng trải chiến đấu với sự rắn giỏi và nước da sạm đen.
Và nét nhạc “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi” chính là để khắc họa nòng cốt những thế hệ đã chiến đấu đã từng trải đi trước. Từ đó, tôi mới viết nên đoạn đầu: “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa. Tổ quốc bao la hiền hòa tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa lấp lánh sao bay trên quân kỳ…” chính là tinh thần phơi phới của lớp trẻ măng đó trong đội ngũ sáng sáng ra thao trường.
Hình ảnh đội ngũ già, trẻ theo bước chân nhau ra thao trường với hai thế hệ đã gây xúc động mạnh mẽ trong tôi giúp tôi khắc họa một cách khái quát nhất hình tượng nghệ thuật trong bài hát này. Đó chính là tư tưởng chính trị, là truyền thống nhân văn với thông điệp sâu sắc là “hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp bước nhau đi dưới lá quân kỳ” .
PV: Nhạc sĩ đã sử dụng thủ thuật âm nhạc đặc biệt nào trong bài hát này?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Thời đó âm nhạc thường chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Đông Âu nói chung và âm nhạc của Nga nói riêng. Sự đặc biệt trong ca khúc này là sự giao thoa giữa trưởng và thứ: “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi” đó chính là son thứ, còn “Vừng đông đã hửng sáng” đấy là si giáng trưởng, chất anh hùng ca.
Giao thoa giữa si giáng trưởng và son thứ đó là một đặc điểm mà thế hệ chúng tôi thể hiện. Bởi nó diễn tả được chất anh hùng ca nhưng lại đi vào chiều sâu, thấm thía. Nếu mà chỉ có trưởng thì nó dễ nông nhưng bên cạnh đó có điệu thứ tạo nên sự trầm hùng, sâu sắc. Khi ca khúc này vang lên chúng ta cũng cảm nhận rất rõ những bước đi hào hùng của lớp lớp các cán bộ chiến sĩ đồng thời cũng thấy được chiều sâu đó chính là tình yêu quê hương, đất nước và lòng biết ơn những thế hệ chiến sĩ Quân đội nhân dân đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước.
PV: Chỉ trong thời gian rất ngắn ông đã hoàn thành tác phẩm. Nhạc sĩ còn nhớ cảm xúc khi lần đầu tiên tốp ca nam đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị thể hiện tác phẩm đó không?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Cũng bởi mạch cảm xúc, xót thương đồng đội nhân dân mà từ khi thai nghén đến lúc hoàn thành ca khúc này rất nhanh, chỉ trong hai ngày. Tôi cũng thêm một lần xúc động nữa là khi hoàn thành xong, đã được tốp ca nam Tổng cục Chính trị tập và biểu diễn diễn.
Tôi nhớ, tốp ca nam ngày ấy có anh Trần Chất và anh Đoàn Thiều phụ trách đội hát. Anh Trần Chất cũng là lính chiến đấu ngay trong thành phố Hà Nội cùng với nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, anh Trác cũng là chiến sĩ. Buổi đầu tiên dàn dựng và hát còn có cả nhạc sỹ Huy Luân kéo đàn Accordion nữa. Như vậy, người sáng tác và người biểu diễn đều là người lính là đồng đội nên tập rất nhanh, hát rất đúng ý. Và không có gì sung sướng, hạnh phúc hơn là niềm vui có một bài hát mới được viết và được diễn ngay trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Và tự hào hơn nữa là từ ngày bài hát này ra đời đã rất quen thuộc với các thế hệ chiến sĩ. Đặc biệt trong mỗi buổi sáng những giai điệu hào sảng đó lại được vang lên trong lễ Chào cờ tại Quảng trường Ba Đình trước Lăng Bác. Dưới lá quân kỳ vẫn là những bước chân bước đều bước rất trang nghiêm, trân trọng.
Tôi mong rằng những bước chân đó sẽ tiếp nối không ngừng. Bởi đã là anh bộ đội Cụ Hồ. Thế hệ nào cũng vậy phải luôn: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cùng hoàn thành, khó khăn nao cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nho./.
(Nguồn: http://vov.vn)