Trung Tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam: Lễ tổng kết năm 2019
Ngày 4 tháng 1 năm 2019, tại Khu Di tích Đình – Đền Hào Nam, Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết công tác năm 2019 và triển khai công tác năm 2020.
Đến dự có: GS.TS Phan Đăng Nhật - Viện Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NSƯT Hoàng Xuân Bình – Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; nhạc sĩ Thao Giang – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam; NSƯT Phạm Văn Ty – Phó Giám đốc Trung tâm; Đại diện lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn; Cục Di sản Văn hóa; các nghệ nhân, nghệ sĩ của các Câu lạc bộ nghệ thuật trực thuốc Trung tâm…
Năm 2019, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam có những hoạt động ghi dấu ấn tượng trên nhiều mặt: Đưa âm nhạc dân gian vào các trường Đại học; thực hiện những dự án đào tạo tập huấn âm nhạc dân gian cho nghệ sĩ trẻ chuyên nghiệp, tổ chức các Liên hoan đàn và hát đân ca ở các khu vực trên toàn quốc, mở rộng hợp tác và liên kết với các nhà hát, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình nghệ thuật sử thi về Hà Nội; ghi hình nhiều chương trình tiết mục nghệ thuật dân gian trên các Đài Truyền hình VTV, VTC, Truyền hình Quân đội... để quảng bá âm nhạc truyền thống cũng như hình ảnh của Trung tâm…
Về hoạt động biếu diễn:
Mở đầu là chuỗi chương trình nghệ thuật âm nhạc dân gian được diễn ra vào dịp Tết Kỷ Hợi tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, với nhiều xuất diễn gồm các loại hình âm nhạc dân gian như: Hát Văn, Ca Trù, Hát Xoan, Hát Xẩm, Hát Quan họ trên thuyền tại Hồ Bình Văn, chương trình thu hút hàng chục ngàn lượt người xem; biểu diễn phục vụ các Lễ hội: Lễ hội Đình Đền Hào Nam, Chùa Láng, Thường Tín, Thái Bình…; giao lưu văn hóa Việt Nam - Cu Ba; tham gia thuyết trình giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, giới thiệu cho sinh viên về âm nhạc dân gian; tổ chức Chương trình nghệ thuật “Thú chơi Thơ” nhằm tạo cho các nhà thơ đưa những tác phẩm thơ của mình được chuyển thể sang hát bằng các làn điệu dân ca như hát Văn, hát Chèo, hát Xẩm, Ca Trù, Quan họ, thu hút nhiều nhà thơ chuyên nghiệp cũng như không chuyên; hoạt động biểu diễn tại Sân khấu chợ đêm Đồng Xuân được duy trì đều đặn vào các đêm cuối tuần phục vụ khán giả trong và ngoài nước.
Năm 2019, Trung tâm được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) giao tổ chức chương trình biểu diễn giới thiệu âm nhạc dân gian tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, (thuộc Chương trình hành động Quốc gia về Du lịch năm 2019). Buổi diễn đầu tiên khai mạc vào sáng ngày 16/11/2019 và diễn thường xuyên vào sáng thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần cho đến cuối tháng 12/2019.
Về công tác truyền dạy:
Phối hợp với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổ chức 2 đợt chương trình tập huấn cho các nghệ sĩ trẻ, truyền dạy kỹ năng, lề lối hát các bộ môn Ca trù, hát Văn; tổ chức tập huấn cho các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam các bộ môn hát Xoan, hát Trống Quân, hát Bài Chòi, Nhã Nhạc, Múa Cung đình Huế...
Hoạt động nghệ thuật quần chúng:
Thường xuyên truyền dạy các bộ môn hát Văn, Ca Trù, hát Xẩm cho các cá nhân lực lượng quần chúng. Năm 2019 là năm thứ 3 liên tục tổ chức nhiều cuộc liên hoan đàn và hát Dân ca, âm nhạc dân gian cho sinh viên, học sinh và các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng trong toàn quốc, như: “Cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc dân gian đương đại lứa tuổi học sinh, sinh viên Hà Nội 2019” tại Hà Nội vào tháng 1; kỷ niệm 10 năm ngày Âm nhạc Việt Nam; “Liên hoan đàn và hát Dân ca Mùa Thu 2019” khu vực phía bắc vào tháng 8 tại sân khấu chợ đêm Đồng Xuân; Chương trình “Giao lưu nghệ thuật đàn và hát dân ca khu vực phía Nam” khối không chuyên lần thứ I tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5; Chương trình “Liên hoan đàn và hát dân ca Mùa thu 2019” khu vực phía Nam được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10.
Tham gia Liên hoan nghệ thuật:
Trung tâm đã huấn luyện và cử học viên tham gia “Liên hoan giai điệu Sơn Ca” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, kết quả có 1 thí sinh đã đạt Giải Nhì; tham gia Hội đồng giám khảo tại Liên hoan Câu lạc bộ hát Xẩm các tỉnh phía Bắc tại Ninh Bình.
Về phát triển sự nghiệp:
Trung tâm liên tục tổ chức các đợt Liên hoan đàn và hát Dân ca trong toàn quốc, vì vậy nhiều Câu lạc bộ nghệ thuật đều có nguyện vọng được tham gia là thành viên của Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Năm 2019 Ban Giám đốc Trung tâm đã xét duyệt công nhận 2 Câu lạc bộ và thành lập 1 đoàn nghệ thuât gồm: Câu lạc bộ Dân ca ba miền Phương Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian Tâm Thành tại Hà Nội; thành lập Đoàn nghệ thuật thanh thiếu niên Ánh Dương.
Năm 2019 Trung tâm đã vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho 1 thành viên là cụ Ngô Văn Đảm.
Về hoạt động của các Câu Lạc bộ:
Hầu hết các Câu lạc bộ đã chủ động công việc chuyên môn và có sự đầu tư về chuyên môn, điển hình như:
Câu lạc bộ Ca trù duy trì đều đặn truyền dậy cho các học viên ở các quận, huyện tại Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang), tham gia biểu diễn có hiệu quả trong các chương trình biểu diễn của Trung tâm; ra mắt cuốn sách về “Phương pháp dạy và học Ca trù” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội in ấn và phát hành.
Câu lạc bộ Dân ca Xứ Nghệ đã có những tiến bộ về chuyên môn, dàn dựng những tiết mục có chất lượng, tham gia biểu diễn các chương trình của Trung tâm cũng như các chương nghệ thuật tôn vinh di sản văn hóa, tôn vinh nghệ thuật dân ca Ví Giặm.
Câu lạc bộ đàn và hát thiếu nhi hoạt động khá đều và có những hoạt động nổi bật trong các chương trình biểu diễn, tham gia các kỳ Liên hoan nhiều học viên đã đạt được giải cao. Ban Chủ nhiệm đã tâm huyết xây dựng được nhiều tiết mục cho các cháu. Đặc biệt đã đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường trong hệ thống giáo dục phổ thông của FPT, phục dựng môn đàn Tỳ Bà giảng dạy trong trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội.
Đoàn nghệ thuật thanh thiếu niên Ánh Dương đã ra mắt và báo cáo chương trình, bước đầu ghi nhận sự nỗ lực và có một số tiết mục đáp ứng nhu cầu khán giả.
Câu lạc bộ Dân ca ba miền Phương Nam đã xây dựng được một số tiết mục tham gia Liên hoan Đàn và hát dân ca, giao lưu nghệ thuật các Câu lạc bộ phía Nam.
Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian Tâm Thành đã báo cáo ra mắt và có những tiết mục được ghi nhận đưa vào chương trình biểu diễn của Trung tâm.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, Trung tâm đã đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020:
Về chuyên môn, xây dựng chương trình tiết mục mới, nâng cao chất lượng chuyên môn về mọi hình thức; liên kết với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam thực hiện tiếp Dự án tập huấn về âm nhạc dân gian, xây dựng các tiết mục mới, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật; xây dựng “Đề án bảo tồn nghệ thuật truyền thống” với Quỹ Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại việt Nam để diễn tại sân khấu chợ đêm Đồng Xuân; tổ chức “Giao lưu nghệ thuật Câu lạc bộ đàn và hát dân ca các tỉnh phía Nam” khối không chuyên, chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020) tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức “Liên hoan ca khúc Cách mạng” khối không chuyên, chào mừng kỷ niệm 75 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020) tại Hà Nội; xây dựng hồ sơ đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam tròn 15 năm ngày thành lập; tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Trung tâm vào cuối quý III/2020.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có nhận xét:
“Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được thành lập năm 2005, đến nay đã bước sang tuổi thứ 15. Ngay từ những ngày đầu thành lập hướng phát triển của Trung tâm không chỉ về âm nhạc cổ truyền dân tộc mà còn có hướng phát triển cả những loại hình âm nhạc hiện đại, về sáng tác âm nhạc mới, nghiên cứu, lý luận, sưu tầm âm nhạc Việt Nam… gắn với các hoạt động đào tạo, biểu diễn, những hoạt động quảng bá rộng rãi, gìn giữ nền tảng, cốt lõi nền nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của cha ông ta để lại, không chỉ dân ca mà còn dân nhạc nữa, có cả đàn và hát… Chính vì vậy trong thời gian tới, Trung tâm cần nghiên cứu để đi vào hướng hoạt động nét hơn, nhận diện hoạt động một cách rõ ràng hơn.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam ghi nhận trong năm 2019, Trung tâm làm được rất nhiều việc, hoạt động rất hiệu quả, và khâm phục ý chí, phong cách nho nhã, khiêm tốn của các nghệ sĩ mà làm được việc cho xã hội, ngày càng thu hút các thế hệ học sinh, các nghệ sĩ biểu diễn đến với Trung tâm với lòng đam mê nghệ thuật vô tư trong sáng.
Trải qua gần 15 năm hoạt động, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, nguồn kinh phí, thu nhập của cán bộ, nghệ sĩ còn thấp, nhưng bằng tình yêu lớn cho âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, tập thể lãnh đạo, diễn viên của Trung tâm đã cống hiến thầm lặng cho âm nhạc dân tộc và đã khẳng định được vị thế của mình trên con đường phát triển nghệ thuật Âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam”.
GS.TS Phan Đăng Nhật đã đánh giá cao những thành quả đạt được của Trung tâm trong thời gian qua, đặc biệt là công lao tâm sức của Ban lãnh đạo Trung tâm.
Tại buổi lễ tổng kết đã có một chương trình nghệ thuật đặc biệt của các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm. Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sĩ Thao Giang; chỉ huy biểu diễn: nhạc sĩ Vũ Đức Huy, với các tiết mục:
Hoạt cảnh “Lới lơ xuống phố”, âm nhạc: NSND Hạnh Nho, đạo diễn: Anh Ngọc, biểu diễn: tốp nam nữ diễn viên Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam
Hát Xẩm Sai “Tiễu trừ tham nhũng”, biểu diễn: NSƯT Phạm Văn Ty và nghệ sĩ Vũ Đức Huy
Hát Văn Chầu “Cô Bé Đông Cương”, biểu diễn: nghệ sĩ Cầm Kiều Ngân và tốp nữ
Một số hình ảnh tại buổi lễ: