Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La
Ngày 14 tháng 3 năm 2020, tại thành phố Sơn La, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La, tổ chức Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La, nhằm đánh giá tổng kết công tác của Chi hội nhiệm kỳ (2015-2020) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ (2020-2025), bầu Đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La được thành lập năm 2009, hiện có 12 hội viên thuộc các chuyên ngành: Sáng tác, Biểu diễn và Đào tạo, các hội viên công tác trong các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp khác nhau trên địa bàn tỉnh, nhưng luôn dành thời gian, tâm huyết, công sức cho hoạt động âm nhạc của mình. Các nhạc sĩ hội viên Chi hội đều có trình độ Đại học, dầy dạn kinh nghiệm trong hoạt động âm nhạc, là những cánh chim đầu đàn, là nòng cốt cho mọi hoạt động âm nhạc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung của tỉnh Sơn La.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sự phối hợp của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan đơn vị nghệ thuật, đài Phát thanh Truyền hình, các cơ quan, chính quyền, tổ chức thuộc tỉnh Sơn La tạo điều kiện giúp đỡ hoạt động hiệu quả. Nhiều hội viên trong Chi hội có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong sáng tạo và hoạt động văn học nghệ thuật được chứng minh qua các tác phẩm, giải thưởng và sự đón nhận của công chúng.
Về sáng tác, là hoạt động sôi nổi nhất của Chi hội trong suốt nhiệm kỳ qua, các nhạc sĩ đã bám sát cuộc sống, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh và trong cả nước để tìm tòi sáng tạo phản ánh sinh động, sát thực mọi góc cạnh của đời sống xã hội thông qua các tác phẩm của mình; tích cực tham gia các cuộc vận động sáng tác của các bộ ngành trung ương, khu vực và của tỉnh với các chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng nông thôn mới”; “Lực lượng vũ trang Quân khu 2 - 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”; “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; “Ngã ba Cò Nòi anh hùng - Tầm vóc và giá trị lịch sử”; Cuộc vận động sáng tác ca khúc về thành phố Sơn La... Kết quả có hơn 50 tác phẩm của các nhạc sĩ Chi hội đạt giải thưởng, nhiều tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc và chương trình nghệ thuật ca múa nhạc giành được nhiều giải thưởng huy chương Vàng, huy chương Bạc tại các kỳ liên hoan, hội thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế cùng các hội diễn văn nghệ quần chúng ở khu vực và toàn quốc hàng năm. Năm 2016, có 3 nhạc sĩ tham gia Liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, kết quả NSƯT Nguyễn Minh Quý đạt giải B với ca khúc “Bến đợi”; nhạc sĩ Xuân Dũng đạt giải B với tác phẩm “Người thổi sáo trên đèo Sơn La”. Năm 2018, 4 hội viên tham dự Liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhạc sĩ Trần Anh Đức đạt giải A với tác phẩm “Tình khúc biển xanh”. Năm 2019, nhạc sĩ Xuân Dũng đạt giải C Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc “Phong Lan Đá”.
Về nghiên cứu, tập huấn, đào tạo, Chi hội cử hội viên tham dự các lớp tập huấn chuyên môn của địa phương và của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Các nhạc sĩ hiện đang công tác giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp của Bộ GDĐT và của tỉnh Sơn La ngoài giáo trình kiến thức chung đã có những đề tài nghiên cứu phương pháp giảng dạy âm nhac mới phù hợp với đối tượng sinh viên và bản sắc hóa địa phương...
Về biểu diễn, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, hầu hết các tác phẩm của các nhạc sĩ Chi hội đều được phổ biến trên đặc san, ấn phẩm của ngành văn hóa thể thao và Du lịch, tạp chí “Suối reo” của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh; một số tác phẩm được dàn dựng trong các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân. Đặc biệt nhiều tác phẩm được biểu diễn trong các chương trình chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh, của quốc gia và quốc tế diễn ra ở trong, ngoài tỉnh được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh truyền hình Sơn La và một số đài truyền hình các tỉnh bạn trong cả nước; nhiều tác giả, tác phẩm được lựa chọn để giới thiệu trong các chuyên mục về Văn học Nghệ thuật của Đài Phát thanh – Truyền hình, của Báo Sơn La hàng năm, tham gia các kỳ Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng trong tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế...
Chi hội đã phối hợp với Phòng Văn nghệ giải trí Truyền hình tỉnh giới thiệu chân dung tác giả, tác phẩm các nhạc sĩ trong chương trình “Nốt nhạc đầu xuân 2017”; đóng góp xây dựng cuốn Kỷ yếu 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, viết tham luận Hội thảo 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tham gia các Hội đồng cấp tỉnh về lĩnh vực giải thưởng văn học nghệ thuật...
Đại hội đã thành công và bầu được 5 nhạc sĩ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Khóa X (nhiệm kỳ 2020 – 2025) tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 6 năm 2020 là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Dũng, nhạc sĩ Trần Anh Đức, nhạc sĩ Trần Văn Quang, nhạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, nhạc sĩ Phạm Hồng Thu, và 1 đại biểu dự bị là nhạc sĩ Triệu Tiến Phương.
*
* *
Trước đó, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ Chi hội lần thứ III, với nội dung báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2015 – 2020), phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2020 – 2025), bầu Ban Chấp hành mới.
Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Chi hội khóa III gồm 3 thành viên, nhiệm kỳ (2020 – 2025): Chi hội trưởng là ThS, nhạc sĩ Trần Anh Đức; Chi hội phó là ThS, nhạc sĩ Trần Văn Quang; ThS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân - Ủy viên.
Trong những năm qua, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La đã có một đội ngũ những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp và không chuyên bao gồm các nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công, nhà sưu tầm nghiên cứu, những người làm công tác bồi dưỡng, đào tạo và những người tổ chức biểu diễn. Kể từ Đại hội thành lập ngày 13/6/2009 đến nay, trải qua 2 kỳ Đại hội, Chi hội đã liên tục lớn mạnh và phát triển cả về tổ chức đội ngũ và hoạt động, tiếp tục kế thừa và phát huy có hiệu quả trong sáng tạo, biểu diễn, nghiên cứu, đào tạo, đóng góp tích cực vào thành quả chung trong bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực Văn học, Nghệ thuật tỉnh Sơn La.
Các sản phẩm âm nhạc của hội viên Chi hội luôn được đánh giá cao về chất lượng mọi mặt, được công chúng, khán giả yêu mến đón nhận bởi luôn hàm chứa và thấm đẫm tính nhân văn, chứa đựng tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, mang đậm bản sắc các dân tộc và hơi thở của cuộc sống.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La đã đề ra phương hướng mục tiêu cho nhiệm kỳ tới:
- Đẩy mạnh toàn diện các hoạt động nghề nghiệp cả về chiều sâu và bề rộng; sáng tác, quảng bá các tác phẩm về đề tài cách mạng, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước; đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Chi hội nhằm tập hợp, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để toàn thể hội viên Chi hội phát huy cao độ mọi hoạt động âm nhạc.
- Bám sát các sự kiện chính trị, lịch sử, các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của tỉnh, của khu vực, của đất nước để sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm âm nhạc đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ với mục tiêu tiếp tục phát triển nền âm nhạc tỉnh Sơn La tiên tiến, đậm đà bản sắc các dân tộc góp phần về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Về chuyên môn: Phấn đấu có nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đa dạng trong các mảng đề tài, các loại hình và thể loại âm nhạc, ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động âm nhạc của toàn thể Chi hội; đổi mới phương thức, tìm giải pháp để tổ chức các hoạt động âm nhạc nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; khuyến khích các nhạc sĩ đầu tư sáng tác các tác phẩm có giá trị sâu sắc về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, các tác phẩm khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc và các tác phẩm có qui mô lớn như giao hưởng, thính phòng.
- Tạo điều kiện để các nhạc sĩ tiếp tục đi sâu, đi sát cuộc sống, tìm tòi tư liệu và cảm hứng sáng tác, dần nâng cao tính chuyên nghiệp, chống mọi biểu hiện lệch chuẩn trong sáng tác, biểu diễn cũng như lý luận phê bình; tạo điều kiện để các nhạc sĩ tham gia các lớp, các khóa tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và các trại sáng tác của trung ương và địa phương tổ chức.
- Về công tác Chi hội: Tiếp tục duy trì, đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia các sự kiện âm nhạc, các liên hoan âm nhạc định kỳ của Trung ương Hội, của khu vực và địa phương tổ chức, nâng cao chất lượng tham gia các trại sáng tác và chất lượng tham gia Liên hoan âm nhạc, giải thưởng âm nhạc hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Đổi mới, nâng cao hoạt động của Ban Chấp hành, của toàn Chi hội, củng cố, phát huy mối quan hệ, liên kết chặt chẽ với Trung ương Hội, các chi hội bạn các tỉnh, thành phố; tăng cường giao lưu kết nối hoạt động âm nhạc với các khu vực, vùng miền trong cả nước.
Chú trọng công tác phát triển hội viên mới, chăm lo lực lượng trẻ ở các mảng hoạt động bao gồm cả sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận phê bình và đào tạo, nhằm tập hợp những người đã và đang hoạt động âm nhạc có tâm huyết, có đủ đam mê, hoạt động có hiệu quả để giới thiệu kết nạp vào Trung ương Hội Nhạc sĩ Việt Nam.